Chiều 4/3, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - ông Lê Minh Hưng và ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn đã cùng trả lời các câu hỏi độc giả VnExpress từ hai đầu cầu Hà Nội và TP HCM.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đang trả lời trực tuyến với các độc giả VnExpress tại Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hà |
- Xin Phó Thống đốc giải thích rõ cách quản lý vàng và các cửa hàng vàng hiện nay một cách dễ hiểu nhất. Cách quản lý như vậy thì có những ưu điểm, nhược điểm gì? (Truong Huu Huynh, Dejavu.Bmt@gmail.Com)
- Ông Lê Minh Hưng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Mục tiêu chính của Nghị định 24 là tạo lập một khuôn khổ pháp lý chặt chẽ cho hoạt động kinh doanh vàng. Thứ nhất, Nghị định 24 tổ chức, sắp xếp lại căn bản thị trường vàng, ngăn chặn ảnh hưởng của biến động giá vàng đến tỷ giá. Thứ hai, Nghị định nâng cao vai trò quản lý thị trường của Nhà nước, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng vàng hóa nền kinh tế, có giải pháp hợp lý để huy động nguồn lực vàng trong dân phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.
Ngoài ra Nghị định 24 cũng là cơ sở pháp lý quan trọng để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân thông qua các quy định cụ thể về sản xuất - mua bán vàng miếng, xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, về mua bán vàng trang sức mỹ nghệ. Còn các quy định cụ thể thì độc giả có thể tham khảo Nghị định 24/2012 NĐCP trên website Ngân hàng Nhà nước.
- Giá vàng vẫn duy trì chênh lệch so với giá thế giới gần 3,8 triệu đồng, chưa có kinh doanh mặt hàng nào lãi kịch trần như vậy. Theo các ông, đặc quyền đó do đâu mà có? (Tran Quan)
- Ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC: Xin chào các độc giả VnExpress. Tôi cũng là một độc giả thân thiết của Báo.
Theo tôi nghĩ vấn đề chênh lệch này cũng không mới, và đã được đề cập từ rất lâu. Giá trong nước và thế giới còn cách biệt xa là do chưa có sự liên thông giữa hai thị trường. Vấn đề tập trung lớn nhất của Việt Nam là tập trung ổn định kinh tế vĩ mô.
Bình thường trước đây trung bình mỗi năm nhập 3-4 tấn vàng, bình quân một năm nhập 30 tấn. Nếu tính tạm mỗi tấn vàng 60 triệu USD, nhân lên 30 tấn thì phải cần 1,8 tỷ USD, tương đương 37.000 tỷ đồng Việt Nam. Còn nếu với con số 40 tấn vàng thì chúng ta sẽ phải mất 2,4 tỷ USD, tương đương gần 50.000 tỷ đồng. Đây là một lượng tiền quá lớn, có thể gây ra lạm phát cao và làm cho nhiệm vụ kiềm chế lạm phát sẽ khó khăn và bất khả thi.
Kèm theo đó, sẽ xuất hiện hàng loạt hệ lụy khác, như áp lực tỷ giá…đổi lại chỉ là giá trong nước sát với thế giới. Nhưng ai là người mua và ai được lợi, chắc chắn không phải là người lao động, người công an,…mà chỉ toàn là "đại gia". Vậy để cứu đại gia chúng ta có cần thiết phải hy sinh lớn như vậy không?
Nói như vậy không phải tôi ủng hộ việc chênh lệch giá lớn này mà là đặt ra trong bối cảnh phải lựa chọn, phải chọn những cái nào có điểm tích cực nhiều hơn. Mặt khác, dù chênh lệch như vậy nhưng không có giao dịch số lượng lớn. Tuy nhiên, có chênh lệch lớn là do trước đó nhiều đơn vị đã mua số lượng lớn, nay mua lại nhằm cắt lỗ chứ không thể tạo ra lợi nhuận, nên không thể có lợi nhuận vào túi ai cả mà chỉ là lãi kỹ thuật. Do vậy, thời điểm này mua được lợi nhưng bán thì sẽ chịu lỗ vì trước đó đã mua giá cao.
- Trước đây Thống đốc từng nói giá vàng trong nước chỉ nên cao hơn thế giới 400.000 đồng một lượng. Xin phép được hỏi Phó thống đốc Lê Minh Hưng, Ngân hàng Nhà nước có tin chắc rằng sẽ kéo được giá vàng trong nước về sát với thế giới hay không và thế nào được coi là "sát"? (Anh Duy,Anhduy.Hanoi@gmail.Com, Hà Nội)
Phó thống đốc Lê Minh Hưng: "Ngân hàng Nhà nước tham gia thị trường không vì mục tiêu lợi nhuận". Ảnh: Hoàng Hà |
- Ông Lê Minh Hưng: Thứ nhất Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện các biện pháp theo quy định của pháp luật để thực hiện đúng Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ để đưa giá vàng trong nước bám sát theo giá quốc tế. Với khuôn khổ chính sách pháp luật hiện hành về hoạt động kinh doanh vàng cũng như các công cụ của mình, Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn tin tưởng sẽ thực hiện được đúng mục tiêu của mình.
Về ý kiến khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới khoảng 400.000 đồng trước đây thì nay xin được nói lại cho rõ. Trước đây khi chưa có Nghị định 24, xuất hiện hiện tượng thu gom ngoại tệ với số lượng lớn để nhập vàng nguyên liệu trái phép, gây tác động tiêu cực đến thị trường ngoại hối. Do đó, trong nhiều trường hợp, Ngân hàng Nhà nước phải điều chỉnh tỷ giá, dẫn đến tác động gia tăng lạm phát, gây bất ổn kinh tế vĩ mô. Đồng thời phải cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, việc này lại gây tiêu tốn ngoại tệ, ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế vĩ mô. Do đó với quy định mới của Nghị định 24, dù có sự chênh lệch giá trong nước và quốc tế nhưng không còn những tiêu cực trên.
Còn thực hiện mục tiêu đưa giá vàng trong nước "sát" quốc tế thì Ngân hàng Nhà nước sẽ tính toán và xem xét cụ thể. Điều này phụ thuộc vào điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, tromg đó có chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ.
- Họp Quốc Hội thống đốc trả lời là không có lý do gì phải bình ổn, đưa giá vàng về sát giá thế giới, sao giờ lại tìm cách bình ổn đưa giá về sát giá thế giới? Điều này có phải mâu thuẫn hay không (Quang Minh,Sunnypanch@yahoo.com)
- Ông Lê Minh Hưng: Trước đây, tinh thần của Nghị định 24, cũng như các chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước, dù có sự chênh lệch của giá trong và ngoài nước nhưng không có tác động tiêu cực đến tỷ giá và chính sách vĩ mô. Ngoài ra, vàng không phải mặt hàng thiết yếu, đem lại giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Thời gian qua, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu trọng tâm là ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỷ giá và hoạt dộng của thị trường ngoại hối. Cùng với việc thực hiện kiên quyết các quy định của Nghị định 24, chúng ta đã đạt được những kết quả ban đầu rất tích cực.
