bột lá nếp
cao chè vằng quảng trị
Tin Nóng doanh nghiệp
bột màu thực phẩm hoa đậu biếc
Chân tướng “thần y” ở Bắc Giang

Chân tướng “thần y” ở Bắc Giang

 Bỗng dưng thành “thần y”

 

Dù báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng đã nhiều lần “lột trần” những chiêu bài của những người tự xưng là thần y chữa bách bệnh bằng những phương pháp và chiêu trò quái đản, phản khoa học. Thế nhưng, gần đây dư luận Bắc Giang lại xôn xao đồn thổi về sự xuất hiện của một vị “thần y” trẻ tuổi tài cao với biệt tài “vận công, tung chưởng” để chữa bệnh. Y là Hoàng Văn Viện (sinh năm 1969).

 

Sáng Chủ nhật, đoán chắc hôm nay là ngày nghỉ sẽ có nhiều người bệnh tìm đến nhà “thần y” Viện chữa bệnh nên chúng tôi quyết định thử một lần làm bệnh nhân để yết kiến vị “thần y” này. Đến đầu xóm Cả, hỏi thăm đường vào nhà “thầy” Viện không khó bởi người dân nơi đây chẳng ai lạ lẫm ông ta. Để thuận lợi cho quá trình khai thác tư liệu, chúng tôi phải tìm hiểu cặn kẽ thông tin về vị “thần y” quái đản này. Vừa thấy chúng tôi hỏi đường, bà Nguyễn Thị Thanh, người cùng xóm nhiệt tình chỉ dẫn: “Nhà ông Viện ở ngay sát kênh, vào dịp này ông ấy đang xây nhà mới. Cứ đi đến chỗ có nhiều gạch ngói, đá cát tập kết là biết”.

 

 

Chân dung "thần y" Hoàng Văn Viện

 

Lân la hỏi chuyện về những người đến chữa bệnh tại nhà ông Viện, bà Thanh cho biết: “Thời gian trước, mỗi ngày phải có đến hàng trăm người tìm đến xếp hàng, chen chân để chữa bệnh. Khách đến nhiều nhất là vào dịp ra tết, khách tứ xứ thập phương đổ về nườm nượp với mong muốn “có bệnh thì vái tứ phương”. Ai tín về “đường âm” nếu may thì khỏi bệnh”. Chúng tôi thắc mắc chưa hiểu rõ như thế nào là “đường âm” thì ngay lập tức được bà Thanh giải đáp “đường âm” là những ai tin về duy tâm. Bởi như lời bà Thanh nói thì “thầy” Viện có được “công năng” chữa được bách bệnh như thế này là do người âm ban “lộc” cho.

 

Câu chuyện ông Hoàng Văn Viện bỗng dưng trở thành “thần y” được người dân nơi đây kể lại. Đó vào đầu năm 2012, UBND xã Mỹ Thái đã tổ chức đưa hài cốt liệt sĩ là con em địa phương đã hy sinh trong các cuộc kháng chiến từ các địa phương khác trở về địa phương mình. Họ hàng nhà ông Viện có 2 liệt sĩ. Năm đó, ông Viện đã thay mặt họ hàng, anh em, người thân lên đường đưa các hài cốt liệt sĩ về yên nghỉ tại quê nhà.

 

Ngay sau đó, ông Viện nổi tiếng về khả năng chữa được bệnh bằng cách “đấm, bóp, nắn, vận công và tung chưởng”. Cũng từ đó, tên tuổi của vị “thần y” nổi như cồn. Tên tuổi ông ta “bay xa”, nhưng sự thật về biệt tài chữa bệnh thì có lẽ chưa có một cơ quan nào nghiên cứu, đánh giá và đưa ra được nhận định cụ thể.

 

Chiêu trò chữa bệnh quái đản

 

Đồng hồ đã chỉ 11 giờ 30 phút, khi chúng tôi có mặt tại nhà “thầy” Viện vào lúc giữa trưa, không khí oi nồng, ngột ngạt. Hàng chục con người chủ yếu là phụ nữ, trong số đó đa phần là những người già đang ngồi vật vờ trên những chiếc ghế, dựa lưng vào tường để đợi đến lượt chữa bệnh. Sự xuất hiện hai thanh niên lạ mặt như chúng tôi khiến cơn buồn ngủ của những người đến đây chữa bệnh bỗng tan biến.

