Vàng tăng gấp 3 lần, nền kinh tế lợi gì?
Nhìn lại giai đoạn trước năm 2008 khi kinh tế trong nước và thế giới tương đối ổn định, vàng không có sự hấp dẫn đối với người dân. Thời bấy giờ các cửa hiệu kinh doanh vàng trong nước chủ yếu kinh doanh ngoại tệ và đồ trang sức. Tuy nhiên thị trường vàng trong giai đoạn từ năm 2008 trở lại đây, dưới tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, người dân và các nhà đầu tư (NĐT) tìm đến loại tài sản an toàn để nắm giữ, và vàng đã được lựa chọn.
Vì thế, vàng thế giới từ mức giá 600 – 700 USD/oz quý IV/2008 thì đến thời điểm cuối tháng 10/2012 đã tăng gần 300% lên mức hơn 1.700 USD/oz. Còn vàng trong nước cùng thời điểm từ mức hơn 17 triệu đồng/lượng đầu năm 2008 nhảy vọt lên gần 47 triệu đồng/lượng tính đến tháng 10/2012.
Trong khi giá vàng tăng chóng mặt, thu hút mạnh mẽ sự quan tâm của người dân và các NĐT thì thị trường vàng vẫn chưa được quản lý một cách chính thống. Vàng trở nên hấp dẫn. Chính vì vậy, trên thị trường các cửa hàng kinh doanh vàng mọc lên như nấm, nhiều thương hiệu vàng ra đời, các loại vàng miếng được giao dịch bất kỳ nơi đâu…
Trước đây, việc quản lý vàng miếng là hàng hóa thông thường khiến mỗi khi giá vàng nội và giá vàng ngoại chênh lệch chỉ cần đến 400 nghìn đồng/lượng đã khiến giới đầu cơ đẩy mạnh các hoạt động xuất nhập lậu vàng. Để có ngoại tệ nhập khẩu lậu, những kẻ đầu cơ đã vơ vét một lượng ngoại tệ lớn trên thị trường chợ đen, tạo áp lực lên giá đô la Mỹ trên thị trường chính thức.
Chính vì hiện tượng này chúng ta đã chứng kiến trong một số thời điểm của năm 2011, khi giá vàng trong nước tăng mạnh so với giá thế giới, có lúc tỷ giá thị trường tự do lên gần 22.000 đồng/USD, trong khi tỷ giá công bố của ngân hàng chỉ ở mức khoảng 20.698 đồng/USD. Tỷ giá biến động mạnh đã ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động nhập khẩu làm giá hàng nhập khẩu tăng gây áp lực lạm phát, cũng như việc điều hành chính sách kinh tế vĩ mô của Nhà nước. Như vậy, có thể nói vàng tác động mạnh đến tỷ giá, gây bất ổn kinh tế vĩ mô, gia tăng lạm phát…
Như vậy, đầu tư vàng không mang lại giá trị gia tăng cho nền kinh tế, mà vàng chỉ có thể sinh lời cho một bộ phận nhà đầu tư, nhưng sinh lời theo dạng từ túi người này sang người khác. Hơn nữa, nguồn tiền để đầu tư vào vàng và ngoại tệ để nhập vàng chuyển thành vốn đầu tư đưa vào sản xuất kinh doanh, đặc biệt là ngoại tệ để mua vàng lại hút một lượng vốn lớn từ nền kinh tế vào loại hàng hóa đặc biệt này.
Ước tính của một số tổ chức quốc tế như Hội đồng vàng thế giới thì số vàng Việt Nam nhập khẩu qua các năm theo nhiều kênh lên tới 1.000 tấn vàng, tuy nhiên rất khó biết chính xác số vàng hiện còn tại Việt Nam.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam ước tính số vàng trong nền kinh tế đến thời điểm này có khoảng từ 250 – 400 tấn. Như vậy, nếu chỉ lấy con số trung bình 300 tấn vàng quy đổi ra ngoại tệ thì nền kinh tế đang bị chôn chặt 15 tỷ USD không thể đưa vào lưu thông.
