Theo tiến sĩ Trần Du Lịch, bước vào năm 2013 nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, do hệ quả để lại sau 5 năm bất ổn kinh tế vĩ mô.
4 nguy cơ hiện hữu của năm 2013
Về ngắn hạn, ông Lịch cho rằng, từ năm 2008 đến nay hầu hết các chính sách kinh tế vĩ mô đều mang tính chất tình thế nhằm xử lý nguy cơ bất ổn kinh tế vĩ mô, nhất là tập trung chống lạm phát.
Sự thay đổi chính sách liên tục (lúc thắt chặt, lúc nới lỏng đặc biệt là chính sách tiền tệ) đã làm cho thị trường bị mất phương hướng về mặt dài hạn.
Mặc dù không phủ nhận sự tác động tiêu cực từ thị trường thế giới nhưng theo ông Lịch, nguyên nhân sâu xa nhất vẫn là sự bất cập của cơ cấu kinh tế và tác động tính hai mặt của các giải pháp về tài khóa và tiền tệ.
Từ đầu năm 2012, sức mua chung của nền kinh tế suy giảm mạnh đã tạo nên vòng luẩn quẩn: Sức mua giảm – tồn kho tăng – sản xuất giảm – nợ xấu tăng – tín dụng giảm… Bước vào năm 2013, tuy tình hình có cải thiện hơn nhưng về cơ bản nền kinh tế đang phải đối diện với 4 thách thức:
Thứ nhất, nguy cơ lạm phát cao kèm theo sự trì trệ của thị trường sẽ làm cho tình hình khó khăn thêm
Thứ hai, tình hình nợ xấu chưa được cải thiện nên dòng tín dụng vẫn bị tắc nghẽn, nền kinh tế không hấp thụ được vốn. Tình trạng thừa tiền thiếu vốn còn kéo dài. Khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp vẫn khó khăn nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thứ ba việc tiếp tục giảm lãi suất cho vay nữa là không nhiều, khó đáp ứng mong đợi của doanh nghiệp. Do hoạt động kém hiệu quả của hệ thống NHTM. Nếu lạm phát kỳ vọng của cả năm là 7 – 8% thì lãi suất cho vay thực dương theo lãi suất vay phổ biến hiện nay sẽ rất cao.
Như vậy, sẽ không kích thích được các doanh nghiệp đang có thị trường đầu tư mở rộng và làm tăng nợ xấu đối với những doanh nghiệp đang nỗ lực phục hồi sản xuất.
Thứ tư những nỗ lực làm ấm lại thị trường BĐS chưa thể mang lại kết quả nên thanh khoản của thị trường này khó được cải thiện. Một khi thanh khoản của thị trường BĐS chưa được cải thiện thì nợ xấu của NHTM cũng sẽ khó khăn.
Thiếu một chính sách căn cơ về dài hạn
Nói về dài hạn, theo ông Lịch bất cập lớn nhất vẫn là cơ cấu của nền kinh tế và mô hình tăng trưởng. Quan điểm tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng được đặt ra trong chiến lược 10 năm (2011 – 2020) và trong kế hoạch 5 năm (2011 – 2015) nhưng cho đến nay chưa có một chính sách căn cơ nào đi vào cuộc sống.
Thứ nhất, nền công nghiệp gia công: Một nền công nghiệp chủ yếu dựa vào gia công, với lao động giá rẻ, giá trị gia tăng thấp đã mất sức cạnh tranh khi hội nhập với kinh tế khu vực và toàn cầu.
Bên cạnh đó, giá cả lao động phải tăng liên tục để bù đắp lạm phát và yêu cầu cải thiện đời sống nên chi phí sản xuất tăng, sức cạnh tranh giảm.
Công nghiệp hỗ trợ - yếu tố then chốt để nâng tỷ trọng nội địa hóa trong cơ cấu giá trị sản phẩm, giảm giá thành cho đến nay vẫn thiếu chính sách phát triển…
Thứ hai, năng suất tổng hợp (TPF) giảm: Đây là chỉ báo quan trọng thể hiện việc sử dụng các yếu tố sản xuất (tài nguyên, nhân lực và vốn) có hiệu quả hay không nhưng trong 10 năm trở lại đây chỉ số này đã giảm tuyệt đối trong việc đóng góp vào tốc độ tăng trưởng GDP. Điều đó có phần dễ hiểu khi tăng trưởng của Việt Nam chủ yếu dựa vào tăng vốn đầu tư.
Hệ số ICOR tăng cao, gây mất cân đối nghiêm trọng giữa tích lũy và đầu tư. Đây là nguyên nhân sâu xa của lạm phát. Năng suất và hiệu quả đang là thách thức lớn nhất đối với nền kinh tế của Việt Nam
Thứ ba, tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng đang vướng mắc về mặt tư duy chính điều đó làm chậm quá trình tái cơ cấu. Biểu hiện cụ thể:
Chức năng kinh tế của nhà nước trong điều kiện vận hành của cơ chế thị trường bị lẫn lộn giữa nhà nước và thị trường.
Hạn chế trong việc sử dụng các công cụ điều tiết thị trường của nhà nước.
Sự phân bổ nguồn lực kém hiêu quả: đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước, bất động sản…
Theo CafeF
26 comments