Có thể nói chưa bao giờ con người lại phải đối mặt với các loại virus gây bệnh có nguồn gốc từ động vật như hiện nay. Còn nhớ cách đây 10 năm, đại dịch sars, đại dịch đầu tiên của thế kỷ XXI đã làm khuynh đảo thế giới, hoang mang đời sống của người dân khi lây lan tới tận 32 quốc gia, làm 800 người mắc bệnh và gần 1.000 người tử vong.
Trong đó, Việt Nam là một trong những quốc gia bị dịch đầu tiên, sau Trung Quốc với 63 bệnh nhân và có 5 người tử vong. Nhưng điều đáng nói là 5 người tử vong này đều là những y tá, bác sĩ, chuyên gia y tế của WHO, những người đã trực tiếp điều trị cho bệnh nhân người Mỹ gốc Trung Quốc sang Việt Nam trong một chuyến công cán và lây bệnh cho họ cũng như trở thành “tác nhân” của đại dịch Sars ở Việt Nam. Một cái giá quá đắt!
Tất nhiên cũng cần nói thêm, thời điểm đó, ngành y tế Việt Nam chưa có kinh nghiệm để đối mặt, khống chế với dịch bệnh vì như đã nói đó là dịch bệnh mở đầu thế kỷ XXI, đồng thời trước đó, hầu như trong nước chưa phải đối mặt với dịch bệnh nào lớn như vậy cho nên hậu quả đáng tiếc cũng là điều khó tránh khỏi. Nhưng chỉ ngay sau đó 45 ngày diễn ra đại dịch, Việt Nam lại trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới khống chế thành công dịch bệnh, đặc biệt là trong điều kiện cơ sở vật chất y tế còn khó khăn.
Gà giống nhập lậu từ Trung Quốc siêu rẻ bị hải quan Lạng Sơn bắt giữ trong tháng 4/2013
Dịch bệnh này, theo nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ do virus corona gây ra với biểu hiện giống hệt cúm nhưng thực tế lại làm viêm và suy đường hô hấp cấp trong thời gian chỉ được tính bằng giờ. Virus corona ấy có nguồn gốc từ động vật hoang dã sống ở Đồng bằng sông Châu Giang, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.
Khi lây lan sang người, corona đã đột biến tăng cường để thích nghi với sự ký sinh trong cơ thể người và chính sự đột biến tăng cường này đã gia tăng độc hại của virus.
GS Lê Đăng Hà, nguyên Giám đốc Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới quốc gia Quốc gia (nay là Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương) nhớ lại: thời kỳ diễn ra dịch sars, chỉ qua một đêm mà phổi của bệnh nhân từ chỗ chưa bị tổn thương nhiều đã trở nên trắng xóa. Bệnh nhân không thở được dẫn tới suy hô hấp. Có bệnh nhân đã tử vong. Nói chung lúc đó dịch bệnh diễn biến rất phức tạp”.
Sau khi dịch sars kết thúc, không bao lâu lại đến dịch cúm H5N1 “oanh tạc” 8 nước khu vực châu Á trong khoảng thời gian 2003-2004.
Trung Quốc, Malaysia, Mông Cổ, Thái Lan, Việt Nam là những quốc gia bị dịch bệnh hoành hành nặng nhất khi có tất cả 70 bệnh nhân đã tử vong, số tiền thiệt hại lên tới 10-15 tỉ USD. Virus gây cúm H5N1 lại có nguồn gốc từ gia cầm hoặc chim nhưng có thể xâm nhiễm loài động vật có vú, trong đó có người.
Virus cúm gia cầm thuộc nhóm virus cúm A. Vỏ của nó có bản chất là glycoprotein bao gồm 2 kháng nguyên: kháng nguyên ngưng kết hồng cầu và kháng nguyên trung hòa.
Có 15 loại kháng nguyên ngưng kết hồng cầu (H1-H15) và 9 loại kháng nguyên trung hòa (N1-N9). Tùy theo cách cách tổ hợp khác nhau sẽ phân thành loại cúm A H5N1 hay H1N1…
Virus cúm H5N1 biến dị nhanh và chứa các gen của các virus nhiễm từ các loại động vật khác nhau cho nên khả năng sinh bệnh rất nhanh và nặng cho người (vẫn là bệnh viêm đường hô hấp cấp và dẫn đến suy hô hấp).
Tại Việt Nam, cao điểm của dịch bệnh xảy ra vào cuối năm 2003. Nhưng từ thời điểm đó đến năm 2008, dịch cúm H5N1 còn bùng nổ tái phát nhiều lần và đã có 52 người tử vong trong tổng số 106 người mắc bệnh (tỷ lệ chết, mắc chung là 49%).
