Người xin việc xếp hàng dài bên ngoài một trung tâm việc làm của Tây Ban Nha. (Nguồn: Reuters)
Le lói tín hiệu tăng trưởng
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) mới đây nhận định tín hiệu tăng trưởng đã bắt đầu xuất hiện ở Eurozone, đặc biệt là Đức. Song, tại Pháp và Italy, hai nền kinh tế lớn thứ hai và ba ở Eurozone, triển vọng tăng trưởng vẫn chưa mạnh.
Tuy nhiên OECD cho rằng, các chỉ số kinh tế hàng đầu của Pháp cho thấy hoạt động kinh doanh đang có chiều hướng ổn định. Tương tự, kinh tế Italy cũng đang đi vào giai đoạn ổn định hơn, so với sự suy giảm trong thời gian gần đây.
Nhà kinh tế trưởng Chris Williamson từ Công ty nghiên cứu Markit nhận định kinh tế Eurozone dự kiến sẽ chỉ thu hẹp 0,2% trong quý 1/2013, so với mức giảm 0,6% trong quý 4/2012. Nhưng dù sao theo ông Williamson, khoảng cách về tăng trưởng giữa Đức và Pháp trong năm nay sẽ lại ở mức lớn nhất trong lịch sử khảo sát kéo dài 15 năm của Markit. Trong khi Đức có thể ghi dấu mức tăng trưởng hàng quý cao nhất kể từ năm 2011 thì kinh tế Pháp đang thu hẹp với tốc độ nhanh nhất trong bóno năm.
Trong tháng 2/2013, Chỉ số quản lý sức mua (PMI) tại Đức đứng ở mức 53,3, còn Pháp là 43,1. Ông Williamson cũng lưu ý về đà suy giảm của kinh tế Tây Ban Nha và Italy. Triển vọng tăng trưởng của Eurozone phụ thuộc vào việc kinh tế Đức có tiếp tục tăng trưởng và bù đắp được sự yếu kém tại Pháp, Italy và Tây Ban Nha hay không.
Cũng theo khảo sát của Markit, trong tháng 2/2013, hoạt động kinh doanh của lĩnh vực tư nhân tại Eurozone đã khả quan hơn rất nhiều so với 9-10 tháng trước khi Chỉ số PMI đứng ở mức 47,9, tiến gần hơn tới mức 50 - ngưỡng đánh dấu tăng trưởng hay suy giảm.
Theo ước tính ban đầu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), trong tháng Một thâm hụt thương mại của Eurozone đã giảm xuống 3,9 tỷ euro so với 9,1 tỷ euro cùng kỳ năm ngoái và thâm hụt thương mại của EU chỉ ở mức 16,5 tỷ euro, giảm mạnh so với con số 24,9 tỷ euro cùng kỳ năm 2012.
Nhà kinh tế Howard Archer thuộc IHS Global Insight hy vọng đà tăng trưởng toàn cầu sẽ được cải thiện trong những tháng còn lại của năm 2013, qua đó đẩy mạnh xuất khẩu và tạo điều kiện cho Eurozone thoát khỏi suy thoái kinh tế.
Theo số liệu của Eurostat, tỷ lệ lạm phát trong tháng 2/2013 tại Eurozone đã hạ xuống 1,8%, thấp hơn nhiều so với mức 2% mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đặt ra cho các nước thành viên. Đây là lần đầu tiên trong hơn hai năm qua lạm phát tại Eurozone đi xuống, phản ánh việc kiểm soát giá cả tiêu dùng và tín hiệu cho thấy kinh tế của khu vực đang dần phục hồi.
Tuy nhiên, đi ngược chiều với nhận định của giới phân tích cho rằng khi tỷ lệ thất nghiệp tăng cao và tỷ lệ lạm phát hạ xuống mức thấp thì nhiều khả năng ECB sẽ cắt giảm lãi suất cơ bản.
Trong cuộc họp hàng tháng về chính sách tiền tệ tháng Ba, ECB đã quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức thấp kỷ lục 0,75%, đồng thời cho biết tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ hiện nay trong thời gian tới để có thêm thời gian đánh giá tình hình tài chính Eurozone cũng như tác động của tình hình chính trị ở Italy (sau cuộc bầu cử đầy kịch tính).
Như vậy ECB đã không thay đổi lãi suất cơ bản trong tám tháng liên tiếp. Chủ tịch ECB, Mario Draghi, hy vọng tỷ lệ lạm phát ở Eurozone sẽ bám sát mục tiêu 2% trong trung hạn.
