bột lá nếp
cao chè vằng quảng trị
Tin Nóng doanh nghiệp
bột màu thực phẩm hoa đậu biếc
Doanh nghiệp bắt đầu "oằn mình" dù giá điện thấp

Doanh nghiệp bắt đầu "oằn mình" dù giá điện thấp

Từ ngày hôm nay 1/8, giá bán điện bình quân chính thức tăng thêm 5%, tương ứng là 71,85 đồng/kWh so với giá bán điện bình quân đã áp dụng ổn định trong vòng 8 tháng qua.

Giảm lãi suất, tăng giá điện

Mở một kho lạnh cho thuê để bảo quản hàng hóa, Công ty Việt Hòa của chị Nguyễn Thị Hiếu trên đường Bạch Đằng (Hà Nội) phải trả trung bình mỗi tháng khoảng 200 triệu đồng tiền điện. Chi phí giá điện chiếm tới 30% tổng chi phí của công ty này.

Việc giá điện tăng thêm 5% lần này, theo ước tính của chị Hiếu, doanh nghiệp sẽ phải cộng thêm 10-15% chi phí so với trước đây.

"Từ đầu năm đến nay, mọi chi phí đều tăng, trong khi đó giá dịch vụ cho thuê gửi hàng lại không điều chỉnh, vì doanh nghiệp còn phải giữ khách hàng và duy trì hoạt động," chị Hiếu chia sẻ.

Trong tình cảnh tương tự, ông Nguyễn Hồng Quang, Giám đốc siêu thị Mini Mart Quang Lan trên phố Việt Hưng cũng lo ngại, do phải bỏ tiền ra mua hàng về bán (không ký gửi hàng được như siêu thị lớn) nên giá điện tăng sẽ gây nhiều áp lực cho việc kinh doanh của công ty.

Cụ thể là mức tăng giá điện lần này thêm 5% ước tính sẽ làm chi phí của cửa hàng phải đội lên khoảng 8-10%, tức là hơn 5 triệu đồng bù thêm cho tiền điện sẽ phải tính toán bằng việc cắt giảm nhiều khoản chi tiêu khác.

Việc tăng giá điện đã kéo theo hàng loạt các vấn đề khác, doanh nghiệp phải "gồng mình" cân đối để giá hàng hóa không bị tăng đột biến, ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng. Đây là bài toán đau đầu của nhiều doanh nghiệp.

Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, hiện nay, sức mua yếu nên giá càng tăng sẽ càng gây giảm phát. Trong khi đó, hầu hết các siêu thị hiện nay đang phải xem xét việc tăng giá sau ngày 1/8 như thế nào để vẫn bán được hàng và chi phí ở mức thấp nhất.

"Tôi lo ngại rằng do chi phí tăng, nhiều nhà sản xuất sẽ phải thay đổi mẫu mã, trọng lượng, chất lượng sản phẩm; nghĩa là thêm cái này thì phải bớt cái kia trong khâu sản xuất để giảm bớt áp lực phải tăng giá,” ông Phú lo ngại.

Điện cũng chiếm gần 6% giá thành của ngành thép, theo ông Lại Quang Trung, Phó Tổng giám đốc Công ty Thép Việt- Úc, việc giá điện tăng trong bối cảnh đầu ra ngành thép đang hết sức khó khăn đã tạo cú sốc kép cho doanh nghiệp.

"Trong bối cảnh nhà nước đang có những chính sách kích cầu và hỗ trợ doanh nghiệp về lãi suất, thị trường thì việc tăng giá điện có thể phản tác dụng," ông Trung nói.

Điệp khúc "cực chẳng đã"

Điện là đầu vào của nhiều ngành dịch vụ và sản xuất, tăng giá điện đồng nghĩa với chi phí của nhiều mặt hàng tăng lên. Do vậy, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc tăng giá những mặt hàng thiết yếu như xăng, điện, than cần phải có lộ trình thích hợp và tránh xảy ra những cú sốc cho nền kinh tế.

Theo ông Phạm Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp (Viện nghiên cứu thương mai, Bộ Công Thương) việc điều chỉnh về mức giá các mặt hàng theo cơ chế thị trường không dễ và chỉ có thể làm từ từ vào những giai đoạn lạm phát thấp và ổn định. 

