Quần đảo Senkaku hiện đang do Nhật quản lý
Sau khi ký hiệp định lập vùng đánh cá chung gần quần đảo tranh chấp Senkaku mang tính bước ngoặt với Nhật Bản hồi đầu tuần này, cơ quan ngư nghiệp Đài Loan tuyên bố họ sẽ đuổi bất kỳ tàu, thuyền đánh cá nào từ Trung Quốc đại lục mà họ phát hiện được ở khu vực này.
Chính người đứng đầu lực lượng tuần duyên Đài Loan Wang Jin-wang tuần này còn khẳng định, một khi các tàu đánh cá Trung Quốc “cứng đầu”, cảnh sát biển Đài Loan sẽ trục xuất ngay, tờ Japan Daily Press cho hay.
Thái độ “cứng rắn” với đại lục của Đài Loan chẳng khác nào cho Trung Quốc ăn “quả đắng”, tuy nhiên, nó lại được giới phân tích xem là một thành công trong chính sách biển đảo “có cương, có nhu” dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe của Nhật Bản.
Bởi mục đích sâu xa của Tokyo khi thỏa hiệp gác lại tranh chấp lãnh thổ giữa hai bên, cho phép ngư dân Đài Loan hoạt động ở một phần khu vực đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản gần quần đảo Senkaku, trừ vùng biển 12 hải lý quanh cụm đảo không người ở này, là nhằm ngăn chặn Đài Bắc và Bắc Kinh liên minh chống lại Nhật Bản.
Giới chuyên gia nhận định để thực hiện bước đi cao tay này, Nhật Bản đã có sự chuẩn bị. Còn nhớ, từ tháng 9/2012, sau khi Nhật Bản quốc hữu hoá quần đảo Senkaku, Trung Quốc, Đài Loan (các bên cũng tuyên bố ở Senkaku) đã phản đối gay gắt.
Tàu cá Đài Loan, với sự yểm trợ của lực lượng tuần duyên vùng lãnh thổ này, thường xuyên tổ chức các chuyến đi biểu tình, tìm cách xâm nhập vào Senkaku. Lúc này, dấu hiệu bắt tay đối phó với Tokyo của Đài Bắc và Bắc Kinh đã rất rõ.
Hồi tháng 12 năm ngoái, ngay khi đắc cử, Thủ tướng Abe đã ra lệnh cho các bộ, ngành liên quan đẩy nhanh việc đàm phán và củng cố quan hệ với Đài Loan.
Một trong những cử chỉ đó là việc dành riêng cho đoàn khách đến từ Đài Loan một vị trí trong lễ kỷ niệm 2 năm thảm họa động đất, sóng thần vừa qua.
Ngay trong lần đàm phán ngư nghiệp này, theo tờ Asahi, phía Nhật cũng không sử dụng cụm từ “vùng lãnh hải” trong hiệp định, mà sử dụng khái niệm khu vực 12 hải lý quanh quần đảo Senkaku là vùng biển Nhật không cho phép các tàu cá Đài Loan đi vào.
Đây là một sự khôn khéo đồng thời là một sự nhún nhường của Tokyo với Đài Bắc vì một mục đích quan trọng hơn.
Và đương nhiên, Trung Quốc không khó gì không nhận ra được mục đích sâu xa đó của Nhật Bản. Bắc Kinh lập tức “giãy nảy” lên, cáo buộc Tokyo vi phạm cam kết tôn trọng nguyên tắc “một Trung Quốc”, đơn phương qua lại với Đài Loan và đơn phương hành động trong khu vực tranh chấp.
Không thể phủ nhận hiệp định ngư nghiệp Nhật – Đài đem lại nhiều lợi ích cho Đài Bắc, Bắc Kinh chỉ còn nước cảnh báo Đài Loan sao nỡ “mềm hóa” lập trường “bảo Điếu” (bảo vệ Điếu Ngư) của mình (Thời báo Hoàn cầu ngày 11/4).
Rõ ràng, Tokyo đã cao tay đặt Bắc Kinh vào thế khó xử giữa một bên là lợi ích của Đài Loan, một bên là chủ quyền lãnh thổ.
Về phía Đài Bắc, dù Bộ Ngoại giao vùng lãnh thổ này phủ nhận những chỉ trích của Bắc Kinh cho rằng Đài Loan đã đánh đổi chủ quyền để lấy quyền đánh bắt cá, nhưng không thể phủ nhận việc mở rộng thêm được 4.530 km2 ngư trường đánh cá cho ngư dân là điều khiến đại đa số các quan chức và dân chúng hòn đảo này hân hoan.
Nhà lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu, được cho là có xu thế thân Bắc Kinh, hẳn cũng hài lòng khi bản thân ông đang cần một bước đột phá ngoại giao để vực dậy uy tín đang giảm của mình. Nghiễm nhiên, nhờ hiệp định này, Đài Loan bỗng trở thành một tiếng nói trong tranh chấp ở quần đảo Senkaku.
Bởi trước kia, tranh chấp ở quần đảo này hầu như chỉ tập trung và Nhật Bản và Trung Quốc, các sáng kiến hoà bình (tháng 8/2012) hay đề nghị, phản đối nào của Đài Loan cũng bị bỏ qua khi nói tới quần đảo này. Đây là điều khiến phe đối lập Đài Bắc bức xúc nhất với chính phủ Mã Anh Cửu.
Do đó, cũng dễ hiểu khi báo giới Đài Loan, từ tờ Kuomintang China Times thân chính phủ, tới tờ Liberty Times thân đảng Dân tiến đối lập, đều ca ngợi việc ký kết hiệp định là một cách đảm bảo quyền lợi cho ngư dân Đài Loan.
Xem ra, chỉ có Trung Quốc là đang phải “ngậm đắng, nuốt cay”!
Theo PetroTimes
Website: http://doanhnghiep24hvn.com
26 comments