Cuối tuần trước, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HOREA) đề xuất với Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước về việc đánh thuế thu nhập với các khoản tiền gửi tiết kiệm từ 500 triệu đồng trở lên. Lý do được HOREA đưa ra là chủ trương này sẽ thúc đẩy dòng vốn từ ngân hàng chảy vào đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, ngay lập tức đề xuất này vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ giới chuyên gia cũng như người dân. Nhiều chuyên gia cho rằng, biện pháp này đi ngược lại những chủ trương vốn có và gây ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Nhiều chuyên gia phản đối đề xuất đánh thuế với thu nhập tiền gửi tiết kiệm. Ảnh: Hoàng Hà. |
Ông Cao Sỹ Kiêm - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - cho rằng, đề xuất này "không ổn chút nào" bởi nếu thực hiện vô tình sẽ co hẹp đáng kể lượng tiền gửi tiết kiệm của người dân vào ngân hàng. "Khi đó, nền kinh tế sẽ rơi vào tình trạng thiếu vốn bởi đa phần những người không biết kinh doanh mới đem tiền tích lũy được đi gửi tiết kiệm ngân hàng và không thể khuyến khích nhóm này tự đem vốn ra kinh doanh, sản xuất được", ông Kiêm cho biết.
Đồng tình với ông Kiêm, tiến sĩ Alan Phan - nguyên Chủ tịch Quỹ đầu tư Viasa Hong Kong - tin rằng đề xuất này không thể được thông qua. "Việc này sẽ gây ảnh hưởng tai hại đến thu nhập và vốn của ngân hàng, vi phạm nhiều luật và ảnh hưởng đến người dân", ông Alan Phan bình luận.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia - thì lo ngại: "Hiện nay chúng ta đang khuyến khích người dân gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng để phân bổ lượng vốn hợp lý cho nền kinh tế mà lại đánh thuế thì không hợp lý một chút nào".
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đại Lai tin rằng, không phải cứ đánh thuế lãi tiết kiệm thì dòng tiền sẽ đổ vào bất động sản mà rất có thể, nó lại đổ vào những kênh khác như vàng, đôla... "Người dân thích đầu tư vào đâu, đó là việc do thị trường tự quyết định và không có chuyện vì bị đánh thuế mà người dân sẽ đưa dòng tiền đó vào bất động sản. Vấn đề là liệu bất động sản hiện nay đã đủ sức hút chưa", ông Lai đặt câu hỏi. Theo ông, việc đưa dòng vốn vào bất động sản không giống như làm nông nghiệp, rạch một con kênh đúng theo hướng vào nhà và đắp hai bên bờ là nước sẽ tự chảy về mà kênh huy động vốn này là sự lựa chọn toàn quyền của người dân.
Ông Lê Xuân Nghĩa, người từng là Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, phân tích: "Với những người có lượng tiền gửi nhiều (trên 500 triệu) thì khi thấy bất động sản sinh lời tốt hơn tiết kiệm thì người ta cũng mua và không cần đến chủ trương này. Nên cách làm này không giải quyết được vấn đề trong thời điểm hiện nay". Theo ông Nghĩa, để tháo gỡ được sự đóng băng của bất động sản, ngoài những biện pháp Chính phủ đã nêu thì nên mở cửa cho người nước ngoài mua nhà có giá trị lớn. "Có thể ra quy định người nước ngoài được mua bất động sản có giá trị lớn, chẳng hạn như trên 3-4 tỷ đồng, như Singapore và các nước đã làm thì tồn kho sẽ giảm đáng kể", ông Nghĩa nói.
Một trong những điểm vô lý của đề xuất này được giới chuyên gia nêu là quyền lợi của người dân bị đe dọa. Theo ông Cao Sỹ Kiêm, nếu đánh thuế với thu nhập từ tiền gửi tiết kiệm sẽ đẩy người dân vào tình trạng thuế chồng thuế. "Người dân phải chịu một lần thuế thu nhập cá nhân rồi nay lại đóng thêm thuế thu nhập từ đồng tiền tích lũy thì rất vô lý", ông Kiêm thẳng thắn bày tỏ.
Thanh Thanh Lan
26 comments