Tháng 7/2013, kim ngạch XK đạt 1,82 tỷ USD – cao kỷ lục. 2 tháng đầu năm 2014, đạt 3,2 tỷ USD – tăng 30,1% so với cùng kỳ. Đây là dấu hiệu cho sự tăng trưởng vượt bậc của kim ngạch XK năm 2014.
“Với tốc độ tăng trưởng trung bình 14,5%/năm trong giai đoạn 2008 – 2013, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng ngành dệt may lớn nhất thế giới.” – Công ty chứng khoán FPTS đánh giá trong báo cáo về ngành Dệt may công bố vừa qua.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhận xét, ngành này vẫn chưa mang lại giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị dệt may toàn cầu do chủ yếu sản xuất xuất khẩu gia công theo phương thức CMT. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp phụ trợ vẫn chưa phát triển là thách thức lớn trong việc khai thác những lợi ích từ các Hiệp định thương mại tự do như FTA EU – Việt Nam, TPP được kỳ vọng thông qua trong thời gian tới.
Theo thống kê của FPTS, ngành dệt may Việt Nam hiện có hơn 6.000 công ty, chiếm tỷ trọng lớn là những doanh nghiệp nhỏ và vừa. Năm 2013, giá trị xuất khẩu (không tính xơ sợi) là 17,9 tỷ USD – tăng 18,5% so với cùng kỳ, giá trị nhập khẩu là 13,5 tỷ USD. Trong đó, giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI đạt kim ngạch cao hơn so với doanh nghiệp trong nước.
Chu kỳ xuất khẩu của ngành này do tính chất mùa vụ nên thường đạt thấp vào những tháng đầu năm, bắt đầu tăng trưởng vào tháng 5 và đạt mức cao nhất vào tháng 8, sau đó giảm nhẹ vào những tháng cuối năm. Tháng 7/2013, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,82 tỷ USD – cao kỷ lục của ngành dệt may Việt Nam. 2 tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu đạt 3,2 tỷ USD – tăng 30,1% so với cùng kỳ năm 2013. Đây là dấu hiệu cho sự tăng trưởng vượt bậc của kim ngạch xuất khẩu năm 2014.
Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc là 4 đối tác nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất của Việt Nam. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ liên tục tăng mạnh qua các năm và đạt 8,6 tỷ USD năm 2013 – chiếm 48% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam.
Giá trị nhập khẩu ngành dệt may cũng liên tục tăng qua các năm với CAGR giai đoạn 2009 – 2013 là 20,5%/năm. Năm 2013, giá trị nhập khẩu dệt may đạt 13.547 triệu USD - tăng 19,2% so với cùng kỳ trong đó giá trị nhập khẩu phục vụ cho xuất khẩu đạt 10.432 triệu USD. Trong cơ cấu nhập khẩu, vải chiếm tỷ trọng chủ yếu với tỷ trọng 62% tổng kim ngạch nhập khẩu dệt may (năm 2013).
Số liệu của các cơ quan thống kê cho biết, ước tính nhập khẩu bông quý I/2014 của Việt Nam là 170.000 tấn – tăng 10,7% so với cùng kỳ. Dự báo giá bông nhập khẩu sẽ tăng nhẹ trong năm 2014 do nhu cầu từ các nhà sản xuất xơ sợi tăng lên. Về nhập khẩu xơ, sợi, ước tính nhập khẩu xơ, sợi quý I/2014 của Việt Nam là 173.000 tấn – tăng 10% so với cùng kỳ. Về nhập khẩu vải, trong 2 tháng đầu năm 2014 ước đạt 1.281 triệu USD – tăng 26,7% so với cùng kỳ. Dự báo nhập khẩu vải quý I/2014 là 1,9 tỷ USD – tăng 17,7% so với cùng kỳ.
Hiện nay, Việt Nam vẫn phải nhập một khối lượng lớn vải, nguyên phụ liệu dệt may và đang cố gắng nâng tỷ lệ nội địa hóa ngành này lên mức 40%. Năm 2013, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã triển khai 42 dự án với tổng vốn đầu tư 6.360 tỷ đồng, tập trung cho các dự án sợi và dệt
FPTs tiến hành phân tích Swot cho ngành dệt may:
Theo quyết định 36/2008/QĐ-TTg, mục tiêu của ngành Dệt may là đạt 18 – 21 tỷ doanh thu vào năm 2015, 27 – 30 tỷ vào năm 2020.
Theo đó, các chuyên gia dự báo ngành dệt may Việt Nam phát triển theo những xu hướng sau:
- Tăng trưởng với CAGR 9,8%/năm và đạt giá trị xuất khẩu 55 tỷ USD vào năm 2025 nếu TPP được thông qua.
- Dịch chuyển nhập khẩu nguyên liệu từ các thị trường chính hiện tại là Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc về các nước nội khối TPP
- Bắt đầu phát triển hướng sản xuất xuất khẩu theo phương thức cao hơn CMT là FOB, ODM, OBM
- Thu hút đầu tư lớn vào các ngành phụ trợ và dòng vốn FDI từ các quốc gia lân cận nhằm tận dụng những lợi ích từ TPP và FTA EU – Việt Nam.
Hải Minh
Theo Trí Thức Trẻ/FPTS
26 comments