Còn không nhiều thời gian nữa để cho học sinh khối 12 ôn thi tốt nghiệp và ĐH, chính vì vậy tâm lý hầu hết của các bạn đều lo lắng, run đến mức mất ăn mất ngủ. Đối với sĩ tử thi các môn xã hội, những dữ liệu của môn Địa lý hay mốc thời gian ở môn Lịch sử đã lấy đi không ít thời gian nhưng đến thời điểm này vẫn chưa "đâu vào đâu".
Trong buổi tư vấn tuyển sinh, nhiều giảng viên trường ĐH KHXH&NV và ĐH KHTN Hà Nội đã chia sẻ về vấn đề này.
Có cần phải nhớ rõ ngày tháng sự kiện?
Một bạn có tên Nguyễn Thị Hà Thu đã hỏi: "Em thấy rất khó nhớ được các mốc thời gian lịch sử, liệu khi làm bài thi em có phải nhớ rõ ngày tháng của sự kiện không? Trong đề thi lịch sử, nếu câu hỏi có nội dung so sánh 2 sự kiện thì em cần phải trình bày thế nào thì được điểm cao ạ?".
Trả lời câu hỏi này, Tiến sĩ Trần Viết Nghĩa, Giảng viên khoa Lịch sử, Trường Đại học KHXH&NV cho biết:
"Vấn đề nhớ mốc sự kiện, nhân vật, địa danh và tổ chức luôn là nỗi ám ảnh với nhiều bạn học sinh. Vì vậy, em nên lựa chọn những sự kiện chính và ghi nhớ những nội dung cơ bản của sự kiện đó. Trong khi làm bài thi, việc nhớ rõ và chính xác những sự kiện lịch sử là tốt nhất. Tuy nhiên, một sự kiện có đầy đủ như ngày, tháng, năm, nếu em không nhớ ngày thì em có thể nhớ đến tháng, không nhớ tháng thì em nhớ đến năm.
Nếu câu hỏi yêu cầu so sánh hai sự kiện lịch sử thì em cần phải bám sát vào nội dung câu hỏi. Thực tế trong mỗi câu hỏi so sánh đều yêu cầu thí sinh phải so sánh những nội dung gì giữa hai sự kiện lịch sử đó. Câu hỏi so sánh thường đề cập đến sự giống và khác nhau về thời gian, địa điểm, quy mô, nội dung, ý nghĩa"…
Làm thế nào để thuộc môn Lịch sử?
Bạn Nguyễn Thu Thủy đưa ra câu hỏi: "Năm nay em thi đại học khối C, nhưng môn Sử của em lại học không được tốt lắm. Em muốn hỏi có thể làm cách nào để học thuộc môn này được không ạ? Ngoài sách giáo khoa, em có cần phải mua thêm các loại sách tham khảo khác không?".
TS Trần Viết Nghĩa cho biết: "Trong ba môn thi khối C thì học sinh cảm thấy học khó nhất là Lịch sử. Rất khó để em học thuộc lòng tất cả các nội dung thi môn này. Vì vậy, em nên chia phần ôn thi môn lịch sử thành từng giai đoạn, từng vấn đề cụ thể.
Ví dụ về chia giai đoạn, em có thể chia thành các giai đoạn như 1911-1930, 1930-1945, 1945-1954, 1954-1975, 1975-2000; về chia thành từng vấn đề cụ thể, em có thể chia thành các vấn đề như quân sự, kinh tế, văn hóa, giáo dục, ngoại giao… Sau đó lập dàn ý với sự kiện chính, nội dung chính cho từng vấn đề cụ thể.
Sách giáo khoa là sách cơ bản nhất đối với học sinh thi môn Lịch sử. Nội dung thi không nằm ngoài chương trình sách giáo khoa. Em có thể tham khảo thêm các loại sách lịch sử khác có liên quan trực tiếp đến những nội dung ôn thi môn lịch sử".
Môn Ngữ văn có cần học thuộc lòng không?
"Học môn Ngữ văn thì có nên học thuộc lòng không hay chỉ cần học ý chính thôi? Phần nghị luận để đạt điểm cao thì khi làm bài em cần chú ý những gì? Khi làm bài thi có bắt buộc phải nêu trích dẫn nội dung y như trong tác phẩm không? Nhất là các tác phẩm văn xuôi, em sợ sẽ không thể nhớ hết được", độc giả Vũ Mai Phương thắc mắc.
