Kế hoạch này được ngân hàng dẫn đầu về quy mô vốn điều lệ ở Việt Nam dự định thực hiện trong quý III năm nay. Cụ thể, ngân hàng này sẽ phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng thêm 4.573 tỉ đồng vốn điều lệ. Nếu thành công, vốn điều lệ của VietinBank đã tăng thêm hơn 11.000 tỉ đồng chỉ trong năm 2013 và hơn 17.000 tỉ đồng trong vòng 2 năm trở lại đây.
Gần đây VietinBank (mã cổ phiếu CTG) đã thu được một lượng tiền mặt khổng lồ. Năm 2012, VietinBank phát hành thành công 250 triệu USD trái phiếu với lãi suất 8% trên thị trường quốc tế.
Năm 2013, ngân hàng này thu gần 15.500 tỉ đồng từ thương vụ BTMU mua 19,73% cổ phần. Đến đợt tăng vốn này, các cổ đông lớn đều cam kết tăng lượng tiền mặt để giữ nguyên tỉ lệ nắm giữ.
Cụ thể, cổ đông nhà nước ( ngân hàng Nhà nước) sẽ rót thêm hơn 2.958 tỉ đồng (lấy từ tiền cổ tức VietinBank chia theo tỉ lệ 16% trong năm 2012). Tương tự, cổ đông nước ngoài BTMU sẽ mua thêm khoảng hơn 90 triệu cổ phiếu.
Trên thực tế, kế hoạch này đã được đưa ra từ Đại hội Cổ đông thường niên đầu năm 2013. Và VietinBank dường như đang có những bước đi vững chắc theo đúng kế hoạch đã đề ra.
Tốc độ tăng vốn và lượng tiền mặt này là niềm mơ ước của bất kỳ ngân hàng thương mại nào, đặc biệt là khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tốc độ tăng trưởng vốn điều lệ của khối ngân hàng nhà nước trong năm 2012 gấp gần 3,5 lần so với khối ngân hàng tư nhân.
Riêng trong khối ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước, VietinBank cũng là ngân hàng có tốc độ tăng vốn cao nhất. Nếu so sánh với một ngân hàng tương đồng là Vietcombank, tốc độ tăng vốn điều lệ trung bình trong giai đoạn 2010 - 2012 của VietinBank vẫn cao hơn nhiều (32,6% so với 25,3%).
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, sự kiện VietinBank tăng vốn có nhiều điểm đặc biệt. Ngân hàng này huy động được lượng vốn khủng bằng tiền mặt trong thời gian ngắn, mặc cho các đối thủ chứng kiến nhiều nhà đầu tư rút vốn.
Xu hướng thoái vốn khỏi ngành từng tăng trưởng nóng trong quá khứ của các tập đoàn lớn, đặc biệt là các tập đoàn nhà nước Tập đoàn Điện Lực, Tập đoàn Dầu khí, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam... đang đẩy nhiều ngân hàng vào chỗ phải chật vật tìm kế giữ chân nhà đầu tư, chứ chưa nói đến việc tăng vốn.
Đồng thời, cũng không nhiều nhà đầu tư mới có ý định rót vốn vào ngân hàng trong thời điểm hiện tại bởi lo ngại về chất lượng tài sản và việc xử lý nợ xấu. Các nhà đầu tư ngoại thì lại không sẵn lòng tham gia khi bị giới hạn tỉ lệ vốn đầu tư.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, những ngân hàng có quy mô lớn nhất Việt Nam vẫn đang tiếp tục kế hoạch tăng vốn. BIDV, ngân hàng đang xếp thứ tư về quy mô vốn điều lệ ở Việt Nam, cũng có kế hoạch tăng thêm hơn 22% vốn điều lệ, lên mức 28.205 tỉ đồng.
Đón sóng hay chống bão
Duy trì lượng vốn nhiều hay ít ở các ngân hàng là một câu hỏi kinh điển trong giới tài chính. Trường hợp nào cũng đều đưa ra những bài toán lợi ích và chi phí.
Các ngân hàng thương mại phải chuyển hóa dần khoản mục vốn chủ sở hữu trong phần Nợ sang phần Tài sản của bảng cân đối kế toán. Tăng trưởng vốn điều lệ cho phép ngân hàng gia tăng lượng tài sản. Điều này có nghĩa họ sẽ có khả năng đẩy tăng trưởng tín dụng cao hơn và có cơ hội mở rộng đầu tư.
Trong các giai đoạn khủng hoảng, nguồn vốn lớn cũng giúp các ngân hàng tăng khả năng hấp thu các khoản thua lỗ. Vốn chính là lớp đệm để ngân hàng tự bảo vệ mình trước các biến động xấu của thị trường. Trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008 - 2009, các ngân hàng lớn ở Mỹ buộc phải tăng vốn, không phải để tăng trưởng mà là để xử lý các tài sản xấu.
Ở Việt Nam, tín dụng mở rộng nhanh chóng đi kèm với chất lượng tài sản ở mức thấp đang là điều đáng lo ngại đối với các ngân hàng thương mại, đặc biệt là khối ngân hàng cổ phần nhà nước. Theo Ngân hàng Nhà nước, khối ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước đang kinh doanh hiệu quả hơn nhưng đồng thời lại có mức độ rủi ro cao hơn khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân.
Trở lại với trường hợp của VietinBank, theo tài liệu Đại hội Cổ đông bất thường lần 2 năm 2013 của VietinBank, vốn huy động thêm được ngân hàng này sử dụng để tăng cường cho vay, mở rộng mạng lưới, đầu tư cơ sở vật chất và các hoạt động đầu tư.
