Quân đội Mỹ đã rời khỏi Iraq, kế hoạch rút quân đội khỏi Afghanistan trong năm 2014 đã được ấn định. Toàn thế giới đều biết rõ về những sự kiện này. Nhưng ít ai biết rằng nhiều đơn vị chiến đấu của Hoa Kỳ không cần tuyên bố vẫn đang tham gia vào các cuộc xung đột vũ trang ở các vùng khác nhau trên địa cầu.
Tất nhiên, về mặt quy mô thì các hoạt động quân sự này không thể so sánh được với những hoạt động ở Iraq và Afghanistan, Những công nghệ hiện đại đã giúp Washington làm cho chúng trở nên khó nhận thấy hơn đối với cộng đồng thế giới.
Với việc phát triển các công nghệ chiến tranh, hoàn toàn không nhất thiết phải tiến hành những chiến dịch quân sự trong các cuộc xung đột khu vực, ở nơi mà hiệu quả hơn là thực hiện những cuộc đột kích điểm với sự hỗ trợ của không quân và các khí tài bay không người lái được rô bốt hóa, hoặc drones (một dạng máy bay không người lái cỡ nhỏ). Hiện nay Mỹ đang tiến hành ít nhất 3 cuộc chiến tranh không tuyên bố bằng chính phương pháp như vậy ở Pakistan, Yemen và Somalia.
Nhưng tại sao lại là chiến tranh không tuyên bố? Như cố vấn chủ chốt về đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố của Barak Obama, ông John Owen Brennan đã nhiều lần tuyên bố: Hoa Kỳ sẽ không ngồi đợi những cuộc tấn công của các phần tử khủng bố và sẽ tiến hành đấu tranh ngăn chặn không phụ thuộc vào việc các chiến binh Al-Qaeda hoặc các chi nhánh cực đoan của tổ chức này xuất hiện ở đâu. Các hoạt động quân sự sẽ được tiến hành hoàn toàn phù hợp với hình thái tác chiến này.
Chính là những hoạt động tác chiến chứ không phải hành động của quân đội. Những cuộc đột kích không phải do Lầu năm góc mà là do CIA và các cơ quan tình báo khác lên kế hoạch và được thực hiện ngày càng thường xuyên hơn với sự trợ giúp của máy bay không người lái (robot - drone).
Và trong trường hợp cần có một chiến dịch trên bộ, không phải quân đội thường trực mà là lực lượng đặc nhiệm tham gia chiến đấu. Không có gì đáng ngạc nhiên khi những năm gần đây quân số của lực lượng đặc nhiệm Mỹ tăng lên nhanh chóng. Nếu vào cuối thời kỳ điều hành của chính quyền George Bush các phân đội đặc nhiệm Mỹ đóng ở 60 quốc gia trên thế giới, thì dưới thời Barak Obama đã là 75 nước.
Lính Mỹ âm thầm có mặt trong nhiều cuộc chiến không tuyên bố.
Nhờ các hoạt động của đặc nhiệm được phái tới 2 lục địa mà chiến dịch tổng lực “Tự do bền vững” thường được được nhắc tới khi nói về cuộc chiến chống Taliban ở Afghanistan. Trong những năm 2001-2010 những hoạt động tích cực trong khuôn khổ các chiến dịch “Tự do bền vững - Philippines” đã được tiến hành, trong các năm 2004 - 2010- chiến dịch “Tự do bền vững Trans Sahara" (đặc nhiệm đã hoạt động trên lãnh thổ Algeria, Chad, Mali, Mauritania, Niger, Senegal, Nigeria và Morocco), và chiến dịch “Tự do bền vững- Sừng châu Phi”, bắt đầu năm 2001, kéo dài cho tới tận ngày nay.
Ở Philippines Mỹ đã can thiệp vào cuộc đối đầu 40 năm giữa quân đội chính phủ và phiến quân Hồi giáo cùng các nhóm ly khai khác. Cuộc xung đột này đã kéo dài gần 40 năm và cướp đi mạng sống của hàng nghìn người.
