Khó khăn của thị trường chứng khoán nước ta kéo dài trong thời gian khá lâu. Đến đầu năm nay thị trường có dấu hiệu phục hồi nhưng không bền vững: khởi sắc vào dịp đầu năm, đến cuối tháng 4, đầu tháng 5 thị trường có dấu hiệu trầm lắng trở lại và đến nay thanh khoản lại tăng vọt trên cả hai sàn. Kết thúc phiên giao dịch cuối tháng 5, VN-Index tăng 43,88 điểm tương ứng 9,35%; thanh khoản tăng tới 43,93% so với tháng 4. Diễn biến thị trường tiếp tục trong xu hướng tích cực và lạc quan vào những tuần đầu tháng 6 khi thị trường tiếp tục duy trì đà tăng và thanh khoản duy trì ở mức cao.
TS. Lê Xuân Nghĩa đánh giá: Hiện nay, nền kinh tế đang có những chuyển biến rất tích cực như tỷ giá và thị trường ngoại hối ổn định, nhập siêu có dấu hiệu phục hồi, tình hình tài chính tiếp tục ổn định, tổng cầu được cải thiện, lạm phát được kiểm soát tốt… Nhà đầu tư đang nhìn thấy những nỗ lực của Chính phủ để cứu thị trường bằng hàng loạt các giải pháp: lùi thời gian thực hiện Thông tư 02, giảm lãi suất, thành lập công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng VAMC… Những dấu hiệu này sẽ có tác động lan tỏa, “dội” vào thị trường chứng khoán. Cho thấy về dài hạn thị trường đang ổn định và cải thiện dần dần.
Các chuyên gia nhận định thị trường chứng khoán đang khởi sắc
Ngoài những yếu tố trên, yếu tố được đánh giá tác động mạnh nhất đến thị trường chứng khoán là sự xuất hiện trạng thái “tiền rẻ”: Lãi suất tiền gửi giảm, sự sôi động trở lại của thị trường liên ngân hàng, tình trạng vượt dự trữ bắt buộc của các ngân hàng suy giảm mạnh. Sức hút của thị trường chứng khoán ở thời điểm hiện tại rất lớn trong khi các kênh đầu tư khác vẫn đang lặng sóng. Những người có tiền ở mức trung bình đang nghĩ đến một kênh đầu tư mới là thị trường chứng khoán. Bằng chứng là nhiều nhà đầu tư trở lại thị trường sau một thời gian dài đứng ngoài quan sát.
Kết quả thống kê lợi nhận kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán (645 doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh) trong quý 1/2013 cho thấy, lợi nhuận của các doanh nghiệp tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Top 10 doanh nghiệp có kết quả kinh doanh hàng đầu, chiếm 69% tổng lợi nhuận của toàn thị trường theo thứ tự từ cao xuống thấp là: GAS, VNM, PPC, DPM, HPG, PVD, FPT, BVH, VIC và PVS.
Ông Tống Minh Tuấn – Phụ trách nghiên cứu, phân tích Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam đánh giá: Các kênh đầu tư khác như vàng, bất động sản và ngoại tệ hiện nay đều không hấp dẫn thì nhiều khả năng dòng tiền sẽ đổ vào thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, dù thị trường đang có tín hiệu tốt nhưng các nhà đầu tư nên thận trọng, tập trung vào những mã có kết quả kinh doanh khả quan với thời gian nắm giữ dài hơn, không nên mua đuổi theo giá vì rủi ro tiềm ẩn vẫn còn rất cao.
Trong quý 1/2013, các doanh nghiệp có lợi nhuận lớn nhất thuộc về ngành dầu khí, điện, thực phẩm, thép. Các doanh nghiệp có lợi nhuận kém nhất là các doanh nghiệp vận tải biển, bất động sản, vật liệu xây dựng.
Theo PetroTimes
26 comments