Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) trong cuộc tiếp xúc Tổng thống Palestine ngày 7/4.
Chuyến thăm Trung Đông lần này của ông Kerry dường như là để nhắc lại và khẳng định quyết tâm của chính quyền Obama trong việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho khu vực Trung Đông, chí ít là giữa Israel và Palestine, nhưng nó khiến dư luận ngạc nhiên, vì sau chuyến thăm không đạt kết quả rõ rệt nào của Tổng thống Barack Obama vào cuối tháng 3 vừa qua, người ta những tưởng khó có chuyện ông Obama trong nhiệm kỳ 2 này sẽ tích cực tìm kiếm hòa bình cho khu vực Trung Đông.
Một quan chức cấp cao của chính quyền Palestine cho biết, trong chuyến thăm hôm 7/4, ông John Kerry đã bày tỏ sự quan tâm trở lại với kế hoạch hòa bình tổng thể năm 2002 mang tên Sáng kiến Hòa bình Arập và đã được Liên đoàn Arập quan tâm xem xét.
Cần nhắc lại, Sáng kiến Hòa bình Arập là sản phẩm của Arập Xêút do Vua Abdullah đề xướng. Sau đó, tại một hội nghị toàn thể ở Beirut, Liban, vào năm 2002, 22 nước thành viên Liên đoàn Arập đã nhất trí thông qua. Năm 2007, Liên đoàn Arập tái phê chuẩn, rồi sau đó Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) gồm 57 thành viên cũng đã phê chuẩn kế hoạch trên.
Theo Sáng kiến Hòa bình Arập, các nước Arập đề xuất thỏa thuận hòa bình toàn diện, công nhận sự tồn tại của Nhà nước Israel để đổi lại việc Israel rút quân hoàn toàn ra khỏi các vùng lãnh thổ chiếm đóng sau cuộc chiến năm 1967. Trong cuộc chiến năm 1967, Israel đã chiếm đóng Đông Jerusalem, khu Bờ Tây sông Jordan và Dải Gaza của người Palestine, bán đảo Sinai của Ai Cập, và Cao nguyên Golan của Syria.
Tuy nhiên, quá trình triển khai kế hoạch hòa bình đã liên tục gặp nhiều khó khăn do việc Israel còn hoài nghi về lợi ích mà kế hoạch hòa bình mang lại cho Israel, đồng thời các cuộc xung đột đẫm máu giữa Israel với người Palestine tiếp tục kéo dài dai dẳng suốt nhiều năm khiến cho kế hoạch tưởng chừng đã bị "chết yểu". Bán đảo Sinai được trao trả về cho Ai cập vào năm 1982 theo một hiệp định hòa bình ký kết năm 1979, và Israel đơn phương rút quân khỏi Dải Gaza vào năm 2005. Riêng Cao nguyên Golan thì Israel vẫn chiếm đóng và tiến trình đàm phán rút quân vẫn chưa đi đến đâu.
Muốn tái khởi động Sáng kiến Hòa bình Arập, nhất thiết ông Kerry phải làm sống lại tiến trình đàm phán hòa bình then chốt giữa Israel và người Palestine. Vì vậy, chính quyền Obama đang thực hiện chiến dịch "ngoại giao con thoi" với hàng loạt chuyến thăm và làm việc của Ngoại trưởng Kerry và Tổng thống Obama.
Trong chuyến thăm ngày 7/4, ông Kerry đã thúc đẩy lãnh đạo Israel và Palestine nhanh chóng xem xét nhượng bộ một phần nhỏ lợi ích của mỗi bên để cùng nhau quay trở lại bàn đàm phán nhằm tìm kiếm một thỏa thuận hòa bình khả dĩ. Nhưng giới quan sát đang nghi ngờ tính hiệu quả của những nỗ lực của ông Kerry, vì những vấn đề mấu chốt nhất trong xung đột Israel-Palestine không phải dễ dàng giải quyết chỉ bằng những nhượng bộ của "cả hai bên".
Người Palestine biểu tình rầm rộ sau cái chết không rõ ràng của một tù nhân Palestine trong nhà tù Israel.
Năm 2003, cộng đồng thế giới đã nỗ lực giúp Israel và Palestine đi đến một giải pháp hòa bình bền vững, và một "Lộ trình hòa bình" do bộ tứ (gồm Liên Hiệp Quốc, EU, Mỹ, Nga) đồng bảo trợ với những điều khoản khả thi nhất đã được triển khai, trong đó xác lập giải pháp "hai nhà nước" cùng song song tồn tại như cách tốt nhất để Israel và Palestine chung sống với nhau một cách hòa bình. 10 năm sau, "lộ trình hòa bình" hầu như đã chết, vì hàng loạt vấn đề phải giải quyết giữa Israel và Palestine để đi đến "hai nhà nước" hoàn toàn không được giải quyết.
Trên thực tế, các quyền và các lợi ích căn bản của người Palestine hiện vẫn đang bị Israel xâm phạm nghiêm trọng. Các vùng lãnh thổ của người Palestine bị Israel chiếm đóng sau cuộc chiến năm 1967 hiện vẫn chưa có dấu hiệu gì cho thấy Israel sẽ chấp nhận nhượng bộ. Năm 2008, tiến trình đàm phán hòa bình theo "lộ trình hòa bình" của "Bộ tứ" đi vào ngõ cụt do việc Israel đẩy mạnh xây dựng nhà ở trên các khu đất chiếm đóng của người Palestine.
Suốt 4 năm nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Obama (2009-2012), vấn đề xây dựng nhà ở trên các khu định cư Do Thái đã làm cản trở mọi nỗ lực đàm phán hòa bình Israel-Palestine, và là một trong những vấn đề gây căng thẳng trong quan hệ giữa Tổng thống Obama với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
Sau chuyến thăm của Tổng thống Obama hồi tháng 3 vừa qua, Israel đã tỏ ra "xuống nước" khi đưa ra lời xin lỗi "đồng minh" Thổ Nhĩ Kỳ do vụ cho biệt kích tấn công tàu Mavi Marmara trong Hải đội Gaza Tự do năm 2010 làm chết 9 công dân Thổ Nhĩ Kỳ, dẫn đến căng thẳng trong quan hệ ngoại giao 2 nước kể từ đó.
Trong bối cảnh bán đảo Triều Tiên ngày càng căng thẳng, nội chiến ở Syria đe dọa đến an ninh toàn khu vực, Mỹ muốn 2 đồng minh thân cận nhất của mình trong khu vực này phải bắt tay hòa thuận với nhau. Vấn đề này cũng không nằm ngoài chương trình làm việc trong chuyến thăm "chớp nhoáng" ngày 7/4 của ông Kerry tại Israel.
Nhưng với người Palestine, vấn đề sẽ không được giải quyết dễ dàng chỉ bằng những lời lẽ ngoại giao. Trong một diễn biến mới nhất, ngày 8/4, Israel đã phải tuyên bố đóng cửa các chốt kiểm soát ra vào Dải Gaza khi xung đột bạo lực giữa lính Israel với người Palestine tiếp tục leo thang do vụ việc một tù nhân người Palestine chết trong nhà tù Israel hồi tuần trước.
Hàng ngàn người Palestine ở các vùng lãnh thổ đã đồng loạt xuống đường tuần hành trong đám tang người quá cố để phản đối chính sách đối xử tàn bạo của người Israel. Tù nhân Palestine cũng là 1 trong 5 vấn đề lớn cần giải quyết trong đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine
Theo Lướt báo
26 comments