bột lá nếp
cao chè vằng quảng trị
Tin Nóng doanh nghiệp
bột màu thực phẩm hoa đậu biếc
Nghệ sĩ Bùi Công Duy & con đường đã chọn

Nghệ sĩ Bùi Công Duy & con đường đã chọn

 Đang nổi danh trong giới âm nhạc quốc tế, nghệ sĩ Bùi Công Duy   quyết định về Việt Nam để làm một giảng viên violon bình thường tại Học viện Âm nhạc Việt Nam, với đồng lương như anh thổ lộ, “chỉ đủ bảo quản cây đàn”. Đó quả là điều bất ngờ, khiến nhiều người cảm thấy khó hiểu và đặt ra những câu hỏi với anh.
 

Tôi biết Duy từ những năm đầu thập niên 80 thế kỷ trước, khi cậu bé mới chừng một tuổi. Đó là dịp cha anh, nghệ sĩ violon Bùi Công Thành đang chuẩn bị cho một chuyến concours “Tchaikovsky” Moskva năm 1982.

 

Bẵng đi một thời gian khá lâu, tôi hay tin con trai nghệ sĩ violon Bùi Công Thành đoạt giải nhất Tchaikovsky. Nhìn bức ảnh chàng trai đẹp như một hoàng tử bên cây đàn violon, tôi lại nhớ đến người bạn mười mấy năm xưa, Bùi Công Thành.

 

Nghệ sĩ Bùi Công Duy


Thì ra chàng trai ngày nào còn oe oe trong nôi, không chỉ đạt được một giải như tôi vừa mới biết. Năm 1989, Bùi Công Duy đạt giải nhì cuộc thi âm nhạc “Tài năng trẻ” TP HCM khi mới lên 8 tuổi.

 

Năm 1990, Bùi Công Duy lại đoạt giải nhất cuộc thi âm nhạc “Mùa Thu” tại Hà Nội. Nhưng tài năng âm nhạc của Bùi Công Duy thật sự bộc lộ sáng chói trong những năm học tập, biểu diễn tại Nga và ở một số nước trên thế giới. Lần đầu tiên  Bùi Công Duy tham gia cuộc thi âm nhạc Nga mang tên “Demiov”,  thành phố Ekatetinburg, Liên bang Nga. 
 

Trong cuộc thi này,  anh đã đoạt giải nhất. Năm 1995, anh lại đoạt tiếp giải nhất trong cuộc thi mang tên “Z.Bron” tại thành phố Novosibirsk, Liên bang Nga. Năm 1997 anh đoạt giải nhất, đồng thời huy chương vàng cuộc thi âm nhạc quốc tế dành cho lứa tuổi trẻ mang tên “Tchaikovsky” tại Saint Peterbourg, Liên bang Nga. Cũng năm đó, Bùi Công Duy được bầu chọn vào top 10 gương mặt tiêu biểu của Việt nam. 
 

Quả thực Bùi Công Duy là một tài năng âm nhạc không còn phải bàn cãi. Từ đây tên tuổi nghệ sĩ violon Bùi Công Duy được giới âm nhạc quốc tế đánh giá cao, đặc biệt ở Nga. V. Sprvakov, người nghệ sĩ nổi tiếng Nga đã từng đoạt 4 giải thưởng âm nhạc lớn ở các cuộc thi quốc tế, và là người sáng lập ra dàn nhạc Virtuous Moskva đã quyết định nhận anh làm thành viên.

 

Bùi Công Duy cho biết: Dàn nhạc thính phòng Virtuous Moskva  hàng đầu ở Nga chỉ có 20 thành viên, gồm những nghệ sĩ nổi tiếng. Ngoài người sáng lập, nghệ sĩ  violon V. Sprvakov, các nghệ sĩ Boris Garlitzky, Arkady Futer và các thành viên khác là những nghệ sĩ  rất uy tín trong giới, đã  từng đoạt  nhiều giải âm nhạc quốc tế lớn. 
 

