bột lá nếp
cao chè vằng quảng trị
Tin Nóng doanh nghiệp
bột màu thực phẩm hoa đậu biếc
Người đàn bà trăm tuổi

Người đàn bà trăm tuổi

Do vậy, câu chuyện hàn huyên đầu tiên giữa những người cao tuổi thường là câu chuyện thời gian mà gắn với thời gian là những hồi niệm.


Người năm nay trăm tuổi chính là bà Hoàng Thị Minh Hồ, hay theo cách gọi xưa thường theo tên chồng là bà quả phụ Trịnh Văn Bô. Hai ông bà đều là dân Hà Nội gốc, cùng một năm sinh, 1914. Cụ ông đã “trăm tuổi” theo nghĩa bóng từ một phần tư thế kỷ trước (mất năm 1988). Cụ bà năm nay tròn trăm tuổi theo nghĩa đen mà vẫn tự phục vụ mình chưa cần đến người dắt đỡ. Trí nhớ vẫn minh mẫn, một vài chuyện thường ngày có thể lẫn, nhưng những ký ức về quá khứ thì như in trong trí não.

Khẽ chạm vào ký ức, nhất là thời đoạn lịch sử đã gắn kết gia đình ông bà Trịnh Văn Bô với vận mệnh của quốc gia và cách mạng, cái thời gây dựng nền dân chủ, cộng hoà và độc lập vào mùa Thu năm 1945 ấy, thì trí nhớ của cụ bà trăm tuổi dường như không suy suyển. Cụ có thể nói ngay con số một tháng 3 ngày (từ 24 tháng Tám đến 27 tháng Chín năm 1945), cụ Hồ và các vị yếu nhân của cuộc cách mạng đã sống và làm việc tại tư gia của mình - số nhà 48 Hàng Ngang, Hà Nội với biết bao những chi tiết về từng con người và nhất là kỷ niệm về cụ Chủ tịch trong những ngày thảo bản Tuyên ngôn Độc lập. 


Cụ có thể nói con số tổng thể và những chi tiết cụ thể về những đóng góp của gia đình mình và những đồng bào của mình, chủ yếu là các nhà công thương Hà Nội với những món tiền, số vàng hay vải vóc, vật dụng, cả vũ khí để góp cho cách mạng. Cụ có thể kể chi tiết từng món vàng trao cho từng viên tướng Tàu Tưởng để chúng không nhũng nhiễu, yên ổn rút quân khỏi nước ta theo hiệp ước đã ký kết với Pháp...


Cứ hằng năm, khi các nhà báo hay các nhà viết sử muốn khơi lại cái không khí lịch sử cho dịp kỷ niệm ngày Cách mạng tháng Tám hay muốn hiểu thêm về cụ Hồ, thì câu chuyện trong ký ức của bà lại được kể lại. Dường như tuổi càng cao, những người cùng thời với bà ngày một hiếm thì vẫn những câu chuyện cũ ấy lại được nhắc đến như chưa hề cũ... Trong những năm qua, chính tôi cũng nhiều lần đến gặp bà để làm cái việc mà nhiều đồng nghiệp đã làm.

Nhưng gặp những người cũ như mẹ tôi, người đàn bà trăm tuổi này dường như chỉ muốn tìm lại những cái gì đã mất, những ký ức không phải quan trọng hơn mà chính là cội nguồn để có những ký ức tốt đẹp của một thời gắn bó với cách mạng.

 

Mẹ tôi cũng sinh ra tại Hà Nội nhưng về làm dâu phố Hàng Đường vào những năm đầu của thập niên 40 của thế kỷ trước. Hai phố liền kề nhau trên cái trục đường có tuyến đường xe điện nối từ ngã tư Hàng Đậu là phố Hàng Giấy qua cổng chợ Đồng Xuân đi thẳng tới bờ hồ Hoàn Kiếm với các tên phố Hàng Đường, Hàng Ngang và Hàng Đào được coi là cái xương sống của khu phố cổ, khu Kẻ Chợ buôn bán rồi được phân nhánh thành những phố ngang, phố dọc và chia cắt thành nhiều phố nhỏ, ngõ nhỏ khác... 

