Quyết tâm thực hiện “Giấc mơ Trung Quốc”
Là căn cứ hải quân lớn nhất Trung Quốc nên sự xuất hiện của ông Tập Cận Bình tại quân cảng Tam Á thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Sau khi tham quan các tàu Ngọc Lâm, Hoành Thủy, Nhạc Dương, ông Tập Cận Bình (dưới sự tháp tùng của Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Phạm Trường Long và Tư lệnh Hải quân Ngô Thắng Lợi) đã lên tàu đổ bộ Tỉnh Cương Sơn và một tàu ngầm của hạm đội Nam Hải.
Tỉnh Cương Sơn là tàu hải quân đầu tiên của Trung Quốc có nữ quân nhân.
Theo tờ South China Morning Post, ông Tập Cận Bình đã yêu cầu binh sĩ luôn trong trạng thái sẵn sàng, kêu gọi hải quân tự củng cố lực lượng, chuẩn bị cho mọi tình huống xung đột. Chuyến thăm diễn ra hôm 9/4, nhưng ngày 11/4 mới được tường thuật trên báo đài của Trung Quốc.
Trước đó (17/3), trong bài phát biểu đầu tiên trên cương vị Chủ tịch nước, ông Tập Cận Bình cũng yêu cầu quân đội cải thiện khả năng để “giành chiến thắng trong các cuộc chiến”. Tuyên bố tương tự được ông Phạm Trường Long, Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương đề cập khi thị sát các đơn vị đóng ở các tỉnh Giang Tô, Phúc Kiến và Chiết Giang - các lực lượng vũ trang phải tăng cường tính sẵn sàng chiến đấu và đảm bảo chiến thắng trong mọi cuộc chiến.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) bắt tay người đồng cấp Trung Quốc, Vương Nghị
Cũng trong ngày 11/4, Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc cho biết, việc tăng cường quản lý tài nguyên trên biển, đặc biệt là đánh giá và xác định chiến lược tài nguyên dầu khí tại các khu vực như Hoàng Hải, Đông Hải và Nam Hải (cách Trung Quốc gọi Biển Đông) sẽ mở rộng khả năng thăm dò dầu khí tại các khu vực này, cũng như khai thác kinh doanh dầu khí, đầu tư trang bị kỹ thuật thăm dò nước sâu và hoàn tất việc nghiên cứu các khu vực dầu khí trọng điểm trên biển.
Đây là một phần trong “Quy hoạch phát triển sự nghiệp hải dương 5 năm lần thứ 12”.
Theo đó, Trung Quốc sẽ mở rộng thăm dò dầu khí và bình thường hóa các hoạt động tuần tra trên Biển Đông, đồng thời bảo vệ quyền lợi trên biển bằng nhiều hình thức, nghiên cứu sâu các đối sách, tăng cường khống chế thật sự đối với các vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền. Bắc Kinh sẽ hướng dư luận ủng hộ các lợi ích biển của Trung Quốc, cho dù việc này xâm phạm tới quyền lợi hợp pháp của các nước hữu quan.
Mặc dù “Quy hoạch phát triển sự nghiệp hải dương 5 năm lần thứ 12” đề cập tới việc phát triển hải dương ở các biển Hoa Đông, Hoa Nam và Biển Đông, nhưng nội dung cụ thể cho thấy chủ yếu nhằm vào Biển Đông - Bắc Kinh tiếp tục đẩy mạnh chiến lược độc chiếm Biển Đông bất chấp các quy định pháp lý quốc tế, thông qua việc triển khai một cách đồng bộ và bài bản các mặt quân sự, kinh tế, ngoại giao...
Trung Quốc sẽ thực hiện bài bản, cụ thể chứ không chỉ đơn thuần là tuyên truyền.
Trước đó, Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc đã phát hành tài liệu “Bố trí công tác trọng điểm theo dõi, giám sát các động thái trên biển năm 2013”. Trong 6 năm lại đây, Trung Quốc đã nhiều lần khẳng định Biển Đông là “lợi ích cốt lõi” của họ khi Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với 80% diện tích ở Biển Đông.
