Giảm lãi suất và cái lý của ông lớn
Với vốn chủ sở hữu đạt trên 43.000 tỉ đồng, tổng tài sản trên 400.000 tỉ đồng, Vietcombank là một trong những NHTM lớn nhất tại nước ta. Điều này còn thể hiện qua thị phần huy động vốn và tín dụng của Vietcombank cũng luôn nằm trong top 4 NHTM hàng đầu trong suốt nhiều năm qua (cùng với Agribank, BIDV và Vietinbank). Bên cạnh đó, thương hiệu Vietcombank lại có sức ảnh hưởng mạnh mẽ nhất trong số các NHTM. Chính vì vậy, mọi động thái tăng giảm lãi suất của ngân hàng này đều được cho là sẽ tác động mạnh mẽ đến thị trường tài chính.
Động thái giảm lãi suất huy động và cho vay trước toàn thị trường lần thứ 2 ngày 6-5 vừa qua được xem là mức giảm mạnh mẽ của Vietcombank. Hiện mức lãi suất huy động của Vietcombank đã xuống 6%/năm, 6,5%/năm và 6,8% đối với các kỳ hạn 1 tháng, 2 tháng và 3 tháng. Đối với các kỳ hạn dài 6 tháng trở lên, lãi suất hiện đang là 7-8%/năm, giảm 0,5%/năm so với lần điều chỉnh trước đó. Như vậy, biên độ điều chỉnh lớn nhất lần này của Vietcombank ở mức 1%/năm nằm ở kỳ hạn từ 12 tháng trở lên với lãi suất trần là 8%/năm.
Cùng với đó, lãi suất cho vay ngắn hạn thông thường chỉ còn khoảng 10,5%/năm; lãi suất cho vay trung dài hạn đối với các doanh nghiệp thấp nhất cũng chỉ còn khoảng 11,6%/năm.
Ngoài ra, theo thông tin từ Vietcombank, hiện ngân hàng đang áp dụng các chương trình tín dụng ưu đãi ngắn hạn với hạn mức lên tới 30.000 tỉ đồng, 700 triệu USD với lãi suất cho vay thấp nhất là 7,5%/năm và 2%/năm để hỗ trợ các doanh nghiệp theo chính sách ưu đãi.
Lý giải về việc “dám” đưa lãi suất huy động xuống thấp hơn trần quy định tới 1,5%, ông Nguyễn Phước Thanh - Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam cho biết, hạ lãi suất huy động sẽ là là động lực kích thích các thành phần kinh tế và người dân tiêu dùng nhiều hơn, qua đó giải quyết vấn đề hàng tồn kho, góp phần cải thiện kết quả kinh doanh cho doanh nghiệp; đồng thời lãi suất huy động giảm là trực tiếp góp phần giảm chi phí huy động, tạo tiền đề để ngân hàng giảm lãi suất cho vay, khơi thông nguồn vốn từ ngân hàng đến doanh nghiệp.
Tính đến hiện tại, Vietcombank vẫn là ngân hàng duy nhất giảm lãi suất huy động thì các ngân hàng khác vẫn thu hút tiền gửi từ tiết kiệm ở mức lãi suất phổ biến 7,5%/năm cho các kỳ hạn dưới 12 tháng. Với kỳ hạn trên 12 tháng, các ngân hàng khác áp dụng trong khoảng 9-11%/năm.
Phân tích về động thái mới này của Vietcombank, một số chuyên gia kinh tế khẳng định, đây là “phép thử” phản ứng thị trường trước khi NHNN ra quyết định giảm trần lãi suất đồng loạt nhằm kéo lãi suất cho vay xuống khoảng 10%/năm.
Đứng trên góc nhìn khách quan, việc giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay của Vietcombank và sắp tới là nhiều ngân hàng lớn khác bắt nguồn từ việc dư thừa vốn. Tính trung bình toàn ngành, đến 23-4, mức tăng trưởng tín dụng chỉ là 1,4% so với cuối năm 2012 trong khi huy động vốn tăng trưởng khoảng 5,34 % so với cuối năm 2012, cao hơn gấp 1,5 lần mức tăng của cùng kỳ năm 2012 và gấp hơn 6 lần mức tăng của cùng kỳ năm 2011 (nguồn: báo cáo NHNN).
Thực tế này cho thấy tại các ngân hàng lớn, uy tín, sức hút vốn cao đã có hiện tượng dư thừa vốn làm tăng chi phí hoạt động. Giảm đầu vào, đẩy mạnh đầu ra bằng chính sách lãi suất là điều các ngân hàng này sẽ thực hiện.
