Cách đây hàng chục năm dư luận đã xôn xao trước thông tin một số lò mổ ở Bình Đà thuộc tỉnh Hà Tây (cũ) đã phù phép để cho thịt ngựa biến thành thịt bò để kiếm lãi. Đã có một bài viết mô tả hẳn hoi rằng thịt ngựa khi làm xong ngâm vào “phoócmôn” và hàn the cho tươi lâu rồi bôi mỡ bò lên... Làm như thế, thịt ngựa lập tức trở thành thịt bò mà khách hàng không thể nào phân biệt được. Và rằng người Hà Nội lâu nay vẫn ăn thịt ngựa, phở ngựa mà không biết. Rồi chuyện thịt ngựa giả bò này cũng có thể gây nên bệnh này, bệnh khác khiến người tiêu dùng bị “sốc như con ốc”.
Nhưng nói gì thì nói, người tiêu dùng Việt vốn cũng dễ dãi và tốt bụng, Sau một thời gian hoảng hốt cuối cùng chuyện “ngựa hóa bò” cũng nguôi ngoai và ít được đề cập đến nữa. Thậm chí, dần dà người ta xem đó như là câu chuyện hiển nhiên, không ít người còn tặc lưỡi: thịt ngựa cũng bổ chả kém gì bò, ăn loại nào chả thế!
Chưa dừng lại ở đây, gần đây dư luận đang xôn xao về cái gọi là “công nghệ hô biến thịt lợn thành thịt bò” mới xuất hiện ở Hà Nội. Chỉ cần pha một thìa cà phê loại bột hóa chất bán nhan nhản trên thị trường mà người ta gọi là “hoa hiên” vào nước, quét lên bề mặt thị lợn, hoặc nhúng thịt lợn vào dung dịch như vậy trong vòng 1 phút, chắc chắn thịt lợn sẽ có màu sắc giống như thịt bò tươi và không thể phân biệt được đâu là thịt bò, đâu là thịt lợn.
Được biết, bảo bối hoa hiên” rất dễ mua. Nếu dùng bột hoa hiên có nguồn gốc tự nhiên, có thể sẽ không hại lắm, tuy nhiên, dùng bột dạng công nghiệp, chắc chắn hậu quả không thể lường trước được. Thậm chí, còn có những thông tin thực sự gây sốc như chuyện một số tiểu thương tại các chợ còn dùng thịt lợn chết, ôi thiu giả làm thịt bò, lừa người tiêu dùng. Đặc biệt, thịt lợn sề nuôi nhiều năm, thịt dai, da dày thường bán rẻ như bèo nhưng khi qua tay các tiểu thương thì thịt lợn sẽ thành thịt bò. Nghĩ đến chuyện phải nhai rồi nuốt những loại thịt “giả bò” này người cam đảm cũng phải sởn cả gai ốc.
Nhìn rộng ra trong lĩnh vực thực phẩm tươi sống, ngoài chuyện Ngựa hóa bò, ở Việt Nam từng ghi nhận vô vàn những phát minh khác của người xứ ta nhằm thay đổi thể chất, trọng lượng tự nhiên của các loài gia cầm, thủy sản.
Ngay cả những thủy sản như loài tôm xú, cách đây nhiều năm cũng được các chủ nuôi, hay người xuất bán bơm các loại tạp chất vào tôm để tăng trọng lượng, khiến cho không chỉ người tiêu dùng Việt không dùng mà thị trường nước ngoài cũng tẩy chay, khiến các trang trại nuôi và người nuôi tôm chân chính một thời điêu đứng!
Trở lại với câu chuyện “ngựa hóa bò”. Người châu Âu phát hiện ra thịt ngựa giả bò muộn hơn ở Việt Nam nhưng xem ra cách họ xử lý vấn đề này thì cương quyết và quyết liệt hơn nhiều, chứ không qua loa xong chuyện như ở xứ ta, vì vậy có lẽ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng của họ đương nhiên là được bảo vệ tốt hơn.
Tuy nhiên, bù lại người Việt cũng có cái để mà tự hào, bởi riêng khoản “chế tạo thịt” thì sức sáng tạo của xứ ta có thể khiến cho những quốc gia văn minh cỡ châu Âu cũng phải ghen tị và …giật mình!
26 comments