bột lá nếp
cao chè vằng quảng trị
Tin Nóng doanh nghiệp
bột màu thực phẩm hoa đậu biếc
Nẻo thiện của trùm gỗ lậu

Nẻo thiện của trùm gỗ lậu

 

Trên chuyến xe khách Mỹ Đình (Hà Nội), ông Trần Quang Hòa kể về cuộc đời mình với những thăng trầm, khổ ải xen lẫn những vinh quang của một thời đao búa, buôn lậu dọc khắp con sông Đà hùng vĩ vùng Thanh Thủy (Phú Thọ).

 

Ông có 3 anh em, nhà đều làm nghề nông. Học hết lớp 10, Hòa quyết định đi lao động bên Liên Xô. Năm 1977, Hòa về nước, và có biệt danh Hòa "Tây". Không có công ăn việc làm, Hòa đã lao vào con đường giang hồ. Với tướng mạo cao to, ăn to nói lớn, lại nổi tiếng lì đòn cho nên không bao lâu Hòa "Tây” đã thu phục được cánh đàn em và thành lập băng đảng riêng cho mình.

 

Trùm gỗ lậu thủa nào giờ làm nhiều việc thiện để
Trùm gỗ lậu Trần Quang Hòa thủa nào giờ làm nhiều việc thiện để "cải tà".

 

Các đại ca cầm đầu băng nhóm có tiếng ở vùng như Hải “Vống”, Ba “Thợ” cũng phải dè chừng khi đối mặt với Hòa. Đã có nhiều trận huyết chiến xảy ra giữa các nhóm. Hòa nhớ nhất là lần bị băng Kiến “Đen” dẫn theo đàn em mang theo hung khí vì dám qua mặt khai thác gỗ lậu trong vùng. Chẳng biết xung trận thế nào mà Kiến “Đen” bị Hòa đánh cho bất tỉnh, cả băng nhóm hốt hoảng bỏ chạy. Sau lần ấy, Hòa chiếm lĩnh con đường buôn gỗ lậu dọc sông Đà.

 

Cũng từ đấy Hòa ngập trong những chiếu bạc, phiêu du bên bàn đèn thuốc phiện. Càng đánh, càng say rồi Hòa đem gần 20 bè gỗ trị giá hơn 2 tỷ đồng đốt vào cơn say của chiếu bạc. Những ngày sau, việc buôn gỗ lậu ngày càng khó khăn. Chuyến bè gỗ lậu cuối cùng mà Hòa quyết định đầu tư tất cả vốn liếng để đưa gỗ xuôi dọc về Việt Trì. Vụ đó, Hòa bị lực lượng kiểm lâm phát hiện, tịch thu toàn bộ số gỗ.

 

Năm 1989, lẽ ra Hòa “Tây” bị bắt truy tố về tội buôn lậu và phải chịu án 4 năm tù. Trả án được một thời gian, Hòa được bảo lãnh về địa phương cải tạo, giáo dục. Bước ra khỏi trại giam, Hòa được người vợ nhỏ với hai đứa con gái nheo nhóc đứng đón chờ. Hình ảnh ấy đã thức tỉnh sự nhân ái của một gã giang hồ, lang bạt. Hòa bắt đầu gây dựng sự nghiệp của mình bằng hai bàn tay trắng. Hòa tự cai thuốc bằng cách nhảy xuống bến sông sau nhà ngụp thật sâu liên tục để cắt đứt những cơn thèm của mình.

 

Khi đã dứt được "nàng tiên nâu", Hòa về nhà bàn với vợ, dốc vốn liếng rồi vay bạn bè đóng một chiếc đò bằng gỗ, để chở khách từ Thanh Thủy (Phú Thọ) sang đất Thái Hòa, huyện Ba Vì (Hà Tây cũ). Kể từ ngày đó, Hòa trở thành người lái đò đưa khách qua sông. "Người ta nói, nghề lái đò thường kiêng kị việc cứu người chết đuối, nhưng tôi thấy điều đó thật nhảm nhỉ", giọng sang sảng, ông nói.

