Theo giới phân tích, do ngày càng lo sợ sự can dự của Mỹ, Trung Quốc gần đây có những hành động đẩy cuộc tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư với Nhật tiến gần đến một cuộc xung đột thực sự.
Một máy bay tuần tra biển của Trung Quốc ngày 13/12 đã tiến vào không phận trên Senkaku/Điếu Ngư và đây là vụ thâm nhập đầu tiên của Trung Quốc kể từ năm 1985, khi Lực lượng phòng vệ Nhật bắt đầu ghi chép dữ liệu.
Đáp trả, quân đội Mỹ ngày 10/1 bắt đầu triển khai máy bay cảnh báo và giám sát (AWACS) được trang bị các hệ thống radar tinh vi để giám sát khu vực quanh quần đảo không có người ở này.
Một nguồn tin thân cận với quân đội Trung Quốc đã lên án động thái của Mỹ và gọi đây là sự “can thiệp” vào tranh chấp lãnh thổ giữa Nhật-Trung. Nguồn tin cũng cho rằng quân đội Mỹ đang dùng căng thẳng Tokyo-Bắc Kinh để lấy cớ gây áp lực với Trung Quốc.
9 ngày sau khi máy bay AWACS của Mỹ được triển khai, một tàu khu trục nhỏ của Trung Quốc bị Nhật cáo buộc đã khóa radar nhắm bắn một trực thăng của Lực lượng phòng vệ biển Nhật. Sau đó vào ngày 30/1, một tàu khu trục của Lực lượng phòng vệ biển Nhật cũng bị một tàu chiến của Trung Quốc “khóa radar” tương tự.
Hai vụ khóa radar xảy ra vào ngày 19/1 và 30/1, nhưng phải đến hôm thứ ba vừa qua, phía Nhật mới công bố thông tin. Điều này, theo ông Tsuya Hisashi, bình luận viên cao cấp của đài NHK, phản ánh thái độ cân nhắc rất cẩn trọng của chính phủ Nhật trước cách phản ứng đối với vụ việc.
Sau khi khóa radar vào một mục tiêu, hành động duy nhất còn lại là ấn nút bắn. Đây không phải là hành động bình thường trong bối cảnh bình thường. Bản thân Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Onodera Itsunori cũng khẳng định đây là hành động rất khác thường và một sai sót rất nhỏ cũng có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Trung Quốc có mục đích gì?
Theo ông Hisashi, trên bình diện quốc tế, cho dù ý định khóa radar của bên kia là gì, thì việc dùng radar điều khiển vũ khí cũng là hành động thù địch. Ngoài ra, hành động này còn bị coi là mang ý đồ tấn công. Và dư luận có thể cho rằng vào thời điểm hiện nay, hành động như vậy chính là khiêu khích phản công.
Ở trên tàu, hành động này do thuyền trưởng chỉ định. Một quan chức cấp cao trong Bộ Ngoại giao Nhật cho biết mặc dù quy ước sử dụng radar có thể không giống nhau trong hải quân Trung Quốc, nhưng khó có thể tin hai vụ việc nhắm bắn tàu và trực thăng Nhật đều là phá vỡ thông lệ của các sỹ quan trên tiền tuyến của Trung Quốc.
Còn theo ông Tsuya Hisashi có hai khả năng lớn. Thứ nhất, hành động này là theo chỉ thị của ban lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc và thứ hai, đây là quyết định của đơn vị hải quân tại hiện trường, trái với ý định của ban lãnh đạo Trung Quốc.
Nhiều chuyên gia đồng tình với quan điểm cho rằng ban lãnh đạo Trung Quốc không muốn đối đầu hoặc xung đột quân sự với Nhật Bản thêm nữa. Nếu vụ việc trên là do quyết định của đơn vị hải quân tại hiện trường, thì có nghĩa rằng ban lãnh đạo đã không kiểm soát được các cấp thấp hơn trong quân đội. Nếu giả thiết này là đúng, có nghĩa là trong tương lai, có thể xảy ra những vụ xung đột ngoài ý muốn và chính phủ Nhật Bản cần thúc giục phía Trung Quốc chỉ thị triệt để tất cả các cấp trong quân đội không bao giờ được có hành động nguy hiểm.
Koichi Furusho, 66 tuổi, cựu tổng tham mưu trưởng Lực lượng phòng vệ biển Nhật lại có lập luận khác. “Hải quân Trung Quốc chắc chắn muốn khiêu khích Nhật, muốn chứng tỏ rằng Nhật chẳng thể làm được gì”, ông ám chỉ đến những quy định “trói tay” Lực lượng phòng vệ Nhật khi họ chỉ được phép bắn đáp trả trong trường hợp bị tấn công.
Trung Quốc “khua kiếm” ngày một mạnh
Mặc dù Nhật quản lý quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và đặt quần đảo thuộc quyền quản lý của tỉnh Okinawa, song Trung Quốc ngày càng có nhiều động thái chứng tỏ tuyên bố chủ quyền của họ ở quần đảo.
Tờ PLD Daily, tờ báo chính thức của quân đội Trung Quốc, trong ấn bản ngày 14/1 đưa tin Tổng tham mưu trưởng liên quân Trung Quốc đã yêu cầu tất cả các đơn vị quân đội sẵn sàng cho chiến tranh. Và theo nhiều nguồn tin quân sự, chiến đấu cơ ở các vùng sâu trong nội địa đã được chuyển tới các khu vực ven biển dọc Hoa Đông, tuân theo chỉ đạo PLD.
Trong khi đó, tờ National Defense News, một tờ báo quân đội khác, đã đăng tải bài viết trên trang nhất ngày 15/1 cho rằng Trung Quốc sẽ đáp trả nếu Nhật hành động.“Có khả năng cao máy bay không người lái sẽ đụng độ trên Điếu Ngư trong vòng nhiều năm”, bài báo nhận định.
Quân đội Trung Quốc cũng thể hiện rõ ý định phô trương sức mạnh của mình. Ngày 17/1, Hạm đội Biển Đông của Hải quân Trung Quốc, đóng tại tỉnh Chiết Giang, đã tiến hành tập trận với tên lửa ở Hoa Đông. Một cuộc tập trận khác, gồm 3 tàu chiến của Hạm đội biển Bắc ở Thanh Đảo, Sơn Đông bắt đầu tập bắn đạn thật ở tây Thái Bình Dương vào ngày 29/1.
“Chúng tôi đã sẵn sàng chuẩn bị chiến tranh với Nhật”, một nguồn tin thân cận với quân đội Trung Quốc cho hay.
Trung Quốc điều hành tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư theo mệnh lệnh trực tiếp và phối hợp với lực lượng đặc nhiệm cao cấp do Tổng bí thư Tập Cận Bình đồng thời là Chủ tịch quân ủy trung ương Trung Quốc đứng đầu.
Các nguồn tin trong đảng Cộng sản Trung Quốc cho hay, việc thành lập lực lượng này vào tháng 9 cho thấy Bắc Kinh không hề muốn lùi bước hay thỏa hiệp trên vấn đề Senkaku/Điếu Ngư và giới chức Trung Quốc muốn chứng tỏ Nhật phải làm quen với việc Trung Quốc tuần tra liên tục vùng biển và vùng trời Senkaku/Điếu Ngư.
Vũ Quý
26 comments