Chỉ khi nào hàng tồn kho được giải phóng doanh nghiệp mới có thể đẩy mạnh sản xuất
TS. Nguyễn Đại Lai - Chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng: Hàng tồn kho chưa thể giải phóng nên doanh nghiệp không dám mạo hiểm đầu tư cho sản xuất vì thế tăng trưởng tín dụng ngân hàng cũng trầm lắng theo.
Tiền của các ngân hàng đang thừa nhưng không thể lưu thông do nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh rất yếu. Các ngân hàng thương mại đang có nhiều gói lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp, giảm lãi suất với các khoản vay mới và cho các khoản vay cũ với lãi suất cao của doanh nghiệp.
Do đó, đây chính là điều kiện tốt để doanh nghiệp tiếp cận vốn.
Còn theo phân tích của ông Trần Hoàng Ngân - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, lãi suất tiền gởi xuống 7,5%/năm rất hợp lý vì đây là lãi suất thực dương khi lạm phát tính theo năm đang ở mức 6,6%. Thời gian tới, lạm phát được kiểm soát và kiềm chế tốt thì khả năng lãi suất huy động vốn còn giảm. Khi đó, lãi suất cho vay có thể chỉ ở mức 10%/năm.
Doanh nghiệp cho rằng hiện lãi suất vẫn còn cao; chỉ khi nào lãi suất trung và dài hạn ở mức 8 - 10% doanh nghiệp mới mạnh dạn tập trung vào đầu tư sản xuất.
Trong tình hình kinh tế tiếp tục khó khăn, lãi suất cho vay cao sẽ là lực cản đối với sự phát triển sản xuất của doanh nghiệp.
Ngân hàng không thể đưa vốn ra thị trường. Nếu huy động tiền gởi với mức lãi suất thấp nhưng đầu ra của tiền gởi lại không có, điều đó có nghĩa tiền không thể ra thị trường thì ngân hàng sẽ bị lỗ và bị co cụm lạị. Do đó, các ngân hàng cần điều chỉnh lãi suất cho vay.
Tuy nhiên, lãi suất chỉ là một kênh hỗ trợ cho doanh nghiệp, muốn doanh nghiệp vực dậy trong thời điểm khó khăn hiện nay cần phải thực hiện tốt đồng bộ các giải pháp: tăng sức mua, giảm hàng tồn kho, xử lý nợ xấu, tái cấu trúc ngân hàng…
Theo PetroTimes
26 comments