Cũng giống như các doanh nhân xây dựng các tổ chức, doanh nghiệp để sản xuất các sản phẩm hay dịch vụ vì lợi nhuận, các DNhXH cũng tạo lập và điều hành những tổ chức hay doanh nghiệp xã hội để hiện thực hóa các ý tưởng, tạo ra những sản phẩm hay dịch vụ nhằm giải quyết các vấn đề xã hội hay môi trường.
Trung tâm Hỗ trơ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng (CSIP) cho rằng doanh nghiệp xã hội là một khái niệm dùng để chỉ hoạt động của các doanh nhân xã hội dưới nhiều hình thức khác nhau tùy thuộc vào mục đích và điều kiện hoạt động cụ thể. Doanh nghiệp xã hội lấy lợi ích xã hội làm mục tiêu chủ đạo, được dẫn dắt bởi tinh thần doanh nhân nhằm đạt được cả mục tiêu xã hội/môi trường và mục tiêu kinh tế.
Một số DNhXH thành lập và điều hành các tổ chức từ thiện, các tổ chức xã hội và phát triển cộng đồng phi lợi nhuận. Những người khác lại có thể thành lập và điều hành các doanh nghiệp xã hội có lợi nhuận hoặc không có lợi nhuận. Có người lại kết hợp cả hai mô hình trên thành mô hình doanh nghiệp xã hội hỗn hợp. Điều này tuỳ thuộc vào mục tiêu họ muốn đạt được và việc làm thế nào để đạt được mục tiêu đó một cách hiệu quả nhất.
Bác sĩ Đỗ Thúy Lan là người sáng lập và điều hành Trung tâm tư vấn phát hiện sớm, can thiệp sớm trẻ khuyết tật trí tuệ, gọi tắt là Trung tâm Sao Mai, là một tổ chức xã hội phi lợi nhuận trực thuộc Hội cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam. Hoạt động chủ yếu của trung tâm là cung cấp dịch vụ tư vấn phát hiện sớm, can thiệp sớm và chăm sóc trẻ khuyết tật trí tuệ và trẻ tự kỷ thông qua các phương pháp khoa học giúp cho trẻ KTTT có thể phát huy tối đa khả năng của bản thân để hòa nhập xã hội. Trung tâm Sao Mai nhận được rất nhiều hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế để xây dựng cơ sở vật chất phù hợp, nâng cao chất lượng dịch vụ và đa dạng hóa hoạt động để phục vụ cho trẻ KTTT. Đồng thời, Sao Mai cũng huy động được nguồn kinh phí đóng góp của các phụ huynh của trẻ cho dịch vụ của trung tâm, nhằm chi trả các chi phí vận hành. Do tính chất và đặc thù đối tượng hoạt động là trẻ KTTT, mô hình tổ chức phi lợi nhuận là mô hình phù hợp với Sao Mai để thu hút được các hỗ trợ phù hợp, nhưng cũng đảm bảo vận hành trung tâm tự vững về tài chính.
Bên cạnh đó, có những mô hình doanh nghiệp xã hội có lợi nhuận như công ty cổ phần Tò He do chị Phạm Thị Ngân và chị Nguyễn Thị Thanh Tú sáng lập, nhằm tạo sân chơi sáng tạo cho các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, đồng thời tạo ra dòng sản phẩm thời trang và đồ trang trí gia đình thân thiện với môi trường từ việc sử dụng các sản phẩm sáng tạo của trẻ em thiệt thòi. Tò He cam kết 50% lợi nhuận thu được sẽ để đầu tư cho các hoạt động xã hội phục vụ chính đối tượng trẻ em khó khăn này. Công ty TNHH Dịch vụ sinh thái Ecolife do DNhXH Nguyễn Thu Huệ và Hồ Thị Yến Thu sáng lập một ví dụ khác về doanh nghiệp xã hội hoạt động thúc đẩy việc bảo vệ môi trường biển trong lành và cải thiện đời sống người dân ven biển thông qua các hoạt động đầu tư xã hội và kinh doanh dịch vụ sinh thái biển và ven biển có sự tham gia của cộng đồng.
Trong khi đó, Trung tâm Nghị Lực Sống được Nguyễn Công Hùng & Hoàng Xuân Nguyên thành lập như là một doanh nghiệp xã hội hỗn hợp nhằm mục đích hỗ trợ hòa nhập toàn diện cho người khuyết tật thông qua các hoạt động đào tạo công nghệ thông tin, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm, kết nối các cơ sở sản xuất tìm đầu ra cho sản phẩm của NKT. Nghị Lực sống gồm hai hợp phần chủ chốt là trung tâm Nghị lực sống và công ty cổ phần Nghị Lực Sống. Trung tâm Nghị Lực sống là một tổ chức xã hội phi lợi nhuận đào tạo miễn phí CNTT cho NKT và thực hiện các chương trình hỗ trợ người khuyết tật, và cộng đồng, cũng như các hoạt động gây quỹ, vận động tài trợ từ các cá nhân, tổ chức quan tâm. Bên cạnh đó, công ty cổ phần Nghị Lực Sống thực hiện các hoạt động kinh doanh vừa tạo được việc làm cho NKT ngay chính tại trung tâm, vừa tạo nguồn thu hướng đến bền vững tài chính của Nghị Lực Sống.
26 comments