bột lá nếp
cao chè vằng quảng trị
Tin Nóng doanh nghiệp
bột màu thực phẩm hoa đậu biếc
Chỉ huy hậu cần Điện Biên Phủ: Chuyện 60 năm mới kể

Chỉ huy hậu cần Điện Biên Phủ: Chuyện 60 năm mới kể

Để theo sát việc cung ứng hậu cần toàn chiến dịch Điện Biên Phủ, vị Chủ nhiệm hậu cần liên tục phải đi lại trên địa bàn chiến trường núi non trải rộng. Vì quá mệt, hễ leo lên xe là ông ngủ gà ngủ gật, bất kể lên dốc xuống đèo. Xe không có cửa, lái xe phải lấy dây buộc chặt ông vào ghế.

Sinh thời, Chủ nhiệm hậu cần chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Đặng Kim Giang, rất ít kể về mình, dù ước nguyện cuối cùng của ông trước khi nhắm mắt là được đeo trên ngực tấm “Huy hiệu Chiến sỹ Điện Biên”.

 - 1

Bộ chỉ huy kiêm Đảng ủy mặt trận Điện Biên Phủ họp tại sở chỉ huy Mường Phăng. Từ trái sang phải: Chủ nhiệm Cung cấp Đặng Kim Giang, Chủ nhiệm Chính trị Lê Liêm, Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, Tư lệnh kiêm Bí thư Võ Nguyên Giáp. (Ảnh VNTTX).

Cứ tưởng là người phụ trách dân công

Năm nay, ngày giỗ của ông Đặng Kim Giang trùng với dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (ĐBP). Dù năm nay, người bạn đời của vị chỉ huy hậu cần chiến dịch ĐBP năm xưa đã 96 tuổi và phải ngồi xe lăn, con cháu của ông vẫn cố đưa bà tới để thắp hương tưởng nhớ ông. Như mọi lần, bà lại khóc. Chỉ có điều, năm nay bà nói: “60 năm rồi ông ạ, các con của ông đã lớn, đã trưởng thành, kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ năm nay, chúng nó đã tìm lại bạn bè ông năm ấy để nghe lại chuyện xưa...”.

Đặc biệt, dự ngày giỗ năm nay có hai vị khách đặc biệt: ông Nguyễn Bội Giong và ông Đỗ Ca Sơn, những chiến sĩ từng trực tiếp tham gia chiến dịch ĐBP 60 năm về trước.  

Nhang vừa thắp lên thì trời mưa. Khi các vị khách đến chào và “báo cáo” với người đồng đội, người cấp trên cũ của mình thì cả không gian mênh mông của nghĩa trang như dồn nén vào khu mộ đơn sơ có ngôi mộ chí với tấm bia đề Thiếu tướng Đặng Kim Giang...

Trò chuyện với hai cựu chiến binh ĐBP, những ký ức xúc động về người chỉ huy hậu cần lại ùa về, trong đó có những chi tiết mà gia đình Tướng Đặng Kim Giang cũng chưa bao giờ được nghe.

Ông Nguyễn Bội Giong, từng là Bí thư quân sự của Tham mưu trưởng chiến dịch, năm nay đã 90 tuổi nhưng vẫn khỏe mạnh, minh mẫn, lời nói khúc chiết, rõ ràng. Ông Bội Dong khẳng định đã thường xuyên gặp gỡ ông Giang trong những ngày tháng cam go nhất của chiến dịch ĐBP. Ông kể rành rọt về sự kiện 26/1/1954, tại cuộc họp Đảng ủy mặt trận, Tướng Giáp đã đưa ra “quyết định khó khăn nhất trong đời”: Thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” và ra lệnh toàn mặt trận hoãn cuộc tiến công, các đơn vị lui về địa điểm tập kết xây dựng trận địa kiên cố để đánh dài ngày, tất cả lực lượng pháo binh kéo trở lại vị trí tập kết ban đầu.

Từ chuyện thay đổi cách đánh, ông Giong dẫn đến chuyện ông Đặng Kim Giang - Chủ nhiệm hậu cần chiến dịch, Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp tiền phương. Ông Giong nhớ lại, khi nhận lệnh chuyển sang phương án tác chiến “đánh chắc, tiến chắc” có nghĩa là hậu cần phải đáp ứng nhu cầu của bộ đội trong 3 đêm 2 ngày sang một chiến dịch kéo dài cả vài tháng trời. Thế là cả một núi việc ập đến.