Như vậy, quy luật cung cầu buộc các ngân hàng phải tự hành động để đảm bảo cân đối được dòng vốn của mình. Giảm lãi suất huy động và cho vay để cứu mình trước sẽ là “cái lý” của các ngân hàng lớn dư thừa vốn vào lúc này.
Người gửi tiền lo lắng
Với mức giảm lãi suất huy động mạnh xuống còn 6%/năm, nhiều người gửi tiền cho rằng lãi suất gửi tiết kiệm hiện không còn hấp dẫn. Trong bối cảnh lạm phát nhiều năm trở lại đây thường trên 7% thì mức lãi suất trên chưa đảm đủ bảo toàn vốn chứ chưa nói đến việc sinh lời. Do vậy, nhiều khả năng người dân sẽ tìm cách chuyển tiền qua kênh đầu tư khác ít trượt giá và sinh lời cao hơn.
Bên cạnh các ngân hàng lớn dư thừa vốn, nhiều ngân hàng nhỏ vẫn đang phải vật lộn tìm cách huy động vốn với lãi suất 9-11%/năm. Chính vì vậy, dòng vốn chạy từ ngân hàng huy động lãi suất thấp sang các ngân hàng nhỏ, huy động lãi suất cao hơn hoặc chảy từ ngân hàng sang kênh đầu tư USD, vàng… mà không chảy ra nền kinh tế sẽ làm giảm hiệu quả của việc giảm lãi suất đối với nền kinh tế.
Lãi suất cho vay sẽ giảm
Trong lần điều chỉnh trần lãi suất huy động trước đây, NHNN đã giảm trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 12 tháng từ 8%/năm xuống 7,5%/năm để có thể giảm lãi suất cho vay, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia đã khuyến cáo cần đưa lãi suất cho vay về mức 10%/năm. Cơ sở của đề xuất này là thanh khoản ngân hàng tiếp tục duy trì ổn định và mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm theo sát diễn biến của lạm phát mặc dù vẫn chưa như mong đợi của các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, đến hiện tại, lãi suất cho vay ra nhiều ngân hàng vẫn ở mức 12,5-13,5%/năm, còn khá cao so với khả năng sinh lời của doanh nghiệp và đặc biệt đang có sự chêch lệch lớn với lãi suất huy động. Với mức chênh lệch này đang ở mức 4-6%, các ngân hàng đang có lãi lớn, vì vậy hoàn toàn có thể cắt giảm một phần lợi nhuận, đưa khoảng cách chênh lệch này về khoảng 3% thì lãi suất cho vay ra sẽ được kéo xuống 9-10%/năm.
Ông Cao Sĩ Kiêm, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, cho rằng, hiện nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp là rất lớn, khi lãi suất về mức 9-10% thì tín dụng sẽ tăng trưởng mạnh, doanh nghiệp sẽ đủ khả năng trả lãi mà ngân hàng cũng vẫn sống khỏe.
Trước đó, mặc dù chưa có động thái giảm lãi suất huy động nhưng một số ngân hàng đã tung ra các gói hỗ trợ lãi suất để mua nhà, sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực được khuyến khích với lãi suất chỉ 9-10%, như BIDV cho khách hàng vay theo mức lãi suất hấp dẫn 9%/năm trong 3 tháng đầu tiên đối với các khoản vay được giải ngân trong thời gian hiệu lực của chương trình, OceanBank triển khai sản phẩm cho vay ngắn hạn VND lãi suất siêu thấp, chỉ 6,8%/năm đối với một số lĩnh vực, ngành nghề hạn chế, An Bình bank triển khai gói hỗ trợ 500 tỉ đồng với lãi suất ưu đãi 9,9%/ năm cho 4 sản phẩm cho vay: cho vay mua/xây dựng/sửa chữa nhà đất; cho vay mua ôtô; cho vay tiêu dùng có thế chấp và cho vay sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, hầu hết các gói hỗ trợ này chỉ là cá biệt, có điều kiện và không phải khách hàng nào cũng có thể tiếp cận được.
Thực tế, diễn biến thời gian qua cho thấy, tốc độ giảm lãi suất huy động khá lớn, trong khi tốc độ giảm lãi suất cho vay chưa được như kỳ vọng. Với việc tiên phong giảm lãi suất của Vietcombank, hy vọng thị trường sẽ có những tín hiệu tích cực từ các ngân hàng khác để đáp ứng nhu cầu vốn rẻ cho nền kinh tế.
Theo PetroTimes
Website: http://doanhnghiep24hvn.com
26 comments