Giai đoạn trước đây, khi chưa có khuôn khổ pháp lý chặt chẽ quản lý thị trường vàng như hiện nay, cơ quan quản lý phải cho phép nhập khẩu vàng nhằm làm giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới (400.000 đồng/lượng) để khỏi ảnh hưởng tới tỷ giá và thị trường ngoại tệ. Nhưng nếu thực hiện như vậy rất tốn kém cho nền kinh tế. Bởi ở thời điểm đó, để kiềm chế giá vàng, Nhà nước chỉ có biện pháp duy nhất là nhập khẩu để tăng lượng cung trong nước, mà cho nhập khẩu vàng sẽ làm giảm lượng ngoại tệ, làm cung cầu trên thị trường ngoại tệ căng thẳng.
Với những hệ lụy của việc nhu cầu mua vàng để tích trữ hoặc đầu cơ như vậy, có thể thấy rằng giá vàng biến động trong khoảng thời gian từ năm 2008 trở lại đây đã không đem lại lợi ích cho nền kinh tế, không phục vụ cho quốc kế dân sinh; ngược lại một lượng vốn lớn của nền kinh tế lại bị hút vào vàng không phục vụ cho sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng lớn tới mục tiêu ổn định tỷ giá, kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Có hay không sự độc quyền?
Chính phủ đã đặt ra mục tiêu cho giai đoạn sắp tới là không để vàng ảnh hưởng tới tỷ giá từ đó không tác động tới kinh tế vĩ mô; tác động để vàng trở nên kém hấp dẫn, chuyển đổi vàng thành vốn đầu tư đưa vào sản xuất kinh doanh, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đồng thời chặn đứng việc dùng vàng như phương tiện thanh toán.
Cụ thể hóa mục tiêu đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng thay thế cho Nghị định 174/1999/NĐ-CP, lần đầu tiên chúng ta có một nghị định quy định đầy đủ, cụ thể cho mọi hình thức kinh doanh vàng trên thị trường. Theo đó tất cả các doanh nghiệp kinh doanh vàng, kể cả SJC đều không được dập vàng miếng mà Nhà nước thông qua NHNN độc quyền trong sản xuất vàng miếng.
NHNN tổ chức sản xuất vàng miếng thông qua việc lựa chọn Công ty SJC gia công vàng miếng cho NHNN. Để tiết kiệm chi phí của xã hội, NHNN không thành lập bộ máy, nhập dây chuyền sản xuất thương hiệu vàng miếng mới mà sử dụng dây chuyền sản xuất và thương hiệu vàng miếng của Công ty SJC.
Tuy nhiên, Công ty SJC không được tiếp tục sản xuất vàng miếng mà chỉ được gia công vàng miếng SJC 99,99% theo chỉ đạo của NHNN về hạn mức, thời điểm sản xuất và nguồn vàng nguyên liệu để tổ chức sản xuất vàng miếng. Đồng thời, NHNN kiểm soát tuyệt đối hoạt động gia công vàng miếng thương hiệu quốc gia của Công ty SJC (như niêm phong khuôn, máy dập, có tổ giám sát tại SJC trong suốt quá trình sản xuất, kiểm định đầu vào và đầu ra chặt chẽ).
Trong năm 2011, Chính phủ đã ban hành hành Nghị định 95 ngày 20/10/2011, sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 202/2004/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng là bước đi đầu tiên lập lại khuôn khổ pháp lý thị trường ngoại hối. Với mức xử phạt cao đối với những vi phạm kinh doanh vàng, ngoại tệ cùng việc tăng cường công tác thanh tra, đặc biệt là tịch thu tang vật vàng nhập lậu đã từng bước thiết lập lại trật tự trên thị trường.
Việc hạn chế, tiến tới xóa bỏ tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế được thực hiện qua 3 bước: (i) lập lại khuôn khổ pháp lý cho thị trường vàng; (ii) chấm dứt việc huy động và cho vay bằng vàng của các TCTD; (iii) chuyển đổi toàn bộ quan hệ huy động-cho vay bằng vàng sang quan hệ mua- bán vàng.
Bằng việc quyết định chấm dứt hoạt động huy động vàng của các TCTD, nhiều vấn đề kinh tế vĩ mô lớn đã được giải quyết đồng thời rủi ro đối với người dân và TCTD cho vay vàng sẽ được loại bỏ. Nếu cho phép các ngân hàng thương mại (NHTM) tiếp tục huy động vàng càng khuyến khích tâm lý giữ vàng của người dân, thúc đẩy tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế. Nếu huy động vào nhưng không thu xếp được đầu ra, sẽ rủi ro rất lớn.
