Những công ty đồng ý ký vào thỏa thuận bao gồm đại công ty bán lẻ Marks and Spencer của Anh, Hennes & Mauritz của Thụy Điển và Inditex, công ty mẹ của Zara, trụ sở ở Tây Ban Nha.
Theo dự trù thỏa thuận sẽ được chính thức ký trong vòng vài ngày tới, theo đó các công ty ký tên cam kết trả tiền sửa chữa cho xí nghiệp và bảo đảm thiết lập hệ thống hữu hiệu để thanh tra và giám sát tình trạng an toàn trong vấn đề xây dựng và phòng cháy chữa cháy.
Tập đoàn bán lẻ Mỹ Gap nói họ sẽ ký vào thỏa thuận nếu một số điều trong thỏa thuận được thay đổi.
Thỏa thuận sẽ được Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) giám sát.
Bangladesh là nước sản xuất mặt hàng may mặc lớn thứ nhì thế giới và ngành công nghiệp trị giá 20 tỷ USD này chiếm tới 80% tổng trị giá hàng xuất khẩu của Bangladesh.
Nước này có khoảng 4500 xí nghiệp may mặc, làm gia công cho các công ty thời trang phương Tây vốn bán sản phẩm với giá hơn giá gốc nhiều lần.
Người dân Bangladesh tiếp tục bày tỏ sự phẫn nộ sau các tai nạn làm chết nhiều người
Sau tai nạn khiến hơn 1100 người thiệt mạng và sau đó là những cuộc biểu tình bạo động, hàng trăm nhà máy ở Bangladesh đã bị buộc phải đóng cửa vĩnh viễn.
Trong nhiều tuần lễ sau vụ tai nạn, các tổ chức của người tiêu thụ và các nghiệp đoàn công nhân may mặc đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình phản đối các nhà bán lẻ trên khắp châu Âu. Người biểu tình đòi hỏi các công ty bán lẻ phải hành động để cải thiện điều kiện làm việc của những công nhân chế tạo ra sản phẩm may mặc.
Biagio Chiarolanza, Giám đốc chấp hành công ty Benetton phát biểu: “Chúng tôi quyết định ủng hộ bản thỏa thuận để tổ hợp chúng tôi có thể đi đầu trong việc đóng góp vào tiến trình cải thiện đáng kể và bền vững điều kiện làm việc và tình trạng an toàn ở Bangladesh”. Benetton, tổ hợp có khoảng 6500 cửa hàng bán lẻ tại 120 quốc gia, là một trong những công ty có hàng hóa được sản xuất trong tòa nhà bị sụp đổ.
Hàng hóa của hãng Primark của Anh và Mango của Tây Ban Nha cũng được sản xuất trong tòa nhà vừa nêu.
Danh sách đầy đủ của những công ty đồng ý ký tên vào thỏa thuận chưa được tiết lộ. Tuy nhiên, theo mạng lưới The Clean Clothes Campaign, tổ chức tranh đấu chống lại việc công nhân làm việc trong những điều kiện tồi tệ, cho hay công ty PVH, trụ sở ở Mỹ, là công ty mẹ của Calvin Klein, Tommy Hilfiger và Izod, cùng công ty Tchibo của Đức nằm trong số những công ty đầu tiên đồng ý ký tên vào thỏa thuận.
Hơn 1100 người thiệt mạng khi tòa nhà Rana Plaza bên ngoài thủ đô Dhaka sụp đổ hồi cuối tháng 4/2013
Reshma Begum, nạn nhân 19 tuổi được cứu khỏi đống đổ nát sau 17 ngày, nằm trong bệnh viện ở Savar
Ngày 15/5, tập đoàn bán lẻ lớn nhất thế giới, Walmart, ra lệnh kiểm tra tất cả 279 công xưởng của các nhà cung ứng cho công ty tại Bangladesh, và sẽ sớm công bố kết quả điều tra.
Đại diện Walmart hôm qua tuyên bố từ nay sẽ không mua sản phẩm từ bất cứ xưởng may nào không đạt tiêu chuẩn an toàn và không sửa chữa đầy đủ những gì được phát hiện.
Walmart hành động riêng rẽ với một thỏa thuận chung của nhiều nhà bán lẻ hàng may mặc và nhãn hiệu hàng đầu thế giới, để đòi các điều kiện làm việc tốt hơn tại Bangladesh. Trong các nhãn hiệu đồ may mặc đó có H&M, Zara, Tesco, Calvin Klein, và Izod.
Ngày 14/5, các giới chức ở Bangladesh cho biết họ đã kết thúc việc tìm kiếm nạn nhân của vụ sập xưởng may giết chết 1.127 người.
Trước đó ngày 12/5, chính phủ Bangladesh đã loan báo kế hoạch nâng mức lương tối thiểu cho các công nhân may mặc và cho phép dễ dàng thành lập công đoàn. Với mức lương 38 USD/tháng, công nhân Bangladesh được xem là thành phần lãnh một trong những mức lương thấp nhất thế giới.
Công ty Walmart tuyên bố sẽ không mua sản phẩm từ bất cứ xưởng may nào không đạt tiêu chuẩn an toàn.
26 comments