Việt Nam có thể sẽ áp dụng các biện pháp hành chính mạnh tay hơn nhằm thúc đẩy quá trình tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước, trong đó có xem xét cách chức các lãnh đạo DNNN, tăng cường xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng và phục hồi nền kinh tế.
Trả lời phỏng vấn của hãng tin Bloomberg, ông Đặng Quyết Tiến – Cục phó Cục Tài chính doanh nghiệp Bộ Tài chính – cho biết bộ đang phác thảo một số biện pháp “mạnh mẽ và phù hợp” nhằm buộc các DNNN phải tiến hành bán cổ phần trong các lĩnh vực kinh doanh ngoài ngành theo đúng lộ trình đã định. Công ty quản lý tài sản được điều hành bởi NHNN sẽ bắt đầu hoạt động vào ngày mai (26/7), giúp xử lý khoảng 5 tỷ USD nợ xấu tại các ngân hàng.
Theo Matt Hildebrandt – chuyên gia kinh tế đến từ JPMorgan Chase & Co., các DNNN và ngân hàng là bộ phận đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế. Do đó, nếu như bộ phận này không hoạt động hiệu quả hơn và trở nên mạnh mẽ hơn, Việt Nam không thể có tốc độ phát triển kinh tế nhanh như ý muốn. Quá trình tái cơ cấu ngân hàng kể cả khi được triển khai tốt cũng phải mất nhiều thời gian để hoàn thành. Sẽ có thể mất vài năm, thậm chí là cả thập kỷ để cải tổ các doanh nghiệp nhà nước .
Tăng trưởng chậm lại
6 tháng đầu năm, kinh tế Việt Nam chỉ tăng trưởng 4,9%. Tỷ lệ nợ xấu thuộc hàng cao nhất ở Đông Nam Á khiến các doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn. IMF cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam từ 5,8% xuống còn 5,2%.
Hồi tháng 2 vừa qua, Thủ tướng cũng đã thông qua một đề án tổng thể thúc đẩy các DNNN tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính và đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN nhằm tăng tính cạnh tranh cũng như hiệu quả hoạt động. Theo ước tính hồi năm ngoái của ông Lê Minh Khái - Phó Tổng kiểm toán Nhà nước, đầu tư ngoài ngành của các DNNN (vào cổ phiếu và bất động sản) chiếm tới 12% tổng vốn điều lệ của các doanh nghiệp này.
Nhiệm vụ cấp bách
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung, các DNNN hiện sử dụng tới 50% vốn đầu tư nhà nước, 60% nguồn vốn cho vay của các ngân hàng nhưng lại chiếm tới hơn một nửa tổng nợ xấu. Tái cấu trúc DNNN là một trong những nhiệm vụ “vô cùng quan trọng và cấp bách nhất” để hoàn thành cải cách nền kinh tế.
Theo World Bank, quá trình này vẫn còn nhiều điểm hạn chế. Mới chỉ có khoảng 12 DNNN bán cổ phần trong năm ngoái, trong khi mục tiêu đề ra 93. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ bán 25,2 triệu cổ phần tại ngân hàng TMCP An Bình vào ngày 9/8 tới, một năm sau khi chính phủ có yêu cầu.
Biện pháp cứng rắn hơn
Theo ông Tiến, việc thoái vốn ngoài ngành của các DNNN bị chậm trễ trong thời gian dài như vậy là do chi phí đầu tư lớn trong những năm trước. “Họ không muốn bán lúc này” và lấy lý do là giá cổ phiếu và bất động sản sụt giảm và sẽ dẫn đến thua lỗ.
Kế hoạch này (bao gồm việc xem xét thay thế, cách chức các lãnh đạo DNNN nào trì hoãn, không tiến hành việc thoài vốn) sẽ được trình lên Thủ tướng để Chính phủ bàn bạc trong tháng 8. “Chúng ta cần các biện pháp hành chính mạnh mẽ này để buộc các lãnh đạo DNNN phải hành động. Các DNNN quá chậm chạp và giờ họ phải hành động hoặc phải chịu xử lý”.
Thu Hương
Theo Trí Thức Trẻ/Bloomberg
26 comments