Ý kiến của Chủ tịch được nêu ra trong sáng 21-5 khi đi kiểm tra việc cấp nước mùa hè năm 2013 và triển khai các dự án nước sạch tại các đơn vị sản xuất, cung cấp nước sạch trên địa bàn.
Lý giải về việc xảy ra các sự cố mất nước, ông Nguyễn Như Hải – Giám đốc Công ty Nước sạch Hà Nội cho biết: Những ngày nắng nóng, nhu cầu sử dụng nước của nhân dân tăng 15%, trong khi nguồn dự phòng chỉ tăng thêm được 3% đến 5%, lượng nước thiếu ước tính khoảng 50.000m3/ngày đêm. Các điểm thiếu nước thường ở cuối nguồn hoặc cốt cao.
Vừa qua có một số điểm thiếu nước như ngõ 3 Vạn Phúc-Kim Mã, ngõ 22 Tôn Thất Tùng, ngõ 354 Lê Duẩn, La Thành 4, Khâm Thiên, đê Thanh Lương, Đầm Trấu, Nguyễn Khoái, ngõ Hòa Bình 7, phố Hồng Mai, Tạ Quang Bửu, tổ 34,35 Quan Hoa… Tại khu vực Hàng Trống, Hàng Buồm, Mã Mây… nước yếu vào giờ cao điểm.
Bên cạnh đó, nhiều nhà máy nước bị mất điện dẫn đến gián đoạn cấp nước các khu vực như: Thụy Khuê, Trường Chinh, Khâm Thiên, Vân Hồ, Đền Lừ… Theo thống kê, tính từ ngày 15-4 đến 17-5, trên địa bàn Hà Nội đã có 35 lần, tương ứng 112 giờ. Mỗi lần gián đoạn như vậy, thường mất ít nhất nửa ngày đến cả ngày mới khôi phục lại hệ thống.
Trong sáng 21-5, khu vực phường Chương Dương vẫn đang bị mất do Nhà máy nước số 2 bên Long Biên bị mất điện trong 2 tiếng đêm 20-5.
Ông Lê Văn Dục – Phó Giám đốc Sở Xây dựng đề xuất: TP chỉ đạo Sở Công thương và Tổng công ty Điện lực Hà Nội ưu tiên cung cấp điện ổn định, không cắt điện các nhà máy sản xuất nước và các trạm bơm tăng áp. Sở Kế hoạch và Đầu tư cân đối kịp thời nguồn vốn ngân sách hỗ trợ các dự án phát triển hệ thống cấp nước đã được phê duyệt như: Hoàn thiện mạng lưới cấp nước 6 xã, huyện Gia Lâm; Dự án xây dựng mạng lưới cấp nước cho các xã Phù Lỗ, Phú Minh, Mai Đình – huyện Sóc Sơn; Dự án xây dựng mạng lưới cấp nước các khu vực còn lại huyện Thanh Trì, phía đông quốc lộ 1A; Dự án cấp nước cho các xã Trung Văn, Đại Mỗ, Tây Mỗ và Xuân Phương, huyện Từ Liêm…
Dự tính nguồn kinh phí cho các dự án trên vào khoảng 860 tỷ đồng, trong đó Công ty Nước sạch Hà Nội là 860 tỷ đồng, Công ty Nước sạch Hà Đông 200 tỷ đồng, Công ty Viwaco 100 tỷ đồng, Công ty CP cấp nước Sơn Tây 100 tỷ đồng.
Kết luận tại buổi kiểm tra, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo yêu cầu Sở Xây dựng Hà Nội chủ trì phối hợp các Công ty Nước sạch Hà Nội, Viwaco, Tổng công ty Vinaconex điều phối nguồn nước, bảo đảm cung cấp cho khu vực nội đô. Rà soát, bổ sung trạm bơm trung chuyển, tăng áp để cấp nước cho điểm cuối nguồn, điểm cốt cao; đồng thời, ngành điện phối hợp bổ sung hoặc thay thế trạm biến áp tránh tình trạng quá tải, mất điện tại các nhà máy sản xuất nước sạch, ảnh hưởng đến quy trình cấp nước.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo cũng đồng ý với đề xuất vận hành cấp nước luân phiên theo giờ, theo từng khu vực, song phải bảo đảm tính toán khoa học, hợp lý, thông tin công khai cho nhân dân biết, bảo đảm đủ nước dự trữ sử dụng trong thời điểm cấp luân phiên. Nơi mạng nước chưa tới, các xí nghiệp nước sạch bố trí cấp bằng xe téc.
Về lâu dài, Chủ tịch yêu cầu Sở Xây dựng phải kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng nước sạch không đúng mục đích, lãng phí và tổ chức những đợt tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng nước sạch tiết kiệm trong mùa hè.
Theo tìm hiểu của PV HNMO, trong ngày 21-5, tại khu vực Làng quốc tế Thăng Long, quận Cầu Giấy đã xảy ra hiện tượng mất nước trầm trọng. Đến chiều 21-5, người dân cũng không thể gọi mua được téc nước vì phía Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Cầu Giấy trả lời không có nước. Một lái xe chở nước cho biết: Khu vực Cầu Giấy, Từ Liêm đang sử dụng nước từ Nhà máy nước Mai Dịch. Nhà máy có 18 giếng nước ngầm nhưng có đến 5 giếng hết sạch nước, hiện chỉ hút lên toàn bùn (sẽ phải xử lý mất vài ngày tới). Nhà máy hết nước nên lái xe cũng đang “ngồi chơi” vì không thể cung cấp cho dân được. Bên cạnh đó, người lái xe này còn cho biết, trên địa bàn TP Hà Nội chỉ vỏn vẹn có 5 xe chở nước (mỗi quận nội thành 1 chiếc), nên khi người dân có nhu cầu cấp tập, không thể phục vụ kịp. |
26 comments