Vì thế, người hàng phố quen nhau ít ai gọi tên cúng cơm mà thường gọi nhau bằng tên cửa hàng, cửa hiệu mà nay ta hay dùng chữ là “thương hiệu”. Nhà tôi gần chợ Đồng Xuân hồi đầu bán đồ khô nhưng rồi cũng theo trào lưu từ phía Hàng Đào lan toả mà thành hiệu bán vải giống như gia đình bà Hồ. Cửa hàng nhà tôi nhỏ nhưng cũng có cái tên hiệu là “Mỹ Tín” cũng nhập vải vóc từ các tỉnh phía Nam hay len “Bon Pasteur” từ bên Pháp. Gia đình bà Hồ buôn bán lớn hơn rất nhiều nhưng cũng chỉ có cái tên “Phúc Lợi” có quan hệ làm ăn với nhiều bạn hàng lớn ở nước ngoài... Ngày xưa nhắc đến cái tên hiệu là chứa đựng cả uy tín của con người và nghề nghiệp, thậm chí dòng họ nên gọi nhau bằng thương hiệu là  cả một sự trân trọng.

Nói thêm , “Phúc Lợi” là thương hiệu mà cả hai ông bà Trịnh Văn Bô được cụ thân sinh có tên là Trịnh Phúc Lợi trao khi cho con cái ra ở riêng; các người thân khác của cụ cũng thành đạt với các thương hiệu khác như “Phúc Đồng”, “Phát Đạt”, “Lợi Quyền”... tiếng tăm ở Hà Nội hay “Lợi Hòa” ở Sài Gòn...

Về phía nhà bà Hồ thì dòng dõi đều là người có học cao và hoạt động xã hội. Ngoài cụ thân sinh Hoàng Đạo Phương, bà còn có một người chú chỉ là giáo học nhưng nổi danh là một thủ lĩnh rất uy tín của thanh niên là Hoàng Đạo Thuý - vị tổng thủ lĩnh của phong trào Hướng đạo sinh Việt Nam. Sở dĩ phải nhắc đến tổ chức này vì chính cơ duyên khiến gia đình Trịnh Văn Bô đến với cách mạng là do những huynh trưởng hướng đạo như hai anh em người họ Tạ từng cùng tham gia hướng đạo sinh với người con trai cả của bà làm manh mối với các cán bộ Việt Minh từ tháng 11.1944. 

Bà Hoàng Thị Minh Hồ lại có người chị ruột lấy ông Trịnh Văn Bính là anh ruột ông Trịnh Văn Bô (sau đó ông Bính là Thứ trưởng Bộ Tài chính trong Chính phủ cụ Hồ) và một người chị gái nữa lấy Phó bảng Đặng Văn Hướng từng là Quốc vụ khanh trong Chính phủ cụ Hồ từ năm 1947nhưng lại lỡ bị chết oan trong Cải cách ruộng đất... Cứ đi vào những gia đình Hà Nội xưa mới thấy những mối quan hệ ràng buộc tạo nên một sắc thái riêng.

Tôi nhớ, hồi chúng ta Đổi mới, bắt đầu thừa nhận vai trò của doanh nhân, nói đến văn hoá doanh nghiệp rồi nhắc đến thương hiệu đều tưởng là những gì mới mẻ, thì vị nữ doanh nhân tiêu biểu họ Hoàng này đã  khẳng định rằng thế hệ các doanh nhân xưa (mà cụ Hồ rất tinh tế gọi là các nhà công thương) đã tự tin để gọi mình là “nhà buôn” danh giá chẳng hề thua kém gì các “nhà” khác như nhà văn, nhà báo, nhà khoa học... nhưng cũng rạch ròi để phân biệt với “con buôn”, hiểu theo nghĩa là sự giả danh mà đáng tiếc có một thời chế độ ta đã định danh cho tất cả những ai hoạt động trong lĩnh vực thương nghiệp “phi xã hội chủ nghĩa” đều là con buôn đáng ghét cả!

 

Vợ chồng bà Hoàng Thị Minh Hồ khi còn trẻ.

 

Dường như có một khoảng cách, một sự đứt đoạn của lịch sử, vì thế hệ của ông bà Trịnh Văn Bô đâu quá xưa mà những truyền thống có trong giới công thương, những doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam dù trong xã hội thuộc địa vẫn xác lập và thể hiện một cách hào hùng trong những thời điểm lịch sử. Trong câu chuyện giữa bà Hồ và bà mẹ tôi, những người Hà Nội xưa ấy, đều như có sự nuối tiếc về một thời đã qua. Không phải là nuối tiếc cuộc sống vật chất của tầng lớp những người có may mắn dư giả mà là những giá trị tinh thần và những mối quan hệ thâm tình giữa những người Hà Nội.

