Trong số 7 sáng chế của đoàn Việt Nam được tặng huy chương vàng tại cuộc thi, sáng chế “Hệ thống trồng rau sạch trên mái nhà trong đô thị” đạt điểm cao nhất: 90/100 điểm.
Đây cũng là sáng chế đạt điểm cao thứ 3 toàn cuộc thi (hai sáng chế kia một của Indonesia, một của Nhật Bản). Tác giả sáng chế này là Nguyễn Châu Anh, lớp 11 chuyên hóa Trường THPT Hà Nội - Amsterdam và Nguyễn Đăng An, lớp 11 T1 Trường THPT Thăng Long, Hà Nội.
Không ai ngờ, sự có mặt của cả Châu Anh và Đăng An tại IEYI 2013 đã mang đến vận may cho đoàn Việt Nam. Theo TS Lê Xuân Thảo, Phó chủ tịch thường trực Quỹ Vifotec, Liên hiệp Các hội khoa học Việt Nam, từ năm 2004 đến năm ngoái, đoàn Việt Nam đi thi IEYI chỉ được thành tích cao nhất là huy chương đồng.
“Chúng tôi cho rằng nguyên nhân chủ yếu là thí sinh của ta tiếng Anh kém nên đã không làm ban giám khảo hiểu được ý tưởng của mình. Thường sau khi thí sinh trình bày ý tưởng (bằng một đoạn giới thiệu ngắn đã học thuộc lòng), ban giám khảo tiếp tục hỏi thì thí sinh ta không trả lời được. Nhưng do kinh phí hạn hẹp nên chúng tôi không thể thuê phiên dịch đi cùng.
Năm nay, may mắn là trong số các thí sinh có hai em học sinh Hà Nội rất giỏi tiếng Anh. Nhờ có hai em Châu Anh và Đăng An phiên dịch hộ mà ban giám khảo hiểu rõ hơn ý tưởng của thí sinh ta, giúp các em đạt điểm cao”, ông Thảo cho biết.
Đoàn Việt Nam tại IEYI 2013 - Ảnh: Nguyễn Giáp
Chắp cánh cho sáng tạo trẻ
Tuy nhiên, theo ông Thảo, yếu tố quyết định giúp đoàn Việt Nam năm nay đạt thắng lợi giòn giã là ở sự sáng tạo từ ý tưởng. Do biên độ lứa tuổi thí sinh dự thi rộng (từ 6 đến 19 tuổi), cuộc thi lại không chia theo độ tuổi để chấm giải nên cơ sở để đánh giá sáng tạo là ý tưởng chứ không phải ở mức độ hoàn thiện hay độ phức tạp về kỹ thuật của sản phẩm dự thi.
Ông Thảo nhận xét: “Có thể mô hình mà các em sáng chế chưa chuyển tải được đầy đủ ý tưởng, nhưng nếu thí sinh diễn giải được các em mong muốn tạo ra sản phẩm như thế nào và giám khảo thấy tâm đắc với diễn giải đó thì họ sẽ cho điểm cao”.
Dẫu biết quan trọng là ở ý tưởng, nhưng các thành viên trong đoàn dẫn học sinh sang Malaysia dự triển lãm vẫn nỗ lực làm hết những gì có thể với hy vọng khả năng sáng tạo của các em được đánh giá đúng mức. “Những năm trước, nếu sản phẩm nào cồng kềnh quá chúng tôi để ở nhà, chỉ mang theo mô hình mô phỏng.
Nhưng năm nay chúng tôi quyết tâm mang đi, kể cả robot cứu hộ của em Hoàng Duy Khánh, học sinh lớp 12 Trường THPT Lương Văn Tri - Văn Quang ở Lạng Sơn nặng 2 tạ. Không bõ công mang vác của chúng tôi, sản phẩm của em này cũng được huy chương vàng”, một thành viên đoàn kể.
Ông Nguyễn Xuân Thiều, Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật tỉnh Hà Tĩnh, cho rằng khả năng sáng tạo của học sinh Việt Nam không thua kém gì các nước trong khu vực. Tuy nhiên, không phải tất cả các em đều được phát hiện kịp thời cũng như được tạo môi trường để nuôi dưỡng khả năng đó.
“Ở tỉnh tôi có Trường tiểu học Xuân An I ở huyện Nghi Xuân, suốt 3 năm nay năm nào cũng có học sinh đi thi và đoạt giải quốc gia, năm nay trường đó có hai em đoạt huy chương vàng tại IEYI 2013. Nhưng rất ít trường được như thế, dù tôi tin rằng không phải do học sinh nơi đó thông minh hơn học sinh những nơi khác”, ông Thiều nói.
Theo Thanh nien online
26 comments