Còn hiện nay, do giá vàng trong nước có những chênh lệch tương đối cao so với giá vàng thế giới, mà nếu để kéo dài thì cũng có thể ảnh hưởng đến sự ổn định vĩ mô chung. Nên thực hiện trên tinh thần của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã nói ở trên, Ngân hàng Nhà nước đã và sẽ có những giải pháp cụ thể để đưa giá vàng trong nước bám sát giá vàng quốc tế.
- Tại sao phải can thiệp ổn định thị trường vàng trong lúc đất nước rất cần ngoại tệ để ổn định vĩ mô? Nếu giá trong nước sát thế giới, người dân đổ tiền vào tích trữ vàng, lúc đó tỷ giá ngoại tệ lại không kiểm soát được, bất ổn kinh tế vĩ mô lại xuất hiện, xử lý vòng luẩn quẩn như thế nào? (Nguyen Ba Phi Hong, Nphihong@yahoo.Com)
- Ông Lê Minh Hưng: Hiện theo các quy định hiện hành, chỉ có Ngân hàng Nhà nước nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng cũng như độc quyền sản xuất vàng miếng. Do vậy, khi giá vàng trong nước chênh lệch cao với thế giới có thể gây bất ổn kinh tế vĩ mô nói chung thì việc Ngân hàng Nhà nước tham gia bình ổn thị trường vàng là cần thiết và không gây xáo trộn lên thị trường ngoại tệ và tỷ giá như trước đây khi các tổ chức phải mua ngoại tệ trên thị trường để nhập khẩu vàng. Nhưng phải nói rõ, việc tham gia bình ổn cũng phải bám sát theo mục tiêu xuyên suốt của Quốc hội và Chính phủ là ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá.
Ông Lê Hùng Dũng đang trả lời độc giả từ TP HCM. Ảnh: Quốc Huy |
- Ông Dũng phát biểu vì lợi ích quốc gia, trong 7 ngày sau khi ký hợp đồng gia công (từ 26/2) có thể giúp Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giá vàng về sát giá thế giới. Vậy mà một tuần trôi qua vẫn như đá ném ao bèo, chênh lệch vừa thu hẹp được ít ngày lại dãn rộng ra. Tại sao vậy? (Kim Ngan, TP HCM)
- Ông Lê Hùng Dũng: Tôi xin giải thích rõ lại là phải 7 ngày sau khi ký hợp đồng và chính thức được sản xuất, gia công thì mới có thể giúp kéo giá trong nước về thế giới (hiện nay chưa gia công). Bởi vì, khi chính thức được gia công, bình quân công dập đúc 80.000 lượng tương đương 3 tấn vàng một ngày, nếu lượng cung ứng ra thị trường đều đặn trong 10 ngày thì sẽ cung ra thị trường khoảng 30 tấn vàng, tương đương 37.000 tỷ đồng. Với số lượng này thì không có tổ chức, cá nhân nào tiêu thụ nổi, tức cung sẽ vượt cầu và sẽ kéo giá trong nước về sát thế giới. Do đó, đây là một tuyên bố có căn cứ chứ không phải câu nói vui.
- Giá vàng SJC chênh lệch xa so với vàng nguyên liệu nhập về. Tôi hỏi sau này Ngân hàng Nhà nước nhập vàng để sản xuất ra vàng miếng SJC, thì chênh lệch đó ai được hưởng? (Nam, Hoangdung6677@yahoo.Com)
- Ông Lê Minh Hưng: Theo quy định của Nghị định 24, chỉ có Nhà nước độc quyền xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng và sản xuất vàng miếng. Việc Ngân hàng Nhà nước thực hiện chức năng này là nhằm mục tiêu kéo giá vàng trong nước bám sát giá vàng quốc tế và phục vụ mục tiêu bình ổn thị trường theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ chứ không phải mục tiêu lợi nhuận. Cho đến nay, Ngân hàng Nhà nước cũng chưa tiến hành việc nhập khẩu vàng nguyên liệu.
Ngân hàng Nhà nước với tư cách người mua bán cuối cùng trên thị trường chỉ tham gia thị trường khi nào có những biến động và với mục tiêu bình ổn, chứ không vì mục tiêu lợi nhuận.
- Tại sao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sử dụng rất nhiều biện pháp hành chính thời gian qua, nhưng giá vàng trong nước vẫn chênh lệch lớn với giá vàng quốc tế? Phải chăng SJC được hưởng lợi nhờ chênh lệch này? (Nguyen Sy Tinh, Nguynstnh@yahoo.Com.Vn)
- Ông Lê Hùng Dũng: SJC hiện trở thành đơn vị kinh doanh bình thường như các đơn vị khác, thậm chí chịu thiệt do Ngân hàng Nhà nước quản lý thị trường vàng theo cách mới.
Trước đây, hoạt động sản xuất và kinh doanh vàng miếng mang lại 80% doanh thu cho SJC. Nhưng, sau khi có Nghị định 24 thì doanh thu, lợi nhuận SJC chỉ còn 20% so với trước. SJC cũng không còn toàn quyền sản xuất, phân phối, quyết định giá mà do Ngân hàng Nhà nước quyết định.
Lợi nhuận trong thời điểm này cũng chỉ từ hoạt động kinh doanh bình thường khác, không xuất phát từ lợi ích do thương hiệu SJC mang lại như trước nữa. Bởi hàng hóa không còn thuộc SJC quản lý, Ngân hàng Nhà nước ấn định giá bán, giá mua vàng. Như vậy, SJC không có lợi nhuận lớn. Chính vì vậy, hoạt động kinh doanh lời lỗ của SJC cũng giống như PNJ, ACB, AAA, Bảo Tín Minh Châu, hoàn toàn không có hưởng lợi nhờ chênh lệch giá.
- Ông Lê Minh Hưng: Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để bình ổn thị trường chứ không phải chỉ giải pháp hành chính như tổ chức, thiết lập mạng lưới mua bán vàng miếng, thực hiện các phương án tạm xuất, tái nhập và nguyên liệu để sản xuất. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng đang xây dựng các cơ chế để can thiệp thị trường. Thực ra với vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước trước đây nhiều lần có ý kiến về việc lựa chọn SJC.
