Hợp đồng “lịch sử”
Sau AFF Cup 2012, Công Vinh bị chỉ trích, bị cười chê rất nhiều chỉ vì phong độ tệ hại của mình khiến ĐT Việt Nam sớm bị loại. Thậm chí, Công Vinh còn bị liệt vào nhóm cầu thủ “thi đấu với thái độ không thể chấp nhận được” và có thể bị “cấm cửa” trong các lần tập trung của ĐTQG sau đó.
Chưa hết, CLB BĐ Hà Nội giải tán, Công Vinh còn đứng trước nguy cơ ngồi chơi xơi nước ít nhất đến hết giai đoạn lượt đi của mùa giải 2013 do những vướng mắc hợp đồng với đội bóng của bầu Kiên. Khi ấy, dù đang ở trong tình cảnh “không chốn nương thân” nhưng Công Vinh vẫn nhận được sự quan tâm của CLB Consadole Sapporo. Đội bóng vừa phải xuống chơi ở giải hạng Nhì của Nhật Bản đã có những tiếp xúc ban đầu với Công Vinh, một số thông tin lọt ra ngoài và người ta ngay lập tức bán tín bán nghi về việc tiền đạo xứ Nghệ tự “vẽ” ra câu chuyện đàm phán hợp đồng với Consadole để PR cho bản thân.
Công Vinh xuất ngoại là một sự kiện “lịch sử” với bóng đá Việt Nam
Vì khoản tiền đền bù 2 năm còn lại trong hợp đồng với đội bóng của bầu Kiên, vì phong độ không được tốt ở thời điểm cuối năm 2012 ấy nên ngoài Consadole Sapporo thì một số đội bóng khác ở V-League hay giải hạng Nhất chẳng “dám” đụng đến Công Vinh. Thậm chí, khi ấy một ông bầu ở V-League còn thẳng thắn tuyên bố rằng “giờ có cho không Công Vinh tôi cũng không nhận”. Không một lời giải thích hay thanh minh, Công Vinh chọn giải pháp im lặng trước “búa rìu” của dư luận.
Sát thời điểm V-League 2013 khởi tranh, Công Vinh mới được về với SLNA với bản hợp đồng cho mượn chóng vánh. Phải chấp nhận giảm lương, thưởng và xa vợ xa con, nhiều người bảo vụ chuyển nhượng Công Vinh về với SLNA là bước lùi trong sự nghiệp của tiền đạo này.
Nhưng rồi CV9 vẫn im lặng, cách duy nhất mà anh chọn để chứng minh giá trị của mình là những gì thể hiện trên sân cỏ. Đó là những bàn thắng, những đường kiến tạo, là nỗ lực trong mỗi đường bóng trên sân đã đóng góp không nhỏ vào thành tích của đội bóng xứ Nghệ mùa giải này. Một lần nữa cái tên Công Vinh được người ta tung hô, được ca tụng như “người hùng” của SLNA.
Đùng một cái, Công Vinh lại khiến người hâm mộ sững sờ, khiến giới truyền thông xôn xao khi quyết định tạm chia tay SLNA để gia nhập Consadole Sapporo với bản hợp đồng “thời vụ” có thời hạn 4 tháng. Cái tên Công Vinh tràn ngập trên các mặt báo, trên các diễn đàn, các trang mạng xã hội. Thậm chí trang Goal.com phiên bản Thái Lan còn giật tít “Ngôi sao bóng đá Việt Nam chia tay quê hương để đến với Nhật Bản”, một số fan hâm mộ Consadole Sapporo cũng phần nào háo hức khi gọi Công Vinh với những mỹ từ như “người hùng bóng đá Việt Nam”, “Beckham của bóng đá Việt Nam”…
Không ồn ào sao được khi Công Vinh là cầu thủ Việt Nam đầu tiên dám đặt chân đến Nhật Bản, nền bóng đá “xuất khẩu” cầu thủ số một Châu Á sang các giải đấu hàng đầu Châu Âu. Không xôn xao sao được khi Công Vinh đang nắm giữ nhiều kỷ lục, đang là một trong những ngôi sao đáng xem nhất ở V-League 2013. Như cách nói của HLV Hữu Thắng thì Công Vinh đến Nhật sẽ để lại một khoảng trống mênh mông không chỉ ở SLNA mà với cả V-League. Dù vụ chuyển nhượng này có dính dáng đến yếu tố thương mại hay không thì đây vẫn có thể được gọi là sự kiện “lịch sử” với bóng đá Việt Nam.
Hành trình của một “Running Man”?