Có thể nói việc VietinBank huy động được vốn là điều hoàn toàn tích cực. Nhưng câu hỏi đặt ra ở đây là liệu ngân hàng này đang nỗ lực tích lũy vốn để đón đầu làn sóng tăng trưởng mới của ngành ngân hàng, hay để tái cấu trúc các loại tài sản xấu trong tương lai?
Ông Nguyễn Nam Sơn, Giám đốc Điều hành Quỹ Đầu tư Vietnam Capital Partners, đơn vị đang tư vấn tái cấu trúc cho nhiều ngân hàng thương mại Việt Nam, cho biết ông khá ngạc nhiên khi biết VietinBank tăng vốn khủng trong lúc này. Theo ông, các ngân hàng thương mại chỉ gia tăng vốn khi tín dụng đang trên đà tăng nhanh. Trong khi đó, tín dụng vẫn đang tăng trưởng ì ạch khi sức cầu của nền kinh tế chưa hoàn toàn hồi phục.
Mặt khác, các ngân hàng thông thường chỉ cần sử dụng lợi nhuận giữ lại là đủ dùng để tăng vốn.
Ngoài ra, việc tăng vốn dưới bất kỳ hình thức nào cũng đều vì mục tiêu gia tăng lợi nhuận. Và không nên tăng vốn nếu không gia tăng được lợi nhuận vì sẽ làm giảm mạnh các chỉ tiêu tăng trưởng ROE và ROA.
Nhìn lại kết quả kinh doanh năm 2012 của VietinBank, ngân hàng này vẫn nằm trong nhóm dẫn đầu về lợi nhuận, nhưng thu nhập lãi thuần trong năm trước lại giảm 8% dẫn đến lợi nhuận sau thuế giảm gần 1%. Nếu chỉ dừng lại ở con số thì mức giảm này vẫn thấp hơn so với nhiều ngân hàng thương mại khác. Tuy nhiên, phân tích sâu hơn lại thấy đó là nhờ VietinBank đã mạnh tay cắt giảm chi phí hoạt động, đặc biệt là chi phí tiền lương. Tất nhiên, các chi phí hoạt động này không thể cắt giảm tiếp trong năm 2013.
Do đó, việc VietinBank gia tăng vốn có thể không chỉ nhằm mục đích mở rộng hoạt động kinh doanh mà còn để tự mình tái cơ cấu chất lượng tài sản.
Theo Công ty Chứng khoán Ngân hàng Vietcombank (VCBS), trong ngắn hạn, chất lượng tài sản đang là vấn đề của VietinBank. Những khoản cho vay xấu còn khá lớn như nợ của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) còn hơn 2.000 tỉ đồng, các khoản nợ phải tái cơ cấu theo chỉ đạo của Chính phủ trong năm 2012 là khoảng 20.000 tỉ đồng (chiếm khoảng 4% tổng dư nợ của ngân hàng).
Ngân hàng này cũng có động cơ tăng vốn để bổ sung quỹ dự phòng rủi ro cho các tài sản. Hiện tại, tỉ lệ dự phòng rủi ro cho vay khách hàng trên nợ xấu của VietinBank trong năm 2012 ở mức 75,1%, thấp hơn nhiều so với mức hơn 90% của Vietcombank và MB Bank.
Tăng vốn lúc này để dự phòng những rủi ro nợ xấu trong tương lai là một bước đi khôn ngoan. “Nếu không chuẩn bị đủ vốn ngay ở thời điểm hiện tại, thì trong tương lai việc tăng vốn sẽ rất khó khăn khi nợ xấu tăng lên”, ông Sơn nói.
Cuối cùng, với lượng tiền mặt khổng lồ trong tay, của VietinBank hoàn toàn có thể gia tăng sức mạnh bằng cách thâu tóm và sáp nhập các tổ chức tài chính khác.
Nếu điều này xảy ra thì cũng phù hợp với chủ trương giảm số lượng các tổ chức tín dụng trong hệ thống ngân hàng của các nhà điều hành chính sách. Nhưng theo ông Nam Sơn xác suất có lẽ sẽ không cao. Bởi bản thân VietinBank đã là một ngân hàng lớn về cả quy mô lẫn thương hiệu. Ngoài ra, việc xử lý khối tài sản xấu của chính ngân hàng này đã là một khó khăn lớn, chứ chưa nói đến việc phải cưu mang thêm tài sản xấu ở những ngân hàng sáp nhập vào.
Con đường tăng vốn của VietinBank tuy có vẻ như suôn sẻ nhưng đấy chỉ mới là phần mở màn của cả một câu chuyện dài phía trước. Bởi vì gia tăng vốn sẽ giúp VietinBank gia tăng sức mạnh tài chính đáng kể, nhưng không có nghĩa sẽ giúp họ kinh doanh hiệu quả hơn. Trái lại, đó là một bài toán mà ngân hàng này phải giải quyết khi phình ra quá to.
Chưa biết VietinBank sẽ kinh doanh như thế nào nhưng Chủ tịch Hội đồng Quản trị Phạm Huy Hùng đã thực hiện khá thành công một trong những mục tiêu khi tăng vốn, đó là gia tăng giá trị cho cổ đông. Năm 2012, quy mô vốn điều lệ tăng hơn 29% thì giá cổ phiếu CTG tăng 51%, gấp 3 lần mức tăng của VNIndex. Điều gì sẽ diễn ra với quy mô vốn điều lệ tăng hơn 42% trong năm 2013?
Theo Thanh Phong - Nhịp cầu đầu tư
26 comments