Cho đến nay, trước khi Ngân hàng Nhà nước báo cáo Chính phủ để ban hành nghị định 24, thương hiệu SJC chiếm xấp xỉ 95% thị phần, không có nghĩa là SJC nắm giữ trong tay lượng vàng đó mà lượng này nằm trong tay người mua vàng. Nên khi Nhà nước tiến hành độc quyền sản xuất vàng miếng thì mới chọn SJC để tránh gây ra những tốn kém không đáng có cho Nhà nước và xã hội. Xin nói lại cho rõ, SJC thuộc CTy TNHH vàng bạc đá quý SJC, thuộc 100% vốn của Nhà nước. Hơn nữa, sau khi Nghị định 24 được ban hành, có hiệu lực, Công ty SJC cũng như các doanh nghiệp đã được cấp phép kinh doanh vàng miếng trước đây phải chấm dứt hoạt động sản xuất. Kể từ ngày Nghị định 24 có hiệu lực thì chỉ có Ngân hàng Nhà nước được sản xuất vàng miếng. Gần như thương hiệu vàng miếng SJC là của Nhà nước.
- SJC đã có kế hoạch như thế nào về sản xuất vàng miếng để phục vụ cho những phiên đấu thầu công khai của ngân hàng nhà nước? Việc sản xuất vàng miếng SJC hiện nay có những khác biệt như thế nào so với trước đây? (Doan Nguyen, Doanrobinson@yahoo.Com)
- Ông Lê Hùng Dũng: Sau khi ký hợp đồng, chúng tôi nhận kế hoạch gia công của Ngân hàng Nhà nước. Trên cơ sở đó, chúng tôi kêu gọi lại công nhân tập huấn trở lại. Khi nào có đơn đặt hàng thì sẽ chuẩn bị trước một tuần sẽ bắt tay gia công.
Việc sản xuất không có gì khác trước đây, chỉ có điều là khuôn dập vàng đã tháo ra, khi nào Ngân hàng Nhà nước có văn bản yêu cầu dập thì chi nhánh Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM mới giao khuôn về cho SJC sản xuất. Ngoài ra, trước đây sản xuất ra là do công ty phân phối, mua bán, còn nay thì giao hết cho Ngân hàng Nhà nước.
- Hiện nay SJC là đơn vị duy nhất được chỉ định dập đúc vàng miếng. Liệu trong thời gian tới có nảy sinh "tiêu cực xin cho" để được gia công vàng? (Doan Nguyen, Doanrobinson@yahoo.Com)
- Ông Lê Hùng Dũng: Phương thức sản xuất của SJC giờ khác trước. Vì hiện nay SJC chẳng có quyền gì để mà "xin cho" do Ngân hàng Nhà nước đã quản lý dây chuyền dập vàng.
Riêng về nguyên liệu sản xuất Ngân hàng Nhà nước độc quyền nhập khẩu rồi đưa xuống SJC gia công nên không thể có tiêu cực. Có thể bạn lo nghĩ, khi đưa xuống SJC lẽ ra gia công có 1 tấn, nhưng SJC tranh thủ thêm vài trăm kg. Tuy nhiên điều này rất khó, vì tại xưởng đã có camera giám sát. Seri cũng được đánh số thứ tự nên không thể gia công thêm. Quy trình gia công vàng hiện nay cũng giống như việc in tiền nên khâu kiểm soát rất chặt và không thể phát sinh việc "xin cho".
- Cho tôi hỏi đơn vị nào cấp phép cho các sàn vàng online mà tôi thấy các công ty này ngày càng phát triển nhiều thế? (Nam,Hoangdung6677@yahoo.Com)
- Ông Lê Minh Hưng: Hoạt động sàn vàng online là bất hợp pháp. Theo quy định tại Khoản 9 Điều 4 Nghị định 24, tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện các hoạt động kinh doanh vàng khác (gồm cả kinh doanh vàng tài khoản, sản giao dịch vàng) sau khi được Thủ tướng cho phép và được Ngân hàng Nhà nước cấp phép. Do đó, tổ chức cá nhân thành lập và kinh doanh trên sàn vàng online là trái với quy định của pháp luật. Nghị định 24 cũng quy định rõ các cơ quan chức năng có trách nhiệm phối hợp điều tra, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về kinh doanh vàng.
- Chênh lệch 4 đến 5 triệu đồng giữa giá vàng trong và ngoài nước như hiện nay, phải chăng là do có lợi ích nhóm với các ngân hàng kinh doanh vàng nên cứ để tình trạng này cho những ai đã mua vàng cao trước đây để đầu cơ này để cho họ có thời gian xả hàng ra thu lợi nhuận về. Xin Phó thống đốc cho một lời giải thích. (Vuong Tran, Vuong.3dtv@gmail.Com)
- Ông Lê Minh Hưng: Ngân hàng Nhà nước đang triển khai các bước đi cần thiết để tham gia bình ổn thị trường theo đúng tinh thần theo Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ.
Thời gian qua các ngân hàng đã phải thực hiện chủ trương tất toán trạng thái vàng, nên phải mua vàng vào. Đây là một trong những lý do chính làm chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế tăng cao. Ngân hàng Nhà nước kiên quyết thực hiện các chính sách cần thiết để yêu cầu ngân hàng thương mại chấm dứt các hoạt động nhiều rủi ro như huy động, cho vay bằng vàng và các hoạt động kinh doanh vàng rủi ro khác.
Nếu nói chênh lệch giá hiện nay là có lợi ích nhóm ngân hàng, bạn có thể nhìn kết quả kinh doanh vàng thua lỗ của các ngân hàng thời gian qua sẽ hiểu.
- Độc quyền về thương hiệu dễ sinh ra độc quyền về giá. Suy nghĩ của ông Lê Hùng Dũng về quan điểm này? Việc chuyển đổi vàng phi SJC sang SJC chậm do tắc khâu kiểm định. Nhiều quan điểm cho rằng SJC :muốn làm khó" các đơn vị khác. Ý kiến của ông? (Dang Van Thanh, Tvinh96@yahoo.Com)
- Ông Lê Hùng Dũng: Tôi nghĩ rằng không thể có chuyện độc quyền thương hiệu sinh ra độc quyền về giá vì hiện nay trên thị trường có tới 6 thương hiệu. Do đó, người dân có thể lựa chọn những thương hiệu nào có giá cả hợp lý. Riêng thương hiệu SJC hiện nay chỉ là thương hiệu quốc gia chứ không phải là cấm mua bán các thương hiệu khác. Còn nếu SJC có giá cao, người dân có quyền không mua.
Với Ngân hàng Nhà nước, độc quyền sản xuất sẽ không còn tình trạng mua bán vàng nhập lậu, gây áp lực tỷ giá. Đây là cái được rất lớn của chính sách.