Bùi Công Duy trở thành thành viên nước ngoài đầu tiên trong lịch sử  của dàn nhạc thính phòng nổi tiếng này. Tuy tuổi chưa nhiều và phần lớn thời gian dành cho việc học tập tại nhạc viện  Moskava, nhưng Bùi Công Duy cũng đã kịp tham gia biểu diễn ở nhiều nước.

 

Ý, Nhật, Thuỵ Sĩ, Ba Lan, Đức, Anh, Trung Quốc, Pháp… có thể nói là ở hầu hết những trung tâm  âm nhạc  hàng đầu thế giới. Vậy mà cuối cùng Bùi Công Duy đã có một quyết định hết sức bất ngờ: Về Việt Nam dạy  nhạc và biểu diễn. Anh đã chính thức trở thành giáo viên dạy nhạc tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam bắt đầu từ  mùa xuân 2007.

Khá nhiều tài năng âm nhạc Việt Nam được giới âm nhạc quốc tế thừa nhận, đánh giá cao, hàng đầu trong số đó phải kể đến Đặng Thái Sơn. Sau đó là những tên tuổi  sáng giá như  Tôn Nữ Nguyệt  Minh, Nguyễn Khôi Nam, Nguyễn Khôi Nguyên, Bích Trà v.v...

 

Hiện vẫn sống và biểu diễn thành công ở nước ngoài.  Đương nhiên, sống ở đâu là sự lựa chọn của mỗi người. Nhưng công bằng mà nói, nhạc cổ điển mà các nghệ sĩ danh tiếng của Việt Nam đang đam mê, trong nước chưa mấy am hiểu, yêu thích.
 

Khi nói tới trình độ thưởng thức, khả năng phát triển âm nhạc cổ điển ở Việt Nam, anh nói: Tiềm năng thì khá dồi dào. Tâm hồn  nhạy cảm của người Việt Nam, ngôn ngữ giàu âm sắc… khiến người Việt gần gũi, yêu mến âm nhạc.

 

Tuy nhiên, nhạc hàn lâm đến được với công chúng Việt hiện nay, cần phải đơn giản hóa, dễ tiếp nhận và sau đó là sự thụ cảm. Có lẽ đó là cách tốt nhất để  người Việt mình  từng bước tiếp cận với dòng âm nhạc bác học.
 

Sang năm thứ ba sống ở Việt Nam, Bùi Công Duy dường như không bỏ lỡ một tối trình diễn âm nhạc nào ở Nhà hát Lớn cũng như sân khấu của Học viện. Anh cùng người vợ, nghệ sĩ piano Trinh Hương thu xếp việc nhà sớm để  kịp giờ biểu diễn.

 

Anh vào nhà hát không chỉ để thưởng thức mà còn để quan sát khán giả, thái độ của công chúng đối với âm nhạc, với nghệ sĩ. Xem biểu diễn mà người ta vẫn để điện thoại di động reo, vẫn tóp tép nhai kẹo cao su, vẫn to nhỏ chuyện riêng…

 

Những quan sát ấy cho Duy một cảm nhận: “Công chúng Việt nam chưa có đầy đủ ý thức tiếp nhận âm nhạc rõ rệt. Nhưng không thể trách cứ họ. Như tôi đã nói, phải hiểu thấu đáo âm nhạc, rồi mới bày tỏ ý thức, niềm đam mê. Ở  nước ta môi trường chưa cho người Việt Nam cơ hội đó”.
 

Đó là một thực tế đáng buồn. Tôi còn nhớ, vào giữa những năm 50 thế kỷ trước, trong giáo dục tiểu học có chương trình dạy nhạc cho trẻ em. Và cả dạy vẽ nữa. Nhưng không biết từ lúc nào, hai môn học này không còn trong chương trình.

