Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh (ảnh: Việt Hưng).
Chiều 20/5, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã trình bày tại Quốc hội Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT). Một trong số những sửa đổi được chú ý tại kỳ họp Quốc hội lần này là giảm 50% thuế GTGT đầu ra từ ngày 1/7/2013 đến hết ngày 30/6/2014 đối với các hợp đồng bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở và nhà ở là căn hộ hoàn thiện có diện tích sàn dưới 70 m2 có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2.
Việc quy định diện tích sàn dưới 70 m2 để hỗ trợ nhu cầu mua nhà của người có thu nhập thấp nhưng không đủ điều kiện mua nhà ở xã hội bảo đảm khả thi do diện tích được xác định căn cứ vào thiết kế quy hoạch chi tiết, xây dựng được duyệt và hợp đồng bán nhà, cho thuê, thuê mua nhà ở.
Theo tờ trình của Chính phủ, đề xuất giảm thuế GTGT hợp đồng thuê, mua nhà ở xã hội nhằm hỗ trợ và tạo cơ hội cho các đối tượng có thu nhập thấp có nhu cầu về nhà mua được nhà ở; góp phần giải quyết lượng hàng tồn kho lớn trong lĩnh vực bất động sản và vật liệu xây dựng, từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Đây là giải pháp được thực hiện cùng với việc đề xuất giải pháp về thuế thu nhập doanh nghiệp cho các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội cũng sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này. Như vậy, với đề xuất trên của Chính phủ, nếu được Quốc hội thông qua, thay vì phải nộp mức thuế GTGT 10%, người mua nhà ở xã hội trong thời gian từ 1/7/2013 đến hết 30/6/2014 sẽ chỉ phải nộp thuế 5%.
Theo báo cáo của 50 tỉnh, thành phố thì đến ngày 31/12/2012, tổng giá trị tồn kho trong lĩnh vực bất động sản (căn hộ chung cư, nhà thấp tầng, văn phòng, mặt bằng thương mại, đất nền xây dựng nhà ở, đất nền thương mại khác) khoảng 111.963 tỷ đồng. Trong đó, căn hộ chung cư là 26.444 căn (giá trị số vốn tồn kho khoảng 40.410 tỷ đồng), nhà thấp tầng là 15.786 căn (giá trị số vốn tồn kho khoảng 26.501 tỷ đồng) và văn phòng là 92.800 m2 (giá trị số vốn tồn kho khoảng 1.351 tỷ đồng), mặt bằng thương mại là 98.407m2 (giá trị tồn kho khoảng 1.921 tỷ đồng), đất nền xây dựng nhà ở là 7.922.485m2 (giá trị vốn tồn kho 35.562 tỷ đồng), đất nền thương mại khác là 1.951.033 m2 (giá trị tồn kho khoảng 6.218 tỷ đồng).
Về thời gian thực hiện giảm thuế, do đây là giải pháp tình thế để góp phần hỗ trợ kích cầu tiêu dùng, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản nên chỉ áp dụng trong 12 tháng. Việc kéo dài thời gian áp dụng sẽ dẫn đến tình trạng lợi dụng chính sách và “nở rộ” căn hộ mini làm ảnh hưởng tới quy hoạch xây dựng, kiến trúc chung.
Đánh giá về chủ trương giảm thuế GTGT của Chính phủ, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội tỏ ý tán thành với quy định của Dự thảo luật và cho rằng, việc giảm 50% thuế GTGT đầu ra đối với các đối tượng này sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, hỗ trợ các đối tượng thực sự có nhu cầu về nhà ở, kích cầu tiêu dùng, giảm lượng hàng tồn kho trong lĩnh vực bất động sản.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, việc giảm thuế GTGT đầu ra đối với việc bán, cho thuê, cho thuê mua căn hộ có diện tích sàn dưới 70 m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 có thể sẽ dẫn đến việc chia nhỏ diện tích sàn căn hộ, phá vỡ quy hoạch, thiết kế, kiến trúc; làm tăng mật độ dân cư, ảnh hưởng đến giao thông đô thị. Nếu thiếu các giải pháp quản lý sẽ dẫn đến tình trạng tập trung đầu tư các căn hộ có diện tích sàn dưới 70m2. Do vậy, Chính phủ cần cân nhắc toàn diện trước khi ban hành chính sách này.
Về thời hạn giảm thuế, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, với mức giảm dự kiến không lớn, thời gian thực hiện ngắn (chỉ trong 1 năm) thì tác động của chính sách là hạn chế và thiếu đồng bộ với các chính sách khác (gói hỗ trợ tín dụng nhà ở 30.000 tỷ đồng được thực hiện trong thời hạn 3 năm). Do vậy, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị kéo dài thời hạn thực hiện chính sách này đến hết 31/12/2014 (thực hiện từ 1/7/2013 đến hết 31/12/2014).
Cũng nằm trong nội dung của Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT, Chính phủ đề xuất bổ sung cơ sở kinh doanh có doanh thu dưới ngưỡng nộp thuế theo phương pháp tính trực tiếp, nhằm đơn giản thủ tục và tiết kiệm chi phí cho người nộp thuế. Theo quy định hiện hành thì hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp và đăng ký nộp thuế theo phương pháp khấu trừ nếu thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hoá đơn, chứng từ.
Thực tế qua kiểm tra, thanh tra cho thấy hầu hết hộ kinh doanh cá thể (khoảng 1,7 triệu hộ) không thực hiện chế độ kế toán, hoá đơn, chứng từ nên đối tượng này chủ yếu nộp thuế GTGT theo phương pháp tính trực tiếp trên GTGT. Số hộ có doanh thu trên mức ngưỡng đăng ký nộp thuế GTGT 1 tỷ/năm không nhiều. Đối với các đối tượng này thường xuyên sử dụng nhiều lao động nên theo Chính phủ cần khuyến khích chuyển đổi thành doanh nghiệp (theo Điều 170 Luật Doanh nghiệp thì hộ kinh doanh sử dụng từ 10 lao động trở lên phải đăng ký thành lập doanh nghiệp) và như vậy đủ điều kiện áp dụng phương pháp khấu trừ.
Theo Dantri
26 comments