- Cuối tháng 2, sau khi Ngân hàng Nhà nước ký hợp đồng với SJC thì giá vàng giảm không phanh, từ chênh hơn 5,2 triệu xuồng còn 2,4 triệu so với giá thế giới, mặc dù giá vàng thế giới đang tăng. Nhưng vào ngày 2/3 giá vàng thế giới đi xuống thì trong nước lại tăng lên 43,65 triệu đồng/lượng. Tăng giảm trên là do điều tiết của Ngân hàng Nhà nước, do thị trường hay vì một lý do nào mà tôi đang không hiểu? (Nguyen Tien Hieu,Hieu.Xdk35@gmail.Com)
- Ông Lê Hùng Dũng: Cái này là do độ trễ của diễn biến thị trường vàng và cần phải chấp nhận. Còn hiện nay nếu muốn liên thông ngay lập tức thì rất khó. Vì muốn liên thông phải bỏ ra số ngoại tệ rất lớn, 1,8 tỷ USD mỗi năm. Điều này dễ gây ra lạm phát và áp lực tỷ giá.
Nếu thấy chênh lệch giá lớn chỉ có cách Ngân hàng Nhà nước tung vàng dự trữ ra để bán nhằm điều tiết giá vàng. Còn hiện nay chủ yếu là do thị trường tự điều tiết nên mức giá phải có chênh lệch như vậy.
Thời gian tới, khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện can thiệp thị trường, đồng thời SJC gia công thì nguồn vàng lớn sẽ được bung ra thị trường và đủ lớn thì giá trong nước sẽ về sát thế giới.
- Người ta đang đặt nghi vấn về chuyện tạm xuất tái nhập vàng, ông cho biết có thực là các ngân hàng đã tạm xuất vàng phi SJC để nhập vàng nguyên liệu? Phải chăng họ chỉ tạm nhập trước, rồi sau này sẽ được hợp pháp hóa bằng các hợp đồng ủy thác nhập khẩu chính thức, để làm sao có nguồn vàng nguyên liệu về nước nhanh chóng lúc chênh lệch giá còn đang cao? Nếu xuất thật, thì lấy đâu ra họ có đến 9-10 tấn vàng SJC để xuất đi? Ngân hàng Nhà nước kiểm soát việc này thế nào? (Lan Anh)
- Ông Lê Minh Hưng: Thời gian vừa qua, sau khi được Thủ tướng, Chính phủ cho phép, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức thực hiện phương án tạm xuất vàng phi SJC, tái nhập vàng nguyên liệu tiêu chuẩn quốc tế để đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi vàng phi SJC thành vàng SJC đáp ứng nhu cầu chi trả vàng SJC cho người dân của các tổ chức tín dụng.
Về cơ bản phương án này là đổi vàng miếng phi SJC thành vàng nguyên liệu tiêu chuẩn quốc tế nên không làm phát sinh nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu vàng và do vậy không tạo áp lực lên thị trường ngoại tệ, không gây ra biến động về tỷ giá. Toàn bộ lượng vàng nguyên liệu tiêu chuẩn quốc tế nhập khẩu về được sản xuất thành vàng miếng SJC để đáp ứng nhu cầu chi trả vàng cho người dân tại các tổ chức tín dụng.
Số lượng vàng tạm xuất, tái nhập này là vàng miếng phi SJC của người dân đang gửi tại các tổ chức tín dụng thời gian trước đây. Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện kiểm tra tồn quỹ thực tế số vàng này trước khi cho phép thực hiện. Đồng thời, các tổ chức tín dụng không được thu bất kỳ loại phí nào khi chi trả số vàng này cho người dân.
- Để đảm bảo an toàn khi mua bán, xin hỏi tại Ngân hàng Nhà nước các chi nhánh có thực hiện mua bán vàng miếng không? (Khang,Beankhang22@yahoo.Com)
- Ông Lê Minh Hưng: Theo Luật Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước Trung ương cũng như Ngân hàng Nhà nước các chi nhánh không có chức năng kinh doanh mua, bán vàng miếng. Ngân hàng Nhà nước có chức năng quản lý Nhà nước, thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của pháp luật nói chung và các quy định tại Nghị định 24 nói riêng.
- Việc Ngân hàng Nhà nước thu hẹp mạng lưới kinh doanh vàng để ổn định thị trường vô hình chung đang tạo quyền lợi cho các doanh nghiệp được cấp phép. Họ chào giá 10-30 triệu đồng mỗi tháng cho các cửa hàng nào muốn trở thành đại lý, điểm giao dịch của họ. Phó thống đốc có ý kiến gì về điều này và Ngân hàng Nhà nước sẽ chấn chỉnh thế nào? (Mai Thuy)
- Ông Lê Minh Hưng: Theo như trình bày ở trên, Nghị định 24 đã nêu rõ các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh mua bán vàng miếng không đuợc thực hiện kinh doanh mua bán qua các đại lý. Doanh nghiệp nào mở đại lý giao dịch là trái với các quy định của pháp luật.
Cũng từ ngày 10/1/2013, các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng không có giấy phép kinh doanh, mua bán vàng miếng do Ngân hàng Nhà nước cấp thì không được kinh doanh vàng miếng nữa. Vừa qua Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chỉ đạo các Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra trên địa bàn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
- Xin hỏi ông Lê Hùng Dũng, nhiều người đang sở hữu vàng miếng SJC loại bao bì cũ. Nhiều tổ chức tín dụng, cơ sở kinh doanh lại từ chối mua bán loại vàng miếng này, hoặc chúng tôi phải chấp nhận giá trị thấp hơn loại bao bì mới. Công ty SJC có trách nhiệm bảo hộ quyền lợi của người tiêu dùng ra sao? (Văn Khá Minh, Vankhaminh@gmail.Com)
- Ông Lê Hùng Dũng: 20 năm qua, chúng tôi cung cấp khoảng 20 triệu lượng vàng miếng. Sau hàng chục năm, bao bì bị thoái hóa do quá trình cất trữ, vận chuyển nên chúng tôi chuyển qua bao bì mới, không thu phí hoặc rất thấp.
Những bao bì mới có tem chống giả tốt.
