Chợ truyền thống đuối sức
Theo Hiệp hội bán lẻ hiện nay cả nước ta có trên 9.000 chợ truyền thống khắp cả nước và hiện hệ thống này đang giữ vai trò phân phối đến 80% lưu lượng hàng hóa đưa đến tay người tiêu dùng, góp phần giải quyết số lượng lao động lớn cho toàn xã hội.
Tuy nhiên, do nhiều lý do khách quan và chủ quan, các chợ truyền thống đang lâm vào tình cảnh ngày càng mất dần đi sức hút trước các kênh phân phối hiện đại khác.
Cũng như nhiều địa phương trong cả nước, tại TP HCM chợ truyền thống ngày càng bị thu hẹp không chỉ về số lượng mà còn cả chất lượng. Số lượng hàng sạp trong các chợ đều thu hẹp lại do sức mua của người dân ngày một đi xuống.
Tình trạng tiểu thương “treo cân, bỏ chợ” đã trở nên quen thuộc ở các chợ TP HCM thời gian qua bởi sự ế ẩm triền miên. Tiêu biểu như chợ Bà Chiểu (Q. Bình Thạnh), số lượng tiểu thương bỏ chợ trong vòng hai năm trở lại đây lên đến 30%.
Chị Nguyên Thị Thủy, tiểu thương chợ Bà Chiểu cho biết: Tình trạng ế ẩm trong thời gian dài đã khiến không ít chị em phải trả lại hàng, sạp vì không thể tiếp tục kinh doanh.
“Kinh doanh dựa trên đồng vốn quay vòng nhưng ế ẩm hoài nên tiểu thương cũng cạn kiệt sức lực. Ngay cả những tiểu thương như chúng tôi dù cố gắng bám trụ lại cũng phải thu hẹp kinh doanh không còn dám buôn bán nhiều như trước nữa”- chị Thủy cho hay.
Các siêu thị đang là kênh phân phối hàng hóa chiếm ưu thế trên thị trường bán lẻ Việt.
Đây cũng là tình trạng của hầu hết các chợ truyền thống trên địa bàn các quận, huyện ở TP HCM. Ông Nguyễn Công Liêm, phụ trách ngành hàng chợ thị Nghè cho biết, hoạt động của chợ đã giảm khoảng 20% so với thời điểm cách đây hai năm. Thống kê của Ban quản lý chợ Thị Nghè (Q.Bình Thạnh), chợ có gần 285 tiểu thương đăng kí kinh doanh thì quanh chợ có tới hơn 400 hộ kinh doanh tự phát. Trung bình mỗi năm tại chợ Thị Nghè đều có mười mấy trường hợp sang lại sạp vì buôn bán khó khăn, thậm chí có một số tiểu thương bị đổ nợ do buôn bán thua lỗ.
Theo các tiểu thương ngoài nhuyên nhân chính là do tình hình kinh tế khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu thì sự bùng nổ của hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, các cửa hàng tiện ích, đặc biệt là sự xuất hiện dày đặc của chợ tự phát đã làm cho hoạt động mua bán hàng hóa của chợ truyền thống giảm sút.
Bên cạnh đó, một thực tế đáng lo ngại nữa đó chính là sự xuống cấp của các chợ truyền thống, đặc biệt là những chợ được xây dựng từ trước 1975.
Tình trạng cơ sở hạ tầng của các chợ xuống cấp không những gây mất an toàn vệ sinh cho việc buôn bán các loại hàng hóa mà còn khiến người dân gặp bất tiện khi mua sắm trong chợ.
Trước những vấn đề tồn tại trên, Sở công thương TP HCM đã thông qua đề án phát triển hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ trên địa bàn thành phố từ nay đến năm 2015, tầm nhìn đên năm 2020.
Theo đó, đến năm 2015, thành phố giảm dần số lượng chợ tại khu vực trung tâm; các chợ bán buôn được đầu tư hiện đại, đồng bộ, đảm bảo yêu cầu văn minh thương mại, đáp ứng nhu cầu mua sắm, giao dịch hàng hóa và cung ứng các loại hình dịch vụ hỗ trợ.
Đến năm 2015 sẽ tiếp tục tiến hành sữa chữa, nâng cấp 31 chợ truyền thống. Đồng thời tập trung tổ chức, sắp xếp lại hoạt động kinh doanh đối với các chợ còn lại cho phù hợp với công năng, thiết kế của chợ.
Đối với các chợ không phù hợp với quy hoạch sẽ tiếp tục thực hiện giải tỏa và di dời ra khỏi trung tâm thành phố.
Về vấn đề này, bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM cho biết: Sở đang tiếp tục chỉ đạo rà soát lại hoạt động của các chợ bán buôn, bán lẻ trên địa bàn thành phố để có hướng hỗ trợ kịp thời.
Một mặt sở cũng phối hợp với câu lac bộ Hàng Việt Nam chất lượng cao cùng Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư thành phố để giới thiệu các doanh nghiệp có uy tín, thương hiệu đưa hàng vào chợ truyền thống.
