Các nhóm giải pháp hỗ trợ vẫn chưa đến được với doanh nghiệp.
Hỗ trợ phải có “nghệ thuật”
Năm 2012, nền kinh tế trì trệ đã khiến cho số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động tăng cao. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động năm 2012 lên tới 54,2 nghìn doanh nghiệp, cao hơn con số 53,9 nghìn doanh nghiệp trong năm 2011.
Trong Diễn đàn Kinh tế mùa xuân do Ủy Ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức mới đây, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã phải thốt lên: “Đây quả thật là những con số báo động ở cấp cao nhất”.
Đáng lưu ý là số doanh nghiệp giải thể tăng trong bối cảnh trước đó ngày 10/5/2012 Chính phủ đã có Nghị quyết số 13/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, trong đó có nhiều giải pháp về miễn giảm, giãn thuế.
Nhiều ý kiến cho rằng các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong năm 2012 đã không phát huy tác dụng như mong muốn. Phân tích về hiệu quả của chính sách này, chuyên gia kinh tế TS Vũ Đình Ánh cho rằng: Thực tế cho thấy, bình quân mỗi doanh nghiệp chỉ được gia hạn chưa đến 60 triệu đồng thuế giá trị gia tăng quý II/2012, gia hạn khoảng 43 triệu đồng thuế thu nhập doanh nghiệp và mỗi hộ đánh bắt hải sản và làm muối được miễn 276 nghìn đồng thuế môn bài năm 2012.
“Chỉ có khoản gia hạn tiền sử dụng đất cho gần 350 doanh nghiệp là đáng kể với khoảng 8 tỉ đồng/doanh nghiệp song cũng chỉ là gia hạn nên không thể tác động đến giá bất động sản và góp phần “phá băng” cho thị trường bất động sản. Như vậy, thay đổi bổ sung cách thức hỗ trợ với quy mô lớn hơn có thể được cân nhắc trong trường hợp những giải pháp theo Nghị quyết 13/NQ-CP chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn” – TS Vũ Đình Ánh.
Mặc dù vậy, đòi hỏi một chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mạnh mẽ hơn giống như đã từng thực hiện năm 2009 với gói kích cầu 8 tỉ USD là điều cần phải cân nhắc kĩ. Các chuyên gia kinh tế hàng đầu như TS Lê Đăng Doanh, TS Phạm Chi Lan, TS Võ Trí Thành… đã từng lên tiếng “phê bình” chủ trương này.
TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lí Kinh tế Trung ương từng đánh giá: Việc Chính phủ đưa ra gói kích cầu 8 tỉ USD để đổi lấy 1% tăng trưởng GDP là quá đắt và tạo ra nhiều rủi ro cho những năm tiếp theo.
Điều này cho thấy tiếp sức cho doanh nghiệp cũng phải có "nghệ thuật" với một "liều lượng" được cân đong đo đếm kĩ lưỡng để tránh những tác dụng phụ không mong muốn. Những hạn chế từ việc hỗ trợ doanh nghiệp trong năm 2012 đã được cơ quan quản lí nhà nước rút kinh nghiệm trong năm 2013?
Con số công bố của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy đến quý I/2013, có tới trên 15.200 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, tăng 2.200 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm trước.
Đáng lưu ý là trong quý này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 với một loạt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu (gọi tắt là Nghị quyết 02). Nghị quyết này đã được nhiều chuyên gia nhận định rằng khá toàn diện.
TS Võ Trí Thành cho biết: Ý tưởng hình thành Nghị quyết này từ tháng 11/2012 và sau 2 tháng Nghị quyết đã được ban hành. Điều đó cho thấy tình hình đang rất cấp bách và việc hỗ trợ doanh nghiệp cần thực hiện gấp rút.
Theo nhận định của ông Võ Trí Thành, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đề ra trong Nghị quyết này đã mạnh mẽ hơn Nghị quyết 13 khi có thêm giải pháp về kích cầu trong bối cảnh cầu sản xuất cũng như tiêu dùng đang thấp ở mức đáng báo động.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh thì nhận xét: Các ưu đãi hỗ trợ từ chính sách tài khoá, đặc biệt là chính sách thuế phí đề ra trong Nghị quyết 02 đã mạnh mẽ và bài bản hơn hẳn.
Hỗ trợ bài bản hơn nhưng mới chỉ “trên giấy”
Thế nhưng trái với việc "nhanh nhẹn" trong ban hành Nghị quyết 02, việc triển khai tinh thần của Nghị quyết này trên thực tế lại khá chậm chạp.
Nhiều doanh nghiệp phản ánh rằng mặc dù Nghị quyết 02 về cơ bản đã "điểm" khá trúng những ách tắc hiện nay trên thị trường nhưng hầu như họ vẫn chưa được nhiều hỗ trợ từ gói giải pháp này. "Quá chậm" là cụm từ được nhiều doanh nghiệp cũng như chuyên gia kinh tế dùng khi nói đến quá trình hiện thực hóa Nghị quyết vào cuộc sống.
Đã hơn 3 tháng trôi qua kể từ ngày Chính phủ ban hành bản Nghị quyết 02, việc cụ thể hóa Nghị quyết này có thể kể đến là một số quy định được đề cập trong Thông tư 02/2013/TT-BXD của Bộ Xây dựng hướng dẫn việc điều chỉnh cơ cấu căn hộ các dự án nhà ở thương mại, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị và chuyển đổi nhà ở thương mại sang làm nhà ở xã hội hoặc công trình dịch vụ. Song thủ tục hành chính "rườm rà" vẫn là vấn đề bị các doanh nghiệp phàn nàn.
Đồng tình với quan điểm cần đẩy nhanh việc cụ thể hóa nội dung Nghị quyết 02, TS Vũ Đình Ánh cho rằng: Biện pháp giãn, hoãn thuế là tốt, nhưng doanh nghiệp lại kỳ vọng hơn vào việc cắt giảm thuế, mà cụ thể là thuế Giá trị gia tăng và thuế Thu nhập doanh nghiệp. Mức 10% thuế Giá trị gia tăng trong năm nay liệu có giảm hay không? Thuế Thu nhập doanh nghiệp được đề xuất là 23%, một số kiến nghị nên đưa xuống 20%.
Sau khi cân đối thu chi ngân sách, người ta cho rằng giỏi lắm chỉ đưa về được 23%. Dự kiến, từ 1/7 sẽ áp dụng mức thuế này song cũng có nhiều ý kiến cho rằng đến đầu 2014 mới áp dụng. Tôi cho rằng chúng ta đang làm quá chậm.
Trước thực trạng số lượng doanh nghiệp giải thể phá sản vẫn cao, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia trong bản báo cáo đánh giá tình hình kinh tế quý I-2013 đã thúc giục đẩy nhanh tiến độ thực hiện Nghị quyết 02 như là một yêu cầu cấp thiết trong quá trình phục hồi sản xuất kinh doanh.
Theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, cần đẩy mạnh triển khai tổ chức thực hiện các giải pháp của Nghị quyết 02 và có cơ chế giám sát việc thực hiện để Nghị quyết thực sự được triển khai một cách sâu rộng.
Theo PetroTimes
Website: http://doanhnghiep24hvn.com
26 comments