Nguyên nhân khiến những người này mắc bệnh là do đều có liên quan đến gia cầm hoặc là chăn nuôi hoặc là ăn phải thịt gà bệnh… và đều sống ở khu vực 2 sông lớn là sông Hồng, sông Mê Kông.
Hiện nay, con người lại phải đang tiếp tục đối mặt với “vòng xoáy” dịch bệnh khi Trung Quốc lại “tiên phong” với bệnh nhân đầu tiên bị cúm H7N9, một loại chủng cúm được xếp vào độc lực cao nhất và cũng được lây từ gia cầm sang người.
Tính từ khi bắt đầu dịch bệnh vào thượng tuần tháng 4 đến hết ngày 2-5 đã có 127 trường hợp nhiễm cúm, trong đó 27 người đã tử vong cũng với biến chứng liên quan đến đường hô hấp, nhiễm độc máu, suy tạng.
Theo GS Wendy Barclay, nhà nghiên cứu về virus cúm ở Anh, virus H7N9 đã có những biến đổi gen cần thiết để có thể thích ứng và lây từ người sang người. Điều này thật đáng lo ngại vì nó dễ dàng dẫn đến đại dịch hơn cả dịch cúm H5N1.
Virus cúm H7N9 theo nghiên cứu khoa học cho thấy là một tổ hợp gen của ít nhất của 4 virus có nguồn gốc từ vịt và gà. Với biến thể phức tạp nó có thể bám dính vào được các tế bào của động vật có vú, đồng thời có khả năng phát triển trong môi trường nhiệt độ cơ thể bình thường rồi gây bệnh cho người.
Không như các đại dịch cúm trước đây, người già là nhóm đối tượng dễ mắc nhất thì cúm H7N9 có thể gây bệnh trên tất cả mọi đối tượng, không kể già, trẻ, gái, trai… và tốc lây lan rất nhanh, cụ thể chỉ trong vòng 1 tháng, H7N9 đã lan rộng 31 tỉnh, thành của Trung Quốc.
WHO đánh giá: “Đây là đặc điểm bất thường của dịch bệnh và điều đó càng trở thành mối đe dọa nghiêm trọng với nhân loại”.
Là nước láng giềng, Việt Nam có nguy cơ cao lây lan dịch bệnh cúm H7N9 từ Trung Quốc, nhất là trong hoàn cảnh nước ta cũng đang trong diễn biến phức tạp đối với dịch cúm H1N1.
Đã có 3 người tử vong do dịch bệnh này - 2 trường hợp ở Yên Bái, 1 trường hợp ở Thanh Hóa trong tổng số hơn 63 người dương tính với cúm H1N1.
Theo báo cáo của các tỉnh, thành, chỉ tính 3 tháng đầu năm 2013, nước ta đã có 300 nghìn người nhiễm cúm, tỷ lệ bị cúm H1N1 là 46%.
Cùng với đại dịch cúm các týp khác nhau thì những bệnh truyền nhiễm khác từ động vật như nhiễm liên cầu khuẩn lợn, bệnh dại cũng được cảnh báo ở nước ta. Bởi tỷ lệ tử vong do những bệnh này tới 13%. Bộ Y tế đánh giá đây là tỷ lệ cao đối với những loại bệnh có tính lây truyền.
Tuy nhiên, vì sao các dịch bệnh có nguồn gốc từ động vật lại cao đột biến và diễn biến phức tạp như vậy?
GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nhận định: “Sở dĩ các bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam có xu hướng tăng là do sự biến đổi môi trường, sự phát triển kinh tế toàn cầu đã dẫn tới sự thay đổi mô hình bệnh tật.
Bên cạnh đó, thói quen vệ sinh cá nhân và vệ sinh an toàn thực phẩm của một bộ phận người dân chưa được tốt, vẫn còn nhiều hành vi, thói quen tiềm ẩn nguy cơ, dẫn tới nhiều dịch bệnh đã được khống chế nay xuất hiện trở lại, đặc biệt là những bệnh lây theo đường tiêu hóa”.
GS.TS Nguyễn Trần Hiển cho biết thêm: “Việc nhiều người sử dụng thuốc điều trị không kê đơn cũng là một điều đáng lo ngại. Vì nó dẫn tới sự biến dị và tăng sức đề kháng của các vi sinh vật gây ra nhiều bệnh dịch mới cũng như gây ra khó khăn cho công tác điều trị”.
Theo PetroTimes
26 comments