Vì số lượng lớn, nên một số miếng vàng chưa chuyển đổi kịp thì có hiện tượng bị làm giả. Một số ngân hàng giám định vàng này họ chưa có kinh nghiệm nên để an toàn, họ thu phí để đảm bảo an toàn. Nếu khách hàng mang tới trụ sở SJC ở Nguyễn Công Trứ, quận 1, TP HCM, chúng tôi sẽ chuyển đổi sang bao bì mới ngay,
Ông Lê Minh Hưng |
- Thống đốc tuyên bố Ngân hàng Nhà nước sẽ là người kiến tạo thị trường, là người mua bán cuối cùng trên thị trường. Nhưng Ngân hàng Nhà nước định cung ứng vàng cho thị trường thông qua các phiên đấu thầu offline, và cũng không tổ chức thường xuyên. Làm sao các ông đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường và tránh những cú sốc về giá? (Thanh Le, Thanh le)
- Ông Lê Minh Hưng: Với vai trò người mua bán cuối cùng trên thị trường, Ngân hàng Nhà nước trong điều kiện thị trường biến động sẽ thực hiện cơ chế can thiệp để bình ổn. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước thực hiện can thiệp với mục tiêu thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế. Chẳng hạn thực hiện cơ chế đấu thầu bán vàng miếng để bình ổn thị trường. Khi Ngân hàng Nhà nước tổ chức như vậy thì có thể nhiều đợt, nhiều phiên tùy theo diễn biến thị trường cũng như mục tiêu can thiệp trong từng thời kỳ.
- SJC là một thương hiệu được xây dựng hàng chục năm qua, nhưng hiện nay lại chuyển giao cho Ngân hàng Nhà nước vô điều kiện, tại sao vậy thưa ông Lê Hùng Dũng? (Tho Nguyen Duc, Thond24@gmail.Com)
- Ông Lê Hùng Dũng: Bình thường nếu là thương hiệu của một tư nhân thì phải có giá trị thương quyền. Theo các chuyên gia chuyên về định giá thương quyền thì với một thị trường như Việt Nam với hơn 90 triệu dân, có sức tiêu thụ lớn trong khu vực, SJC lại chiếm hơn 90% thị phần thì ước tính giá trị thương hiệu SJC trên 100 triệu USD.
Tuy nhiên, vì đây là lợi ích quốc gia, nhằm ổn định thị trường vàng như Nghị định 24 đã đưa ra và nhằm chống buôn lậu, gây áp lực tỷ giá...Hơn nữa, đây là đơn vị của Nhà nước nên khi Chính phủ có yêu cầu thì mình phải giao cho Ngân hàng Nhà nước vô điều kiện.
- Xin cho biết kết quả của phiên đấu thầu thử nghiệm vàng tuần qua? (Thanh, Heocon@yahoo.Com)
- Ông Lê Minh Hưng: Ngân hàng Nhà nước mới chỉ thử nghiệm trong nội bộ các Vụ, Cục của Ngân hàng Nhà nước chứ chưa tiến hành đấu thầu thực sự. Việc thử nghiệm này để đánh giá quy trình và cách thức vận hành cơ chế đấu thấu trước khi triển khai chính thức.
- Xin ông Lê Hùng Dũng cho biết tình trạng và hoạt động kinh doanh của SJC hiện nay. (Hoanglinh Nga, Hoanglinhnga_84@yahoo.Com)
- Ông Lê Hùng Dũng: Trước đây chúng tôi có 2 mảng kinh doanh chính là vàng nữ trang (mang lại 20% doanh thu), vàng miếng (chiếm 80% doanh thu).
Nay kinh doanh vàng miếng bị thắt chặt buộc SJC phải tái cấu trúc. Giờ đây, chúng tôi đẩy mạnh sang kinh doanh nữ trang. Dự kiến lợi nhuận năm nay giảm khoảng 60% so với 2012.
Chúng tôi sẽ tái cấu trúc theo 2 hướng. Thứ nhất là phát triển dòng sản phẩm nữ trang cao cấp (hiện công ty đã đầu tư 150 tỷ đồng xây nhà máy ở Tân Thuận, quận 7, TP HCM). Thứ hai là phát triển hệ thống đại lý phân phối, nhượng quyền. Theo hướng phát triển này, những năm tới, nữ trang cao cấp của SJC sẽ phát triển mạnh.
- Doanh nghiệp, ngân hàng muốn kinh doanh vàng miếng đã phải làm hồ sơ xin cấp phép với các điều kiện khắt khe. Nay muốn tham gia mua bán với ngân hàng Nhà Nước, họ lại phải nộp hồ sơ, đăng ký. Phải chăng đó là một hình thức giấy phép con, rồi có chuyện xin cho, gây khó khăn cho các bên tham gia? (Nguyễn Linh Chi, Chinam@yahoo.Com)
- Ông Lê Minh Hưng: Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng cơ chế chính sách cho hoạt động can thiệp thị trường, Ngân hàng Nhà nước đã trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về mua bán vàng miếng trên thị trường trong nước của Ngân hàng Nhà nước để ký ban hành. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thiện các văn bản hướng dẫn nội bộ thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ để tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho hoạt động can thiệp thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước.
Theo dự thảo Thông tư mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước, Ngân hàng Nhà nước chỉ thực hiện mua bán với các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp có quan hệ mua bán vàng miếng với Ngân hàng Nhà nước. Nguyên tắc này được xây dựng trên thông lệ thị trường, tương tự như cơ chế Ngân hàng Nhà nước mua, bán ngoại tệ với các tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối và dựa trên cơ sở hoạt động mua bán vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước là hoạt động của người mua bán cuối cùng trên thị trường, Mục tiêu của yêu cầu phải xác lập quuan hệ mua bán vàng miếng với Ngân hàng Nhà nước thông qua thủ tục đăng ký quan hệ mua bán là nhắm hạn chế rủi ro, bảo đảm an toàn cho tài sản Nhà nước. Dự thảo Thông tư hướng dẫn Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định rõ hồ sơ, trình tự, thủ tục để tổ chức tín dụng và doanh nghiệp thực hiện đăng ký quan hệ mua, bán vàng miếng với Ngân hàng Nhà nước.
- Vàng SJC được định giá theo công thức nào mà tôi thấy chênh lệch so với giá thế giới rất khác nhau theo các thời điểm khác nhau? (Vu Thi Huong,Vthuong@yahoo.Com)
- Ông Lê Hùng Dũng: Giá cao hơn thế giới vì bản thân SJC là một đơn vị của Nhà nước, toàn bộ vốn kinh doanh phải đi vay của ngân hàng thương mại với lãi suất cao. Hơn nữa, kinh doanh vàng miếng là một loại hình đầy rủi ro. Qua một đêm bạn có thể lời vài trăm nghìn USD nếu giá vàng lên cao so với trước đó, cũng có thể lỗ vài triệu USD nếu giá rớt và phải bán ngay để cắt lỗ. Trên thực tế, các bạn có thể nhìn thấy các ngân hàng buôn vàng thời gian qua, sau thanh tra có thể lỗ vài nghìn tỷ đồng.
