Từ cuộc “thương thảo”
Ông Nguyễn Văn Sáu, trú tại xóm Vọt, thôn Yên Nhân, xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, Hà Nội có mảnh đất ở cạnh mương Miếu Bà đến cổng xóm Vọt được cha ông để lại và đã sử dụng không tranh chấp từ khi thành lập thôn Yên Nhân. Trong quá trình sử dụng, gia đình ông Sáu luôn hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước về sử dụng đất.
Một số người dân tại thôn Yên Nhân cho biết, năm 2007 UBND xã Tiền Phong có chủ trương làm đường giao thông qua khu vực mương Miếu Bà. Do lối đi cũ từ cổng Vọt vào bên trái con mương nước bị cụt tại Miếu Bà, để có lối đi ra trục đường chính thì con đường đi phải được mở bên phải mương Miếu Bà. Tuy nhiên, việc mở đường bên phải Miếu Bà lại đi qua khu đất của một số hộ gia đình, trong đó có hộ gia đình ông Nguyễn Văn Sáu. Vì thế mà một hội nghị giữa các bậc cao niên và những người đại diện của xóm Vọt được tổ chức ngày 13-12-2007 tại Điếm xóm Vọt.
Sau hội nghị, một biên bản cam kết thỏa thuận được lập đã nêu rõ: “…tạo điều kiện thuận lợi cho tập thể thi công tuyến đường từ mương Miếu Bà đến cổng Vọt thôn Yên Nhân… gia đình ông Sáu đồng ý cho thôn chặt toàn bộ cây cối liên quan đến việc xây dựng đường bê tông… Tập thể chưa giải quyết dứt điểm đơn thư của gia đình thì chưa được đổ bê tông phần đất của gia đình ông Sáu…”. Cũng tại biên bản này, ông Sáu có ý kiến: “Gia đình tạo điều kiện cho chính quyền thôn xóm với điều kiện đi nhờ. Sau khi giải quyết xong mới được đổ bê tông phần đất nhà tôi”. Biên bản này được UBND xã Tiền Phong xác nhận.
Ông Sáu không hiểu vì sao đất của mình cho tập thể mượn nhưng lại bị xử phạt?
Đến chữ “giáp” mập mờ
Năm 2008, bất chấp phản ứng của gia đình do chưa thỏa thuận xong, dưới sự chỉ đạo của UBND xã Tiền Phong, phần đất của gia đình ông Sáu bị đổ bê tông. UBND xã Tiền Phong ra bản kết luận số 01/KL-UBND ngày 26-8-2008 khẳng định nội dung đơn của gia đình ông Sáu không được xem xét giải quyết. Lý do không giải quyết mà UBND xã Tiền Phong đưa ra là phần đất nói trên của gia đình ông Sáu đã “hiến tặng…”(?) Ông Sáu cho biết: “Tại biên bản lập ngày 13-12-2007 khi tôi đọc lại và ký thì được ghi rõ là: “…phần đất của gia đình ông Sáu”. Nhưng sau khi tôi nhận được bản photo có xác nhận của UBND xã thì lại biến thành: “…phần đất giáp của gia đình ông Sáu”. Trong đó, từ “giáp” được viết thêm ai cũng có thể nhận biết được. Sau đó, phần đất tôi cho nhờ biến thành đất tôi hiến tặng”.
Sau nhiều lá đơn gửi UBND xã Tiền Phong và UBND huyện Mê Linh không được giải quyết thấu tình đạt lý, ông Sáu đã xây dựng tường bao để yêu cầu UBND xã Tiền Phong phải đảm bảo quyền lợi về diện tích đất trên cho gia đình ông. Tuy nhiên, không những yêu cầu chính đáng của gia đình ông Sáu không được giải quyết, ngày 28-4-2009, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh là bà Trần Thị Mai lại ký Quyết định số 3209/QĐ-XPHC xử phạt gia đình ông Sáu 5 triệu đồng với lý do ông Sáu “chiếm đất phi nông nghiệp, diện tích vi phạm là 93m2”?! Ông Sáu bức xúc trao đổi với PV: “Chẳng lẽ tôi bị UBND huyện Mê Linh xử phạt vì… tôi đã chiếm đất của gia đình mình”?
Quá trình xác minh vụ việc, PV được nhiều người dân thôn Yên Nhân phản ánh: “Đất của gia đình ông Sáu bị chiếm nhưng lại bị xử phạt. Vậy mà tại xóm Chùa, có một vị cán bộ đang công tác tại UBND xã Tiền Phong đã biến cả một đoạn bờ kênh thành đất thổ cư nhà mình thì các cấp chính quyền lại… bỏ qua” (nội dung này, báo PL&XH sẽ có bài điều tra riêng). Vậy tại sao khi giải quyết vụ việc liên quan đến đất của gia đình ông Sáu, UBND huyện Mê Linh và các cơ quan chức năng lại bỏ qua việc ông Sáu cho tập thể mượn đất, chuyển thành việc ông Sáu đã hiến tặng đất? Ông Lê Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Tiền Phong cho biết: “Đã có nhiều công văn trả lời đơn của ông Sáu nhưng chưa được ông Sáu chấp thuận. Hiện tại cần phải đợi kết luận của các cơ quan chức năng và UBND huyện Mê Linh”.
Theo quan điểm của luật sư Hoàng Tùng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội: “Nếu việc thi công đường bê tông đó thuộc dự án được phê duyệt thì UBND xã Tiền Phong cần lập hồ sơ trình UBND huyện Mê Linh để làm thủ tục thu hồi, đền bù đất cho gia đình ông Sáu. Sau đó mới GPMB và thi công đường. Trường hợp làm đường do nhân dân tự đóng góp thì cần có sự thỏa thuận, nếu ông Sáu không đồng ý hiến tặng thì tập thể phải thỏa thuận mua lại phần đất của gia đình ông Sáu rồi mới được thi công đường”.
Theo Pháp luật và xã hội
Website: http://doanhnghiep24hvn.com
26 comments