Thực hiện chủ trương thu phí bảo trì đường bộ, Bộ GTVT đã có phương án sắp xếp lại các trạm thu phí.
Đến nay Bộ đã dừng thu tại 19 trạm thu phí sử dụng đường bộ nộp ngân sách Nhà nước và trạm thu phí trả nợ vay.
Tuy nhiên, nhiều tuyến quốc lộ, các trạm thu phí thuộc diện BOT và một số trạm chuyển giao quyền thu phí cho các nhà đầu tư vẫn đang hoạt động gây nhiều bức xúc trong dư luận.
Vì nhiều người cho rằng việc phải đóng 2 lần phí sử dụng đường bộ là điều bất hợp lý.
Thực tế ở những trạm thu phí này, tình trạng tranh cãi giữa người điều khiển phương tiện và nhân viên soát vé diễn ra khá thường xuyên. Đỉnh điểm là vụ hành hung nữ nhân viên soát vé tại trạm thu phí cầu Bãi Cháy.
Theo camera ghi lại được, khoảng 14h ngày 28/4, tại trạm thu phí cầu Bãi Cháy, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, khi ô tô BKS 19L-4036 qua trạm thu phí này, lái xe đã không chịu mua vé vì lý do đã đóng phí Bảo trì đường bộ.
Tuy nhiên, nữ nhân viên soát vé kiên quyết yêu cầu lái xe phải mua vé rồi mới mở barie cho xe qua, nên giữa hai bên đã xảy ra mâu thuẫn. Các đối tượng trên ô tô đã dùng hung khí hành hung nhân viên soát vé và đập phá trạm thu phí.
Được biết, đây không phải lần đầu tiên tại trạm thu phí cầu Bãi Cháy xảy ra mâu thuẫn giữa người điều khiển phương tiện và nhân viên soát vé. Tình trạng lái xe không dừng mua vé, mà lao thẳng, húc gãy barie là chuyện thường xảy ra.
Làm thế nào để không rơi vào tình trạng “phí chồng phí”, cũng như làm thế nào để giải quyết hài hòa lợi ích giữa người dân với lợi ích của những doanh nghiệp đã bỏ vốn đầu tư làm đường cho Nhà nước, là vấn đề phóng viên VTV đã đề cập đến trong chương cuộc trao đổi với Tiến sĩ Khuất Việt Hùng, quyền Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT.
PV: Thưa ông, vẫn biết rằng không có lý do gì để biện hộ cho hành vi không chấp hành mua vé, lại còn hành hung nhân viên soát vé như trường hợp tại trạm thu phí cầu Bãi Cháy, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh ngày 28/4 vừa qua. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng điều này cũng xuất phát từ nguyên nhân bức xúc của lái xe do vừa phải nộp phí bảo trì đường bộ, vừa phải trả phí khi qua các trạm soát vé trên quốc lộ. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Tiến sĩ Khuất Việt Hùng: Nếu nói về bức xúc của người dân sẽ rất rộng và như vậy cũng sẽ không thể tồn tại các trạm thu phí. Tôi nghĩ, nếu người dân không hiểu vấn đề thu phí đường bộ của Chính phủ, không hiểu về những trạm thu phí chuyển quyền, có lẽ những trường hợp nếu trên sẽ liên tục xảy ra.
PV: Như ông vừa nói về các điểm thu phí chuyển quyền, vậy ông có thể cho biết rõ hơn tại sao hiện nay khi đã dừng việc thu phí rồi, tuy nhiên việc thu phí ở các trạm thu phí này vẫn hoạt động?
Tiến sĩ Khuất Việt Hùng: Khi bắt đầu triển khai thực hiện việc thu phí bảo trì đường bộ, tất cả các trạm thu phí thuộc ngân sách Nhà nước đã dừng. Còn một số trạm, trước đây Nhà nước chuyển quyền thu phí tức là quyền thực hiện công tác duy tu, bảo trì và sửa chữa trên tuyến đường thực hiện thu phí ấy là giao cho một đơn vị ngoài Nhà nước. Các đơn vị này chính là những nhà đầu tư, thực hiện việc đảm bảo chất lượng tuyến đường nơi mình thực hiện thu phí.
Chính sách của Nhà nước là dừng các trạm thu phí, nhưng dừng đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư đó phải được đảm bảo quyền lợi của họ trên các tuyến đường nói trên. Vì vậy, Nhà nước cũng đã giao Bộ GTVT, kết hợp với các Bộ đàm phán với các nhà đầu tư để có giải pháp mua lại quyền thu phí này, đảm bảo lợi ích chung của người dân, cũng như lợi ích của nhà đầu tư.
PV: Vậy việc mua lại các trạm thu phí như ông nói đã được thực hiện như thế nào?
Tiến sĩ Khuất Việt Hùng: Việc tổ chức, đàm phán với các nhà đầu tư đã được Chính phủ giao nhiệm vụ cho Bộ GTVT và Bộ cũng đã có phương án trình Chính phủ.
Hiện nay, Chính phủ cũng đang giao cho Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch Đầu tư - 2 bộ chịu trách nhiệm về vấn đề ngân sách của Nhà nước - thẩm định phương án và sẽ có báo cáo cho Chính phủ, trước khi Chính phủ có quyết định chính thức.
PV: Hiện trên một số tuyến đường tồn tại những trạm thu phí hoàn vốn cho những tuyến đường khác, đang gây ra những ý kiến trái chiều trong nhân dân. Vậy hướng giải quyết của Bộ GTVT đối với những trạm thu phí này là như thế nào, thưa ông?
Tiến sĩ Khuất Việt Hùng: Nguyên nhân xảy ra tình trạng này rất đơn giản, đó là đối với một số nhà đầu tư thì tuyến đường mà họ thực hiện đầu tư có thể sẽ phục vụ phát triển kinh tế xã hội trong tương lai lâu dài, nhưng trong thời điểm hiện tại có thể nhu cầu đi lại lại rất thấp. Vì vậy, để đảm bảo giúp nhà đầu tư nhanh chóng thu hồi vốn, Nhà nước lựa chọn những tuyến đường đáng lẽ ra Nhà nước sẽ thu phí, nhưng lại chuyển đến các nhà đầu tư BOT để họ thực hiện việc này. Ví dụ như trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài.
Việc này, cũng không có gì mâu thuẫn cả, vấn đề chỉ nảy sinh khi chúng ta thực hiện phí bảo trì đường bộ và tương lai sẽ phải có sự sắp xếp lại các trạm thu phí.
PV: Vậy ông có thể cho biết rõ hơn, trong tương lai sẽ sắp xếp lại các trạm thu phí như thế nào?
Tiến sĩ Khuất Việt Hùng: Theo tôi nghĩ, hiện nay các trạm thu phí vẫn rất là ít. Trong buổi họp báo vừa qua, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đã trả lời rất rõ là Bộ GTVT đã giao cho các cơ quan của Bộ như Tổng Cục Đường bộ và các Vụ trên Bộ rà soát lại toàn bộ các trạm thu phí, các dạng hợp đồng... và sẽ đưa ra một phương án cụ thể, để làm sao trong thời gian tới không còn chuyện là chúng ta làm BOT tuyến này, nhưng lại đặt trạm tuyến khác.
Vâng rất cảm ơn ông đã tham gia cuộc trao đổi!
Theo VTV
Trang tin doanh nghiệp: http://doanhnghiep24hvn.com
26 comments