Nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam, theo công bố của đại diện Chính phủ, tính đến cuối tháng 2/2013, đã giảm xuống còn khoảng 6%. Như vậy, so với con số được Thống đốc Ngân hàng chia sẻ hồi tháng 10/2012 (8,86%), "cục máu đông" có vẻ đã tan đi ít nhiều.
Nguyên nhân chính khiến nợ xấu giảm được Chánh Thanh tra Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Hữu Nghĩa lý giải do các nhà băng đã tăng cường trích lập dự phòng rủi ro theo quy định. Thực tế các báo cáo tài chính quý IV năm 2012 của hầu hết ngân hàng cũng cho thấy khoản trích lập dự phòng rủi ro tăng đột biến, có nơi tăng gấp 3 - 4 lần cùng kỳ.
Nợ xấu giảm mạnh trong những tháng cuối năm 2012. Ảnh: Thanh Lan. |
Theo ông Tareq Muhmood, Tổng giám đốc Ngân hàng ANZ Việt Nam, trích lập dự phòng rủi ro là một trong những biện pháp làm giảm nợ xấu phần nào trên bảng cân đối kế toán. Theo ông, việc trích lập này cho thấy các ông chủ đã nhận thức được một số khoản vay có thể đã mất vốn. "Tôi đã thấy các ngân hàng làm vậy trong vòng 2 - 3 năm qua để giảm nợ xấu. Cũng giống như người ốm, phải chữa trị từ từ, không thể chữa bằng những liệu pháp sốc được. Nhưng rõ ràng cần có một lộ trình để người ốm khỏe lại", ông Tareq nói.
Trao đổi với VnExpress.net, nhiều lãnh đạo ngân hàng thừa nhận, trích lập rủi ro là cụm từ được nhắc đi nhắc lại nhiều nhất trong những ngày cuối năm 2012. "Các ngân hàng đều đang phải đau đáu vì nợ xấu, đến nỗi trích lập dự phòng thành một bài tập hằng ngày của các lãnh đạo", Phó tổng giám đốc một ngân hàng có nợ xấu dưới 3% tâm sự.
Quy mô nợ xấu tại thời điểm Thống đốc Nguyễn Văn Bình công bố hồi tháng 10 vào khoảng 220.000 tỷ đồng, khi đó nợ xấu theo báo cáo là chiếm tỷ trọng 8,86%. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, để nợ xấu giảm tới hơn 2%, nếu chỉ nhờ việc trích lập dự phòng rủi ro như đại diện Ngân hàng Nhà nước lý giải vẫn chưa thực sự thuyết phục.
Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nếu nợ xấu thực sự giảm hơn 2% thì đây là một dấu hiệu rất tốt. Tuy nhiên, ông thẳng thắn nói: "Tôi vẫn chưa nhìn thấy rõ nguyên nhân nào khiến nợ xấu giảm, nếu chỉ vì trích lập dự phòng rủi ro thì chưa đủ". Ông giải thích thêm, nợ xấu không thể rút xuống nhờ trích dự phòng rủi ro, động tác này chỉ tạo ra tính an toàn. Theo ông, cần thêm một bước là dùng dự phòng rủi ro để thanh lý tài sản mới khiến nợ xấu giảm được. "Nợ xấu chỉ giảm khi các nhà băng dùng chính nguồn dự phòng rủi ro này để xóa nợ", ông Hiếu nói.
"Tôi chưa nhìn thấy dấu hiệu nền kinh tế đang phục hồi hay việc các doanh nghiệp - con nợ của ngân hàng có tiến triển tốt hơn. Do đó, tôi không rõ nguyên nhân nào nợ xấu giảm và mong được Chính phủ giải thích rõ hơn", ông Hiếu cho biết.
Đại diện một công ty kiểm toán độc lập thì nhìn nhận việc nợ xấu giảm chỉ là trên sổ sách, tại bảng cân đối tài sản chứ chưa giải quyết được tận gốc vấn đề của nợ xấu đến từ người đi vay - các doanh nghiệp. Theo ông, cuối năm tài chính, các ngân hàng luôn muốn "dọn dẹp" cho bản báo cáo tài chính đẹp đẽ hơn để chuẩn bị cho cuộc họp đại hội cổ đông. "Do các ngân hàng sử dụng nguồn tự có của mình từ nguồn dự phòng rủi ro nên nợ xấu giảm chứ không phải do nền kinh tế đã tốt hơn", vị này nói. Trả lời VnExpress.netngày 28/2, Chánh Thanh tra Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết nợ xấu giảm mạnh nhất trong tháng 12/2012.
Đến nay, đề án xử lý nợ xấu và việc thành lập công ty mua bán nợ quốc gia vẫn chưa được thông qua. Thành viên HĐQT một ngân hàng lo lắng nói: "Mỗi ngày qua đi thì nợ sẽ càng nhiều hơn. Cứ đà này thì các ngân hàng sẽ còn phải trích lập dự phòng nhiều hơn nữa và lợi nhuận sẽ bị tác động rất lớn".
Theo Vụ Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước, dư nợ cho vay của toàn hệ thống ngân hàng đến ngày 19/2 âm 0,16% so với cuối năm 2012. Tuy nhiên, so với mức âm 1% của tháng 1/2013, kết quả này vẫn khả quan hơn so với mức tăng trưởng âm khoảng 3% của cùng kỳ năm trước.
Ủy ban kinh tế của Quốc hội cũng cho rằng, nợ xấu, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản, đang khiến dòng tín dụng "bị kẹt", ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Trong báo cáo kinh tế mới công bố, Ủy ban Kinh tế gọi vấn đề nhức nhối hiện nay là tình trạng "nợ nở ra, tài sản co lại" và kéo dài tình trạng này sẽ khiến doanh nghiệp bị cạn vốn, ảnh hưởng đến thanh khoản của các ngân hàng liên quan.
"Giá trị tài sản bất động sản sẽ phải co lại đáng kể, trong khi giá trị của các khoản nợ sẽ tiếp tục nở ra do doanh nghiệp vẫn trả lãi đối với các khoản vay khi lãi suất vẫn còn duy trì ở mức cao", báo cáo của Ủy ban này giải thích.
Nợ xấu của Việt Nam hiện nằm khá nhiều ở bất động sản và theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đây cũng là lĩnh vực phải điều chỉnh mạnh mẽ nhất. Nguyên nhân bởi bất động sản là lĩnh vực sử dụng vay nợ nhiều nhất trong giai đoạn tăng trưởng nóng tín dụng vừa qua.
Thanh Lan - Nhật Minh
http://ebank.vnexpress.net
26 comments