Căn ngõ nhỏ nằm trên phố Hàng Buồm, phải nhờ người dẫn đường chúng tôi mới tìm được căn nhà tí hon của anh Xuân. Tôi bước vội phía trước, bác hàng xóm nhà anh Xuân nói với theo: "Chú đi qua nhà anh Xuân rồi, nhà ở đây cơ mà”. Ngạc nhiên, tôi đảo mắt tìm giữa con ngõ chỉ đủ một người đi, mãi vẫn không thấy căn nhà nào xuất hiện.
Bác hàng xóm chỉ tay lên phía trên đầu và nói: “Nhà anh Xuân đấy, leo theo mấy bậc sắt gắn vào bờ tường mới lên được nhà chú ấy”. Nghe tiếng có khách, anh Xuân ở trên phòng thò đầu ra chào và mời chúng tôi lên nhà chơi. Chúng tôi cố bám vào mấy thanh sắt gắn trên tường rồi leo lên phòng, chưa kịp đứng dậy thì anh Xuân đã nhắc ngay: “Chú đừng có đứng dậy nhé, nhà này không đứng dậy được đâu”.
Theo kết quả đo đạc gần đây nhất, căn nhà của anh Xuân rộng vẻn vẹn chỉ khoảng 5 mét vuông, với chiều dài 2,7 mét, chiều rộng 1,9 mét và chiều cao là 1,2 mét. Từng mảng vữa trên trần đã bong tróc, ẩm mốc nhưng anh Xuân vẫn chưa có điều kiện để tu sửa lại. Anh Xuân cho biết, anh sống trong căn nhà chật chội này từ bé. Năm 1996, anh lập gia đình, hai vợ chồng không có điều kiện thuê ra ngoài nên vẫn sinh sống trong điều kiện khó khăn ở Phố Cổ.
Với diện tích căn nhà chỉ có 5 mét vuông, hai vợ chồng anh phải vật lộn với cảnh sinh hoạt khó khăn, mùa hè nóng nực, mùa đông ẩm mốc. Khó khăn càng chồng chất khi cậu con trai ra đời. Nhớ lại hơn chục năm về trước - lúc vợ sinh con, anh Xuân nói: “Thời điểm vợ tôi sinh con khổ lắm, nhà chật, không có không gian cho việc sinh đẻ của vợ. Đêm vợ nằm ngủ, tôi không còn chỗ nằm, chỉ biết dựa vào tường rồi thiếp đi lúc nào không hay”.
Cách đây mấy năm, vợ anh Xuân bỏ đi, anh một mình gà trống nuôi con với muôn vàn khó khăn. Nghề xe ôm của anh thu nhập cũng bấp bênh, hôm được hôm không nên hai bố con vất vả sống qua ngày. “May sao thằng cu Thủy nhà tôi nó khỏe mạnh, nghe lời bố nên tôi cũng được an ủi phần nào”, anh Xuân nghẹn ngào nói về cậu con trai duy nhất của mình.
Căn nhà độc nhất vô nhị ở Thủ đô, nơi hai bố con chỉ biết nằm và ngồi chứ chưa bao giờ biết đứng dậy thẳng người trong chính căn nhà của mình. Căn nhà cao chỉ 1,2 mét nên với chiều cao của anh Xuân và con trai thì không thể vươn mình đứng thẳng tại căn nhà đặc biệt này.
Anh Xuân cho biết, mỗi lần muốn thay áo thì phải quỳ, còn mặc quần thì nằm hẳn xuống sàn nhà mới làm được. Trong căn nhà đó, tài sản quý giá nhất là chiếc tivi đã cũ kĩ gắn trên tường. Một mặt vì nhà chật không để được nhiều vật dụng, thứ nữa là vì điều kiện kinh tế không cho phép để bố con anh Xuân sắm thêm món đồ đắt tiền gì trong nhà. Trên tường, chiếc móc áo treo những bộ quần áo đã phai màu, lẫn lộn trong đó là chiếc ba lô đi học của con trai anh Xuân.
Tuy nhà chật chội nhưng anh Xuân vẫn cố gắng dành một góc để kê chiếc giá sách cho con trai làm góc học tập. Nói là góc học tập nhưng căn nhà không đủ diện tích để kê chiếc bàn. “Mỗi lần học, cháu nó lại nằm hoặc ngồi bệt, để sách vở ở sàn nhà. Nếu kê thêm chiếc bàn thì không còn chỗ cho hai bố con nằm ngủ nữa”, anh Xuân nói.
Công việc nấu nướng đều diễn ra trong căn nhà chật chội này. Để phù hợp với diện tích nhà, anh Xuân đều dùng đồ điện để nấu ăn. Anh sắm hai chiếc nồi điện, một chiếc để nấu cơm, chiếc còn lại dùng để xào nấu thức ăn.
Anh Xuân cho biết, trong con ngõ nhỏ dẫn vào nhà anh có đến gần chục chiếc bếp than của các gia đình hoạt động nên hàng ngày, mùi khói bếp than bốc lên khiến căn phòng ngột ngạt, khó thở.
Ngoài nỗi lo về căn nhà chật chội, những lo lắng về cậu con trai đang tuổi trưởng thành lại khiến anh Xuân thêm phần suy nghĩ. Mẹ bỏ đi, thiếu vắng tình cảm của mẹ khiến Thủy trầm tính hơn, nhưng Thủy cũng rất hiểu và thông cảm cho bố của mình, và rất thương bố trong hoàn cảnh hiện tại của gia đình.
Anh Xuân tâm sự, thời gian học cấp 3 vừa qua, Thủy không có chiếc xe đạp để đi học nên càng vất vả hơn. Anh mong thời gian tới công việc thuận lợi, góp đủ tiền để mua cho Thủy chiếc xe đạp chuẩn bị bước vào năm học mới.
Sự ưu tư thường trực khiến khuôn mặt người đàn ông 50 tuổi in hằn những nếp nhăn khắc khổ, với nỗi lo về cuộc sống và lo cho tương lai của người con trai duy nhất.
Theo: kenh14.vn
Theo: kenh14.vn
26 comments