bột lá nếp
cao chè vằng quảng trị
Tin Nóng doanh nghiệp
bột màu thực phẩm hoa đậu biếc
Những cô nàng vụng về

Những cô nàng vụng về

 

 

Nhiều cô ra ngoài chỉn chu nhưng thực tế phòng cô không khác gì sau cơn bão, mỗi tuần phòng chỉ tinh tươm một lần khi... mẹ cô lên dọn dẹp! Vô số cô khác không biết nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, khâu vá sơ đẳng... Tất cả đều phụ thuộc mẹ, cô giúp việc và dịch vụ!

 

Khách trọ” trong chính nhà mình

 

Được bố mẹ chiều chuộng hết mức từ thuở bé nên đến nay, tuy đã là SV ĐH năm cuối nhưng Nguyễn Lan Chi (Q.Tân Bình, TP.HCM) thừa nhận ngoài việc học, cô chẳng biết làm gì.

 

Việc dọn dẹp nhà cửa, chợ búa...tất tần tật Chi đều mù tịt. Nhà có mỗi mụn con nên bố mẹ Chi “quán triệt”: để con bé học, không phải bận tâm, ngó ngàng việc nhà việc cửa. Mọi việc đã có mẹ lo!

 

Chi cũng chẳng chút ngần ngại hay băn khoăn gì khi mẹ cô vừa đi làm về đã tất bật nấu nướng, còn Chi chui vô phòng lướt web, tán gẫu với bạn bè. Bà Mai Lan (49 tuổi) - mẹ Chi - lắm lúc nén tiếng thở dài trước sự vô tư của cô con gái đã lớn tướng.

 

“Con bé vụng lắm. Nhiều khi tôi để con tự dọn phòng hay rửa chén bát sau bữa ăn nhưng cứ lóng nga lóng ngóng, nhìn đến tội”, bà Lan chép miệng nói.

 

Dịp cuối tuần nọ, bố mẹ Chi vắng nhà, nhóm bạn thân trong lớp đòi về nhà Chi tụ tập nấu ăn rồi “chém gió”. Tìm mọi cách từ chối không xong, Chi đành tặc lưỡi gật đầu dù trong lòng lo sốt vó. Và bữa đó, bạn bè Chi được phen ngỡ ngàng nhìn Chi cuống quýt tìm chai dầu ăn, cái nồi, cái chảo...

 

Khi bạn hỏi trong tủ lạnh có sẵn đồ ăn gì Chi cũng chịu. Buổi tụ tập nọ đã trở thành... thảm họa với Chi trước ánh mắt săm soi của lũ bạn, đặc biệt là ánh nhìn buồn xo của anh chàng mà Chi thầm để ý...

 

Với Ngọc Hương (du học sinh tại Úc), trải qua cuộc sống xa nhà tự lập, cô bạn mới thấm thía hậu quả của việc xưa nay phó mặc mọi thứ cho mẹ lo. Hồi ở nhà từ ăn, ngủ, mặc mẹ Hương đều phụ trách. Quần áo dơ Hương quẳng vào sọt.

 

Mẹ giặt giũ, ủi thẳng thớm rồi xếp vào tủ, Hương chỉ việc mặc. Ăn uống thì chưa bao giờ Hương bận tâm bởi chỉ cần “mẹ ơi con thích” là chiều về Hương sẽ có ăn. Hương đi du học, ba mẹ lo nhất việc ăn uống, dọn dẹp của cô.

 

Còn Hương cứ hồn nhiên: “Bên đó fast food (thức ăn nhanh- PV) đầy rẫy, chẳng việc gì phải “xoắn”, ăn ngoài con đỡ phải dọn dẹp!”. Sau hơn ba tháng lê la các loại thức ăn nhanh xứ người vừa ngán, vừa chán, Hương thèm một bữa cơm nóng hổi. Bữa cơm đầy cố gắng của Hương là một đĩa xúc xích chiên cháy đen và một quả trứng luộc đến... khét!

 

Và giờ thì Hương vừa lên mạng, vừa chat webcam với mẹ để học cách tự chăm sóc mình từ xa.

 

“Việc nhà hả? Ai rảnh thì làm!”

 

Khi chúng tôi thực hiện một cuộc phỏng vấn bỏ túi với 20 bạn gái về việc nhà thì nhận được quá nửa phản hồi rằng: “Ai rảnh thì làm. Mình hổng làm sẽ có người làm, việc gì phải bận tâm”.

