Đối thoại Shangri-La 2013
Theo Đại sứ Việt Nam tại Singapore Trần Hải Hậu, việc nước chủ nhà Singapore và Ban Tổ chức Đối thoại Shangri-La 2013 mời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự với tư cách là khách mời đặc biệt và là diễn giả chính khai mạc diễn đàn thể hiện sự coi trọng và đánh giá cao vai trò của Việt Nam đối với an ninh khu vực.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự và phát biểu tại Đối thoại Shangri-La 2013 nhằm thể hiện đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ, đa dạng hóa và đa phương hóa các quan hệ quốc tế, là bạn và đối tác tin cậy, chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; thể hiện chính sách quốc phòng, an ninh của Việt Nam vì hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển ở khu vực; đồng thời đóng góp tiếng nói của Việt Nam trên những vấn đề quan trọng của khu vực, trong đó có vấn đề hòa bình, ổn định, an ninh hàng hải ở Biển Đông.
Ngay từ khi Đối thoại Shangri-La được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2002, Việt Nam đã cử đoàn cấp vụ, viện, học giả tham dự, sau đó dần nâng cấp tham dự lên cấp lãnh đạo Bộ Quốc phòng. Đối thoại Shangri-La gồm 27 quốc gia thuộc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có 10 nước ASEAN và các nước như Trung Quốc, Nhận Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Nga, Canada, Anh, Pháp... Tuy đã diễn ra được nhiều năm, nhưng Đối thoại Shangri-La 2013 được dư luận trong và ngoài khu vực đặc biệt quan tâm. Bởi những hành động gần đây của Trung Quốc tại Biển Đông hoàn toàn đi ngược lại tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Đối thoại Shangri-La 2013 sẽ tập trung vào một số chủ đề như: Tiếp cận của Mỹ với an ninh khu vực; Bảo vệ lợi ích quốc gia, phòng ngừa xung đột; Hiện đại hóa quân sự và minh bạch chiến lược; Vai trò của Trung Quốc đối với an ninh khu vực; Các thể chế khu vực, toàn cầu và an ninh châu Á; Thúc đẩy hợp tác quốc phòng ở Châu Á - Thái Bình Dương.
Ngoài ra, phiên họp đặc biệt sẽ thảo luận một số vấn đề mang tính chuyên môn như: Phòng ngừa xung đột trên biển; các công nghệ và học thuyết quân sự mới; Ngoại giao quốc phòng và ngăn ngừa xung đột; Quy mô mạng thông tin và an ninh châu Á... Được biết, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel sẽ tham dự Đối thoại Shangri-La 2013 và đây là chuyến thăm châu Á đầu tiên của ông kể từ khi trở thành người đứng đầu Lầu Năm Góc.
Khẩu chiến Bắc Kinh - Tokyo
Ngày 29/5, tờ Nhân Dân nhật báo đưa tin, hôm 28/5, Trung tâm Nghiên cứu chính sách quân sự thuộc Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc ban hành cuốn “Nhận định chiến lược 2012”, trong đó cho rằng, tranh chấp Trung - Nhật xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư có thể bùng phát thành xung đột quân sự trong khi quy chụp mọi căng thẳng ở Biển Đông là do Mỹ và các đụng độ trên Biển Đông có nguy cơ xảy ra bất cứ lúc nào. Đây là năm thứ 2 giới học giả quân sự phát hành cuốn Nhận định chiến lược.
Riêng về Biển Đông, giới học giả quân sự Trung Quốc cho rằng, tình hình ngày càng trở nên phức tạp kể từ khi Mỹ tuyên bố quay trở lại châu Á hồi tháng 7/2010 khiến cho cục diện ổn định ở Biển Đông bị phá vỡ. Dư luận coi đây là kiểu truyền thông “gắp lửa bỏ tay người”, đồng thời cho thấy, Trung Quốc thực sự lo ngại việc Mỹ quay trở lại châu Á và can dự vào giải quyết tranh chấp Biển Đông.
Ông Voltaire Gazmin và bà Mã Khắc Thanh
Chính phủ Nhật Bản vừa cho biết (28/5), đã hoàn tất việc soạn thảo dự luật để thành lập Hội đồng An ninh Quốc gia. Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết, trong bối cảnh môi trường xung quanh Nhật Bản đang ngày một căng thẳng, việc xây dựng cơ chế mang tính chiến lược nhằm đối phó hiệu quả các vấn đề liên quan tới ngoại giao và đảm bảo an ninh là hết sức cần thiết. Theo kế hoạch, Tokyo sẽ thông qua dự luật này vào ngày 7/6, trước khi trình lên Quốc hội.