 

Chục năm lái đò, ông bảo đã cứu hàng chục trẻ em chết đuối do lật đò, đắm thuyền. Có lần khách qua đường không biết đi xe thế nào rồi lao thẳng từ trên đê xuống. Cả người, xe và hàng hóa rơi hết xuống sông. Bất chấp nguy hiểm, ông lôi được nạn nhân lên bờ, rồi mò cả hàng hóa, xe bị chìm dưới sống. Người khách sau khi phơi hàng khô, buộc xe rồi phóng về nhà cũng chẳng cảm ơn được một câu. Ông nói lúc đó, chỉ tặc lưỡi: “Làm phúc cần gì báo đáp”.

 

Một lần khác, có đứa trẻ con tắm ở con phà bên cạnh, bị đuối nước cuốn ngay vào gầm phà, chẳng kịp cởi áo, ông nhảy ùm xuống. Lặn hai hơi mò chẳng thấy gì, mọi người nhao nhao cho là đã bị cuốn xuống đáy. Một hồi lâu, chẳng thấy ông lên, mấy thanh niên nhảy xuống ứng cứu. Lúc sau, họ thấy cách khoảng chục mét ông lôi lôi theo một thằng nhóc. Sau bữa đó, ông bị ốm liệt giường tới lận một tuần liền.

 

Cũng trong suốt thời gian đó biết bao nhiêu khách qua sông ngồi quán nước nhà ông chờ đò rồi bỏ quên tiền bạc, tư trang, ông đều kêu vợ cất giữ rồi trả lại cho khách. Có lần, một ông khách để quên một túi xách trong đó có gần 350 triệu đồng, Hòa đem cất vào tủ chờ ông khách quay lại để trả.

 

Năm 2002, cầu Trung Hà nối Hà Tây - Phú Thọ được khánh thành. Nghề chèo đò đưa khách qua sông của Hòa phải gác lại. Việc bán hàng nước của vợ cũng kém dần đi, do nhiều người dân mở ra. Ông quyết định đi học lái xe, sau đó mua một chiếc ôtô chở khách du lịch. Từ khi mua xe du lịch đến nay, xe chở khách thì ít mà chở người trong làng đi cấp cứu thì nhiều. Bất kể ban ngày hay đêm hôm khuya khoắt, người dân trong làng có vợ đẻ, con đau, cha già đột quỵ lại gõ cửa nhà Hòa nhờ lấy xe chở người thân đi cấp cứu. Nhà ai khá giả thì ông lấy tiền xăng dầu, còn nhà ai nghèo quá, thì giúp đỡ không lấy tiền.

 

Kinh doanh xe du lịch không ăn thua, ông vay tiền ngân hàng để mua một chiếc xe chở khách 40 chỗ, tuyến Thanh Sơn (Phú Thọ) - Mỹ Đình (Hà Nội). Chạy xe khách đã gần 6 năm, ông bảo đã nhiều lần trả lại hành lý cho những người bị bỏ quên. Một lần anh Tiến quê ở Hoàng Xá bỏ quên túi xách trong có 40 triệu, anh vẫn trả lại đầy đủ. Cũng có lần khách đi làm ăn xa về đến bến Mỹ Đình bị móc túi mất sạch, Hòa chở khách về tận nơi, không lấy một đồng.

 

Không chỉ thức tỉnh trở thành một người lương thiện, Hòa còn giúp nhiều người về với con đường sáng. Trước đó, có một nhóm trấn lột, cướp giật vào ban đêm ở khu vực Thanh Sơn, Phú Thọ làm người dân hoảng sợ. Hòa tự nguyện đi “giải quyết” thì hóa ra “đại ca” của băng này là một đàn em cũ. Hòa khuyên nên tránh xa con đường tội lỗi và hứa sẽ giúp tiền cho y làm ăn lương thiện. Vì trọng nghĩa nên tay đàn em của Hòa đã nghe theo lời đại ca một thuở.

 

Đến bây giờ sau bao nhiêu năm tháng của một thời đao búa, Hòa cũng không giấu quá khứ của mình. Thậm chí Hòa còn kể về đời mình cho các con nghe, mong sao các con biết con đường lầm lỗi của mình mà tránh. Có lẽ khi con người ta ngộ ra cái đạo làm người thì họ sẽ suy nghĩ những lỗi lầm của mình mà quay về con đường sáng tươi đẹp hơn.

 

Theo An ninh thủ đô

26 comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

*

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>