 

Cả một thế hệ thanh thiếu niên lớn lên mù nhạc. Có thể họ học tốt các môn Toán, Lý, Hóa, có thể họ trở thành những kỹ nghệ gia giỏi giang, những công dân tốt, nhưng không am hiểu, không có khả năng cảm thụ âm nhạc, nghệ thuật, quả là một thiệt thòi khá lớn.

 

Sẽ  không ngạc nhiên, khi công chúng có nhu cầu thưởng ngoạn, họ chỉ có thể đến được với chương trình tạp kỹ, những ca khúc ngắn, đơn giản. 
 

Còn với âm nhạc không lời, nhạc cổ điển có khả năng truyền cảm, thúc đẩy trí tưởng vươn tới một thế giới giàu cảm xúc qua các bản concerto, những tác phẩm bậc thầy âm nhạc Bethoven, Moza, Sopen, Chaikovsky, Dvozak… là điều còn quá xa lạ.

 

Với ý nghĩ ấy, Bùi Công Duy cũng hướng đĩa nhạc anh đang chuẩn bị ra mắt công chúng là tập hợp những bản hòa tấu của các nhạc sĩ cổ điển Việt nam. Đó có lẽ cũng là một hướng để công chúng trong nước làm quen từng bước, từng bước một tiến đến cảm thụ những tác phẩm nhạc hàn lâm.

 

Đây cũng chính là suy nghĩ của  nghệ sĩ Bùi Công Thành, thân sinh ra anh. Trong một lần trò chuyện, GS.TS âm nhạc Bùi Công Thành nói: “Nghệ thuật cũng như một cái cây, có chăm sóc thì nhanh phát triển, mau ra hoa, mau kết trái”.
 

 

Hàng ngày Bùi Công Duy lên lớp, say mê từng giờ giảng, phát hiện sở trường, cá tính của mỗi học viên… “Trong Học viện Âm nhạc, tôi cố gắng lắng nghe, phát hiện và bồi dưỡng một cách bài bản. Không phải em nào cũng đủ can đảm, nghị lực và cả điều kiện để đi đến tận cùng con đường các em đã chọn. Nhưng tôi không quá lo lắng về điều đó” - Duy chia sẻ.
 

 

Chừng đó thôi cũng đã choán khá nhiều thời gian của người thầy trẻ.  Nhưng anh cũng cố thu xếp một  không gian nho nhỏ cho riêng mình. Đó là những buổi  trình diễn trên sân khấu. Đây là cơ hội để tâm hồn nghệ sĩ trong anh được thăng hoa. 

 

Phải lạc quan phi thường  và một niềm đam mê, khao khát đến thế nào mới đủ sức thực hiện  dự định cho cả cuộc đời  phía trước. Nếu không sẽ rất dễ nản lòng. Nhưng hiện giờ, như  Duy cho biết, anh  đang lạc quan hơn bao giờ hết.

Theo Pháp luật và xã hội

Website: http://doanhnghiep24hvn.com

 

 

 

Bùi Công Duy đã tìm được chỗ dựa tinh thần khi biết nhiều người chia sẻ, ủng hộ anh. Người đầu tiên  và có tính quyết định, là nghệ sĩ dương cầm Trinh Hương.

 

Người thầy đầu đời đưa anh vào thế giới âm nhạc khi  cậu bé Duy mới lên ba,  cha anh, GS. TS âm nhạc Bùi Công thành, đồng thời cũng là một nghệ sĩ violon nổi tiếng “ tự hào“ khi con trai mình có một quyết  định đầy trách nhiệm công dân. 

 

Một tập thể giảng viên âm nhạc nồng nhiệt chào đón anh ở Học viện Âm nhạc Việt Nam và Nhạc viện TP HCM. Hơn ai hết, họ hiểu được vai trò người giảng viên danh tiếng trong  một trường học đặc biệt, gieo mầm đam mê, phát hiện và hướng dẫn cho tài năng âm nhạc phát triển là quan trọng như thế nào.

 

 

Theo Kiến thức

Website: http://doanhnghiep24hvn.com

 

 

26 comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

*

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>