Cùng với những hoạt động kể trên, chính quyền tỉnh Hải Nam cho biết, từ ngày 12 đến 16/5, Trung Quốc sẽ tổ chức hội thi câu cá (trái phép) tại đảo Đá Bắc và một số đảo thuộc nhóm đảo Vĩnh Lạc thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Tờ Nhân dân nhật báo coi hội thi diễn ra tại quần đảo Hoàng Sa nhằm cổ vũ, quảng bá hoạt động du lịch của tỉnh Hải Nam trong năm 2013. Ngoài ra, tàu Ngư chính 45001 đã rời cảng Bắc Hải, Quảng Tây (10/4) để thực hiện cái gọi là “nhiệm vụ xua đuổi tàu cá nước ngoài xâm nhập phi pháp” và bảo vệ quyền lợi ngư nghiệp của Trung Quốc trong vòng 50 ngày ở vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Nhật Bản không muốn Trung Quốc độc chiếm Biển Đông
Trong bài viết nhan đề “Nhật Bản ngày càng lo lắng về Biển Đông” đăng trong nội san tháng 4 của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) ở Singapore, ông Ian Storey, chuyên gia cao cấp của ISEAS cho rằng, Nhật Bản tuy không phải là đương sự trong tranh chấp ở Biển Đông nhưng là một nước có lượng hàng lớn vận chuyển qua khu vực này nên Tokyo là một đối tác quan trọng trong tranh chấp ở Biển Đông.
Ông Ian Storey nhận định, lo lắng của Nhật Bản về Biển Đông gia tăng cùng với tình hình ngày càng căng thẳng tại đây. Bởi bất ổn ở Biển Đông có khả năng làm gián đoạn dòng chảy tự do của hàng hóa - sự thịnh vượng về kinh tế của Nhật Bản phụ thuộc vào lĩnh vực vận tải biển; nếu Trung Quốc có thể thuyết phục hoặc ép các quốc gia châu Á chấp nhận tuyên bố về “quyền lịch sử” ở Biển Đông thì các chuẩn mực pháp lý quốc tế hiện hành sẽ bị suy yếu, kể cả các nguyên tắc về tự do hàng hải và bất ổn ngày càng gia tăng ở Biển Đông có thể phá vỡ dòng vận chuyển hàng hóa đến đất nước mặt trời mọc.
Thủ tướng Nhật Bản Abe
Theo ông Ian Storey, để giảm bớt quan ngại về Biển Đông, Nhật Bản đang cố gắng tiến hành theo 4 cách: đưa tranh chấp hàng hải lên các diễn đàn quốc tế; khuyến khích sự thống nhất trong ASEAN; giải quyết vấn đề trên cơ sở song phương với các nước Đông Nam Á; tăng cường mối quan hệ và sự phối hợp chính sách với Mỹ và các nước khác. Tokyo cho rằng, Biển Đông không bao giờ trở thành “ao nhà của Bắc Kinh”.
Nhưng sự không đồng thuận của 10 nước ASEAN về tranh chấp ở Biển Đông từng dẫn tới việc lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm của ASEAN, các bộ trưởng ngoại giao của hiệp hội này không ra được tuyên bố chung (tháng 7/2012).
Trung Quốc đang lợi dụng sự mất đoàn kết này để chia rẽ các nước đương sự trong tranh chấp biển đảo. Bởi trong tranh chấp đảo Hoàng Nham/Scarborough, Philippines đã phải lùi bước và Trung Quốc đang kiểm soát tại đây. Nhật Bản lo ngại Trung Quốc sẽ theo đuổi chiến lược tương tự ở biển Hoa Đông - sử dụng tàu của cơ quan thực thi pháp luật hàng hải để đạt được kiểm soát trên thực tế tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Phát biểu tại 3 cuộc họp gồm hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM), hội nghị Hội đồng Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN (APSC) lần thứ 9 và hội nghị Hội đồng Điều phối ASEAN (ACC) lần thứ 12, Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh nhấn mạnh, ASEAN cần thúc đẩy đối thoại, giải quyết hòa bình vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông nhằm duy trì hòa bình, an ninh khu vực trên cơ sở Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và hướng tới thiết lập Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Các quan chức cấp cao ASEAN được giao nhiệm vụ tích cực làm việc với Trung Quốc nhằm sớm hoàn tất COC trên cơ sở đồng thuận.
Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa cho biết, các bộ trưởng ngoại giao ASEAN sẽ có một cuộc họp đặc biệt với Trung Quốc để thúc đẩy hoàn tất COC trong năm nay. Theo ông Marty Natalegawa, cuộc gặp này do Trung Quốc đề xuất và tất cả các nước ASEAN đã đồng ý tham dự. |
Sau khi ký một loạt hiệp định về đánh bắt cá với Nhật Bản hôm 10/4, ngày 12/4, Cục trưởng Cục tuần tra biển thuộc Viện Hành chính Đài Loan, ông Vương Tiến Vượng cho biết, nếu các tàu đánh cá của Trung Quốc xâm phạm vùng lãnh hải Senkaku/Điếu Ngư sẽ bị cảnh sát biển Đài Loan xua đuổi.
Theo những hiệp định vừa được ký giữa Nhật Bản và Đài Loan, tàu cá của Đài Loan sẽ được hoạt động ở vùng biển ngoài khơi quần đảo Sekaku/Điếu Ngư và cảnh sát biển Đài Loan sẵn sàng truy đuổi tàu cá Trung Quốc nếu họ cố tình xâm phạm khu vực này.
Giới chuyên môn cho rằng, thông qua những hiệp định về đánh bắt cá mà Tokyo vừa ký với Đài Bắc trong vấn đề khai thác ngư trường trên vùng biển Senkaku/Điếu Ngư, Nhật Bản muốn gián tiếp ngăn chặn Đài Loan hợp tác với Trung Quốc trong việc tranh chấp chủ quyền tại quần đảo này. Cũng trong ngày 12/4, tại cuộc gặp Bộ trưởng Nông - Lâm - Ngư nghiệp Yoshimasa Hayashi ở Tokyo, Phó tỉnh trưởng tỉnh Okinawa Kurayoshi Takara đã phản đối mạnh mẽ hiệp định về quyền lợi đánh bắt giữa Nhật Bản và Đài Loan.
Bởi theo hiệp định, tàu cá Đài Loan và Nhật Bản có thể đánh bắt chung trong khu vực biển 7.400km2 gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư (thuộc tỉnh Okinawa) và đây là sự nhượng bộ quá nhiều.
Theo tờ Asahi, để xúc tiến nhanh việc ký kết, Nhật Bản không sử dụng cụm từ “vùng lãnh hải” trong thỏa thuận (được ký tại Đài Bắc hôm 10-4 sau 17 năm đàm phán giữa 2 bên) để tránh thể hiện rõ ràng việc nước này không cho các tàu cá Đài Loan vào khu vực 12 hải lý quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Đây là một sự khôn khéo để gạt những tranh cãi về chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết, cuộc đàm phán này nhằm bảo vệ các nguồn tài nguyên biển ở Hoa Đông.
Tờ The Australian dẫn lời Phó giáo sư John Lee ở Đại học Sydney, Australia cho rằng, thỏa thuận giữa Nhật Bản và Đài Loan sẽ gia tăng áp lực buộc Trung Quốc phải gác lại tranh chấp lãnh thổ ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư để tiến đến thỏa thuận về quyền đánh bắt cá.
Ngày 14/4 tại Tokyo, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết, Washington cam kết bảo vệ Tokyo và phản đối bất kỳ hành động mang tính cưỡng ép nào của Bắc Kinh nhằm chiếm đóng lãnh thổ hiện dưới quyền quản lý của Nhật Bản - quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Thái độ lập lờ của Trung Quốc
Ngày 12/4, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết, vấn đề nghề cá giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã được 2 nước ký năm 1997.
