Số liệu mới nhất từ Sở Công thương TP HCM cho thấy, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tháng 4 ước tính tăng 6,1% so với tháng 3 và tăng 6,8% so tháng 4-2012; tính chung trong 4 tháng qua tăng 4% so cùng kỳ, cao hơn mức tăng 3,9% của 4 tháng cùng kỳ năm 2012.
Ngành công nghiệp đóng vai trò mũi nhọn trong sự phát triển của kinh tế TP HCM
Trong đó, công nghiệp khai khoáng đạt 90,9% so cùng kỳ, công nghiệp chế biến tăng 3,8%... Đáng chú ý, một số ngành có tỷ trọng cao hơn mức chung toàn ngành như chế biến thực phẩm, đồ uống, trang phục, da giày, hóa chất và sản phẩm hóa chất, sản phẩm plastic.
Bên cạnh những vấn đề đạt đươc, thì ngành công nghiệp thành phố vẫn còn những vấn đề tồn tại, như thiếu vốn, lượng hàng tồn kho nhiều, chi phí đầu vào tăng cao tạo áp lực cho sự phát triển của ngành.
Theo ông Nguyễn Tấn Định, Phó trưởng ban quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp TP HCM (Hepza): hiện nay khó khăn nhất của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp tại các khu chế xuất, khu công nghiệp đó chính là vấn đề về vốn. Vì vậy Hepza đang làm việc với các ngân hàng nhằm tạo điều kiện để ngân hàng hiểu rõ về tình hình doanh nghiệp từ đó, nới lỏng và hỗ trợ doanh nghiệp trong vấn đề vay vốn. Bên cạnh đó, Hepza cũng làm việc với điện lực thành phố trong việc đảm bảo cung cấp điện năng đầy đủ phục vụ sản xuất cho các doanh nghiệp.
Trước những khó khăn mà ngành công nghiệp đang phải đối mặt, từ phía địa phương, UBND TP HCM cũng đã quyết tâm đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp.
Ông Lê Hoàng Quân, chủ tịch UBND TP HCM cho biết: Công nghiệp là ngành mũi nhọn để thúc đẩy các ngành công nghiệp phụ trợ phát triển. Đặc biệt phát triển công nghiệp sẽ góp phần đưa kinh tế TP HCM phát triển theo chiều sâu, tái cấu trúc lại nền kinh tế của thành phố. Trong quá trình này thành phố sẽ tăng cường đầu tư cho các ngành công nghiệp kỹ thuật cao, chất lượng cao nhằm phục vụ cho sự chuyển dịch cơ cấu địa phương.
Nổi bật trong ngành công nghiệp TP HCM phải kể đến công nghiệp vi mạch. Sự phát triển của công nghiệp vi mạch đang góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư khổng lồ từ nước ngoài và mang lại giá trị xuất khẩu cao cho ngành công nghiệp thành phố.
Còn nhớ cách đây nhiều năm, TP HCM là địa phương đi đầu trong cả nước về khởi xướng chương trình phát triển và ứng dụng công nghệ vi mạch bằng việc cho ra đời Trung tâm Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo vi mạch (ICDREC). Từ những bước đi đầu tiên đó, đến nay TP HCM đã thu hút đầu tư của các tập đoàn, công ty nước ngoài như: Renesas, Applied Micro, Esillicon, cũng như các đơn vị nghiên cứu vi mạch hàng đầu thế giới…
Tiếp nối những thành công bước đầu, TP HCM đang triển khai chương trình phát triển công nghiệp vi mạch giai đoạn 2013-2020. Theo đó mục tiêu của chương trình sẽ nhằm phát triển công nghiệp vi mạch điện tử TP HCM trở thành ngành kinh tế chủ lực, tăng trưởng 20-30%/năm, đào tào 10.000 kỹ sư trong lĩnh vực công nghệ cao, đào tạo 500 cán bộ chủ chốt.
Theo giám đốc Sở Công thương TP HCM, Nguyễn Văn Lai: Để hỗ trợ ngành công nghiệp, thành phố sẽ hỗ trợ vốn cho các ngành công nghệ cao, các ngành tự động hóa và những ngành có giá trị gia tăng lớn. Điển hình như thành phố đầu tư hỗ trợ cho các đơn vị trong ngành công nghệ cao trên 50% vốn.
Có thể thấy với sự quyết liệt chỉ đạo của lãnh đạo TPHCM và những kết quả đạt được trong quý 1/2013, ngành công nghiệp TPHCM đã và đang sẵn sàng vượt qua thử thách và đưa TPHCM tiếp tục là địa phương đi đầu trong cả nước về phát triển công nghiệp.
26 comments