Kẻ thù chủ yếu của nước Mỹ là các tổ chức Hồi giáo Abu Sayaf và Jemah Islamiyah mà người Mỹ coi như những phân đội của Al-Qaeda. Kết quả của chiến dịch là các lãnh tụ Hồi giáo đã bị tiêu diệt hoặc bắt sống, còn bản thân những tổ chức chống chính phủ bị phá tan trên thực tế.
Chiến dịch ở Sahara bắt đầu ngày 10.1.2004 từ thời điểm đổ bộ lực lượng “commandos” ở Mauritania và đã ngốn của ngân sách Mỹ nửa tỷ đô la. Ở đây người Mỹ đã không đạt được những kết quả đáng kể - trong những năm qua số vụ khủng bố không giảm, ảnh hưởng của các tổ chức khủng bố tăng lên, và vào năm 2008 “Al-Qaeda ở Maghreb Hồi giáo” đã kêu gọi tất cả tín đồ đạo Hồi Sahara tiến hành thánh chiến.
Ở Đông - Bắc Phi người Mỹ cũng không đặc biệt may mắn. Những chiến dịch với quân số đông chống lại tất cả các bên tham chiến trong cuộc nội chiến không có hồi kết tại Somalia không có hiệu quả đặc biệt - tại địa bàn các trại huấn luyện chiến binh bị phá hủy lại xuất hiện những chiến binh mới và bọn hải tặc vẫn bắt giữ những con tàu trong vịnh Aden như trước đây.
Các cuộc tập kích của máy bay không người lái, căn cứ của các máy bay này được bố trí ở không xa Yemen đã mang lại ấn tượng rất xấu - người dân xuống đường biểu tình với chỉ trích gay gắt và trở nên có cảm tình với các tổ chức khủng bố. Tổng thống Ali Abdullah Saleh, được coi là có cảm tình với Mỹ, tuyên bố tình trạng chiến tranh trong nước, đã bị thương trong cuộc bắn phá dinh thự của Tổng thống và chết vào tháng 2.2012.
Kết quả là số cuộc không kích ở Yemen trong năm 2012 đã tăng lên gấp đôi so với năm trước. Các máy bay xuất phát từ căn cứ Lemonier được đặt ở Djibouti, thời gian gần đây đã trở thành trung tâm tiến hành các hoạt động quân sự của Mỹ ở Trung Đông và Sừng châu Phi.
Phi đoàn máy bay không người lái Predator, có khả năng mang tên lửa Hellfire và một phi đội máy bay tiêm kích tiến công F-15E Strike Eagle đóng quân thường trực tại căn cứ này. Chỉ theo các số liệu chính thức vào năm ngoái, kết quả các cuộc không kích vào những căn cứ của Al-Qaeda tại các tỉnh Abyan, Lahij, Shabwa, Hadramout, Mareb và Al-Jawf của Yemen đã có 182 chiến binh của Al-Qaeda bị tiêu diệt và 15 dân thường thiệt mạng.
'Sát thủ' lặng lẽ trên không Predator là nhân vật không thể thiếu trong các cuộc chiến bí mật của Mỹ.
Có thể, số nạn nhân chưa gây được ấn tượng mạnh (với từ “chiến tranh” nhiều người đến bây giờ vẫn nhớ tới cuộc chiến tranh thế giới thứ II với hàng triệu người bị chết), nhưng đối với một cuộc xung đột khu vực hiện nay, con số này gây shock nhiều hơn. Để so sánh có thể nêu ra một con số: 402 người đã trở thành nạn nhân của cuộc chiến tranh Lebanon-Israel năm 2006, tính cả các chiến dịch quân sự quy mô lớn.
Nhưng chính người Mỹ là những người đầu tiên không muốn công bố những chiến dịch kể trên. Trong trường hợp này Lầu Năm Góc không nhất thiết phải được Quốc hội cho phép. Còn đối với cộng đồng thế giới ngay từ thời chính quyền George Bush, người Mỹ đã nghĩ ra tấm bình phong “Cuộc chiến toàn cầu với chủ nghĩa khủng bố” để có thể dùng nó để che đậy việc sử dụng vũ lực trong những lợi ích riêng ở bất kỳ điểm nào trên thế giới.
Đỗ Ngọc Inh
Theo “Bình luận quân sự” Nga
26 comments