Sở cũng kêu gọi các doanh nghiệp này có chính sách ưu đãi, khuyến mãi cho kênh phân phối chợ, tăng quảng bá cho chợ…
“Hiện tại thành phố đang khuyến khích cải tạo, nâng cấp chợ thông qua xã hội hóa, bước đầu đã triển khai khá tốt tại một số chợ ở vùng ven, đồng thời tổ chức các khóa huấn luyện, đào tạo miễn phí cho tiểu thương về kỹ năng bán hàng, văn hóa ứng xử trong bán hàng, nhằm từng bước nâng cao chất lượng phục vụ của tiểu thương tại các chợ.
Với những nỗ lực trên chúng tôi tin chắc rằng chợ truyền thống sẽ lấy lại được niềm tin của người tiêu dùng” - bà Đào chia sẻ.
Bùng nổ các nhà bán lẻ hiện đại
Để đáp ứng sự phát triển của các đô thị Việt Nam cũng như nhu cầu mua bán hàng hóa của người dân, theo quy hoạch của Bộ Công thương ngoài chợ truyền thống thì đến năm 2020, cả nước sẽ có 1.200 siêu thị, 157 trung tâm mua sắm, 180 trung tâm thương mại.
Ngay tại TP HCM trong đề án phát triển hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ trên của mình, thành phố này cũng xác định chú trọng tăng tỷ trọng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đối với hệ thống phân phối hiện đại trong tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ trên địa bàn lên mức 35% - 40% vào năm 2015 và 60% vào năm 2020.
Như vậy, có thể thấy, với quy hoạch hệ thống phân phối hàng hóa như trên thì tiềm năng của thị trường bán lẻ rất lớn. Nắm đươc cơ hội hấp dẫn, các nhà bán lẻ trong và ngoài nước đang chạy đua để gia nhập thị trường này.
Tuy nhiên, tiềm năng cũng đi liển với thách thức khi ngày càng có nhiều các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động kinh doanh này. Bài toán đặt ra là các nhà bán lẻ phải chọn mô hình hoạt động nào để có thể thu hút được người tiêu dùng về phía mình trước rất nhiều đơn vị khác.
Nói như vậy để thấy rằng, thị trường bán lẻ trong nước đang rất đa dạng với nhiều loại hình khác nhau từ đại siêu thị, siêu thị, trung tâm phân phối sỉ đến cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên kinh doanh thực phẩm….có quy mô lên đến 10.000 m2 với hàng chục đơn vị tham gia.
Đây cũng là cơ hội để các nhà bán lẻ trong nước nắm bắt thời cơ mở rộng hoạt đông và liên doanh với các đối tác bên ngoài.
Đi đầu trong số các nhà bán lẻ trong nước nắm bắt sớm cơ hội này phải kể đến là Co.opMart. Ngoài việc mở rộng mạng lưới siêu thị, đơn vị này còn bắt tay hợp tác với đối tác nước ngoài để lập đại siêu thị Co.op Xtra plus tại quận Thủ Đức.
Đại siêu thị này không chỉ kinh doanh bán lẻ mà còn phân phối hàng hóa số lượng lớn.
Đại diện Co.opMart cho rằng, việc ra đời Co.op Xtra plus nhằm xác lập vị thế và gia tăng thị phần trên thị trường bán lẻ trước nguy cơ các tập đoàn bán lẻ ngoại đặt chân nhiều vào Việt Nam.
Đây cũng là hướng đi mà Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) đưa ra trong năm 2013 với kế hoạch phát triển mới trong đó Satra sẽ tập trung phát triển hệ thống cửa hàng ở các quận nội thành.
Tuy vậy, nhìn vào bức tranh của thị trường bán lẻ trong nước, chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy thị phần vẫn chủ yếu nằm trong tay các doanh nghiệp ngoại khi những tên tuổi lớn như: Metro, Big C, Lotte Mart chiếm sự áp đảo.
Chưa kể đến những doanh nghiệp đang tiếp cận thị trường Việt Nam như tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Pháp là Auchan đã quyết định đầu tư 500 triệu USD trong 10 năm tới vào thị trường Việt Nam. Điều này cho thấy ngành bán lẻ Việt Nam đang thu hút rất nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Mô hình của Auchan là cung cấp hàng hóa từ các quốc gia, đồng thời thu mua hàng nội địa để phân phối tại thị trường nước ngoài.
Thống kê của hiệp hội bán lẻ cho thấy, hiện trên thị trường bán lẻ Việt Nam đang có đến 21 doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài.
Các doanh nghiệp trong nước dù có số lượng nhiều hơn nhưng đa phần là doanh nghiệp nhỏ, lẻ rất ít doanh nghiệp có đủ sức cạnh tranh với các đối thủ ngoại.
Vì vậy tầm ảnh hưởng của các doanh nghiệp trong nước trên thị trường này còn rất hạn chế.
Theo các chuyên gia trong ngành bán lẻ, sự yếu kém của các nhà bán lẻ Việt Nam đến từ nhiều vấn đề như kho hàng hạn chế, bến bãi phân tán và hoạt động không hiệu quả; lượng hàng dự trữ mỏng, mạng lưới phân phối kém chuyên nghiệp; phát triển manh mún, tự phát, chưa có chiến lược hợp lý.
Bên cạnh đó lực lượng nhân sự được đào tạo chuyên nghiệp còn rất hạn chế.
Đa phần các nhà bán lẻ phải đào tạo lại nhân sự khi tuyển vào làm việc, đây yếu điểm lớn cho sự phát triển ngành bán lẻ hiện đại Việt Nam.
Theo Infonet
26 comments