 

Với suy nghĩ “biết nhiều khổ nhiều”, và mình dư sức thuê ôsin nên Minh Nguyệt (26 tuổi, nhân viên văn phòng, Q.3) chẳng chút nghĩ ngợi chuyện tề gia nội trợ dù cô đang làm vợ và sắp làm mẹ.

 

Kết hôn xong ra ở riêng Nguyệt sướng rơn, còn Hải, chồng cô, lại buồn rười rượi bởi yêu Nguyệt hơn hai năm, Hải thừa biết Nguyệt vụng về, thậm chí không ưa chuyện nấu ăn, dọn dẹp. Mong cuộc sống gia đình sẽ khiến vợ thay đổi, ấy thế mà cưới nhau cả năm rồi Nguyệt vẫn vô tư như xưa.

 

Đi làm về kêu mệt, Nguyệt đòi chồng chở ra tiệm ăn, rồi bữa thì đi shopping, bữa xem phim, bữa bù khú với bạn bè... đến lúc mệt nhoài thì về nhà ngủ.

 

Thời gian đầu Hải còn chiều vợ, sau anh dần chán ngán và mệt mỏi.

 

Hải chia sẻ hồi sống độc thân, cuộc sống của Hải có khi “dễ thở” hơn. Từ khi có vợ, Hải không chỉ lo cho sinh hoạt cá nhân của mình mà còn phải kiêm chăm lo cho vợ. Giặt đồ, phơi đồ, ủi đồ, quét nhà, lau nhà... tuốt tuồn tuột đều rơi vào tay Hải.

 

Trong khi chồng è cổ lau chùi thì Nguyệt phởn phơ nằm thẳng cẳng trên ghế sofa xem phim, y như hồi cô ở nhà với bố mẹ đẻ.

 

Có đêm chồng ốm, chỉ muốn ăn cháo mà khuya quá không ra ngoài mua đồ ăn được, Nguyệt đành mím môi “đánh vật” với nồi cháo. Kết quả là cháo vợ nấu Hải nuốt không trôi vì... quá mặn.

 

Đã thế, bếp núc bày biện la liệt như bãi chiến trường, Nguyệt cũng mặc kệ đến cả ngày hôm sau, Hải bớt bệnh lại lọ mọ xuống chùi rửa... “Sau này có con nữa, tôi chẳng biết xoay xở thế nào. Ôsin kiểu gì cũng không thể thay thế được người mẹ, người vợ trong nhà”, Hải thở dài thườn thượt bộc bạch.

 

Rút kinh nghiệm từ... chính mình, chị Ngọc Huyền (Q. Gò Vấp) tranh thủ những ngày hè này sẽ tập tành cho cô con gái lớn chuẩn bị vào lớp 7 nấu cơm. “Dù là nấu nồi cơm điện nhưng con bé lóng nga lóng ngóng...

 

Tôi đã từng vật vã vì không biết làm việc nhà, lắm lúc cơm không lành canh chẳng ngọt với chồng cũng vì tính đoảng. Thế nên giờ tôi phải nghiêm khắc dạy con gái để sau này con tự lập quán xuyến được cuộc sống riêng”, chị Huyền cho biết.

H.LAM - B.THANH

 

 

Phụ nữ hiện đại nhưng vụng về chỉ có...”hại điện”!

Thạc sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy không ngần ngại bày tỏ rằng ngay bản thân chị cũng từng nghĩ rằng làm việc ngoài xã hội vui, ý nghĩa hơn làm việc nhà. Khi thành đạt, có tiền sẽ thuê người giúp việc. Nhưng ThS Thúy nhận ra, khi đụng những hoàn cảnh “khó đỡ” mới thấy quan điểm của mình tưởng là hiện đại mà hóa ra lại “hại điện”. Ví như trong những chuyến dã ngoại với bạn bè, đồng nghiệp cần nấu nướng dọn dẹp mới thấy cái vụng của mình thật tai hại. Hay khi về ra mắt gia đình người yêu, những cô gái vụng sẽ dễ mất tự tin và dễ “mất điểm” trước mặt người lớn. “Rồi khi có con nhỏ, sự vụng về sẽ khiến người mẹ vất vả thêm bội phần”, ThS Thúy nói.

 

Theo Tuoi tre online

 

Trang tin doanh nghiệp: http://doanhnghiep24hvn.com

 

26 comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

*

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>