Trung Quốc phản đối Nhật Bản áp dụng hành động đơn phương tại vùng biển liên quan, yêu cầu Nhật Bản nghiêm túc xử lý vấn đề với Đài Loan theo nguyên tắc và tinh thần được xác định trong Tuyên bố chung Trung - Nhật.
Ông Hồng Lỗi cũng cho rằng, 2013 là kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược Trung Quốc - ASEAN và 2 bên đang bàn thảo việc tổ chức một loạt hoạt động chào mừng nhằm tổng kết quá khứ, quy hoạch tương lai, tiếp tục nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược Trung Quốc - ASEAN.
Lập trường của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông không thay đổi - Trung Quốc sẽ giải quyết tranh chấp thông qua hiệp thương hữu nghị và đàm phán với nước đương sự. Biển Đông không phải là vấn đề giữa Trung Quốc và ASEAN. Trước đó (3/4), tờ Thời báo Hoàn Cầu dẫn phân tích của giới học giả Trung Quốc cho rằng, hải quân nước này sẽ dùng vũ lực một khi đàm phán về Biển Đông không có kết quả bởi Bắc Kinh không thỏa hiệp trong vấn đề Biển Đông.
Ngày 10/4, tờ Cambodia Daily đưa tin, trong cuộc gặp ông Tập Cận Bình bên lề Diễn đàn Bác Ngao tại Hải Nam, Trung Quốc, Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho biết, Phnom Penh đã cam kết tăng cường hợp tác và sẽ tiếp tục hỗ trợ cái gọi là “lợi ích cốt lõi và những mối quan tâm” của Trung Quốc trong khu vực sau khi Bắc Kinh ký 8 dự án đầu tư vào nước này, trong đó có dự án xây dựng nhà máy lọc dầu với giá trị khoảng 1,67 tỉ USD.
Đầu tư của Trung Quốc vào Campuchia đã tăng trưởng nhanh chóng - từ 1994 đến 2011 Trung Quốc đã rót 8,8 tỉ USD vào Campuchia và trở thành nước đầu tư lớn nhất vào quốc gia này. Đây được coi là món quà để Phnom Penh từ chối đưa vấn đề Biển Đông vào chương trình nghị sự của ASEAN khi Campuchia giữ vai trò Chủ tịch luân phiên năm 2012.
Ngày 11/4, ngoại trưởng các nước ASEAN đã kết thúc hội nghị tại thủ đô Banda Seri Begawan của Brunei mà không thể ra được một tuyên bố chung về việc giải quyết cụ thể các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.
Cũng trong ngày 11/4, phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM), Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario cho rằng, việc Philippines kiện Trung Quốc về tranh chấp tại Biển Đông ra tòa án trọng tài quốc tế sẽ giúp làm sáng tỏ quyền hợp pháp của hai nước ở biển Đông.
Theo giới bình luận, trước và sau Diễn đàn Bác Ngao, ông Tập Cận Bình đã gặp lãnh đạo các nước có lợi ích liên quan tới biển Đông như Brunei, Myanmar và Campuchia, nhằm tiếp tục phân hóa “lực lượng đối đầu”, cũng như loại trừ sự “gây nhiễu” sau này.
Đại diện Ủy ban Biên giới Quốc gia, Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 12/4 đã trao công hàm cho Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để phản đối kế hoạch tổ chức cho du khách tới tham quan quần đảo Hoàng Sa.
"Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc Trung Quốc tổ chức đưa khách du lịch tới quần đảo Hoàng Sa là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Việt Nam yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ kế hoạch trên".
Về thông tin Đài Loan có kế hoạch nâng cấp cầu cảng ở đảo Ba Bình, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đại diện Ủy ban Biên giới Quốc gia nhấn mạnh, kế hoạch xây dựng của Đài Loan tại Trường Sa là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này. Việt Nam yêu cầu phía Đài Loan hủy bỏ kế hoạch nêu trên, không gây phức tạp và căng thẳng thêm tình hình ở Biển Đông. |
Theo PetroTimes
26 comments