Chăn nuôi khó khăn dẫn đến “mất cả chì lẫn chài” khiến nhiều hộ gia đình chọn giải pháp từ bỏ chăn nuôi hoặc chăn nuôi thuê cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo kiểu “lấy công làm lãi”.
Một nghịch lý, mặc dù người chăn nuôi bán sản phẩm của mình có giá thấp dưới giá thành, nhưng người tiêu dùng trong nước vẫn đang phải mua thực phẩm với giá cao. Có thể thấy khoản chênh lệch này đang nằm ở khâu trung gian phân phối. Hàng trăm doanh nghiệp chăn nuôi và sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng đang kêu “lỗ nặng”. Lý do được đưa ra do nguyên liệu đầu vào của thức ăn chăn nuôi tăng cao.
TS. Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện chăn nuôi, Bộ NN&PTNN cho rằng: “Ngành chăn nuôi đang chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế. Lý do khiến ngành chăn nuôi gặp khó khăn cũng chính từ chủ quan ngành chăn nuôi. Hiện giá bán sản phẩm chăn nuôi đang ở mức thấp nhất trong 10 năm qua, trong khi giá thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam cao hơn khu vực 15-20%”.
Các khách mời trong cuộc trao đổi với phóng viên Đài THVN
Theo thống kê của Hội Chăn nuôi Việt Nam, mỗi tháng thiệt hại của ngành chăn nuôi lên tới khoảng 1.800 tỷ đồng. Thiệt hại này còn có thể lớn hơn nữa, nếu chẳng may ngành chăn nuôi xuất hiện dịch bệnh gia súc, gia cầm làm chết hàng loạt như các năm trước đây.
Ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội chăn nuôi Việt Nam cho biết: “Ngành chăn nuôi nước ta thua lỗ liên tục trong 14 tháng qua. Hiện chăn nuôi lợn nhỏ lẻ chi phí đắt hơn nuôi công nghiệp. Trong khi đó, chăn nuôi gia cầm vẫn còn lỗ nặng, người dân bán dưới 1/3 giá thành. Chưa bao giờ lỗ trong trong thời gian dài như vậy”.
Trước tình cảnh khó khăn của ngành chăn nuôi, mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các Hiệp hội, ngành nghề liên quan đã tổ chức các hội nghị bàn các biện pháp giải cứu ngành chăn nuôi. Nói “giải cứu” là hoàn toàn chính xác vào thời điểm này bởi nếu không hành động ngay, có thể ngành chăn nuôi sẽ “đổ vỡ” theo dây chuyền và gây ra hệ lụy lớn cho kinh tế - xã hội.
Làm thế nào để giải cứu, cụ thể hơn là đưa ra các chính sách, giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để tháo gỡ khó khăn và vực dậy ngành chăn nuôi của nước ta?
Câu hỏi này sẽ phần nào được phân tích và giải đáp trong chương trình Đối thoại chính sách, với sự tham gia của các khách mời là PGS.TS Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội chăn nuôi Việt Nam; ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNN; TS. Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện chăn nuôi, Bộ NN&PTNN.
Theo VTV
26 comments