Những ngày qua, cả thủ đô Hà Nội như sống trong không khí lễ hội những ngày Arsenal có mặt tại đây. Ai cũng hứng khởi được chứng kiến những ngôi sao hàng đầu thế giới bằng xương bằng thịt và hàng ngàn người chờ cả đêm để đón “The Gunners” tại sân bay Nội Bài, rồi dõi theo họ ở mọi địa điểm như lăng Bác, chùa Một Cột, chùa Trấn Quốc hay tòa nhà Keangnam…
Tuyển Việt Nam đã thua kém Thái Lan quá nhiều về đẳng cấp
Trên sân Mỹ Đình, chúng ta đã thua tan tác Arsenal đến 1-7 trong một thế trận mà đoàn quân HLV Hoàng Văn Phúc gần như không tạo được cơ hội đáng kể nào. Bàn thắng danh dự mà Mạnh Dũng ghi được một phần đến khi các cầu thủ Arsenal đã có tư tưởng thư giãn, trong khi chính Arsenal cũng nhiều lần “lơi chân” nếu không tỷ số cũng có thể đậm đà hơn.
Người dân Việt Nam có lẽ quá mải miết chú ý đến các ngôi sao Arsenal trên sân, hoặc đổ dồn sự chú ý đến cậu sinh viên có biệt danh “Running Man” Vũ Xuân Tiến, mà ít ai chú ý đến màn trình diễn của các học trò HLV Hoàng Văn Phúc, những người có sứ mệnh phải nâng tầm nền bóng đá nước nhà.
Nhìn phản ứng của khán giả trên sân, nhiều người thậm chí còn hả hê khi Việt Nam ‘chỉ thua” 1-7, trong khi trước đó Indonesia lại thua “đến” 0-7. Khoảng cách 1 bàn gỡ danh dự tưởng như rất nhỏ bé đó lại được chúng ta thổi phồng quá mức, nhiều người còn nói rằng Việt Nam giành chiến thắng 1-0 trước Indonesia.
Sự hả hê của người hâm mộ còn được tiếp thêm bởi câu phát biểu “Việt Nam chơi tấn công xuất sắc hơn Indonesia” của HLV Arsene Wenger trong buổi họp báo. Đó là một câu nói xã giao lịch sự thông thường của một chiến lược gia dày dạn trận mạc và có kinh nghiệm…đi du đấu khắp nơi, nên sẽ thật nực cười nếu coi câu nói đó là định nghĩa đúng đắn về sức mạnh thực sự của bóng đá Việt Nam.
Teerathep Winothai cùng Thái Lan đã xuất sắc đánh bại MU
Trong buổi tối mà tuyển Việt Nam thua đau đớn Arsenal 1-7, Thái Lan cũng chỉ thua Chelsea của Mourinho 0-1 bởi quả 11m gây tranh cãi. Nhìn cái cách người Thái chơi bóng ai cũng nhận thấy sự khoa học, chặt chẽ và tinh tế, hiệu quả, khác hẳn với sự sơ đẳng trong phòng ngự của chúng ta trước Arsenal (như chính HLV Arsene Wenger nhận xét).
Mà tất nhiên nếu so sánh với Arsenal, rõ ràng cả MU lẫn Chelsea đều có đẳng cấp hơn hẳn, sở hữu nhiều ngôi sao sáng giá hơn. Họ cũng không thi đấu với tinh thần hữu nghị, vậy thì sao người Thái chơi được những trận đấu tưng bừng, sòng phẳng đến vậy còn đội tuyển Việt Nam lại không làm được.
Bóng đá Thái Lan có thể chững lại trong những năm gần đây, nhưng họ là một nền bóng đá có nền tảng vững chãi và đi đúng hướng trên con đường phát triển. Họ luôn vạch ra những lộ trình rõ ràng để hướng tới và luôn sẵn sàng chấp nhận chi nhiều tiền để đầu tư vào HLV ngoại. Còn ở Việt Nam, việc phương án dùng thầy nội hay thầy ngoại vẫn chưa đạt được sự thống nhất và mọi lựa chọn ở bất kỳ thời điểm nào cũng đều là giải pháp tình thế.
Người Thái Lan (hay cả Malaysia, Indonesia) đã quá quen thuộc với việc chứng kiến những đội bóng lớn ở nước Anh sang du đấu và sự hâm mộ của họ cũng chỉ ở mức vừa phải, chứ không cuồng nhiệt đến như Việt Nam trong 3 ngày Arsenal ở Hà Nội. Ở Thái Lan, hiếm khi các phe vé có thể tận dụng sự hâm mộ của người dân để có thể kiếm tiền từ việc bán vé với giá chênh lệch. Và ở Thái Lan, người hâm mộ của họ vẫn dành sự quan tâm đến đội tuyển của mình, chứ không hoàn toàn chỉ biết hướng một cách tuyệt đối đến những ngôi sao châu Âu.
Có thể, một hai trận giao hữu chưa phải là điều gì quá to tát, nhưng những gì mà đội tuyển (hay các ngôi sao) Thái Lan làm được trước MU, Chelsea là những điều mà bóng đá Việt Nam cần học hỏi nhiều hơn trong tương lai. Việc “đủ tiềm năng để đạt đến tầm cỡ Nhật Bản” mà Wenger đánh giá có lẽ quá tầm bóng đá Việt Nam, hoặc nếu có thể cũng là một tương lai quá... hoang đường.
Kim Anh
26 comments