Hai cha con ông Mão chuẩn bị đi học - Ảnh: Vũ Toàn
Nhà ông Mão nằm giữa khu tập thể liền kề của khu chung cư quân đội thuộc xóm Yên Bình, xã Hưng Đông, TP Vinh (Nghệ An), có một phòng nhỏ dành cho đứa con tật nguyền Lê Văn Thành. Trong phòng chỉ có một cái giường và một cái bàn con, một máy vi tính đặt sát bên để Thành tiện ngồi học, khi mệt thì nằm.
Ông Mão kể: “Tôi nhập ngũ năm 1974. Đơn vị có nhiệm vụ bám sát những cuộc hành quân, những đợt chiến dịch của từng đoàn xe vận tải để thu hồi và sửa chữa xe bị hư hỏng dọc đường 9 Nam Lào.
Năm 1976 tôi về phép, cưới vợ nhưng mãi tới năm 1981 vợ mới sinh con gái đầu lòng Lê Thị Lương. Chỉ hai ngày sau, khi đứa con biến dạng này qua đời tôi mới biết mình bị nhiễm chất độc dioxin hồi ở chiến trường”.
Do sức khỏe yếu và do sợ sinh hạ không thành, 10 năm sau vợ ông mới dám sinh đứa con thứ hai.
Lê Văn Thành là đứa con thứ ba vợ ông sinh năm 1993. Khi Thành cất tiếng khóc chào đời thì tay và chân đều không cử động được.
Từ nhỏ cho đến hết lớp 4, Thành ở với mẹ tại Hà Tĩnh. Người mẹ nhẫn nại cõng con đến lớp từng ngày.
Khi Thành học lớp 1 thì mẹ “nai nịt con thật chắc chắn” mới dám chở đi học bằng xe đạp. Đến trường mới tháo dây cõng con vào lớp.
Lên lớp 5, Thành sang ở với cha ở Nghệ An để vừa học vừa chữa bệnh. Ông Mão đi tìm mua dây đai để giữ chặt con sau lưng lúc chở đi viện, lúc đến trường.
Đây là thời gian ông Mão phải rời chức quản đốc phân xưởng sửa chữa của đơn vị quân đội để có thời gian chăm con.
Thật khó hình dung một bệnh binh “không ngày nào không đau” như ông Mão lại có thể chở con đi hơn 6km rồi cõng con leo từng bậc cầu thang vào lớp học khi ở lầu ba, khi lầu bốn.
Sinh viên Nguyễn Minh Mỹ Linh - lớp trưởng lớp 52B9 khoa kế toán của Thành - còn kể chi tiết: “Có môn học ở lầu bốn.
Sau mỗi môn, bố của Thành lại xuất hiện để cõng con di chuyển lên hoặc xuống theo lớp. Trong lớp, khi thấy Thành ngồi không vững, các bạn liền đến sửa sang chỗ ngồi cho Thành.
Thành rất chịu khó vì có nghị lực, dù nắng hay mưa cũng không bỏ học buổi nào”.
Ngoài việc cõng con đi học, ông Mão còn cõng con đi sinh hoạt Đoàn, lớp như một sinh viên bình thường. Ông nói: “Mình cực nhọc một chút để con có hai cái được: vừa tiếp thu được kiến thức, vừa được hòa đồng cùng chúng bạn. Nếu để con nằm ở nhà thì con khổ, cha mẹ càng khổ tâm hơn”.
Năm 2004, GS Nguyễn Tài Thu đã trực tiếp châm cứu nhưng cũng không làm thay đổi được bệnh tình của Thành.
Theo Tuoi tre online
26 comments