Thời gian vừa qua giá vàng lên cao, các ngân hàng phải chịu chi phí rất lớn khi mua lại số vàng đã chuyển đổi để chuyển lại vàng cho khách hàng là một ví dụ rõ ràng. Chấm dứt hoạt động huy động và cho vay bằng vàng tại các TCTD đang được triển khai một cách quyết liệt. Các NHTM phải tích cực mua vàng để bù đắp trạng thái, trả vàng cho khách hàng. Từ tháng 4/2012 trở lại đây số vàng các TCTD mua lại từ thị trường khoảng 60 tấn. Theo số liệu của các TCTD thì các TCTD còn phải mua thêm 20 tấn vàng từ thị trường.
Sau khi chấm dứt hoàn toàn hoạt động huy động, cho vay chuyển sang mua bán, NHNN không bình ổn giá vàng mà tham gia với tư cách là người mua bán cuối cùng trên thị trường.
Qua quá trình cạnh tranh tự nhiên trên thị trường vàng, từ lâu SJC đã trở thành thương hiệu được đông đảo người dân lựa chọn, tin tưởng. Vàng SJC chiếm trên 90% lượng vàng trong nền kinh tế. Do vậy, để giảm chi phí xã hội cũng như tránh gây xáo trộn trên thị trường khi chuyển đổi, NHNN đã quyết định chọn SJC làm thương hiệu vàng quốc gia. Với việc Chính phủ ban hành 02 Nghị định 24 và 95, Việt Nam đã có một khuôn khổ pháp lý quản lý thị trường vàng cùng với chế tài xử lý mạnh mẽ tạo nền tảng để chúng ta triển khai các bước tiếp theo.
Hai Nghị định trên ra đời đã tạo “chốt chặn” quan trọng, chặn đứng hoạt động nhập lậu vàng. Vì dù có vận chuyển trót lọt qua biên giới thì khi vào thị trường không thể tiêu thụ được vì NHNN là cơ quan duy nhất sản xuất vàng miếng. Việc giảm mạnh hoạt động nhập lậu vàng đã hạn chế đáng kể tác động của nhu cầu mua vàng lên tỷ giá, tránh “chảy máu” ngoại tệ của đất nước.
Nhìn lại những chuyển biến
Mặc dù hiện vẫn đang có sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới nhưng tỷ giá VND/USD thời gian qua ổn định. Như đã nói ở trên, từ tháng 4/2012 trở lại đây, hệ thống TCTD đã mua vào khoảng 60 tấn vàng do người dân bán ra. Con số này chứng tỏ vàng giảm sự hấp dẫn, tâm lý dân chúng dần ổn định, niềm tin vào VNĐ được củng cố.
Mục tiêu chính sách tiền tệ chống vàng hóa nền kinh tế đã đạt được hiệu quả từng bước. Từ đầu năm đến tháng 10/2012, theo số liệu chính thức từ NHNN, huy động vốn của hệ thống các TCTD tăng 14%, trong đó huy động vốn bằng VND (của cả tổ chức và dân cư) tăng 17,5%, huy động ngoại tệ giảm 1,55% so với cuối năm 2011. Đáng lưu ý là diễn biến huy động của khu vực dân cư tăng cao (23,3%, trong đó huy động bằng VND tăng 28,7%, trong khi huy động bằng ngoại tệ giảm 5,5% so cuối năm 2011).
Diễn biến trên thị trường tiền tệ những tháng qua cho thấy các giải pháp chính sách tiền tệ, tỷ giá, quản lý thị trường ngoại tệ và quản lý thị trường vàng của NHNN trong thời gian qua điều chỉnh thị trường theo hướng chuyển dần từ huy động-cho vay sang quan hệ mua-bán ngoại tệ, giảm dần tình trạng đô la hóa, vàng hóa trong nền kinh tế, tăng niềm tin vào VND.
Việc người dân chuyển đổi vàng, ngoại tệ sang VND giúp tăng thanh khoản VNĐ cho hệ thống các TCTD thông qua việc chuyển hóa trong nội bộ nền kinh tế, từ đó giúp hạ lãi suất cũng như kiềm chế được lạm phát đạt được trong những tháng của năm 2012.
Hoành San
Theo dantri
26 comments