Cũng trong ngày 28/5, tờ Nhân Dân nhật báo dẫn nguồn tin từ giới truyền thông Nhật Bản cho biết, Bộ Quốc phòng Nhật Bản có kế hoạch triển khai lực lượng theo dõi bờ biển ở Yonaguni, để theo dõi hoạt động của tàu chiến và máy bay ở khu vực xung quanh. Điều này đồng nghĩa với việc, Nhật Bản đã chuẩn bị tốt để đối đầu lâu dài với Trung Quốc tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Ngày 28/5, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã chỉ trích các bình luận của Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nhằm phản đối tuyên bố của Thủ tướng Lý Khắc Cường “tất cả các lãnh thổ mà Nhật Bản đánh cắp của Trung Quốc, trong đó có Đông Bắc Trung Quốc, Đài Loan và các quần đảo liên quan, phải được trả lại cho Bắc Kinh”.
Trước đó (27/5), ông Yoshihide Suga đã bác bỏ khẳng định của Thủ tướng Lý Khắc Cường với tuyên bố: những bình luận đó phớt lờ lịch sử và Nhật Bản không bao giờ chấp nhận điều đó.
Ngày 26/5, mạng Tin tức Quốc phòng Mỹ cho biết, theo đề án của đảng cầm quyền Nhật Bản, sau khi khả năng tự phòng vệ bị hạn chế, Tokyo có xu hướng phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo trên biển và trên đất liền, đồng thời tăng cường năng lực tấn công đổ bộ và đánh đòn phủ đầu.
Trung Quốc tỏ ra đặc biệt lo ngại trước việc Nhật Bản sử dụng tiềm lực công nghệ để phát triển vũ khí, tăng cường thực lực quân đội, thậm chí phát triển vũ khí hạt nhân, tăng thêm thách thức cho các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Mối quan ngại của Philippines
Ngày 29/5, Philippines đã tố cáo tàu hải giám và tàu chiến Trung Quốc xâm nhập trái phép Bãi Cỏ Mây tìm cách ngăn chặn hoạt động tiếp viện hậu cần của Manila cho khoảng 1 tiểu đội lính thủy đánh bộ đang chốt giữ trên xác chiếc chiến hạm BRP Sierra Madre Philippines mua lại của Mỹ và cố ý đánh chìm năm 1999 làm căn cứ đồn trú trái phép.
Cũng trong ngày 29/5, tại cuộc tiếp xúc bên lề ngày Quốc tế gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc tổ chức tại trại Aguinaldo, bà Mã Khắc Khanh, Đại sứ Trung Quốc tại Manila đã nói với Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin rằng, Bắc Kinh đang quan tâm tới “cấu trúc mới bổ sung” mà Manila có thể xây dựng ở Bãi Cỏ Mây. Ông Voltaire Gazmin cho biết, tàu hải quân Philippines tiến ra Bãi Cỏ Mây chỉ để cung cấp thức ăn, nước uống, nhu yếu phẩm cần thiết cho 1 tiểu đội thủy quân lục chiến đang chốt giữ tại đây.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe
Trước đó (28/5), tờ Inquirer đưa tin, Bộ Ngoại giao Philippines đã yêu cầu Trung Quốc rút tàu hải giám và tàu chiến khỏi bãi cạn Ayungin (tức Bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đang bị Philippines chiếm giữ).
Cũng trong ngày 28/5, tờ Washington Times (Mỹ) đăng bài viết của chuyên gia Richard D. Fisher ở Trung tâm Chiến lược và thẩm định quốc tế (Mỹ) cảnh báo, Trung Quốc sẽ tiếp tục gây hấn ở Biển Đông và biển Hoa Đông nếu Mỹ hiện diện ở châu Á quá yếu.
Theo ông Richard D. Fisher, hiện Trung Quốc đã tiến hành các hoạt động quân sự quy mô nhỏ ở hai vùng biển kể trên và nếu Mỹ không phản ứng, uy tín của Washington đối với Nhật Bản và Philippines sẽ bị tổn hại.
Chuyên gia Richard D. Fisher cũng kiến nghị, ngoài việc đầu tư xây dựng radar mới và hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Á, Mỹ nên lập một mạng lưới viễn thám vệ tinh và radar mạnh hơn trong khu vực nhằm giúp các nước giám sát hoạt động quân sự của Trung Quốc.
Dư luận cho rằng, với những diễn biến mới nhất xung quanh vụ tranh chấp trái phép Bãi Cỏ Mây (nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam) giữa Trung Quốc và Philippines cho thấy, nếu chiếm được Bãi Cỏ Mây, Trung Quốc sẽ tìm cách thôn tính Bãi Cỏ Rong. Bởi sự hiện diện của tàu Trung Quốc là mối nguy hiểm rõ ràng và hiện hữu.