Vì vậy, về công thức tính giá, trước hết là giá gốc. Thứ hai là thuế nhập khẩu (các nước không đanh thuế vì coi vàng như tiền). Thứ ba là lãi vay. Thứ tư là phải đảm bảo ra một tỷ lệ lợi nhuận cần thiết. Bản thân chúng tôi là doanh nghiệp Nhà Nước nếu để lỗ 2 năm liền sẽ bị cách chức. Do đó, kinh doanh phải có lợi nhuận. Và trên thị trường, cứ thuận mua thì vừa bán chứ không ai ép ai. Do đó, tôi cho rằng chẳng có lý do gì mà dư luận phải lên án đơn vị kinh doanh có lợi nhuận cả,
- Xin hỏi ông Hưng, vàng SJC vài hôm nữa mà Ngân hàng Nhà nước bán ra có gì khác so với vàng SJC hiện tại? Người sở hữu vàng SJC hiện tại có gặp khó khăn gì khi bán vàng SJC mà họ đang sở hữu? (Nguyễn Hưng, Hà Nội)
- Ông Lê Minh Hưng: Vàng SJC do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sản xuất đảm bảo đúng tiêu chuẩn về chất lượng mà SJC đã đăng ký theo quy định về pháp luật. Người dân đang nắm giữ vàng SJC hiện nay vẫn tiếp tục giao dịch bình thường.
- Ông Lê Hùng Dũng: Những người đang và sẽ sở hữu vàng SJC hãy yên tâm, vì vàng SJC sản xuất trước đây hay sản xuất theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước bây giờ có cùng chất lượng và quy cách đóng gói, trọng lượng, hình thức mẫu mã cũng giống như trước đây. Việc mua bán sẽ không có sự phân biệt nào, và giá sẽ do thị trường quyết định.
- Tôi muốn hỏi vàng lẻ dưới một lượng, và nhẫn tròn trơn là vàng miếng hay trang sức? Chỉ riêng vàng nhẫn thôi, mỗi nơi quy định một giá, nguồn nguyên liệu cũng khó kiểm soát, vậy ai sẽ là đơn vị sản xuất loại vàng này và Ngân hàng Nhà nước có biện pháp gì để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng khi mua loại vàng đó? (Lê Thế Vinh, Thevinh@vnn.Vn)
- Ông Lê Minh Hưng: Nghị định 24 đã quy định rất rõ, vàng miếng là vàng được dập thành miếng, có đóng chữ, số, chỉ khối lượng, chất lượng, mã hiệu của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cho phép sản xuất hoặc vàng miếng do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sản xuất trong từng thời kỳ. Đối với vàng nhẫn tròn trơn thì theo quy định là vàng trang sức. Nghị định 24 cũng quy định, tổ chức cá nhân muốn sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ phải thành lập doanh nghiệp và phải được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ. Quy định này nhằm tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng sản phẩm. Đồng thời Nghị định 24 cũng yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ phải công bố đăng ký và chịu trách nhiệm đối với ký hiệu, mã hiệu và chất lượng vàng trang sức mỹ nghệ nhằm hạn chế tình trạng gian lận tuổi vàng để đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng.
- Ông Lê Hùng Dũng: Đối với vàng nhẫn và trang sức, tôi nghĩ đây là thực tế đã hình thành nhiều năm nay nhưng trong thời gian dài, vàng trang sức không có ai quản lý về chất lượng. Trước đây, các cơ sở tư nhân có sản xuất vàng nhẫn. Gần đây một số công ty cũng sản xuất. Tôi cho đây là thực tế cơ quan quản lý cần nghiên cứu để đưa vào quy định. Tôi nghĩ nhẫn trơn do các cơ sở tư nhân đóng thương hiệu, khách hàng nên mua đâu bán đấy. Tôi nghĩ có những thị trường chính quy, không chính quy. Chúng ta nên coi nó là bộ phận của thị trường, không nên cái gì cũng quy vào quản lý Nhà nước. Thị trường có dạng để kinh doanh, trao đổi, thương lượng. Cái gì thị trường hình thành tập quán thì nên tôn trọng. Vàng nhẫn trơn cũng thế, nên để nó tồn tại song song với thị trường vàng miếng.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhận định thị trường vàng đang dần đi vào ổn định. Ảnh: Hoàng Hà |
- Dư luận xôn sao về việc vàng miếng nhỏ lẻ không còn được sử dụng trên thị trường. Tôi muốn hỏi đây chỉ là dự thảo hay là sự thật? (Lam Nguyen Nhat Nam, Nhatnam61176@yahoo.Com.Vn)
- Ông Lê Minh Hưng: Các loại vàng miếng đã được Ngân hàng Nhà nước cấp phép sản xuất, kinh doanh trước đây, kể cả các loại vàng miếng nhỏ lẻ vẫn được mua bán bình thường. Các tổ chức được cấp phép hiện nay vẫn đang mua bán loại vàng miếng này.
Khi Ngân hàng Nhà nước tham gia mua bán thị truờng, là mua bán trực tiếp với các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng đuợc cấp phép mua bán vàng miếng với khối lượng lớn để bình ổn thị trường vàng. Còn các loại vàng khác vẫn được kinh doanh mua bán bình thường giữa các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng với người dân.
- Thưa ông Lê Hùng Dũng, ông nói SJC đã đầu tư dây chuyền sản xuất cực lớn đến mức dập được 3 tấn một ngày, tại sao một doanh nghiệp nhà nước như SJC lại đầu tư như thế, khi mà định hướng quản lý của Chính phủ tại Nghị quyết số 2 năm 2011 là sẽ kiểm soát chặt chẽ nhu cầu vàng miếng và Ngân hàng Nhà nước sẽ độc quyền sản xuất? Kể cả bây giờ Ngân hàng Nhà nước sẽ nhận lại các dây chuyền này, nhà máy của SJC đáp ứng ngay nhu cầu sản xuất gia công 30 tấn để can thiệp thị trường, nhưng liệu sẽ có bao nhiêu đơn hàng như thế trong 1 năm? (Nguyen Viet Chau)
- Ông Lê Hùng Dũng: Vì trước đây chúng tôi đối đầu với một áp lực lớn vì có lúc chênh lệch vàng SJC 1-2 triệu đồng, dồn SJC vào thế quá tải. Nhiều lúc, sản xuất 1.000 -2.000 lượng cũng không đủ yêu cầu nên chúng tôi quyết định đầu tư dây chuyền lớn như hiện nay.
Điều ai cũng biết là, trong kinh doanh không ai nuôi quân 3 năm để sử dụng một giờ. Vì để tránh những thời điểm sốt giá bất ngờ thì phải có dây chuyền lớn như vậy, để có thể đáp ứng mọi tình huống và có thể cắt mọi cơn sốt giá bất ngờ. Đó mới là đóng góp lớn cho xã hội và cũng là hoạt động kinh tế thị trường. Cảm ơn bạn đã quan tâm vấn đề này.