Nhận định về triển vọng tăng trưởng kinh tế của Eurozone, Chủ tịch Draghi nói rằng các số liệu và chỉ số kinh tế được công bố gần đây cho thấy hoạt động kinh tế của khu vực này bắt đầu ổn định trong những tháng đầu năm 2013 và sẽ bắt đà phục hồi mạnh mẽ hơn trong nửa cuối của năm.
Tăng trưởng xuất khẩu trong khu vực sẽ được lợi từ sự mạnh lên của nhu cầu toàn cầu cũng như trong nước, trong đó nhu cầu trong nước nhận được sự hỗ trợ của lập trường chính sách tiền tệ nghiêng về hướng hỗ trợ tăng trưởng.
Theo dự báo kinh tế tháng 3/2013 của ECB, tăng trưởng GDP thực của Eurozone sẽ nằm trong khoảng -0,9 và -0,1% trong năm 2013 và khoảng 0-2,4% năm 2014, thấp hơn đôi chút so với dự báo hồi tháng 12/2012.
Còn Eurostat dự báo kinh tế khu vực sẽ giảm 0,3% trong năm 2013, trước khi đạt con số tăng trưởng 1,4% năm 2014. Trong khi ECB nhận định kinh tế ở Eurozone sẽ giảm 0,5% trong năm nay và tăng 1% trong năm tới.
Nan giải vấn đề thất nghiệp
Mặc dù vậy, Eurostat nhận định rằng lạm phát giảm quá mức cũng đồng nghĩa với việc nhu cầu tiêu dùng giảm, một trong những yếu tố tác động tới tỷ lệ thất nghiệp.
Thống kê từ Eurostat cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tháng 1/2013 của cả EU gồm 27 nước lên tới 10,8% (so với 10,7% trong tháng 12/2012), tương đương 26,2 triệu người thất nghiệp.
Chỉ tính riêng tháng Một đã có khoảng 201.000 người gia nhập đội ngũ không có việc làm trong Eurozone, trong khi con số ngày ở EU là 222.000 người, tính từ thời điểm tháng 12/2012. Eurostat cho biết Hy Lạp, quốc gia nằm trong tâm điểm của cuộc khủng hoảng nợ châu Âu, là nước có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất với 27%, tiếp theo là Tây Ban Nha với 26,2%.
Các nước có số người thất nghiệp thấp nhất là Áo với 4,9%, Đức và Luxembourg đều 5,3%.
Nhận định về thị trường việc làm của Eurozone, ông Draghi nhấn mạnh thất nghiệp đang làm đau đầu các nhà lãnh đạo Eurozone và thất nghiệp trong giới trẻ rất đáng quan ngại.
Trước tình hình này, hồi cuối tháng Hai các bộ trưởng lao động châu Âu đã gặp nhau tại Brussels (Bỉ) để thảo luận các bước cần thiết nhằm cải thiện vấn đề đào tạo nghề, tạo thêm việc làm và ngăn chặn nguy cơ thất nghiệp gây mất ổn định ở EU.
Họ đã thống nhất một "kế hoạch bảo đảm cho thanh niên" nhằm đảm bảo thanh niên dưới 25 tuổi có việc làm, hoặc tiếp tục học tập, hoặc được đào tạo nghề ít nhất bốn tháng sau khi tốt nghiệp hay được tuyển dụng.
Đây là một phần trong sáng kiến giải quyết thất nghiệp trong giới trẻ ở các nước khó khăn nhất của châu Âu trong thập kỷ tới với ngân sách 6 tỷ euro - kế hoạch được tiếp tục được thảo luận cụ thể hơn tại Hội nghị thượng đỉnh mùa Xuân năm nay của EU vừa kết thúc hôm 15/3.
Đáng tiếc là Hội nghị đã không đạt được nhất trí về biện pháp mới nào nhằm tăng việc làm, mà các nhà lãnh đạo EU chỉ đạt được thỏa thuận đẩy nhanh việc thực thi Sáng kiến Việc làm cho thanh niên. Theo giới quan sát, sáng kiến trị giá 6 tỷ euro này chỉ như “muối bỏ biển” khi tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên ở Hy Lạp và Tây Ban Nha đã lên tới hơn 50%.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy thừa nhận hiện tại không phải lúc lựa chọn giữa "thắt lưng buộc bụng" hay tăng trưởng, EU cần phải lấy lại "phong độ" trên tất cả các lĩnh vực, nhất là khi vấn đề thất nghiệp trong thanh niên đang trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết./.
Theo Vietnam+
26 comments