Thầy Trần Hinh – Giảng viên khoa Văn học, Trường Đại học KHXH&NV chia sẻ: "Theo thầy, học và ôn thi môn Ngữ Văn không nên và không thể học thuộc lòng được. Mình chỉ nên học các ý chính như em đã nói. Phương pháp học là cứ mỗi bài em nên gạch đầu dòng những ý chính, nhớ các ý đó, những gì chưa hiểu thì xem lại bài học. Điều đặc biệt quan trọng là em phải hiểu được các ý chính thì khi làm bài cụ thể mình mới có thể viết tốt được.
Phần nghị luận xã hội muốn đạt điểm cao thì mình phải biết vận dụng thật tốt những kiến thức xã hội, kiến thức thực tế, và khi viết thì phải mạch lạc, rõ ràng, thậm chí có thể rất cần một bản lĩnh khi viết nữa.
Chẳng hạn, với các đề nghị luận xã hội, mặc dù cũng có một đáp án chấm thi, nhưng đáp án cho phép người chấm có thể căn cứ vào thực tế bài viết, người viết có thể thậm chí phản biện lại câu hỏi, nói ngược lại những điều câu hỏi đặt ra, miễn là nó phải thuyết phục. Tóm lại, với bài nghị luận xã hội, kiến thức thực tế và cách lập luận là hết sức quan trọng.
Trong bài thi, trong trường hợp cần trích dẫn lại các ý trong bài văn, thì nếu chính xác em cho vào dấu ngoặc kép, nếu không nhớ chính xác, chỉ nhớ ý thì không cho trong ngoặc kép, viết theo cách hiểu của mình. Không sao cả, và không cần phải chép chính xác dẫn chứng".
Có được "ước chừng" số liệu môn Địa lý?
"Thi đại học môn Địa em có được sử dụng Atlas hay không? Môn này có rất nhiều số liệu mà em không thể nhớ hết được, khi làm bài em có phải ghi chính xác hay không hay chỉ nói ước chừng là đủ?", bạnHoàng Việt Anh băn khoăn.
PGS.TS Đinh Văn Thanh – Giảng viên khoa Địa lý, Trường Đại học Khoa học tự nhiên tư vấn: "Khi làm bài thi môn Địa lý vào đại học và cao đẳng thì tuyệt đối không được sử đụng Atlas.
Môn Địa lý rất nhiều số liệu cần phải nhớ, nhưng khi làm bài thi vào đại học và cao đẳng thì cũng không cần nhiều số liệu. Những số liệu cần thiết cho bài thi thì buộc phải nhớ chính xác như trong sách giáo khoa mới nhất kèm theo những số liệu cập nhật trong các tài liệu thống kê.
Nếu bài thi mà có các số liệu đúng như trên thì sẽ được điểm tối đa. Còn các số liệu ước chừng không chính xác thì sẽ bị điểm thấp hoặc không có điểm.
Đối với môn Địa lý thì kiến thức cơ bản cần thiết cho thi tốt nghiệp phổ thông và vào các trường cao đẳng và đại học thì gồm các nội dung chính, chủ yếu là Địa lý Việt Nam: Địa lý tự nhiên Việt Nam, Địa lý dân cư Việt Nam, Địa lý các ngành kinh tế Việt Nam (nông nghiệp, công nghiệp, các ngành dịch vụ như giao thông, thông tin liên lạc, bưu chính viễn thông, thương mại, du lịch…), Địa lý các vùng kinh tế (7 vùng : Trung du miền núi Bắc bộ, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng Bằng sông Cửu Long), Địa lý 3 vùng kinh tế trọng điểm, Địa lý biển đảo và ý nghĩa của biển đảo Việt Nam với phát triển kinh tế và bảo vệ an ninh quốc phòng.
Ngoài phần lý thuyết trên thì thí sinh cần phải nắm chắc kiến thức vẽ các biểu đồ địa lý (đọc bài Kỹ năng vẽ các dạng biểu đồ Địa lý).
Đối với những đề thi Địa lý vào đại học và cao đẳng thì chủ yếu là kiến thức địa lý Việt Nam, sách giáo khoa lớp 12 phổ thông trung học (xuất bản từ năm 2005 đến nay).
Khi ôn thi tốt nghiệp lớp 12 thì em cần phải ôn thi kiến thức của lớp 10, 11 và lớp 12 trong đó chủ yếu là lớp 12".
Theo Xzone Specialist
26 comments