- Theo tôi cần đánh thuế thu nhập cá nhân để người dân hạn chế trữ vàng. Ngân hàng Nhà nước đã tính tới điều này chưa, và dự kiến bao giờ sẽ triển khai? (Phan Duc Lam, Lamphan1977@gmail.Com)
- Ông Lê Minh Hưng: Chủ trương chung là vàng miếng không phải mặt hàng thiết yếu và không khuyến khích kinh doanh mua bán. Khoản 3 điều 17 Nghị định 24 quy định rõ, Bộ Tài chính có trách nhiệm chủ trì phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền chính sách thuế xuất, nhập khẩu vàng, thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế thu nhập với các hoạt động kinh doanh vàng phù hợp trong từng thời kỳ. Việc triển khai quy định này sẽ được các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng.
- SJC trở thành thương hiệu vàng của Ngân hàng Nhà nước theo ông Lê Hùng Dũng là một ưu thế hay là bất lợi đối với công ty? Vì sao? (Tho Nguyen Duc, Thond24@gmail.Com)
- Ông Lê Hùng Dũng: Thứ nhất phải khẳng định đó là một vinh dự lớn. Vì bất cứ một hàng hóa nào được Nhà nước công nhận là một thương hiệu quốc gia thì đó là niềm mơ ước của tất cả họ. Tuy nhiên, sau đó chúng tôi phải đối chọi với một bất lợi lớn là doanh thu sụt giảm 80%. Tuy nhiên, vì chúng tôi là một thương hiệu Nhà nước nên phải chấp hành vì đây là lợi ích chung của Quốc gia.
- Theo tôi thấy giá của SJC Sài Gòn bao giờ mua vào của dân cũng thấp nhất và bán ra cho dân cũng đắt nhất so sánh với các tổ chức khác. Ông giải thích sao về chuyện này? (Nguyen Duc Quyet, Quyet.Nd90@gmail.Com)
- Ông Lê Hùng Dũng: Theo thông tin tôi biết thì giá SJC cao so với các loại vàng miếng khác 1 giá vì chất lượng vàng SJC bảo đảm với khách hàng luôn đúng 9999. Trọng lượng theo đúng bao bì đã ghi. Thị trường quyết định giá, không phải do chúng tôi.
Thời gian qua, khi thiếu nguyên liệu nhập khẩu thì văn phòng SJC có hiện tượng lạ, không có ở đơn vị khác. Đó là có người mang 1.000-2.000 lượng vàng của thương hiệu khác đến, nhiều người cầm kéo cắt bao bì rất đẹp của thương hiệu khác, chuyển vàng này cho nhân viên SJC kiểm định để chúng tôi dập lại thành SIC. Họ sẵn sàng chịu phí 50.000 đồng một lượng. Họ chịu chấp nhận chuyển đổi thành vàng SJC và nhận chênh lệch vài trăm nghìn đến cả triệu đồng một lượng.
- Vàng là hàng hóa đặc biệt, giá luôn biến động rất nhanh và có khi biên độ lớn. Chúng ta nên có cơ chế định giá chung cho hệ thống hay để các đơn vị cửa hàng có giấy phép tự do định giá, để rồi vẫn xảy ra tình trạng giá nhảy múa như thời gian qua? (Huong Le Van, Huonglevan@yahoo.Com)
- Ông Lê Minh Hưng: Việt Nam phải nhập khẩu vàng để sản xuất vàng miếng, nên giá vàng trong nước phụ thuộc vào một là giá vàng thế giới, hai là cung cầu vàng trên thị trường trong từng thời kỳ. Giá vàng thế giới cũng biến động thường xuyên và rất mạnh, nên cũng ảnh hưởng đến biến động của giá trong nước. Về nguyên tắc, giá vàng là do thị trường quyết định. Nhưng khi có những biến động bất thường và chênh lệch lớn, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện các biện pháp bình ổn thị trường theo quy định.
- Xin hỏi Chủ tịch SJC Lê Hùng Dũng. Tôi trước đây mua vàng miếng của SJC Cần Thơ, nay đem vàng đến bán thì cửa hàng trả lời là họ không được kinh doanh nữa, chỉ tôi qua bán ở ngân hàng kế bên. Như thế nghĩa là Công ty SJC Cần Thơ không được phép kinh doanh vàng miếng hợp pháp. Sao đơn vị này không đăng ký để kinh doanh hợp pháp để phục vụ cho người dân chúng tôi nhỉ? (Ngoc Huyen, Huyennn1987@gmail,com)
- Ông Lê Hùng Dũng: Theo quy định, một đơn vị muốn kinh doanh sản xuất, vốn điều lệ phải 100 tỷ trở lên. SJC Cần Thơ hiện vướng Nghị định 24, vì hiện có vốn điều lệ hơn 20 tỷ. Tuy nhiên, việc tăng vốn cũng không dễ vì các cổ đông khác không muốn bỏ vốn kinh doanh vàng. Trường hợp của anh nên chịu khó đi xa hơn một chút để bán vàng.
- Tôi mua vàng miếng SJC loại 10 lượng từ đầu năm 2012, tới đầu năm 2013 muốn bán và mang ra các cửa hàng gần nhà thì có cửa hàng bảo không giao dịch, còn có cửa hàng mua thì lại chê là vàng mẫu mã cũ, tuổi vàng chưa đủ...để ép giá. Vàng này ngày trước tôi mua của SJC giờ tôi phải bán ở đâu? (Huyen, 27 tuổi, Phamhuyen0909@yahoo.Com)
- Ông Lê Hùng Dũng: Vì đây là loại hàng đặc biệt. Bạn chỉ có thể đên trụ sở của SJC để giải quyết trong tình cảnh này. Vì đây là chính sách chung của Nàh nước nên các tiệm vàng nhỏ lẻ phải đóng cửa.
- Liệu thị trường vàng đã thích hợp để đầu tư và liệu giá vàng còn giảm không ? (Khoa, 23 tuổi, Lê Hồng Phong)
- Ông Lê Minh Hưng: Với định hướng và sự kiên định trong điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước và các kết quả tích cực đạt được trong suốt thời gian qua, cá nhân tôi hoàn toàn tin tưởng vào việc nắm giữ Việt Nam đồng.
- Theo ông, trong tình hình hiện nay thì người dân nên sử dụng vốn nhàn rỗi của mình để mua vàng hay gởi tiết kiệm. Nếu mua vàng thì nên mua vàng miếng hay mua vàng nguyên liệu. (Nguyễn Thị Minh Thanh, 27 tuổi,Minhthanhcn08@gmail.Com)
- Ông Lê Hùng Dũng: Theo tôi, trong bối cảnh này các bạn nên gửi tiết kiệm là tốt nhất và nên chọn ngân hàng lớn, uy tín để gửi. Bởi vì điều này sẽ đảm bảo hợp lý thu nhập thêm cho cuộc sống của bạn lại không phải đối mặt với rủi ro.
