Theo dự thảo thành lập, các NH sẽ phải bán nợ xấu cho VAMC đảm bảo tỉ lệ nợ xấu giảm xuống dưới 3%. Giá trị các khoản nợ xấu sẽ được VAMC mua theo giá trị sổ sách.
Ví dụ một NHTM A đang có giá trị nợ xấu là 1.000 tỉ đồng, chiếm 10% dư nợ cho vay. Sau khi VAMC được thành lập, NH A phải bán 700 tỉ nợ xấu để nhận trái phiếu của VAMC phát hành. Trái phiếu của VAMC có thể đem chiết khấu tại NHNN dưới một tỉ lệ chiết khấu tối đa sẽ được quy định để chuyển thành nguồn tiền cho các TCTD.
Cũng theo dự thảo, mỗi năm các NH phải trích lập dự phòng cho trái phiếu của VAMC với tỉ lệ 20%/năm. Như vậy sau 5 năm trái phiếu do VAMC phát hành sẽ hết hiệu lực và không còn giá trị. Số tiền đã vay của NHNN dưới hình thức chiết khấu trái phiếu của VAMC phải hoàn trả cho NHNN trước thời hạn trái phiếu hết hiệu lực. Toàn bộ nợ xấu của các NHTM sẽ được trích lập đầy đủ và ngân hàng có đủ khả năng tài chính để xử lý, đưa nợ xấu ra khỏi bảng cân đối tài sản. Sau 5 năm nếu món nợ xấu chưa được xử lý, giải quyết hay thu hồi, món nợ này sẽ được chuyển nhượng lại cho NH đã bán. Tuy nhiên, vì món nợ này đã được trích lập dự phòng rủi ro 100% nên không làm ảnh hưởng đến bảng cân đối kế toán hay sức khỏe tài chính của NH.
Trong thời gian nợ xấu được bán cho VAMC, VAMC sẽ ủy quyền cho các NH tiếp tục theo dõi nợ, đôn đốc thu hồi nợ và xử lý tài sản bảo đảm.
Với cách làm như vậy, VAMC là công cụ mang tính kỹ thuật, giải pháp mang tính tạm thời đối với xử lý nợ xấu. Nợ xấu sau khi chuyển sang VAMC giúp các NH có bảng cân đối tài sản sạch sẽ, đủ điều kiện mở rộng tín dụng.
Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia ngân hàng - giai đoạn sau khi bán nợ cho VAMC đối với các NH mới thật là quan trọng. Bán nợ cho VAMC chỉ là một hình thức đem tài sản độc hại này ra khỏi “cơ thể” NH, việc tiếp tục thu hồi nợ và xử lý nợ cùng với việc thanh lý các tài sản bảo đảm vẫn là trách nhiệm của NH. Do đó, muốn xử lý nhanh nợ xấu thì phải có cơ chế đặc biệt cho việc xử lý các tài sản thế chấp liên quan đến nợ xấu.
“Tôi cho rằng VAMC cần có quy chế đặc biệt, thậm chí là bộ luật cho việc xử lý nợ qua VAMC. Cùng với đó cũng phải có tòa án riêng dành cho công việc này cùng với những thẩm phán có kinh nghiệm và trình độ xử lý nợ”- ông Hiếu nói.
Yêu cầu này theo ông Hiếu là phù hợp với chức năng, nhiệm vụ đặt ra cho VAMC. Bởi lẽ khi chuyển nợ xấu từ NH sang VAMC thì tài sản trên danh nghĩa thuộc về VAMC. Tuy nhiên các NH vẫn giữ vai trò quản lý, thu hồi nợ trên danh nghĩa của VAMC.
Do vậy khi NH thấy tài sản đã đến hạn phải thanh lý để thu hồi nợ thì phải quy định về mặt luật pháp rõ ràng cách thức xử lý nợ cho nhanh chóng hiệu quả. Ngay cả VAMC cũng nên được luật pháp trao cho những quyền lực đặc biệt có giá trị như những phán quyết của tòa án trong việc thanh lý tài sản bảo đảm. Hơn nữa, cần có một tòa án đặc trách các vấn đề tranh tụng và xử lý nợ xấu là nơi triển khai, thi hành cách riêng các đạo luật liên quan đến nợ xấu.
“Nếu việc xử lý nợ thông qua các tòa án kinh tế như hiện nay thì tiến trình giải quyết nợ xấu sẽ rất chậm chạp, nhất là trong lúc này hệ thống tòa án đã quá tải vì những tranh chấp thương mại” - TS Nguyễn Trí Hiếu đánh giá.
Thực tế là việc phát mại, thanh lý tài sản của các NH hiện nay là rất chậm. Với quy định muốn cưỡng chế chủ nợ phải có phán quyết của tòa án. Như thế các NH phải tiến hành thủ tục kiện ra tòa, trải qua 3 cấp tòa với một loạt chuẩn bị về hồ sơ, tài liệu; chưa kể đương sự sử dụng nhiều thủ thuật để trì hoãn phiên tòa thì rất lâu mới có được phán quyết cuối cùng của tòa án. Theo thống kê của các NH để xử lý một tài sản đảm bảo BĐS mất trung bình từ 3-4 năm, thậm chí còn lâu hơn.
Nhằm khuyến khích các NH đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, dự thảo VAMC vì thế quy định với mỗi khoản nợ xấu được xử lý thì 85% doanh thu thuộc về NH thương mại, còn 15% thuộc về VAMC của NHNN.
VAMC có thể sắp được Thủ tướng phê chuẩn để thành lập, để việc xử lý nợ xấu diễn ra nhanh chóng, hiệu quả như mong muốn thì cần có những điều chỉnh phù hợp hơn, nhất là việc áp dụng cơ chế đặc biệt để đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ. Nếu không với tuổi đời dự kiến 5 năm, VAMC khó có thể hoàn thành những mục tiêu trong đề án thành lập.
“Như vậy, mặc dù nợ xấu không còn của NHTM, nhưng các NH vẫn sẽ có tiền nếu giải quyết được đống nợ xấu do mình gây ra qua hình thức chiết khấu trái phiếu của VAMC. Xử lý nợ xấu theo mô hình này sẽ không cần đến ngân sách của Chính phủ. Đồng thời khoản nợ xấu không phải được mua đứt bán đoạn với NHNN mà là mua bán có thời hạn. Sau 5 năm nếu không xử lý xong thì các NHTM vẫn phải nhận nợ xấu về. Do đó chắc chắn các NH sẽ rất tích cực trong xử lý nợ xấu, mặc dù đã bán cho VAMC. Có thể nói đề án này là một sáng tạo đáng phục của NHNN Việt Nam”.TS Nguyễn Trí Hiếu |
Theo Dantri
26 comments