bột lá nếp
cao chè vằng quảng trị
Tin Nóng doanh nghiệp
bột màu thực phẩm hoa đậu biếc
Ngành du lịch Việt Nam: Hậu 'xin lỗi' là gì?

Ngành du lịch Việt Nam: Hậu 'xin lỗi' là gì?

 Lừa đảo và chặt chém

 

Công an phường Điện Biên (quận Ba Đình, Hà Nội) vừa tạm giữ hai người để điều tra về hành vi lừa đảo. Qua công tác kiểm tra, các điều tra viên không khỏi bức xúc khi tìm thấy cuốn sổ ghi chép lại số tiền “quyên góp từ thiện” mà những đối tượng này lừa đảo các du khách.

 

Rất nhiều tên và địa chỉ của du khách nước ngoài, kèm theo cả chữ ký, đóng góp từ 500.000 đồng cho đến 100USD gửi các “hội viên Hội Chữ thập đỏ” giả mạo này.

 

Đó là Đặng Văn Đang và Nguyễn Thị Thủy. Cặp vợ chồng này cùng ở huyện Gia Lộc (Hải Dương) lên Hà Nội kiếm sống. Thủy khai đã cùng chồng và một số người bạn làm giả thẻ Hội viên Hội Chữ thập đỏ và nhờ người soạn thảo và in ra đoạn văn bản kêu gọi tình thương của khách nước ngoài.

 

Đoạn văn bản này được dịch sang 6 thứ tiếng, mỗi khi gặp du khách Thủy đưa tờ giấy này cùng gói tăm để mời chào. Vợ chồng Thủy đã “hành nghề” được khoảng 7 tháng nay.

 

Mồi chài khách du lịch

 

Đặc biệt, nhóm đối tượng này không lưu trú tại Hà Nội mà hằng ngày vợ chồng Thủy và nhóm bạn đi từ Hải Dương ra Hà Nội vào buổi sáng rồi tối lại quay về. Mỗi ngày thu nhập trung bình khoảng 300.000-400.000 đồng. Nhưng đó chỉ là lời khai của đối tượng.

 

Trên thực tế, kiểm tra túi xách của Thủy, công an phát hiện quyển sổ ghi chép số tiền khách du lịch ủng hộ lên tới cả chục triệu đồng, trong số đó có hơn 10 trang sổ ghi tên các du khách với số tiền đóng góp không hề nhỏ.

 

Nhóm mạo danh tổ chức từ thiện này hoạt động ở khu vực vườn hoa Lê Nin, cổng Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam và hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội). Hễ thấy người nước ngoài đi trên những đoạn phố vắng, các nam thanh niên lại dừng xe để đồng bọn bước tới chìa tờ giấy khổ A4 ép plastic kèm tấm thẻ rồi mời chào bằng tiếng Anh. Nhiều người từ chối nhưng cũng không ít vị khách đã rút tiền đưa cho họ rồi ký tên vào một quyển sổ.

 

Sáng 24-4 vừa qua, 3 khách du lịch quốc tịch Pháp vừa đặt chân tới sân bay Nội Bài để bắt đầu một tháng du lịch tại Việt Nam. Cả ba lên taxi về khách sạn 3 sao trên phố cổ Hà Nội mà họ đã đặt phòng từ trước, tuy nhiên tài xế lại đưa họ đến khách sạn khác.

 

Ở được một đêm, nhóm khách phát hiện đây không phải khách sạn đã đặt phòng từ trước nên muốn dời đi. Khi họ trao đổi với lễ tân khách sạn, nhân viên này đã dọa đánh, thậm chí dọa giết họ. Anh Caballero Mathias, một thành viên trong nhóm quyết định đưa cả nhóm chuyển đến nơi lưu trú khác và trình báo công an.

 

Nhận được thông tin, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã cử cán bộ thanh tra Sở và quận Hoàn Kiếm phối hợp với Công an phường Hàng Bạc làm rõ vụ việc. Nhân viên lễ tân khách sạn này đã nhận lỗi và bồi thường thiệt hại cho du khách.

 

Hậu xin lỗi là gì?

 

Ông Mai Tiến Dũng - Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội cho biết, Sở cũng đề xuất với Tổng cục Du lịch cho lập đường dây nóng tiếp nhận tất cả thông tin khen chê của khách du lịch trong và ngoài nước. Căn cứ vào đó, ngành du lịch sẽ có biện pháp khắc phục hạn chế, để du lịch Việt Nam ngày càng thân thiện trong mắt du khách. Còn Tổng cục Du lịch Việt Nam thì lại tính đến chuyện thành lập một đơn vị chuyên trách việc xin lỗi các du khách vì những chuyện “thất thố”.

 

Nguyễn Thị Thủy và cuốn sổ ghi chép tiền quyên góp của khách du lịch

 

 

Tổng cục phó Tổng cục Du lịch Nguyễn Mạnh Cường nói thêm về ý tưởng thành lập đơn vị này: “Đối với khách quốc tế đến Việt Nam, nếu xảy ra tình huống gì làm xấu hình ảnh Việt Nam thì không chỉ có cơ quan Nhà nước, công dân Việt Nam cũng cảm thấy xấu hổ và có quyền được xin lỗi bạn bè thế giới. Nhưng chúng ta mong muốn đừng xin lỗi mãi.

