Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, công việc chuẩn bị đã hoàn tất. Việc lấy phiếu sẽ thực hiện theo đúng quy định. Ban kiểm phiếu gồm ĐBQH các địa phương, các ngành, sẽ thực hiện khách quan, dân chủ.
Kết quả lấy phiếu sẽ được công bố ngay sau khâu kiểm phiếu, theo 3 mức độ: tín nhiệm cao, tín nhiệm, và tín nhiệm thấp (có số phiếu cụ thể). Khi bị tín nhiệm thấp dưới 50 % phiếu thì phải xem xét, hai lần liên tiếp sẽ đưa ra bỏ phiếu.
Quốc hội có nhận được thông tin nào về vận động, chạy phiếu không thưa ông?
Cho đến nay, chúng tôi chưa nhận được thông tin nào như vậy. Nhưng tôi nghĩ, ĐB nào mà làm thế thì sẽ mất uy tín, sẽ bị phát hiện ra ngay. Nhưng chưa thấy ai có ý kiến nào với Thường vụ về việc đó. Cũng phải nói thêm, thời điểm này cũng chưa có ý kiến nào của cử tri phản ánh, kiến nghị về một vấn đề nào đối với những vị trong danh sách lấy phiếu.
Dư luận cho rằng gần tới kỳ lấy phiếu, một số ĐB trong diện lấy phiếu hoạt động lặng lẽ hơn, phát ngôn dè dặt hơn, có phải do tác động của lấy phiếu?
Tôi nghĩ đấy là do quyền của mỗi người. Hỏi người ta, người ta trả lời hay không thì đó là quyền. Không nên suy diễn.
Đại biểu QH thảo luận về Luật Thi đua, khen thưởng chiều 8/6. Ảnh: TTXVN.
Suy nghĩ khi cầm lá phiếu
Ông có nghĩ ĐBQH sẽ xuê xoa trong lần bỏ phiếu này không?
Phải theo đúng quy định là Nghị quyết 35 của UBTVQH để làm chứ. Đối tượng bỏ phiếu và lấy phiếu đều phải thực hiện nghiêm. Ai “tín nhiệm cao” chứng tỏ hoàn thành tốt nhiệm vụ, “tín nhiệm” thì là hoàn thành nhiệm vụ, còn người “thấp” (dưới 50%) thì không hoàn thành nhiệm vụ. Chúng ta không nên đánh giá ĐBQH xuê xoa đâu, vì ĐB cũng có suy nghĩ, có trách nhiệm. ĐBQH đại diện cho dân, phải lĩnh hội ý kiến nhân dân, phải suy nghĩ khi cầm lá phiếu.
ĐB cho rằng trước khi lấy phiếu, có ít thời gian thảo luận quá và có ý kiến nên để chất vấn xong sẽ lấy phiếu, nhưng QH lại lấy phiếu trước ?
Chúng tôi đã bàn rồi. Nhưng nếu như vậy, những người chất vấn kỳ này sẽ có sự so sánh như thế nào với những người chưa chất vấn? Tốt nhất chúng ta công bằng, lấy phiếu xong mới chất vấn.
Vậy trước phiên bỏ phiếu,cá nhân ông chia sẻ gì? Ông có ấn tượng với người nào trong danh sách lấy phiếu?
Tôi vừa là đối tượng lấy phiếu đồng thời cũng là người bỏ phiếu, nên rất suy nghĩ. Mình đại diện cho dân, mình đã tiếp xúc cử tri, đã đọc các báo cáo giám sát, qua tiếp xúc với các vấn đề thảo luận trên hội trường về các lĩnh vực thì mình đã có suy nghĩ: Ngành nào, lĩnh vực nào có thế mạnh, ai hoàn thành tốt nhiệm vụ, để mình bỏ phiếu được chính xác.
Các Báo cáo công tác, cộng với suy nghĩ của tôi, sẽ là cơ sở để tôi bỏ phiếu. Còn nói ai ấn tượng thì có lẽ trả lời bây giờ là hơi sớm.
Vừa qua Hà Nội và TPHCM khi lấy phiếu thì không thấy có vấn đề gì, ông có lo việc lấy phiếu tại Quốc hội sẽ “hòa cả làng”?
Cái chính là chúng ta phải đánh giá chính xác chứ không phải “hòa” hay không hòa mới là tốt. Kết quả phải trên cơ sở đánh giá của ĐB về đối tượng nào đó, chứ không nhất thiết là qua lấy phiếu phải có ông nào đó bị tín nhiệm thấp. Một bộ có rất nhiều lĩnh vực, cho nên có thể mảng này không tốt nhưng mảng kia lại tốt, phải đánh giá toàn diện.
Phải hoàn thành nhiệm vụ
Với ông khi đánh giá, tiêu chí nào ông sẽ đặt lên hàng đầu?
Tôi nghĩ tiêu chí đầu tiên là hoàn thành nhiệm vụ, dân giao cho anh thì anh phải hoàn thành, nếu không hoàn thành thì còn nói gì nữa. Tiếp theo là phẩm chất đạo đức của anh. Đây là hai cái đi song song.
Có ý kiến cho rằng, các báo cáo công tác chưa đề cập rõ trách nhiệm của các bộ ngành cũng như tư lệnh bộ ngành, ông nghĩ sao?
ĐB chúng tôi đọc là biết ngay. Bộ anh có tồn tại mà anh diễn giải thì ĐB cũng biết, nhưng họ có quyền diễn giải. Ví dụ, hôm qua có vị diễn giải vì sao tỉnh Thanh Hóa đầu tư nhiều thế, nhưng qua diễn giải mình hiểu ra ngay.
Đây là lần đầu tiên sau gần 70 năm QH mới tiến hành việc lấy phiếu, chắc chắn còn phải rút kinh nghiệm nữa, nhưng chúng ta tin rằng lần sau sẽ tốt hơn.
Cảm ơn ông.
Theo Tien phong online
26 comments