Ông Thắng cho rằng, việc tăng bao nhiêu để vừa tốt cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế và cho người dân mới là điều đáng quan tâm. "Thị trường giá cả đang phải gánh đợt tăng giá từ trước tết, nếu bây giờ tăng nhiều sẽ khiến giá cả hàng hóa khác cũng tăng theo," ông Thắng nhìn nhận.

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), chuyện tăng giá điện là việc "cực chẳng đã của ngành". Ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc EVN đã từng chia sẻ: "Là doanh nghiệp nhà nước, nên lợi nhuận không phải là mục tiêu cao nhất của tập đoàn mà quan trọng hơn là phải đảm bảo đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng."

Nhưng mọi chuyện đang trong vòng luẩn quẩn. Theo đánh giá của Hiệp hội năng lượng Việt Nam thì hiện giá bán điện của Việt Nam hiện chỉ khoảng 7 cent/kWh, thấp hơn các nước trong khu vực 3 cent/kWh. Vì giá điện rẻ nên nhiều dự án BOT đầu tư vào Việt Nam đã không thực hiện được, thậm chí ngành điện đang lỗ, không có tiền, phải đi vay để đầu tư cho nhà máy.

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam dẫn chứng, để đầu tư một nhà máy nhiệt điện chạy than công suất 1.000 MW phải cần đến 1,7 tỷ USD. Riêng EVN đang triển khai xây dựng hơn 10 nhà máy như vậy, chưa kể cả rất nhiều nhà máy điện khác. 

"Nếu ngành điện không lãi để tái đầu tư được thì thậm chí mất cả điện, thì việc phát triển ngành kinh tế sẽ như thế nào?" ông Ngãi đặt câu hỏi.

Do vậy, theo ông Ngãi, việc tăng giá điện là cần thiết, nhưng về lâu dài thì cũng cần phải có lộ trình thích hợp, giúp các doanh nghiệp sản xuất có thể chịu đựng được, cũng như tăng năng lực cạnh tranh. 

Tại buổi họp báo thường kỳ do Văn Phòng Chính Phủ tổ chức chiều 30/7, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính Phủ Vũ Đức Đam cũng đánh giá, nếu giá điện của Việt Nam thấp, thì tất cả dự án đầu tư sẽ không thiên về đổi mới công nghệ để tiết kiệm điện, như vậy hậu quả là nền sản xuất của Việt Nam sẽ lạc hậu.

"Ngân sách nhà nước không thể đầu tư mãi vào điện, nên cần phải kêu gọi đầu tư từ xã hội, nhưng giá điện thấp quá thì đầu tư không có lãi, nên sẽ không thu hút được đầu tư," Bộ trưởng Đam nhấn mạnh.

Người đứng đầu Văn phòng Chính Phủ cũng cho biết, việc điều chỉnh giá điện cũng sẽ kèm theo điều kiện hỗ trợ cho người dân, nhất là người thu nhập thấp và người nghèo.

“Phương án lộ trình tăng giá điện đã được Chính phủ bàn nhiều năm nay. Còn lộ trình tăng cụ thể như thế nào phải căn cứ vào nhiều yếu tố. Rút kinh nghiệm lần trước, Chính phủ yêu cầu Tập đoàn Điện lực phải có kế hoạch tuyên truyền để giải thích, lấy ý kiến phản hồi của cộng đồng để có điều chỉnh cần thiết về biện pháp cụ thể khi tăng giá điện”, Bộ trưởng Đam nói.


Theo Quyết định 24/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng và Thông tư số 31/2011/TT-BCT ngày 19/8/2011 của Bộ Công Thương, khi các thông số đầu vào biến động 5%, EVN được phép tăng giá điện ở mức tương ứng sau khi đăng ký với Bộ Công Thương và được cơ quan này chấp thuận.

Nếu sau 5 ngày làm việc Bộ Công thương chưa có ý kiến, EVN được tự tăng giá điện thêm 5%, và khoảng cách giữa hai lần tăng giá tối thiểu là 3 tháng.

Kể từ ngày 1/8/2013, giá bán điện bình quân là 1.508,85 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT), tăng 71,85 đồng/kWh, tương đương 5% so với giá bán điện bình quân đã áp dụng trước kia. Lần gần đây nhất (22/12/2012) giá điện tăng 5% lên bình quân 1.437 đồng mỗi kWh.

Theo Đức Duy

Vietnam+

26 comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

*

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>