1. Apple
Cổ phiếu Apple từng rơi tự do nhưng doanh nghiệp này vẫn cho thấy sức mạnh tài chính khi lợi nhuận ròng đạt 13 tỷ USD quý IV năm ngoái, trở thành công ty có mức lợi nhuận cao nhất thế giới trong giai đoạn đó. Apple có lượng khách hàng trung thành hùng hậu và một mực từ chối cạnh tranh về giá bán.
2. Google
Google ở thung lũng công nghệ Silicon là môi trường hấp dẫn nhất thế giới để làm việc. Nhưng quan trọng hơn hết, quảng cáo hiển thị trên thiết bị di động tiếp tục mang lại lợi nhuận hàng tỷ USD cho Google, không chỉ thu lợi từ công cụ tìm kiếm mà còn trên cả YouTube và DoubleClick.
3. Amazon
Với mức giá thấp, dịch vụ khách hàng hiệu quả và khả năng tăng trưởng nhanh theo khu vực địa lý, Amazon vẫn đứng vững và hưởng lợi nhiều nhất khi ngành công nghệ thương mại điện tử bùng nổ. Amazon đang có kế hoạch phát triển điện thoại thông minh với thương hiệu của riêng mình.
4. Coca-Cola
Soda có thể là kẻ thù số một trong cuộc chiến công khai chống lại bệnh béo phì, nhưng Coca-Cola đã biết cách phát triển mạnh ngành kinh doanh nước giải khát không có gas và thương hiệu của nó rất phổ biến ở bên ngoài nước Mỹ. Doanh số bán của riêng sản phẩm Coke đã đạt 2 con số ở Ấn Độ và Thái Lan vào năm 2012 (doanh số bán đã tăng 4% trên toàn cầu). Trên đà thành công này, Coca-Cola đã gia nhập và ngành sữa trong năm nay, qua việc mua lại cổ phần của Fair Oaks Farms – một công ty chuyên về dinh dưỡng sức khỏe.
5. Starbucks
Đây là chuỗi cửa hàng cà phê lớn nhất thế giới, bắt đầu mở rộng chi nhánh vào năm 1971 khi nó chỉ xuất phát từ một quán cà phê nhỏ ở Seattle, Mỹ. Sau khi công ty buộc phải đóng hàng trăm cửa hàng trong cuộc khủng hoảng tài chính, Howard Schultz, Giám đốc điều hành Starbucks, đã làm một cuộc thay đổi hoàn toàn giúp công ty tăng trưởng mạnh sau suy thoái kinh tế. Starbucks đã thu lợi nhuận kỷ lục là 13,3 tỷ USD năm ngoái, tăng 14% so với năm trước đó.
6. IBM
Ngành công nghệ thông tin gặp nhiều khó khăn, nhưng IBM tiếp tục có các nguồn thu vững chắc ở một số phân khúc, nhất là trong phân tích dữ liệu, điện toán đám mây và các thị trường mới nổi. IBM đã có mức tăng trưởng 11% ở các thị trường Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc.
7. Southwest Airlines
Lợi nhuận ròng của hãng hàng không Southwest đã tăng 26% vào năm ngoái. Với dịch vụ giá rẻ, Southwest đã giữ chân được khách hàng trung thành mà từ lâu các hãng hàng không khác của Mỹ ít quan tâm đến, chẳng hạn như cho khách đặt lại vé miễn phí và đi kèm chính sách mang giỏ xách không tính phí.
8. Berkshire Hathaway
Warren Buffett là một trong những giám đốc điều hành của Mỹ được kính trọng nhất. Ngoài việc xây dựng một tập đoàn với 250.000 nhân viên và gần 50 tỷ USD lượng tiền mặt, Warren Buffett cũng cam kết hiến nửa tài sản khổng lồ của ông cho từ thiện và kêu gọi những người khác làm điều tương tự.
Berkshire Hathaway, công ty của ông, đã mua H.J. Heinz đầu năm nay. Đây là một trong những thỏa thuận lớn nhất trong lịch sử của công ty và là dấu hiệu cho thấy doanh nghiệp không có dấu hiệu thu hẹp hoạt động, ngay cả khi Buffett sắp bước vào tuổi 83.
9. Walt Disney
Disney một lần nữa trở thành tâm điểm trên các tít lớn của các tờ báo về những sự kiện mua bán và sáp nhập vào năm 2012, với việc chi 4,05 tỷ USD để mua LucasFilm hồi tháng 10.
Tuy nhiên, sự tăng trưởng của Disney không dừng lại ở phim ảnh, mà còn là các khu nghỉ dưỡng. Trong năm tài chính kết thúc vào tháng 11/2012, lợi nhuận từ kinh doanh công viên và khu nghỉ dưỡng tăng 9% so với năm 2011 – là mức cao nhất so với các phân khúc kinh doanh khác của công ty.
10. FedEx
Khi FedEx bắt đầu vào năm 1971, ý tưởng kinh doanh của nó rất đơn giản nhưng lại mang tính cách mạng: cung cấp các gói bưu kiện sau 1 đêm và đúng giờ. Người sáng lập FedEx, Fred Smith, đã nắm cương vị Giám đốc điều hành kể từ ngày đầu và chứng kiến sự phát triển vượt bậc cũng như đa dạng hóa hoạt động của công ty. Năm ngoái, FedEx đã cắt giảm chi phí trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu suy yếu.
Mai Phương (theo CNN)
26 comments