bột lá nếp
cao chè vằng quảng trị
Tin Nóng doanh nghiệp
bột màu thực phẩm hoa đậu biếc
Môn Sử lại… buồn!

Môn Sử lại… buồn!

Học sinh giỏi cũng “bỏ rơi” môn Sử

 

Hãy cùng nhìn về quá khứ, con số hàng nghìn học sinh bị điểm 0 trong kỳ thi đại học (ĐH) năm 2011 vẫn được dư luận ví là “thảm họa” của ngành giáo dục. Đến kỳ thi đại học năm 2012, các cán bộ chấm thi đánh giá chất lượng thí sinh khối C đã khá hơn so với những năm trước. Nhưng tính đến thời điểm này, theo ghi nhận của các trường đại học, Lịch sử vẫn là môn lĩnh nhiều điểm 0 nhất.

 

Theo số liệu thống kê, trường Đại học Văn hóa Hà Nội, năm 2012 nhà trường có 4.474 thí sinh (TS) tham gia dự thi ở các khối C, D1, N1-4, R1. Sau khi hoàn tất việc chấm thi, trường có tổng cộng 220 điểm 0, trong đó điểm 0 môn Sử chiếm tới 208 bài.

 

Trường ĐH Đà Nẵng đã có tới 45 bài thi lĩnh điểm 0 môn Sử. Trong số 1.947 bài thi, chỉ có 61 bài đạt điểm trên 5 (chiếm 3,1%). Với kết quả môn Sử như vậy, chắc chắn điểm thi khối C của trường sẽ bị kéo xuống rất nhiều.

 

 

Liệu có phải học sinh đang "xa lánh" môn Sử?


Tại Trường ĐH Sài Gòn, môn Sử cũng là môn có phổ điểm thấp nhất. Trong 5 túi bài thi được chấm thì có 1 bài được 6,25 điểm, một số bài được 5 - 6 điểm, còn lại là từ 3 điểm trở xuống 0. Thậm chí, có những bài thi viết lan man đến 4 trang giấy nhưng vẫn chỉ nhận được 0,25 điểm vì nỗ lực không để... giấy trắng.


Với hơn 170 trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) công bố điểm thi, điểm 0 môn Sử đang chiếm phần lớn điểm 0 của các trường ĐH, CĐ ngành xã hội. Theo thống kê của các trường ĐH có thi môn Sử, số lượng bài thi dưới trung bình chiếm từ 80 – 90%, cá biệt có trường điểm Sử cao nhất là 5,25 điểm.


Ngày 5/5 vừa qua, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cũng đã tổ chức vinh danh học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử năm 2013, vừa đưa ra thông tin sẽ có 110 học sinh giỏi môn Sử được tuyển thẳng vào các trường đại học có chuyên ngành này.


Thế nhưng, số liệu mà GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đưa ra lại làm người ta không khỏi buồn và lo lắng. Bởi trong số 211 học sinh giỏi môn Lịch sử được vinh danh và được miễn thi môn Sử hoặc đặc cách vào đại học năm 2012, chỉ có 13 em (chưa đến 10%) đón nhận sự ưu đãi này để tiếp tục theo môn Sử.


Em Phạm Thị Thúy (THPT chuyên Quảng Bình), 1 trong 5 bạn đạt giải nhất môn Lịch sử trong kì thi học sinh giỏi Quốc gia chia sẻ: “Dự định trong kỳ thi tuyển Cao đẳng, Đại học sắp tới của em là thi vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền, mặc dù em có nộp hồ sơ tuyển thẳng ĐH Sư phạm Hà Nội. Là một người thích sự linh động, bay nhảy nên em yêu thích thích báo chí hơn”.


Em Phùng Thị Bích Phương (Lớp 12 Sử, Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định) cũng chia sẻ sẽ chọn theo ngành khối D theo ý của bố mẹ. Em cho biết thêm: “Em không có dự định trở thành giáo viên dạy Sử. Vì Sử là môn đam mê của mình nhưng để dạy Sử thì không phải dễ. Em không đi theo hướng nghiên cứu mà giữ làm thành niềm yêu thích của mình”.


Chuyện học sinh “chán” và “sợ” môn Lịch sử đã không còn là việc quá mới mẻ, tuy nhiên cứ mỗi mùa tuyển sinh qua đi, nỗi buồn môn Sử lại càng day dứt hơn. Chúng ta cần nhìn nhận một điều, từ trước đến nay, trong chương trình phổ thông, Lịch sử vẫn được xem là môn phụ và là môn khó "nhai" nhất đối với học sinh.