Không bị “ném đá” nhiều như khi Công Vinh chia tay SLNA để đến với Hà Nội T&T, như khi “lật kèo” với bầu Hiển để đến với bầu Kiên, hay lúc anh quay lại đội bóng quê hương hồi đầu mùa giải, lần này Công Vinh đến với đất nước Mặt trời mọc trong tâm thế ngẩng cao đầu khi xét cả về phong độ lẫn giá trị thương hiệu ở thời điểm hiện tại. Đây cũng là phần thưởng xứng đáng sau những nỗ lực không biết mệt mỏi của Công Vinh trong suốt sự nghiệp “quần đùi áo số” của mình.
Có thể Công Vinh chẳng phải là cầu thủ tài năng bậc nhất mà bóng đá Việt Nam từng sản sinh ra trong quãng thời gian một thập kỷ đổ lại đây, nhưng nếu xét về những thành công nhất định đã đạt được trong sự nghiệp thì không cầu thủ nào tại Việt Nam có thể chạy đua được với chân sút xứ Nghệ này. Ghi “bàn thắng vàng” giúp ĐT Việt Nam vô địch AFF Cup 2008, 3 lần giành “Quả bóng vàng Việt Nam”, ghi được 36 bàn trong 56 trận khoác áo ĐTQG, lọt đội hình tiêu biểu những cầu thủ Châu Á đáng xem nhất, ghi bàn liên tục trong 10 mùa giải ở V-League và sắp tiến đến mốc 100 bàn thắng trong lịch sử giải đấu cao nhất cấp CLB ở Việt Nam (Công Vinh đã ghi tổng cộng 99 bàn)…
Nhiều thử thách đang chờ Công Vinh trong chuyến “xuất ngoại” sắp tới
Để đạt được những thành tích ấy và ghi dấu ấn trong lịch sử bóng đá Việt Nam, người ta khâm phục Công Vinh với nỗ lực vượt lên chính mình, nắm bắt cơ hội và kiên trì theo đuổi những “mục tiêu cuộc đời”. Anh đã gặp nhiều sóng gió ngay từ khi gia nhập lò đào tạo trẻ xứ Nghệ cho đến lúc thành danh, phải nhận biết bao nhiêu những lời lẽ đắng cay từ dư luận trong những lần gia nhập “kết duyên” cùng bầu Hiển và bầu Kiên trước đây, hay đứng dậy sau chấn thương nặng gặp phải hồi năm 2010… Dẫu vậy, Vinh “còm” chưa một lần đầu hàng số phận và ngày càng có nhiều những bước tiến vững chắc trong sự nghiệp của mình.
Dù đang thi đấu thăng hoa, có cơ hội lớn để lần đầu tiên giành danh hiệu “vua phá lưới” mùa giải 2013 cũng như trở thành cầu thủ đầu tiên chạm mốc 100 bàn thắng trong lịch sử V-League, nhưng Công Vinh, cầu thủ luôn có ý chí vươn lên trong sự nghiệp, không bao giờ cho phéo mình tự hài lòng với những gì đã đạt được. Người ta nói “ở đâu có ý chí, ở đó có con đường”, Công Vinh đã chọn một con đường mới để đến với “những điều lớn lao hơn”, dù phải đánh đổi rất nhiều thứ.
Những ngày qua, dư luận đã nhắc nhiều đến cái tên “Running Man” Vũ Xuân Tiến như một tấm gương dám theo đuổi ước mơ tới cùng của mình với giới trẻ.
Nếu liên hệ đến câu chuyện theo đuổi mục tiêu, thực hiện bằng được khát vọng của mình với ý chí cao, thì Công Vinh cũng đang miệt mài với những kế hoạch của riêng anh trong cuộc hành trình trở thành một “Running Man” khác của bóng đá Việt Nam. Nhưng đấy là câu chuyện của giới truyền thông, của người hâm mộ, còn để khẳng định giá trị của mình Công Minh phải chứng minh được khả năng và ý chí của anh ở những dấu mốc mới trên sân cỏ của mình.
Rất nhiều thử thách đang chờ Công Vinh trong chuyến “xuất ngoại” sắp tới. Tiền đạo 28 tuổi này cần phải thể hiện được năng lực của mình về chuyên môn ở đất nước Mặt trời mọc, ra sân nhiều trận, có đóng góp đáng kể cho đội bóng mới về chuyên môn, cũng như để lại dấu ấn đẹp về hình ảnh cầu thủ Việt ở môi trường bóng đá chuyên nghiệp bậc nhất Châu Á trong 4 tháng sắp tới. Có như vậy, Công Vinh mới trở thành một “Running Man” thực thụ trong lòng người hâm mộ để người ta ghi nhận anh xứng đáng là một ngôi sao sân cỏ của bóng đá Việt Nam thay vì việc đàm tiếu quanh câu chuyện “đá bóng, hay quảng bá bia” đã được nhắc nhiều trong những ngày vừa qua.
26 comments