 

Tất cả họ đều nhìn chúng tôi. Sau khi tìm được chỗ ngồi hợp lý, chúng tôi mới có dịp được diện kiến vị “thần y” mà nhiều người lâu nay vẫn tôn sùng.

 

Căn phòng nhỏ được ông Viện dùng để làm nơi chữa bệnh rộng chừng 8m2. Trước đây, căn phòng này là chuồng nuôi lợn của gia đình mới được ông Viện tu sửa lại. Một chiếc giường, đủ chỗ để cho một người bệnh nằm. Chiếc chăn ngả màu cháo lòng được trải lên trên đó. Bệnh nhân gọi đến được nằm lên giường để bắt đầu cho “thầy” Viện “tra tấn”.

 

Hoàng Văn Viện đang chữa bệnh

 

 

Chân tướng ông Viện chẳng có gì đặc biệt. Vị “thần y” cao chừng 1,65m, nước da ngăm đen, đầu cắt “cua”, tóc đen nhánh và hơi xoăn, vầng trán bé, thấp. Y mặc chiếc áo lót trắng, sơ-vin đang cố “vận công” để “chưởng” những “đòn” đủ lực lên nhiều chỗ trên thân người phụ nữ trạc tuổi 50 bị mắc phải căn bệnh đau lưng bằng đôi cánh tay lực lưỡng vốn đã chai sạn.

 

Theo yêu cầu của “thầy”, sau khi hết nằm sấp, người phụ nữ này lại quay sang nằm ngửa để tiếp tục “thầy” nắn, bóp vào những “huyệt đạo” cần thiết nhằm mục đích làm cho bệnh tình thuyên giảm trong nay mai. Thấy người lạ, đôi mắt của ông ta bỗng dưng trở nên hung hăng và dữ tợn. Ông Viện nhìn chúng tôi với vẻ xoi mói từ đầu đến chân rồi để ý canh chừng.

 

“Thần y” tiếp tục và bắt đầu vén áo quá rốn, kéo quần xuống ngang quá mông của người phụ nữ này. Tay y đặt lên vùng dưới rốn người bệnh rồi xoa xoa, thi thoảng thầy nắn nắn, bóp bóp xung quanh vùng ngực của người phụ nữ. Có mặt ngay buổi hôm đó, thanh niên như chúng tôi phải ngượng đỏ mặt không dám chăm chú nhìn bởi những chiêu, trò chữa bệnh kỳ quặc không giống ai của ông ta. Những người đàn ông trung tuổi khác ngồi xung quanh cũng phải giả bộ đánh ánh mắt ra ngoài, kẻo không nhịn được cười.

 

Ngồi quan sát một buổi, chúng tôi nhận thấy cách chữa bệnh của “thầy” Viện chỉ diễn ra chừng 5 phút cho một người. Cứ như thế, những người kế cận theo thứ tự, ai đến trước thì vào trước sẽ được ông Viện “hành hạ”. Để tránh những người ngồi chờ đỡ nhàm chán, thi thoảng ông Viện đổi “bài”. Lúc cao hứng, “thần y” đứng lên lưng người bệnh tha hồ mà nhún nhảy, uốn éo.

 

Sau màn đấm bóp với người phụ nữ bị đau cột sống lưng, người tiếp theo được ông Viện gọi vào là ông Trần Văn T (71 tuổi) ở thị trấn Từ Sơn, Bắc Ninh. Vốn bị tai biến mạch máu não từ hơn nửa năm nay, gia đình khó khăn, phải bán hết gia tài để đưa ông lên Bệnh viện Bạch Mai may mới tai qua nạn khỏi. Xuất viện, nhưng ông T sức khỏe rất yếu, không thể tự đi lại được, mọi sinh hoạt của bản thân phụ thuộc vào người khác. Được người quen mách bảo, gia đình đưa ông T đã tìm đến “thầy” Viện với mong muốn bệnh tình ông T sẽ được chữa khỏi dưới bàn tay đầy “sinh khí và công lực” của ông Viện.

 

Phải khó khăn lắm, bà vợ ông T mới dìu được chồng đến nằm trên giường. Ông T không tự đi được, toàn thân rung giật liên hồi, đôi chân khập khiễng, chỉ cần người vợ buông tay là ngay lập tức, ông T ngã dúi dụi.