Còn đối với vàng, nếu không phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp thì không nên tham gia vì giá vàng biến động quá mạnh. Với những người yếu bóng vía sẽ tạo ra nhiều xáo trộn trong cuộc sống và sức kkhỏe của chính bạn. Còn nếu bạn chỉ mua để tích trữ thì được.
- Tôi để ý thấy mỗi lần SJC ra giá mua bán sẽ có ảnh hưởng tới giá trên thị trường vàng. Vậy có phải SJC quyết định giá mỗi ngày hay bị chi phối giá bởi cơ quan nào đó? (Tiến, 30 tuổi, Tienchuvan19@yahoo.Com)
- Ông Lê Hùng Dũng: SJC quyết định giá theo cơ chế thị trường. Mình đưa mức giá mà có người mua, người bán thì đó là thương lượng theo giá thị trường, không ai áp đặt cả.
- Việc Ngân hàng Nhà nước ký hợp đồng gia công vàng miếng với SJC phải chăng chỉ để hợp thức hóa quá trình dập vàng miếng trước đây? (Lan Lê, 43 tuổi, Lanle@gmail.Com)
- Ông Lê Minh Hưng: Theo Nghị định 24, Ngân hàng Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng. Ngân hàng Nhà nước tháng 8/2012 cũng đã ban hành Quyết định 1623 về tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, Công ty SJC được gia công vàng miếng SJC từ các nguồn sau: vàng SJC móp méo, vàng miếng phi SJC, và vàng nguyên liệu của Ngân hàng Nhà nước. Từ tháng 8/2012, Công ty SJC đã thực hiện gia công vàng SJC từ nguồn vàng SJC móp méo và vàng miếng phi SJC dưới sự giám sát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước.
Ngày 26/2/2013, Ngân hàng Nhà nước đã ký hợp đồng nguyên tắc về việc gia công vàng miếng với SJC để thực hiện gia công từ nguồn vàng của Ngân hàng Nhà nước. Việc ký hợp đồng này là cơ sở pháp lý để chuẩn bị nguồn vàng miếng SJC của Ngân hàng Nhà nước phục vụ cho hoạt động can thiệp bình ổn thị trường thời gian tới.
- Theo ông, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới nên duy trì ở mức nào là hợp lý. Nếu ông có một số vàng phi SJC (cụ thể là 999,9 của BTMC) thì bây giờ ông sẽ làm gì với nó. (Minh Nguyen, Nguyenminhnbc@gmail.Com)
- Ông Lê Hùng Dũng: Tôi nghĩ rằng, chênh lệch này dù chúng ta muốn cũng không được mà là do thị trường quyết định. Tuy nhiên, nếu bất hợp lý quá thì Ngân hàng Nhà nước sẽ can thiệp. Trường hợp, nếu tôi có vàng phi SJC thì cũng sẽ mang đi chuyển đổi sang vàng SJC cho yên tâm.
- Thưa Phó Thống đốc, cháu muốn hỏi năm nay kinh tế thế giới và trong nước còn gặp nhiều khó khăn, bất ổn, Theo nhận định của Phó Thống đốc, thị trường vàng sắp tới sẽ ra sao? (Đàm Thị Hương,Trunghuong_tn83@yahoo.Com)
- Ông Lê Minh Hưng: Thị trường vàng quốc tế hiện nay phụ thuộc rất lớn vào các chính sách của Chính phủ và Ngân hàng trung ương các nước. Rất khó để dự đoán một cách chính xác diễn biến giá vàng, đặc biệt là trong ngắn hạn. Trong khi đó, giá vàng trong nước chịu ảnh hưởng rất lớn trước biến động của giá vàng thế giới và cung cầu thị trường trong nước. Với các biện pháp Ngân hàng Nhà nước đang và sẽ triển khai quyết liệt trong thời gian ngắn tới đây, Ngân hàng Nhà nước tin tưởng rằng cung cầu trên thị trường vàng miếng sẽ cân bằng hơn và giá vàng trong nước sẽ bám sát với giá vàng thế giới. Thị trường vàng trong nước sẽ dần đi vào ổn định.
Tôi rất cảm ơn sự quan tâm của độc giả đối với Ngân hàng Nhà nước trong việc điều hành chính sách chung và chính sách quản lý thị trường vàng nói riêng. Trong khuôn khổ thời gian có hạn, tôi cũng cố gắng thông tin tới độc giả biện pháp chính sách của Ngân hàng Nhà nước đã và sẽ thực hiện trong thời gian tới. Ngân hàng Nhà nước cũng hoàn toàn tin tưởng rằng các chính sách sẽ phát huy tác dụng và đạt được mục tiêu theo đúng Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ. Xin cám ơn Quý vị độc giả.
- Ông Lê Hùng Dũng: Diễn biến giá vàng trong năm 2013 sẽ phụ thuộc vào 3 điều kiện dưới đây. Thứ nhất, xem xét xem Cục dự trữ liên bang Mỹ có tiếp tục sử dụng Gói nới lỏng định lượng (QE3). Đây là nhân tố quan trọng để giá vàng tăng.
Thứ hai, giá vàng phụ thuộc vào kinh tế Châu Âu. Năm 2013-1024, châu Âu khó thoát khỏi khủng hoảng do nợ công, thất nghiệp cao (trên 19 triệu người), sản suất trì trệ, Châu Âu còn học Mỹ chuyện phá giá đồng tiền.
Thứ ba, giá vàng phụ thuộc kinh tế Trung Quốc tăng trưởng, trì trệ hay phát triển. 3 yếu tố này quyết định giá vàng. Trong đó nguyên nhân một quan trọng nhất mà kết hợp cả 2 nguyên nhân trên nữa thì vàng tăng từ 1.750 USD trở lên. Kinh tế Mỹ phát triển tốt thì giá vàng dưới 1.500 USD. Tóm lại, nếu kinh tế Mỹ phát triển, nhà đầu tư sẽ mua trái phiếu Mỹ. Nếu trì trệ, trái phiếu mất giá, đồng tiền Mỹ mất giá thì họ chuyển sang đầu tư vàng.
Do thời gian có hạn nên tôi chưa thể giải đáp hết các thắc mắc của độc giả VnExpress. Xin hẹp gặp lại độc giả VnExpress trong dịp khác. Xin chào và cảm ơn sự quan tâm của quý độc giả.
VnExpress
26 comments