Theo người phát ngôn hải quân Philippines, Đại tá Edgardo Arevalo cho biết, tàu khu trục và 30 tàu cá Trung Quốc đã rời Bãi Cỏ Mây ngày 28/5, nhưng 2 tàu hải giám vẫn ở lại và hoạt động trái phép tại khu vực này. Manila lo ngại, sau một sáng thức dậy, Trung Quốc đã xây dựng xong 1 cấu trúc quân sự (lô cốt, boong ke) phi pháp tại Bãi Cỏ Mây, ngay cạnh xác chiếc tàu chiến cũ do khoảng 1 tiểu đội thủy quân lục Philippines đang chốt giữ.
Philippines tin rằng, Trung Quốc đang cố gắng gây sức ép để buộc họ phải rời bỏ Bãi Cỏ Mây. Theo tờ Thời báo Hoàn Cầu, nếu Philippines muốn thách đấu, Trung Quốc luôn sẵn sàng vì sức mạnh của Philippines trên Biển Đông không thể sánh với Trung Quốc. Bởi trước đó (23/5), Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Fernando Manalo tuyên bố, quân đội Philippines ở khu vực Bãi Cỏ Mây sẽ chiến đấu đến “binh sĩ cuối cùng”.
Sự hiếu chiến của “diều hâu”
Ngày 28/5, giới truyền thông Đài Loan dẫn lời ông Hàn Húc Đông, Giáo sư thuộc Trường ĐH Quốc phòng Trung Quốc khi cho rằng: Trung Quốc sẽ tấn công, đánh chiếm phi pháp các bãi ngầm ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) hiện do một số quốc gia đang kiểm soát bất cứ lúc nào.
Ông Hàn Húc Đông đã đưa ra lời kêu gọi này khi cho rằng, rất khó giải quyết tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông vì ngoại giao chỉ được thúc đẩy khi có sự hỗ trợ bởi sức mạnh quân sự.
Theo học giả diều hâu này, sức mạnh của Trung Quốc hiện đủ khả năng để bảo vệ cái gọi là “lợi ích quốc gia và chủ quyền hết sức phi lý, phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông”. Trước tuyên bố hiếu chiến của ông Hàn Húc Đông, có khá nhiều học giả diều hâu Trung Quốc đã đưa ra những lời tương tự như La Viện, Thạch Tề Bình, Bàng Trung Anh, Trương Triệu Trung…
GS Hàn Húc Đông - Trường ĐH Quốc phòng Trung Quốc
Ngày 27/5, tướng Trương Triệu Trung công khai trên đài truyền hình quốc gia: Trung Quốc sẽ dùng “Chiến lược cải bắp” để đánh chiếm các đảo, bãi đá, rặng san hô ở Trường Sa.
Theo giải thích của tướng Trương Triệu Trung, “Chiến lược cải bắp” được hiểu: lớp đầu sẽ cho tàu cá xâm nhập, lớp thứ hai là hải giám, ngư chính tuần tra, giám sát, hộ tống và lớp trong cùng là tàu hải quân xuất trận.
Ông Trương Triệu Trung kiến nghị, sau khi chiếm đoạt phi pháp các đảo, bãi đá và rặng san hô, Bắc Kinh cần tăng cường cái gọi là “tuần tra”, đồng thời tranh thủ đẩy mạnh vơ vét tài nguyên trong lĩnh vực nghề cá, du lịch kết hợp với các hoạt động quân sự.
Ngày 28/5, Tân Hoa xã dẫn lời Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi ngang nhiên bác bỏ vụ tàu mang số hiệu 264 của nước này đâm vào tàu cá QNg 90917 TS của tỉnh Quảng Ngãi đang hoạt động bình thường tại khu vực nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam hôm 20/5. Thậm chí, ông Hồng Lỗi còn vu cáo ngư dân Việt Nam “vi phạm chủ quyền và luật pháp Trung Quốc”, đòi Việt Nam “tăng cường giáo dục và quản lý ngư dân”.
Ngày 27/5, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị cho biết: “Ngay sau khi có xác minh của các cơ quan chức năng, ngày 26/5, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối hành động nói trên của các tàu Trung Quốc.
Hành động của các tàu Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, đe dọa đến tính mạng và gây thiệt hại về tài sản của ngư dân Việt Nam.
Hành động này cũng đi ngược lại thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc, trái với tinh thần tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp thêm tình hình trên biển. Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc xử lý nghiêm khắc các hành vi của các tàu nói trên, bồi thường thỏa đáng cho ngư dân Việt Nam và không để tái diễn các vụ việc tương tự”.
Theo PetroTimes
26 comments