 

Khi ông T đã yên vị ở giường, Viện bắt đầu “vận khí”. Tiếp đến, y túm lấy tay, chân ông T giật lia lịa. Đôi chân to khỏe ông Viện dẫm, đạp lên tấm thân gầy còm cõi chỉ còn da bọc lấy xương của ông T. Sau những lần bị giẫm đạp… ông T nhăn nhó, rên rỉ vì đau đớn, có lúc phải “rống” lên. Những lần như thế, “thầy” Viện lại hỏi to: “Có đỡ không ông, ông đau chỗ nào, thế đã đi được chưa?”.

 

Hỏi xong, Viện lật người ông T và tiếp tục giẫm đạp. Bà H, vợ ông T cho biết, gia đình đưa ông T đến đây được đúng một tuần nay rồi. Vì ông T không đi lại được nên đành phải ở trọ cạnh nhà “thầy” Viện cho tiện việc chữa trị.

 

Việc chữa bệnh của người được gọi là “thần y” này còn nực cười hơn khi bệnh nhân là những cô gái trẻ, những bạn sinh viên. Ngày thứ hai chúng tôi có mặt tại nhà ông Viện, chứng kiến cảnh một sinh viên Trường cao đẳng Sư phạm Bắc Giang đến để bắt bệnh. Bạn trẻ trình bày: “Cháu thi thoảng bị đau lưng và đau ở vùng bụng, hay bị choáng và chóng mặt”.

 

Nghe xong bệnh tình, ông Viện kêu cô gái nằm ngửa. Dù biết là ngại ngùng nhưng cô bạn trẻ vẫn cố nhắm mắt để thầy “bắt” đúng bệnh ở người. Cũng với chiêu thức và phương pháp nắn bóp, sờ soạng, cô bạn trẻ được một phen hú vía bởi “lãnh đủ” những “đòn độc” đến rợn người, sởn gai ốc khiến cô bạn trẻ một đi không dám trở lại. Mỗi người bệnh, ông Viện ra một “đường quyền” khác nhau giống như những diễn viên điện ảnh đóng trong các bộ phim hành động nổi tiếng của Hồng Công…

 

Bệnh thuyên giảm, lễ tùy tâm

 

Biết chúng tôi là người lạ từ xa mới đến lần đầu để chữa bệnh, những người đi trước vốn đã ăn chực nằm chờ ở đây mách nước: “Các cháu vào đặt lễ xin “ngài” đi. Giờ đặt lễ thì phải đến chiều may ra đến lượt thầy mới chữa cho”.

 

Chúng tôi hỏi về quy trình và thời gian chữa bệnh của “thầy” Viện như thế nào thì được cụ Sen 65 tuổi, quê ở Việt Yên (Bắc Giang) cho biết: “Sáng sớm 7 giờ thầy bắt đầu làm việc. Hôm nào đông bệnh nhân thì đến 12 giờ 30 phút thầy mới nghỉ tay. Tối, khoảng 20 giờ thầy thôi việc chữa bệnh, những ai ở xa nếu đợi đến lúc tối để được thầy chữa bệnh cho thì có thể thuê nhà trọ cách nhà thầy Viện mấy bước chân. Ở đó có cả chỗ trọ và dịch vụ ăn uống nữa. Bởi một lẽ đơn giản như “thầy” nói là nếu như đã đến chữa bệnh thì phải đến thường xuyên thì may ra mới kiểm tra được sức khỏe, bệnh tình để có phương pháp chữa trị tốt nhất”.

 

 

 

Mỗi ngày có hàng chục người tìm đến ông Viện để chữa bệnh

 

 

Bà Sen kể, bà đến đây được độ chừng chục ngày rồi. Bà bị thoái hóa cột sống, đến nay bà cảm thấy bệnh đã đỡ đi rất nhiều, người khỏe hơn. Vốn già cả, sức khỏe yếu, nhà neo người, con cháu bận làm ăn nên bà Sen phải nhờ người hàng xóm chở đi. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, bệnh nhân đến đây đặt lễ tùy tâm (lễ bằng tiền - PV), ít nhất là 10.000 đồng, 20.000 đồng và nhiều hơn nữa. Đang mải “vận khí, nội công” để đấm bóp cho người bệnh, khi nghe chúng tôi hỏi về lễ lạt tùy tâm như thế nào thì mắt thầy Viện sáng rực lên.