 

Tới đây, chúng ta phải đề xuất việc ai xin lỗi mới là quan trọng. Với quốc gia, về hình ảnh du lịch thì ngành du lịch xin lỗi là đúng. Nhưng sau xin lỗi, trách nhiệm, phân công quản lý rất rõ. Du lịch không phải là ngành đảm bảo trật tự an ninh, không quản lý phương tiện vận tải, địa bàn mà giao cho các bộ, ngành rất cụ thể. Cần có giao quyền trách nhiệm chi tiết cụ thể tại địa phương.

 

Bên cạnh đó, nhằm khuyến khích địa phương làm du lịch tốt, chúng tôi đang đề nghị khen thưởng địa phương đảm bảo an ninh, an toàn cho khách. Ngược lại sẽ phê bình những địa phương chưa làm tốt. Đối với khách nội địa, trong Luật Du lịch quy định có quyền khiếu nại.

 

Tổng cục sẽ làm việc hết mình với cơ quan chức năng việc xâm phạm quyền du lịch của khách trong nước và quốc tế. Chúng ta không chỉ lo quốc tế rồi quên người dân trong nước. Trách nhiệm quốc gia ứng xử mang tính ngoại giao, kịp thời ráo riết hơn. Với công dân mình, có thể không ngoại giao, nhưng phải có trách nhiệm về chính sách, pháp luật”.

 

Thế nhưng, trách nhiệm hay biện pháp cải thiện hình ảnh du lịch Việt Nam trong mắt du khách thế nào sau khi thành lập đơn vị chuyên trách xin lỗi thì “các lãnh đạo của ngành đang tính”. Còn người dân trong nước chỉ tha thiết mong rằng ngành du lịch nước nhà sẽ không còn phải xin lỗi du khách nữa.

 

Không hề nói quá, lâu nay tình trạng “chặt chém”, bắt chẹt khách du lịch xảy ra nhiều nơi trong nước, làm hình ảnh du lịch của đất nước bị xấu đi, nhiều du khách nước ngoài cảm thấy rất khó chịu, thậm chí tuyên bố không bao giờ trở lại Việt Nam nữa. Bên cạnh đó, khi thông tin về tình trạng này lan ra trên nhiều diễn đàn về du lịch trên thế giới, có không ít du khách quốc tế ngần ngại khi chọn Việt Nam là điểm đến.

 

Trong khi đó, mỗi năm Việt Nam phải bỏ ra 1-2 triệu USD để quảng bá du lịch ra thế giới, thậm chí còn có hẳn chức danh Đại sứ Du lịch. Thế nhưng khoản đầu tư lớn đó chẳng phải là “xôi hỏng bỏng không” hay sao, khi các thủ đoạn xấu cứ vây lấy các điểm đến của ngành du lịch nước nhà? Riêng về du lịch, những thông tin truyền tai, truyền miệng nhiều khi lại hiệu quả hơn những hợp đồng quảng cáo trị giá hàng triệu USD.

 

Ảnh thẻ giả mạo Hội viên Hội Chữ thập đỏ Việt Nam

 

 

Nhưng sau khi xin lỗi, thì phải làm gì để không còn phải xin lỗi thêm du khách nào về những sự cố đáng tiếc như thế nữa? Đó là câu hỏi chưa có lời giải đáp, bởi tình trạng chặt chém, chèn ép, dọa nạt… du khách đã diễn ra từ nhiều năm nay, không phải các cơ quan chức năng không biết hay không làm gì, mà là có nhiều biện pháp được vận dụng nhưng lại không mấy hiệu quả. Dường như mọi việc chỉ dừng lại ở lời nói, một vài chỉ thị, nhắc nhở, phạt hành chính.

 

Nhiều nơi treo biển, phát loa phóng thanh với những nội quy và nhắc nhở về việc giữ gìn văn minh, thanh lịch, không chèo kéo, không chen lấn… Thậm chí còn tổ chức các đợt thanh tra, xử lý các trường hợp bán hàng rong, chèo kéo khách du lịch, ăn xin… Nhưng đó chỉ là chuyện “ném đá ao bèo”.

 

Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội, mặc dù lực lượng chức năng đã có những đợt ra quân, xử lý tại các điểm du lịch, nhưng hiện tượng tiêu cực vẫn diễn ra. Chính vì vậy, để đảm bảo cho du khách, Sở đề nghị UBND Hà Nội tiếp tục chỉ đạo Công an thành phố, quận Hoàn Kiếm và các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra tại các điểm tham quan, lưu trú của khách du lịch.

 

Từ đó lực lượng chức năng kịp thời xử lý nghiêm khắc các tổ chức, cá nhân có hành vi lừa đảo, chèo kéo, đeo bám, chặt chém, trộm cắp đối với du khách.

 

Đã đến lúc cần có chế tài xử phạt theo hướng tăng nặng hơn cũng như các biện pháp quyết liệt hơn đối với các đối tượng “chặt chém” du khách. Đồng thời, phải tính đến việc huy động sự tham gia của cộng đồng dân cư tại các điểm du lịch (đặc biệt là khu vực phố cổ quận Hoàn Kiếm) nhằm góp phần khôi phục lại hình ảnh tốt đẹp của du lịch thủ đô trong mắt bạn bè quốc tế.

 

 

Theo PetroTimes

 

 

Trang tin doanh nghiệp: http://doanhnghiep24hvn.com

 

 

 

26 comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

*

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>