Điều hành hơn 33.000 dân công hỏa tuyến và thanh niên xung phong để vận chuyển hơn 20.000 tấn hàng hóa vượt hàng trăm kilomet đường núi dưới bom đạn, phục vụ cho gần 54.000 bộ đội chiến đấu trên một địa bàn rộng 120km2 là một nhiệm vụ tưởng như khó có thể làm được. Đây cũng là chiến dịch đầu tiên huy động hàng trăm xe ô tô làm lực lượng vận tải chủ lực. Phải tổ chức bố trí xăng dầu, trạm sửa chữa, cung tuyến vận tải, tổ chức kho, rải trạm vận tải, kết hợp với những phương thức vận chuyển cổ truyền hơn như xe đạp thồ, hay sáng tạo mới như mở đường sông vận chuyển hàng, tổ chức các hình thức vận tải đa dạng mà người thời nay khó hình dung được. “Ông Giang bàn bạc với các cán bộ địa phương tổ chức huy động lương thực, thực phẩm tại chỗ. Cứ ngỡ là vùng núi, đồng bào dân tộc nghèo khổ rất khó huy động, nhưng kết quả lại rất tốt. Chỉ trong thời gian ngắn đã huy động được 6.000 tấn gạo thịt, hiệu quả rất cao vì không phải nuôi dân công dọc đường vận chuyển dài.

 - 2

Chủ nhiệm hậu cần chiến dịch Đặng Kim Giang (ngoài cùng bên phải) họp tại Sở chỉ huy chiến dịch. (Ảnh trong phim tài liệu của Cacmen).

Trong ký ức của ông Giong, Chủ nhiệm hậu cần Đặng Kim Giang là chỉ huy có bản lĩnh, tài đức, sáng tạo. “Chẳng thấy khi nào ông ấy phàn nàn. Khó mấy vẫn lặng lẽ làm. Vì phải bảo đảm hậu cần trải rộng trên khắp địa bàn nên ông ấy phải liên tục đi công tác... Mỗi khi gặp ông xuống từng đơn vị kiểm tra, chỉ đạo, thoạt trông cứ ngỡ là một đồng chí cán bộ phụ trách dân công. Chỉ huy Sở Hậu cần nằm gần tuyến vận chuyển, xa khỏi Sở Chỉ huy chiến dịch. Ngay tại Sở Chỉ huy cũng gắn với bộ phận của Ủy ban Hành chính Kháng chiến tỉnh Lai Châu. Làm thì phối hợp với đồng chí, nhân dân nhưng khi đi công tác thì lặn lội một mình. Khi ông đến Sở Chỉ huy, chào hỏi xong là vào bàn luận với ông Thành (Hoàng Văn Thái - Tham mưu trưởng chiến dịch), rồi qua báo cáo anh Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp), xong lại một mình ra đi. Ông ấy không có thư ký giúp việc nên đi đâu cũng chỉ một mình...”, ông Giong kể lại.

Chuyện này, các con cháu trong nhà đã được chú Việt, lái xe cho ông kể lại. Rằng để theo sát việc cung ứng hậu cần toàn chiến dịch trong điều kiện thông tin liên lạc khó khăn, địa bàn chiến trường trải rộng, nhiều ngày đêm chú phải lái xe đưa ông đi đốc chiến tại các cung đường giao thông, các kho đạn, bệnh viện dã chiến… bằng chiếc xe Jeep lấy được của địch. Vì quá mệt, hễ leo lên xe là ông Giang ngủ gà ngủ gật bất kể đường xóc, ngoằn nghèo lên dốc xuống đèo, mưa rừng hay nắng bụi. Xe mui trần, không có cửa, chú lấy dây buộc chặt ông vào ghế để thủ trưởng ngủ, chỉ tháo ra khi đến nơi hoặc khi bị máy bay tấn công.

Lo quân lương đạn dược… và cả vải liệm cho liệt sĩ

Người khách đặc biệt thứ hai trong buổi lễ hôm đó là ông Đỗ Ca Sơn. 60 năm trước, ông mới 23 tuổi, là chiến sĩ trung đoàn 174, Đại đoàn 316, chiến đấu suốt 38 ngày đêm trên đồi A1.

Ông kể rằng, những người đồng đội còn sống sót của Trung đoàn 174 khi ấy, giờ đây tuổi đều đã ngoại bát tuần, vẫn còn điều khắc khoải vì thấy những người như ông Giang và những chiến sỹ hậu cần, công lao thì thật lớn mà vắng bóng: “Anh em chúng tôi truyền rằng trong chiến dịch ĐBP, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có ba người phó đều tài ba, như ba cánh tay, mà đều mạnh như cánh tay phải. Vì thế nên thắng lợi mới lớn đến vậy. Công lao của họ lớn lắm. Phải nói rõ điều này với mọi người”.

