Sản xuất dụng cụ y tế tại Công ty TNHH Nikkiso Việt Nam (100% vốn Nhật Bản) tại KCX Tân Thuận TPHCM. Ảnh: Đức Trí |
Vị ngọt mong manh
Sự quan tâm của toàn xã hội đối với hoạt động kinh tế quan trọng này không có gì đáng ngạc nhiên: sau 25 năm mở cửa, tính lũy kế đến ngày 31-12-2012, Việt Nam đã có 14.522 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 210,5 tỷ USD. TPHCM vẫn là địa phương dẫn đầu trong thu hút FDI với 32,2 tỷ USD, tiếp theo là Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nội, Đồng Nai và Bình Dương… Nguồn vốn FDI chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội, mỗi năm nộp ngân sách nhà nước hàng tỷ USD. Riêng năm 2010, khối doanh nghiệp này nộp ngân sách 3,1 tỷ USD, gần bằng cả 5 năm 2001 - 2005 cộng lại.
GS-TSKH Nguyễn Mại, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư nước ngoài nhận định: FDI đã góp phần quan trọng hình thành nhiều ngành kinh tế quan trọng, một số khu đô thị hiện đại; nhiều lĩnh vực dịch vụ với phương thức kinh doanh hiện đại, công nghệ tiên tiến. Về khía cạnh xã hội, khu vực FDI cũng tạo ra hàng triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp, trong đó có hàng vạn kỹ sư, nhà quản lý trình độ cao, đội ngũ công nhân lành nghề…
Tuy vậy, thực tế đã xuất hiện không ít vấn đề đáng quan tâm. Không phải dự án FDI nào trong thời gian qua cũng phù hợp với quy hoạch phát triển của cả nước, của các vùng và ngành kinh tế; một số máy móc thiết bị công nghệ lạc hậu đã được nhập khẩu, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng... “Cái chết của sông Thị Vải” một thời gắn liền với cái tên Vedan, hạt nix thải với Hyundai Vinashin và nhiều vụ việc khác từng làm báo chí tốn nhiều giấy mực. Đặc biệt, câu chuyện “chuyển giá” của một số doanh nghiệp FDI, gây ra tình trạng “lỗ giả lãi thật” vẫn đang nổi lên như một trong những vấn đề nóng hổi, nhất là trong bối cảnh chiếc túi ngân sách không lấy gì làm rủng rỉnh.
Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, sau 25 năm thu hút FDI, Việt Nam vẫn chỉ chiếm giá trị khá thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu. Mặc dù FDI luôn dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng công nghiệp, nhưng tỷ lệ nội địa hóa trong một số ngành, lĩnh vực còn khá thấp. Theo báo cáo “Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2010” của Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) và Dự án Nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam (VNCI) trên cơ sở khảo sát 1.155 doanh nghiệp của 47 quốc gia và vùng lãnh thổ, đại diện cho 21% số doanh nghiệp FDI đang hoạt động, thì doanh nghiệp FDI tại Việt Nam có quy mô tương đối nhỏ và có lợi nhuận thấp, chủ yếu làm thầu phụ cho các công ty đa quốc gia lớn hơn. Nói một cách khác, tuy đã có những đóng góp đáng kể, nhưng FDI chưa giúp nâng cao được năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế.
Sản xuất linh kiện điện tử xuất khẩu tại Công ty Nidec Tosok (Nhật Bản) trong KCX Tân Thuận. Ảnh: Phạm Kim Ngân |
Rủi ro khó lường
Tâm trạng buồn nản của các doanh nghiệp FDI thể hiện khá rõ khi trả lời những câu hỏi khảo sát về môi trường cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Thậm chí “chưa bao giờ niềm tin và hiệu quả kinh doanh lại thấp như vậy”, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết tại buổi công bố kết quả xếp hạng PCI 2012 vừa qua. Cuộc khảo sát này nhận được phản hồi từ 1.540 doanh nghiệp FDI (87% trong số đó là doanh nghiệp FDI).
Lý giải về sự dè dặt của mình, các doanh nghiệp FDI tham gia vào cuộc điều tra cho hay, trong bảy nhóm rủi ro chính nhà đầu tư có thể gặp phải tại Việt Nam thì bất ổn kinh tế vĩ mô là một trong 3 rủi ro chính, thậm chí có 36% nhà đầu tư được hỏi coi đó là rủi ro lớn nhất. Song song đó, các rủi ro về hợp đồng, chính sách, thu hồi đất, tham nhũng đang khiến đa số nhà đầu tư quan ngại hơn cả.
Về vấn đề này, Cục Đầu tư nước ngoài nhận định, mặc dù đã không ngừng được hoàn thiện, song trên thực tế, các văn bản pháp luật hiện hành về hoạt động đầu tư nước ngoài còn chồng chéo, thiếu đồng bộ, rõ ràng, làm khó cho doanh nghiệp và ngay cả các nhà quản lý ở cấp địa phương trong quá trình thực hiện.
Cũng không thể không kể đến thực trạng cơ sở hạ tầng (đặc biệt là hệ thống cấp điện, nước, đường giao thông, cảng biển, hệ thống cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào khu công nghiệp) chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của nền kinh tế, cũng như chưa tạo điều kiện tốt để dòng vốn đầu tư nước ngoài phát huy hiệu quả. Ví dụ từng được nhắc đến nhiều lần là việc cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, Bà Rịa - Vũng Tàu, nơi có tới 53 cảng, trong đó có gần 10 cảng nước sâu đã và đang được hình thành, nhưng chỉ có một con đường duy nhất tới các cảng: quốc lộ 51.
Thêm vào đó nguồn nhân lực không đáp ứng được yêu cầu, dù rằng nguồn nhân lực nói chung còn rất dồi dào. Có tới 32% số nhà đầu tư nước ngoài tham gia một khảo sát do Cục Đầu tư nước ngoài phối hợp với UNIDO tiến hành cho rằng, thiếu công nhân lành nghề là nguyên nhân quan trọng nhất khiến họ không sử dụng hết công suất! Đó là chưa kể nhìn từ góc độ quản lý cũng còn rất nhiều “ổ gà” khiến cho cỗ xe FDI chưa thể tăng tốc, từ những kẽ hở trong phân cấp đầu tư cho đến khâu hậu kiểm… Một nhà nghiên cứu từng nói, doanh nghiệp FDI “mất hút” đã nhiều năm nhưng cơ quan quản lý không biết thì việc vén bức màn “chuyển giá” đương nhiên vẫn là chuyện bất khả thi!
Làm sao để khích lệ tinh thần nhà đầu tư rõ ràng là câu hỏi lớn, chỉ có thể giải đáp được khi giải quyết được một cách đồng bộ tất cả những vấn đề nhỏ hơn.
Theo SGGP Online
26 comments