Bà Hoàng Minh Hồ từ lâu đã rời những khu phố cổ. Khi kháng chiến bùng nổ cả gia đình bà theo cụ Hồ lên chiến khu kháng chiến, ông tham gia một số công việc với Chính phủ ở Tuyên Quang, bà lên Thái Nguyên thực sự bươn chải để nuôi con vì nhà cửa ở cả vùng tạm chiếm, tiền bạc, của nả đâu còn mà mang theo. 

Trở về Hà Nội sau giải phóng, bà cũng không trở về ngôi nhà cũ ở phố Hàng Ngang nay đã được hiến cho Nhà nước làm di tích lịch sử về Cách mạng và về cụ Hồ; ngôi nhà biệt thự đẹp nhất, to nhất ở đường Hoàng Diệu, cho quân đội sử dụng đến nay vẫn chưa chính thức được trả lại.  Con cái đều trở thành cán bộ nhà nước và bà thì tham gia hoạt động Mặt trận hay Phụ nữ một cách thiện nguyện. Nhưng cuộc sống của người Hà Nội xưa vẫn giữ được sự đàng hoàng, lịch thiệp và nền nếp.

Bà hỏi mẹ tôi: “Phố cổ còn được bao nhiêu người thời ta” (thời ta tức là trước Cách mạng). Mẹ tôi điểm lại chỉ còn 5 hay 6 gia đình; người Hà Nội thuở ấy tản mát hết rồi: Người di cư vào Nam hay ra nước ngoài, người tha phương qua những lần cải tạo... Người tứ xứ tạo nên Hà Nội là chuyện của đời nào cũng thế, nhưng đến đây giữ được những cái được coi là hồn cốt tạo nên lớp người Hà Nội xưa như gia đình ông bà Trịnh Văn Bô nay là không tưởng. Người Hà Nội mới có lẽ sẽ tạo nên cái hay của thời đại mới nhưng mất đi cái tốt của người Hà Nội xưa cũng là đáng tiếc, nhất là cái tình người mà từ đấy mới có cái tình đồng bào, tình dân tộc. Bởi lẽ, những điều mà gia đình bà cũng như nhiều người Hà Nội đã làm gần 70 năm trước như một lẽ tự nhiên tạo nên cả một trang sử đẹp.

Câu chuyện của các bà giờ đây chỉ là những hoài niệm xưa, về những món ăn gia chánh, về cách ướp chè, về cảnh vật và những con người xưa nay đã khuất nẻo gần hết. Ngồi nghe câu chuyện của các bà, của một thế hệ sắp qua hẳn để đi vào lịch sử, nhìn người đàn bà đã trăm tuổi né tránh nói đến câu chuyện hôm nay, rồi né tránh nói đến cả những câu chuyện lịch sử từng làm nên cả một biểu tượng đáng tự hào của một thời... tôi thực sự cảm thấy cái đứt đoạn của lịch sử...

Chia tay chủ nhà của toà biệt thự ở phố Hoàng Diệu, ngôi nhà mà gia đình ông bà Trịnh Văn Bô tậu từ năm 1942 của người chủ cũ vốn là chủ Sở Hoả xa người Pháp vì buồn không có con mà bán đi để lên Đà Lạt sinh sống; bà Hoàng Thị Minh Hồ nói rằng gia đình bà trở về mái nhà xưa chỉ bằng một tấm giấy phép lương tâm nhưng chưa được luật pháp xác nhận. Một tòa nhà vốn nguy nga đang tàn tạ dần trong sự mòn mỏi chờ đợi một cái gì còn rất vời vợi tựa như sự  kiếm tìm lại cái niềm tin đã phôi phai, bà Hoàng Thị Hồ ôm mẹ tôi một cách hiền hậu theo lối chị em ngày xưa, như một cuộc chia tay để hẹn gặp nhau ở nơi khác... rất xa Hà Nội.

Trên đường về, nhìn phố xá loang loáng trôi qua sau cửa kính xe, mẹ tôi luôn miệng hỏi: “Đây là đâu hở con?”, cho dù xe đang chạy ngay trên những lối xưa đi về trong lòng Hà Nội khi bà còn trẻ...

 

Theo Lao động

 

Trang tin doanh nghiệp: http://doanhnghiep24hvn.com

 

 

 

26 comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

*

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>