Ghi nhận của phóng viên, từ sáng sớm, rất đông người dân kinh doanh buôn bán ở chợ gốm Bát Tràng đã quây kín cổng chợ. Mọi người mang theo những tấm bìa các-tông ghi khẩu hiệu cầu cứu các cơ quan chức năng cũng như phản đối đơn vị quản lý chợ là Công ty Cổ phần Sứ Bát Tràng (Hapro Bát Tràng).
Các hộ kinh doanh ngừng buôn bán, quây kín cổng chợ.
Hai tờ giấy khổ lớn ghi thông báo cáo lỗi của các hộ kinh doanh trong chợ gửi tới du khách được dán ở 2 bên cổng chợ. Theo nội dung thông báo này, nguyên nhân các hộ kinh doanh đóng cửa chợ Bát Tràng là do bức xúc trong việc mua bán các ki-ốt trong chợ. Các du khách đến chợ ngày hôm nay đều được những người tập trung ở cổng chợ giải thích, xin lỗi về sự việc và mời ra về.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, chợ gốm Bát Tràng ra đời từ năm 2004 với sự hợp tác giữa người dân làng gốm và Công ty CP Sứ Bát Tràng. Theo đó, 2 bên thống nhất đầu tư xây dựng dưới dạng hợp đồng thuê ki-ốt, phía Hapro Bát Tràng có mặt bằng được nhà nước giao sản xuất, phía người dân làng gốm góp tiền xây dựng với diện tích ban đầu là 13,5 m2.
Các quầy hàng được quây bạt, ngừng mọi hoạt động kinh doanh.
Các hộ kinh doanh tại đây cho hay, do làng nghề chật hẹp, không có nơi giới thiệu sản phẩm, người dân đã hợp tác với Hapro để xây dựng chợ gốm. Đặc biệt, chỉ có người dân làng gốm Bát Tràng mới được góp vốn xây dựng và sau đó kinh doanh tại đây.
Bác Phùng Thị Phin (SN 1941, ở xóm 1, Bát Tràng), chủ một ki-ốt trong chợ gốm, cho hay, lúc đầu xây dựng, các ki-ốt đều không có cửa, không vách ngăn. Quá trình kinh doanh, các hộ dân đã tự bỏ tiền ra để xây dựng thêm và hoàn thiện nội thất từng gian hàng.
Nghệ nhân Nguyễn Mạnh Hưng bức xúc khi gian hàng mình đang kinh doanh bị đem cho đơn vị khác thuê.
Sau khi kết thúc hợp đồng thuê ki-ốt 5 năm, đến nay, giữa người dân và Hapro Bát Tràng vẫn chưa thống nhất được phương án ký kết hợp đồng tiếp theo. Phản ánh của các hộ kinh doanh, trước đây, người dân ký hợp đồng thuê ki-ốt với Hapro Bát Tràng thông qua Hợp tác xã gốm sứ Bát Tràng do chính các hộ kinh doanh tại đây bầu ra. Tuy nhiên, khi thời hạn hợp đồng kết thúc, phía Hapro Bát Tràng đã ra thông báo yêu cầu các hộ kinh doanh ký hợp đồng mới trực tiếp với công ty. Giá thuê cũng được tính cao hơn so với trước kia. Không đồng tình với cách làm mới của Hapro Bát Tràng, các hộ kinh doanh trong chợ vẫn chưa ký hợp đồng mới.
Sự việc bắt đầu “nóng” từ ngày 26/10 vừa qua, 5 hộ kinh doanh trong chợ nhận được thông báo từ Công ty Cổ phần Đồng Tiến Thành (trụ sở tại quận Ba Đình, Hà Nội) về việc Công ty Đồng Tiến Thành đã ký hợp đồng thuê 5 ki-ốt mà 5 hộ đang kinh doanh.
“Họ thông báo ngày 5/11 chúng tôi phải dọn hàng đi, nếu không dọn họ sẽ cho người đến dọn.” - nghệ nhân Nguyễn Mạnh Hưng (SN 1954), Phó Ban quản lý chợ, một trong 5 chủ ki-ốt trên, bức xúc cho biết.
Người dân muốn giữ gìn, phát triển thương hiệu chợ gốm làng cổ Bát Tràng.
Điều khiến các hộ kinh doanh trong chợ gốm bức xúc, lo lắng là ngày 2/11, hơn 50 đối tượng “đầu gấu” kéo đến chợ, đe dọa, khủng bố tinh thần người dân từ 11h trưa đến 17h chiều.
Sáng nay 5/11, toàn bộ các hộ kinh doanh trong chợ gốm Bát Tràng đã đồng loạt đóng cửa, tập trung tại cổng chợ, phản đối cách làm của Hapro Bát Tràng. Khi sự việc xảy ra, lực lượng công an sở tại đã có mặt, đảm bảo tình hình an ninh trật tự. Không có xô xát hay bất cứ va chạm đáng tiếc nào xảy ra trong suốt buổi sáng nay.
Chiều nay, một cuộc họp giữa đại diện các hộ kinh doanh trong chợ với Hapro Bát Tràng và chính quyền địa phương đã diễn ra. Chúng tôi sẽ tiếp tục gửi đến bạn đọc những thông tin mới nhất về vụ việc trên.
Tổng hợp
26 comments