Đã nhiều năm, ông và anh em cựu binh Điện Biên tìm mọi cách liên lạc với các thành viên trong gia đình chỉ huy hậu cần Đặng Kim Giang và đến hôm nay ông đã toại nguyện. Ông nói rằng, thật cảm động khi được đến tham gia nghi lễ viếng mộ Chủ nhiệm Hậu cần Đặng Kim Giang để nói lên những lời tri ân của mình, nói lên suy nghĩ của những người lính dưới chiến hào về những người phục vụ công tác hậu cần ở chiến dịch ĐBP.

Ông nói rằng, chuyện hậu cần ở ĐBP không chỉ là lo ăn, lo mặc.... “Mà trong trận đánh đồi A1, bộ đội ta thương vong nhiều quá. Bị thương thì phải có người tải về tuyến sau, còn anh em hy sinh thì phải khâm liệm rồi chôn cất tại chỗ. Chiến sỹ hậu cần không chỉ có lo cơm ăn, áo mặc, lo đạn dược mà phải lo bao thứ khác. Như lo đủ hàng vạn cuốc xẻng cho bộ đội đào hầm, đào hào vây lấn ròng rã suốt hai tháng trời, lo thuốc men cho thương binh  và phải lo chuẩn bị đủ cả vải liệm cho liệt sĩ. Đây là cái lo đau đớn nhất. Nào ai dự trù được vải liệm mà chuẩn bị. Có đêm, đơn vị hàng trăm người hy sinh thì lấy đâu ra vải liệm. Chúng tôi biết ông Giang vất vả và khổ tâm lắm...” - người lính già 83 tuổi khóc nấc lên khiến chúng tôi không cầm được nước mắt.

 - 3

Chủ nhiệm hậu cần chiến dịch Đặng Kim Giang (thứ 3 từ trái sang), đồng chí Việt lái xe (thứ 4 từ trái sang) và các chiến sỹ trên chiến trường Điện Biên Phủ sau ngày chiến thắng.

Hãy làm điều gì đó để tri ân

Trải qua biến cố phi thường và sau đó là những ngày tháng gian lao cùng cực, người vợ hiền và 7 người con của ông Giang vẫn giữ vững niềm tin và phấn đấu vươn lên… Thay mặt gia đình, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, người con trai thứ 5 của ông, nay là Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn, cảm ơn những người đồng đội cũ của cha về những câu chuyện về cha mình mà lần đầu tiên cả nhà mới được nghe.

Hóa ra, sinh thời, ông Giang rất ít kể về mình, kể về những ngày gian lao và vinh quang ở ĐBP. Mặc dù ước nguyện cuối cùng trước khi ông nhắm mắt là được đeo trên ngực tấm “Huy hiệu Chiến sỹ Điện Biên”. Cả hai người lính già Nguyễn Bội Giong và Đỗ Ca Sơn đều mong muốn gia đình thu thập tư liệu, gặp gỡ nhân chứng… để có thể làm điều gì đó tri ân Thiếu tướng Đặng Kim Giang và bày tỏ, nếu cần gì thì các “thân già” đều sẵn sàng hỗ trợ…

Thiếu tướng Đặng Kim Giang tên thật là Đặng Rao, quê tại xã Minh Hưng, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Ông tham gia Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội từ năm 1928. Năm 1930, ông trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương. Bị thực dân Pháp kết án 12 năm tù giam, giam tại các nhà lao: Hoả Lò, Hoà Bình, Sơn La. Ông vượt ngục Sơn La, tiếp tục hoạt động xây dựng phong trào cách mạng, tham gia chỉ đạo khởi nghĩa giành chính quyền tại tỉnh Hà Đông năm 1945, sau đó trở thành Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Hà Đông, Phó Bí thư Tỉnh uỷ.

Trong kháng chiến chống Pháp, ông lần lượt đảm nhiệm các chức vụ sau: Ủy viên Uỷ ban Hành chính Kháng chiến Khu 2, Phó bí thư khu ủy Khu 2, Thường vụ khu ủy, Ủy viên Ủy ban Kháng chiến Hành chính Liên khu 3, Phó chủ tịch Uỷ ban Hành chính Kháng chiến Liên khu 3. Năm 1949, ông chuyển sang quân đội. Năm 1951, ông là Phó chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp, tham gia các chiến dịch Thượng Lào, Biên Giới, Hòa Bình, Tây Bắc, Hà Nam Ninh. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ ông là Chủ nhiệm hậu cần, Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp tiền phương, là một trong bốn thành viên của Bộ chỉ huy và Đảng ủy Mặt trận Điện Biên Phủ.

Năm 1954, ông là Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Quân đội Nhân dân Việt Nam, Ủy viên Quân ủy Trung ương. Năm 1958, ông được phong quân hàm thiếu tướng. Năm 1959 - 1960 ông giữ cương vị Quyền Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần. Ông mất năm 1983.

Trần Thanh Hằng
Theo: kenh14.vn 

26 comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

*

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>