 

Ông ta ngoái đầu nhìn về phía chúng tôi với vẻ tự tin, đầy hứng khởi. Hình như với ông ta, những đồng tiền polyme với các mệnh giá khác nhau đã làm mắt ông ta sáng lên. Tùy vào những tờ tiền với những mệnh giá khác nhau mà y sẽ có cách đấm bóp “tung chưởng” ở những thời gian dài ngắn khác nhau.

 

Nghe lời cụ Sen, tôi móc ví lấy hai tờ 20.000 rồi khép nép, lễ phép cúi qua trước mặt những người lớn tuổi để đặt vào hai chiếc bàn thờ nhỏ nằm sát nhau ngay cạnh bên chiếc giường trong căn phòng nhỏ mà ông Viện dùng để chữa bệnh cho mọi người. Chiếc bàn thờ nhỏ với đầy hoa quả và nghi ngút khói hương.

 

Trên đó có nhiều xấp tiền được xếp sít vào nhau cao chừng độ một gang tay. Nhiều người có kinh nghiệm đi trước cho biết, “luật bất thành văn” mỗi khi đến đây chữa bệnh là “lễ lạt tùy tâm, mỗi một hôm đến là đặt tiền một lần. Nếu khỏi bệnh thì phải trả lễ và hậu tạ thầy và “cảm ơn” bao nhiêu thì tùy”.

 

Những người bệnh đến đây đều với một mong muốn để bệnh được nhanh khỏi và tự cảm thấy mình không bị ép buộc. Có lẽ với chiêu bài như thế mà hơn một năm nay “thần y” Viện đã “móc túi” những người nhẹ dạ, cả tin. Hôm chúng tôi đến, ông Viện đang thuê thợ xây nhà mới khang trang. Ngôi nhà cũ tường bằng đất đã được dỡ bỏ. Số tiền dùng để làm nhà mới có ai dám chắc không phải do hành nghề chữa bệnh của ông ta mà có?

 

Không giấy phép, không bằng cấp vẫn hành nghề

 

Tại sao ông Hoàng Văn Viện đã hành nghề như vậy đã hơn một năm mà không bị cơ quan chức năng, chính quyền địa phương kiểm tra và dẹp bỏ? Trao đổi với ông Hoàng Văn Tân - Trưởng công an xã Mỹ Thái cho chúng tôi biết, ông Viện hành nghề chữa bệnh được hơn một năm nay, hầu như ngày nào cũng rất đông người (chỉ trừ ngày mùng Một và ngày Rằm). Người dân chủ yếu ở các địa phương như Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hải Dương… Vợ chồng ông Viện có 2 đứa con, trước đây ông ta làm nghề thợ mộc, vợ làm ruộng, chăn nuôi, kinh tế gia đình khó khăn.

 

Vào đầu tháng 4/2013, Trung tâm Y tế huyện Lạng Giang, y tế xã, đồng chí Phó chủ tịch UBND xã Mỹ Thái đã tiến hành kiểm tra trường hợp của ông Viện nhưng ông ta không có giấy phép hành nghề. Chúng tôi thắc mắc tại sao tình trạng “thần y” Viện hành nghề lâu năm tại địa phương nhưng không bị can thiệp, xử lý?

 

Về điều này, ông Tân giải thích: “Việc ông Viện chữa bệnh không gây rối, mất an ninh trật tự tại địa phương nơi ông sinh sống. Mặt khác, ông Viện cũng không trực tiếp đứng ra thu tiền, không bán thuốc, mọi người đến đây đều là tự nguyện nên chính quyền xã cũng không có lý do gì để đến kiểm tra hay xử phạt”.

 

Dư luận nghi ngại và đặt ra nhiều câu hỏi, liệu Hoàng Văn Viện có khả năng chữa được bách bệnh bằng phương pháp giẫm đạp không thì hiện chưa có một cơ quan chức năng nào kiểm chứng, kết luận? Thiết nghĩ, cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang cần sớm khẩn trương vào cuộc điều tra và làm rõ, tránh gây mê tín dị đoan và tiền mất, tật mang cho người dân.

 

 

 

 

26 comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

*

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>