Theo nhiều giáo viên thì không phải học sinh "xa lánh" môn Sử vì khó mà kiến thức của chương trình chủ yếu dàn trải, bao quát, nhiều dấu mốc, sự kiện đòi hỏi học sinh cần phải nhớ. Trong suốt nhiều năm qua, môn Sử vẫn là môn được phương tiện thông tin đại chúng nhắc đến nhiều nhất, bởi mỗi kỳ thi thì đây luôn là môn có số lượng điểm 0 lẫn điểm dưới trung bình lớn nhất.


Đến bao giờ… hết buồn?


Có thể khẳng định, học sinh “chán” Sử không xuất phát từ học sinh, mà từ chính chương trình sách giáo khoa và phương pháp giáo dục thụ động, một chiều của chúng ta hiện nay.

 

 

GS. NGND Phan Huy Lê đang buồn và lo lắng cho tương lai môn Sử.


Em Phùng Thị Bích Phương (Lớp 12 Sử, Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định) chia sẻ: “Có nhiều lý do khiến các bạn không thích môn Sử. Thứ nhất là từ chính các bạn, ban đầu không có niềm hứng thú với môn học; bên cạnh đó, chính phụ huynh cũng không định hướng theo lịch sử. Thêm vào đó, sách giáo khoa Lịch sử quá nhiều thông tin, số liệu khó nhớ, lời lẽ khô khan, khó nhớ. Cách dạy và cách học thụ động, học vẹt và thầy cô bắt ép học thuộc”.


Em Trần Thanh Quang (Lớp 12 Sử, Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định), giải nhất môn Lịch sử cũng cho rằng: “Qua nói chuyện với các bạn ở chuyên ban khác, không phải các bạn không đam mê Lịch sử hay không muốn tìm hiểu môn Sử mà các bạn không muốn học thuộc một khối lượng kiến thức lịch sử khổng lồ như trong sách giáo khoa hiện nay. Cách dạy Lịch sử truyền thống đọc – chép, nhồi nhét từ sách giáo khoa không tạo được hứng thú như học toán học hay ngoại ngữ và các môn tự nhiên khác”.


Gần đây, sự việc học sinh lớp 12 trường THPT Nguyễn Hiền (TP HCM) xé đề cương môn Sử để “ăn mừng” vì môn này bị Bộ GD-ĐT gạt khỏi danh sách các môn thi tốt nghiệp đã khiến nhiều người day dứt và suy ngẫm.


Về vấn đề này, GS. Phan Huy Lê cho rằng điều ông quan tâm là môn Sử chưa được đặt đúng vị thế trong nền giáo dục phổ thông, bên cạnh đó là chế độ thi cử nặng nề đã tác động đến động cơ học tập của học sinh theo hướng tiêu cực.


Còn nhớ, cách đây không lâu Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận nhận định rằng: "Có những thứ mà do thời đại, do xu thế phát triển mà người ta phải học". Trong bối cảnh của môn Lịch sử hiện nay, kết quả thi Lịch sử thấp là phản ánh trung thực tế khách quan. Đó là "khúc quanh" trong lịch sử phát triển của một ngành học ở một đất nước. Chừng nào xã hội chưa đề cao vai trò của môn Lịch sử, người theo môn Sử chưa sống được bằng lương thì học sinh xao nhãng học Sử là chuyện tất yếu".


Hằng năm, trong các diễn đàn giáo dục, tại nhiều hội nghị, hội thảo, chúng ta vẫn thấy nhắc tới cụm từ “thay đổi tư duy” “thay đổi nhận thức” về dạy và học môn Lịch sử. Tuy nhiên, đó mới chỉ là “tiếng lòng” của một số nhà sử học, nhà giáo dục tâm huyết. Các kiến nghị cứ nêu, nhà quản lý đã nghe và hiểu, nhưng giải pháp còn rất chậm. Có lẽ với thực trạng lối sống đang thay đổi như hiện nay, cần phải đặt vai trò của sử học trong hệ thống giá trị định vị về đạo đức nhân văn cho con người. Và như vậy, không nên coi đó là một “môn phụ”, vì đã là phụ thì e rằng chuyện dốt sử, điểm 0 Lịch sử sẽ còn là một nỗi buồn kéo dài của việc giáo dục lịch sử hiện nay.

 

 

26 comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

*

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>